Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 02/CT-BQP

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔNG KẾT THỰC HIỆN LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ, PHÁP LỆNH VỀ LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN VÀ PHÁP LỆNH DÂN QUÂN TỰ VỆ

Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 30 tháng 12 năm 1981, sửa đổi, bổ sung năm 1990, năm 1994 và năm 2005; Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 27 tháng 8 năm 1996; Pháp lệnh về Dân quân tự vệ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoá IX) thông qua ngày 09 tháng 01 năm 1996, Pháp lệnh Dân quân tự vệ số 19/2004/PL-UBTVQH11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoá IX) thông qua ngày 29 tháng 4 năm 2004.

Trong những năm qua, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đơn vị đã quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và Pháp lệnh Dân quân tự vệ; góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và Pháp lệnh Dân quân tự vệ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước sự phát triển về mọi mặt của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, sự phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng.

Để không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng DQTV, dự bị động viên và nâng cao chất lượng tuyển quân làm cơ sở sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự, xây dựng Luật lực lượng dự bị động viên và Luật Dân quân tự vệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị:

1. Tổng kết việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên và Pháp lệnh Dân quân tự vệ giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2008 ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là bộ, ngành), Ủy ban nhân dân các cấp và đơn vị quân đội; không tổ chức tổng kết cấp Nhà nước.

a. Nội dung tổng kết: Tập trung đánh giá kết quả thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, Pháp lệnh Dân quân tự vệ; làm rõ những hạn chế, tồn tại, vướng mắc chỉ rõ những nguyên nhân, rút ra được bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo những năm qua, đề xuất được những chủ trương, biện pháp, đổi mới trong xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ và tuyển quân; điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách đồng bộ phù hợp với thực tiễn, tiếp tục xây dựng được các đề án, chương trình hành động, các giải pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng DQTV và công tác tuyển quân trong những năm tiếp theo đạt kết quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 8 (khóa 9) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc và đường lối của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã xác định về tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

b. Thời gian tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên và Pháp lệnh Dân quân tự vệ ở các cấp: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) và đơn vị cơ sở xong trong tháng 4 năm 2008; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện), cấp sở, ngành và đơn vị tương đương xong trong tháng 6 năm 2008; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) xong trong tháng 8 năm 2008; Bộ Tư lệnh các quân khu, các bộ, ngành xong trong tháng 9 năm 2008.

2. Tổ chức tổng kết:

a. UBND cấp xã, UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh, tổ chức tổng kết Luật nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên và Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

Các cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh, cấp huyện có lực lượng tự vệ tổ chức tổng kết Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

b. Các bộ, ngành tổ chức tổng kết Pháp lệnh Dân quân tự vệ từ các cơ quan, tổ chức thuộc quyền có lực lượng tự vệ đến cấp bộ, ngành.

Đối với các bộ, ngành được Chính phủ giao chỉ tiêu xây dựng lực lượng dự bị động viên tổ chức tổng kết Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên kết hợp với tổng kết Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

c. Các đơn vị quân đội tổ chức tổng kết Luật Nghĩa vụ quân sự và Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên từ cấp trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn và tương đương đến cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng.

d. Cấp quân khu: trên cơ sở tổng kết của các tỉnh trên địa bàn và các đơn vị trực thuộc tổ chức tổng kết Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

3. Cơ quan quân sự địa phương các cấp, ban chỉ huy quân sự các cơ quan, tổ chức làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện tổng kết đạt chất lượng, hiệu quả thiết lực, an toàn, tiết kiệm.

4. Tổng cục Chính trị chủ trì, phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan liên quan hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, đơn vị quân đội xem xét lựa chọn những cá nhân, tổ chức, đơn vị tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và Pháp lệnh Dân quân tự vệ để khen thưởng. Mỗi nội dung tổng kết được khen thưởng riêng. Hình thức khen thưởng: Giấy khen, Bằng khen, Huân chương bảo vệ Tổ quốc. Cấp quyết định khen thưởng thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng.

5. Kinh phí bảo đảm cho tổng kết:

a. Đối với các địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm.

b. Đối với các bộ, ngành do ngân sách của các bộ, ngành bảo đảm.

c. Đối với các đơn vị quân đội thuộc Bộ Quốc phòng lập dự toán kinh phí bảo đảm cho tổng kết, báo cáo về Bộ Quốc phòng theo chế độ hiện hành.

6. Bộ Tổng Tham mưu chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện Chỉ thị này; giúp Bộ phối hợp các bộ, ngành Trung ương và các địa phương nghiên cứu đề xuất những chủ trương chính sách đồng bộ để tiếp tục đưa nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng DQTV và công tác tuyển quân chất lượng tổng hợp ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

Nhận được Chỉ thị này, các quân khu, địa phương, đơn vị tổ chức tổng kết chặt chẽ, đúng quy định và báo cáo kết quả về Bộ Quốc phòng (qua Bộ Tổng Tham mưu) trước ngày 15 tháng 10 năm 2008.

 

 

Nơi nhận:
- TT Chính phủ (để b/c);
- VPQH, VPCP, VP TW Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Thủ trưởng BQP;
- BTTM, TCCT, TCHC, TCKT, TCKTQP, TC2;
- Văn phòng BQP, Văn phòng BTTM;
- UBND, BCHQS các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị đầu mối trực thuộc BQP;
- Các đơn vị đầu mối thuộc BTTM;
- Các đơn vị đầu mối thuộc TCCT;
- Cục Tài chính, Vụ Pháp chế BQP;
- Lưu: VT.

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Phùng Quang Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-BQP về tổng kết thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và Pháp lệnh dân quân tự vệ do Bộ tưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 02/CT-BQP
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phùng Quang Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản