Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2013/CT-UBND

Đắk Lắk, ngày 03 tháng 05 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là khâu then chốt trong quá trình thực hiện yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật. Qua hơn hai năm thực hiện Thông tư số 03/2010/TT-BTP ngày 03/3/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Quyết định số 27/2010/QĐ-UBND ngày 14/10/2010 của UBND tỉnh ban hành Quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, song còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập đó là: nhiều sở, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, chưa coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; việc triển khai chưa được thực hiện một cách kịp thời và chưa có định hướng cụ thể, rõ ràng; việc bố trí biên chế và nguồn lực, điều kiện hoạt động chưa đảm bảo nên hiệu quả chưa cao v.v...

Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đồng thời triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các văn bản liên quan khác; qua đó, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ thị các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc những nội dung sau:

1. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, chủ động tổ chức nghiên cứu quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Sở Tư pháp:

a) Trình UBND tỉnh ban hành các văn bản QPPL, kế hoạch triển khai thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ; hàng năm, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và tổ chức thực hiện; giúp UBND tỉnh tổ chức điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước cấp trên.

b) Giúp UBND tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, địa phương trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của UBND tỉnh hàng năm với Bộ Tư pháp.

c) Tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá và xử lý các thông tin về tình hình thi hành pháp luật do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp; tham mưu tổng hợp, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, địa phương với UBND tỉnh và Bộ Tư pháp.

d) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông mở chuyên mục phản ánh tình hình thi hành pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

đ) Phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong việc thành lập Phòng Pháp chế theo Đề án triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm theo Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 02/8/2012 của UBND tỉnh (sau đây gọi là Quyết định số 1712/QĐ-UBND), để tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (trong đó có nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật).

3. Sở Nội vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong việc thành lập, kiện toàn tổ chức pháp chế, bố trí cán bộ pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo đúng nội dung Quyết định số 1712/QĐ-UBND.

b) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác quy định tại Khoản 4 Chỉ thị này.

4. Các cơ quan chuyên môn thuộc của UBND tỉnh:

a) Tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành và lĩnh vực được phân công; phối hợp với Sở Tư pháp trong việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với các vấn đề, lĩnh vực có liên quan.

b) Tập trung thành lập, kiện toàn tổ chức pháp chế để thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 và Đề án triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm theo Quyết định số 1712/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

c) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, gắn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

d) Tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá và xử lý các thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực quản lý do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp; cung cấp các thông tin, báo cáo liên quan đến đánh giá, sơ kết, tổng kết thi hành pháp luật của ngành, lĩnh vực cho Sở Tư pháp để tổng hợp tình hình thi hành pháp luật chung của tỉnh.

đ) Hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực do mình quản lý gửi Sở Tư pháp trước ngày 05/10 để tổng hợp xây dựng báo cáo của UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo đúng thời gian quy định, số liệu báo cáo tính từ ngày 01/10 của năm trước đến ngày 30/9 của năm thực hiện báo cáo.

5. UBND cấp huyện:

a) Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm. Kết quả thực hiện Kế hoạch phải báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để tổng hợp vào báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật chung của tỉnh; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của UBND tỉnh và cơ quan Nhà nước cấp trên trên địa bàn quản lý.

b) Chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng cấp, giúp UBND cấp huyện thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý tại địa phương; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp xã tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn quản lý.

c) Chỉ đạo UBND cấp xã, bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn quản lý; tổ chức triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo nội dung tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và kế hoạch của UBND cấp trên; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý gửi về UBND cấp huyện (thông qua Phòng Tư pháp) để tổng hợp vào báo cáo chung của địa phương.

d) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn; mở chuyên mục phản ánh tình hình thi hành pháp luật đối với những địa phương có Trang thông tin điện tử, đối với những địa phương chưa có Trang thông tin điện tử thì xây dựng các hình thức tiếp nhận thông tin về tình hình thi hành pháp luật phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng địa phương.

đ) Tổ chức tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá và xử lý các thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi địa phương quản lý do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn quản lý cung cấp; thường xuyên cung cấp cho Sở Tư pháp các thông tin, báo cáo liên quan đến đánh giá, sơ kết, tổng kết thi hành pháp luật trên địa bàn quản lý để tổng hợp tình hình thi hành pháp luật chung của tỉnh.

e) Hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương gửi Sở Tư pháp trước ngày 05/10 để tổng hợp xây dựng báo cáo của UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo đúng thời gian quy định, số liệu báo cáo tính từ ngày 01/10 của năm trước đến ngày 30/9 của năm thực hiện báo cáo.

g) Bảo đảm về kinh phí và các điều kiện khác cho việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương.

6. Đề nghị Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp, chỉ đạo việc phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; định kỳ 6 tháng, hàng năm cung cấp thông tin, số liệu, báo cáo về kết quả điều tra, truy tố, xét xử trên địa bàn cho cơ quan tư pháp cùng cấp để tổng hợp tình hình thi hành pháp luật chung của địa phương.

7. Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và cá nhân vào công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên. Quá trình thực hiện nếu phát sinh những vướng mắc phải kịp thời báo cáo với UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để chỉ đạo giải quyết. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện và báo cáo kết quả với UBND tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
+ Cục Kiểm tra văn bản QPPL;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh:
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Sở Tư pháp; Các sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Báo Đắk Lắk; Đài PT & TH tỉnh;
- UBND cấp huyện;
- Website tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LđVP;
+ Các P ch. môn; TTTHCB;
- Lưu: VT.NCm.90.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Trọng Hải