Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-BTTTT | Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BẢO ĐẢM THÔNG TIN LIÊN LẠC PHỤC VỤ CHO CÁC SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI QUAN TRỌNG CỦA VIỆT NAM NĂM 2020
Năm 2020, Việt Nam sẽ diễn ra rất nhiều sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước; là năm tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020), cũng trong năm tất cả các địa phương trong cả nước tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII dự kiến tổ chức vào năm 2021. Về công tác đối ngoại, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đây là trách nhiệm to lớn và cũng là cơ hội để quảng bá các thành tựu kinh tế, văn hóa cũng như nâng tầm quan trọng về địa chính trị của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Về lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin, Bộ TT&TT sẽ chủ trì và phối hợp với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm Thế giới số - ITU Digital World 2020, với chủ đề “Cùng nhau xây dựng thế giới số", theo đó Việt Nam sẽ là nước đầu tiên đăng cai tổ chức sự kiện này với tên gọi mới. Hội nghị dự kiến thu hút sự tham gia của trên 5.000 đại biểu tới từ hơn 100 nước thành viên ITU, bao gồm hơn 300 Lãnh đạo cấp cao như Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan quản lý viễn thông, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn, giới công nghiệp, các hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và giới truyền thông toàn cầu.
Để chủ động trong công tác bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cho các sự kiện chính trị - xã hội dự kiến diễn ra trong năm 2020, đồng thời có các biện pháp ứng phó hiệu quả trong trường hợp xảy ra sự cố gián đoạn thông tin liên lạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Doanh nghiệp viễn thông
- Tổ chức triển khai thực hiện phương án bảo đảm mạng lưới viễn thông công cộng hoạt động thông suốt, trong đó đặc biệt chú trọng đến các địa điểm: sân bay, các khách sạn đại biểu lưu trú, các điểm du lịch, di tích lịch sử, các trục đường quốc lộ, tuyến phố chính tại các thành phố tổ chức sự kiện (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang...),
- Thường xuyên rà soát, bảo dưỡng định kỳ các hệ thống thiết bị, đường truyền; bố trí đủ kênh, đủ luồng đảm bảo cho hạ tầng mạng lưới và dịch vụ viễn thông (cố định, Internet, di động, vệ tinh) hoạt động tốt; tăng cường dung lượng truyền dẫn quốc tế để đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan, tổ chức, phóng viên và người dân.
- Xây dựng các phương án tối ưu dự phòng phân tải, ứng cứu tình huống, sự cố bất thường gây tắc nghẽn các mạng và dịch vụ viễn thông (cố định, Internet, di động, vệ tinh); chủ động tăng cường đủ lực lượng, phương tiện vật tư, thiết bị; tổ chức thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực điều hành, trực ca, trực ứng cứu thông tin, trực vận hành khai thác mạng viễn thông.
- Xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng: tăng cường giám sát, sẵn sàng trực 24/7 phối hợp xử lý khi có tấn công mạng, lợi dụng Internet để gây kích động, biểu tình; ngăn chặn các nội dung thông tin độc hại tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Hội nghị, sự kiện. Tham gia khắc phục sự cố, ứng cứu kịp thời không để ngưng trệ thông tin khi nhận được thông tin điều phối từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Báo cáo kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai với Sở Thông tin và Truyền thông địa phương hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) để kịp thời tháo gỡ.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Cục Viễn thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông triển khai nội dung của Chỉ thị nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ cho các hội nghị, sự kiện nêu trên theo yêu cầu của Bộ TT&TT.
- Phối hợp với các Sở TT&TT địa phương, các cơ quan, ban, ngành tổ chức hội nghị, sự kiện trong công tác điều phối để đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc của phóng viên và người dân trong thời gian diễn ra các hội nghị, sự kiện.
- Phối hợp với Cục An toàn thông tin và cơ quan chức năng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ hội nghị, sự kiện.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; báo cáo Bộ trưởng Bộ TT&TT các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ.
b) Cục Tần số Vô tuyến điện
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai cấp giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện cho các đoàn ngoại giao đến Việt Nam tham dự hội nghị, sự kiện.
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp rà soát, xử lý can nhiễu tần số trên mạng viễn thông công cộng và các địa điểm tổ chức các hội nghị, sự kiện; xử lý kịp thời nhiễu có hại, đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong thời gian diễn ra hội nghị, sự kiện.
c) Cục Bưu điện Trung ương
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và doanh nghiệp doanh nghiệp viễn thông thiết lập hạ tầng thông tin liên lạc tại địa điểm tổ chức hội nghị, sự kiện theo yêu cầu của cơ quan, ban, ngành tổ chức.
- Thường xuyên rà soát, bảo dưỡng định kỳ các hệ thống thiết bị, đường truyền của mạng thông tin dùng riêng của Đảng, Nhà nước phục vụ thông tin liên lạc cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các đầu mối trực thuộc quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành cơ mật và trong các trường hợp khẩn cấp.
d) Cục An toàn thông tin
- Chủ trì điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; hướng dẫn doanh nghiệp viễn thông triển khai phương án đảm bảo an toàn thông tin phục vụ hội nghị, sự kiện.
- Làm đầu mối của Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong công tác ứng cứu sự cố, bảo an toàn thông tin phục vụ hội nghị, sự kiện.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tại địa phương (nếu có) tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp ngành TT&TT triển khai tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cho các hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn.
- Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị cần kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc, chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông để giải quyết./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Công điện 659/CĐ-TTg về việc phòng, chống xâm hại cáp viễn thông ngầm trên biển và bảo đảm thông tin liên lạc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1149/BBCVT-VT về tổ chức triển khai Công điện số 659/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai khẩn cấp việc phòng, chống xâm hại cáp viễn thông ngầm trên biển, bảo đảm thông tin liên lạc do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành
- 3Công văn 10829/VPCP-KSTT năm 2018 về thông tin liên lạc của cán bộ đầu mối do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Công điện 659/CĐ-TTg về việc phòng, chống xâm hại cáp viễn thông ngầm trên biển và bảo đảm thông tin liên lạc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1149/BBCVT-VT về tổ chức triển khai Công điện số 659/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai khẩn cấp việc phòng, chống xâm hại cáp viễn thông ngầm trên biển, bảo đảm thông tin liên lạc do Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành
- 3Công văn 10829/VPCP-KSTT năm 2018 về thông tin liên lạc của cán bộ đầu mối do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 02/CT-BTTTT về bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cho các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của Việt Nam năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- Số hiệu: 02/CT-BTTTT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 03/01/2020
- Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
- Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra