Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2013/CT-UBND

 Cần Thơ, ngày 20 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Những năm qua, hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố có tốc độ phát triển khá nhanh; từng bước đáp ứng nhu cầu của xã hội về thông tin liên lạc, truy cập dữ liệu, vận chuyển hàng hóa; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các thế lực thù địch và đối tượng phạm tội không ngừng lợi dụng hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin để vận chuyển hàng cấm, phát tán tài liệu phản động, tuyên truyền, kích động chống phá chế độ, phá hoại an ninh mạng... gây thiệt hại về kinh tế, dao động về tư tưởng, làm mất ổn định, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau đây:

a) Thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong việc quản lý bảo vệ các công trình phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn;

b) Tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân hiểu rõ trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tổ chức phát động rộng khắp phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, không để lộ, lọt thông tin bí mật của Đảng và Nhà nước;

c) Ủy ban nhân dân quận, huyện tăng cường chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;

d) Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ gửi Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (trừ trường hợp báo cáo đột xuất hoặc theo yêu cầu).

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thực hiện Chỉ thị, hướng dẫn nội dung, hình thức tuyên truyền; biên soạn, phát hành đề cương, tài liệu phục vụ tốt công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật liên quan đến hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

b) Tăng cường phối hợp với Công an thành phố, Cục Hải quan, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực IV, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các ngành liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

c) Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước trong các hoạt động sản xuất; kinh doanh và sử dụng thiết bị bưu chính, viễn thông;

d) Trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố quyết định huy động một phần hay toàn bộ cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin để phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

3. Công an thành phố:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông điều tra khảo sát, đánh giá, xác định những mục tiêu, địa bàn trọng điểm để chỉ đạo xây dựng kế hoạch tăng cường công tác bảo vệ an toàn mạng lưới và an ninh thông tin;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông xây dựng các phương án bảo vệ phòng, chống cháy nổ, tuần tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất cơ sở hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông; phương án phối hợp hành động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra;

c) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng mạng lưới trong hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn quản lý;

d) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra phá án kịp thời, hiệu quả để đưa ra xét xử nghiêm minh tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, các vụ trộm cắp cáp viễn thông, trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính;

đ) Khi cần thiết chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai lực lượng công an canh gác bảo vệ các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng khác về cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia;

e) Kịp thời thông báo với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và nhân dân về những âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn tội phạm lợi dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông để xâm phạm đến an ninh quốc gia; bảo vệ tài sản công và các lợi ích hợp pháp về lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

4. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ mạng lưới thông tin liên lạc của đơn vị mình; tổ chức lực lượng, các trang thiết bị bảo vệ mạng lưới và các công trình viễn thông thuộc quyền quản lý, vận hành, khai thác; tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các đại lý dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm xâm hại đến công trình bưu chính, viễn thông; phối hợp và tạo điều kiện để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, điều tra và xét xử nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

b) Thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông về kế hoạch phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông của đơn vị mình;

c) Phối hợp với các doanh nghiệp khác trên địa bàn trong việc cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện những hành vi xâm hại mạng lưới bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin;

d) Phối hợp với Công an địa phương xây dựng phương án giải quyết các sự cố, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt khi có tình huống khẩn cấp xảy ra như: phá hoại mạng lưới, công trình bưu chính, viễn thông;

đ) Chủ động phối hợp và cung cấp thông tin cần thiết về tuyến cáp, công trình bưu chính, viễn thông bị xâm hại cho các cơ quan có liên quan (Công an các cấp, Sở Thông tin và Truyền thông) để phục vụ cho công tác xác minh, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trộm cắp, phá hoại công trình bưu chính, viễn thông;

e) Xây dựng hệ thống cảnh báo, chống trộm, đảm bảo phát hiện ngay khi có người xâm hại đến công trình bưu chính, viễn thông;

g) Thiết lập đường dây nóng phục vụ việc xử lý nguồn thông tin do người dân cung cấp để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra thiệt hại;

h) Chú trọng việc tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ an toàn mạng lưới, an ninh thông tin;

i) Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ gửi Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (trừ trường hợp báo cáo đột xuất hoặc theo yêu cầu).

5. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố:

Tăng cường phối hợp tổ chức xét xử lưu động các vụ án liên quan đến hành vi trộm cắp, hủy hoại cơ sở hạ tầng và các hành vi khác trong hoạt động bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 12 năm 2013, đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là ngày 25 tháng 12 năm 2013 và thay thế Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT. Thành ủy, TT. HĐND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Công an thành phố;
- Lữ đoàn Thông tin 29 Quân khu 9;
- UBMTTQVN TP và đoàn thể;
- Các sở, ban, ngành TP;
- Các doanh nghiệp BC,VT & CNTTT;
- Báo Cần Thơ;
- Đài PT&TH TP Cần Thơ;
- Trung tâm Công báo;
- Cổng TTĐT thành phố;
- UBND quận, huyện;
- VP UBND thành phố (3C);
- Lưu: VT,ND

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Hùng Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/2013/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 02/2013/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/12/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Lê Hùng Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/12/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 06/03/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản