Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Trà Vinh, ngày 05 tháng 01 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIỐNG, THỨC ĂN, HÓA CHẤT, THUỐC THÚ Y THỦY SẢN, CHẾ PHẨM SINH HỌC SỬ DỤNG TRONG NUÔI TÔM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã có nhiều cố gắng nhằm tạo điều kiện cho kinh tế thủy sản phát triển. Tuy nhiên, năm 2012 dịch bệnh chết sớm do hội chứng hoại tử gan tụy đã xảy ra trên tôm sú nuôi, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ, tôm giống thả nuôi kém chất lượng, không qua kiểm dịch; thuốc thú y thủy sản, thức ăn nuôi thủy sản, chế phẩm sinh học, hóa chất, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi thủy sản kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hóa chất cấm còn lưu thông trên thị trường và cung cấp cho người nuôi chưa được quản lý tốt.

Hội nghị tổng kết nuôi tôm nước lợ năm 2012 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại tỉnh Bến Tre, bước đầu xác định nguyên nhân gây tôm chết sớm, xuất hiện hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi là:

- Tôm giống có chất lượng xấu, nhiễm Vibrio với tỷ lệ khá cao, một số tôm giống có dấu hiệu bất thường ở gan tụy, thậm chí đã hoại tử gan tụy cấp.

- Nhiều chế phẩm sinh học sử dụng trong sản xuất giống, nuôi tôm có chất lượng không đảm bảo; Sự hiện diện một số vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio với mật độ cao trong một số loại chế phẩm sinh học đặc biệt nguy hiểm.

- Các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan, ô nhiễm hữu cơ và sự hiện diện của thuôc bảo vệ thực vật,... dù không phải là tác nhân trực tiếp gây chết sớm và hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi nhưng cũng đóng vai trò quan trọng làm ảnh hưởng đến sự bùng phát và mức độ trầm trọng của dịch bệnh.

Từ đầu vụ nuôi năm 2013 đến nay, giống tôm sú, tôm chân trắng nhập tỉnh đưa vào nuôi phần lớn không trình báo kiểm dịch nên rất khó kiểm tra chất lượng giống, đặc biệt là giống tôm chân trắng. Việc áp dụng quy trình nuôi và sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản của người dân chưa thực hiện theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, chưa chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường nuôi.

Để quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, đúng quy định, phục vụ tốt cho nghề nuôi tôm nhằm khôi phục sản xuất, hạn chế thiệt hại và tổn thất cho người nuôi tôm sú, tôm chân trắng trong năm 2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Củng cố lại Ban Chỉ đạo Nuôi thủy sản của tỉnh đảm bảo đủ thành phần, năng lực chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản đồng bộ cả 3 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt. Định hướng đa dạng đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp với từng vùng nhằm hạn chế rủi ro trước áp lực dịch bệnh trên tôm nuôi như hiện nay.

- Phối hợp với địa phương tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nuôi tôm theo quy trình hướng dẫn; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định có liên quan đến nuôi trồng thủy sản.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường cán bộ chuyên môn xuống địa bàn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn người dân phương pháp phòng, trị bệnh cũng như xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

- Tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống tôm sú, tôm chân trắng nhập tỉnh và sản xuất tại địa phương đảm bảo giống lưu thông trên thị trường đạt chất lượng.

- Xây dựng kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi để chủ động ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

- Thường xuyên chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành được thành lập theo Quyết định số 1674/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2009 và Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dàn tỉnh Trà Vinh theo dõi và kiểm tra việc thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đạt hiệu quả.

- Phối hợp với Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá chất lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, kiên quyết xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh không đúng quy định.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tổ chức củng cố hoặc thành lập mới Ban Chỉ đạo Sản xuất nuôi thủy sản của huyện phối hợp với Ban Chỉ đạo Nuôi thủy sản của tỉnh để chỉ đạo thực hiện phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn có hiệu quả.

- Củng cố hoặc thành lập mới Đội kiểm tra liên ngành huyện, trong đó có sự tham gia hỗ trợ của lực lượng Thanh tra viên của Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện và xử lý vi phạm theo quy định.

- Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức theo dõi nắm tình hình, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giống thủy sản và vật tư thủy sản trên địa bàn xã theo quy định. Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nắm rõ nguyên nhân, các giải pháp nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, quản lý chặt chẽ việc tổ chức hội thảo của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất, chế phẩm sinh học trên địa bàn huyện, tổ chức kiểm tra việc tuân thủ lịch thời vụ, theo dõi và báo cáo kịp thời tình hình thả nuôi và phát triển các đối tượng thủy sản, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xã, thị trấn có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các CQCM thuộc UBND tỉnh;
- Các cơ quan đoàn thể tỉnh;
- Báo Trà Vinh, Đài PT&TH Trà Vinh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, các PCVP.UBND tỉnh;
- TTTH - CB tỉnh;
- Các PNC;
- Lưu VT, NN

CHỦ TỊCH




Trần Khiêu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2013 về tăng cường công tác quản lý giống, thức ăn, hóa chất, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

  • Số hiệu: 02/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/01/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Trần Khiêu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản