Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 02/2009/CT-UBND

Vĩnh Yên, ngày 06 tháng 01 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KARAOKE, VŨ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Phát triển Karaoke- vũ trường là nhu cầu cần thiết của xã hội. Các loại hình dịch vụ này phát triển lành mạnh sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá chính đáng của người dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ.

Trong thời gian qua, hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối mạnh mẽ, tác động đến đời sống văn hóa xã hội, bước đầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; công tác quản lý hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp. Các chủ cơ sở kinh doanh đã có ý thức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nhiều cơ sở đã có sự đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và trang thiết bị phục vụ. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa nói chung và hoạt động karaoke, vũ trường nói riêng được chú trọng và tăng cường; các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động karaoke, vũ trường từng bước được hạn chế.

Tuy nhiên Vĩnh Phúc là tỉnh đang trong quá trình đô thị hoá, trong thời gian qua việc vi phạm các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường còn khá phổ biến: Nhiều cơ sở kinh doanh không có giấy phép, địa điểm kinh doanh không đủ diện tích, thiết bị âm thanh ánh sáng chưa đảm bảo; không có cam kết an ninh trật tự, hoạt động quá giờ, tiếng ồn vượt quá quy định ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt của người dân, sử dụng băng đĩa không có tem nhãn... Có cơ sở kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận đã môi giới mại dâm, bán rượu cho khách uống trong phòng hát... dẫn đến mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

 Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật có liên quan tới lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa nói chung và hoạt động karaoke, vũ trường nói riêng chưa được làm thường xuyên; nhiều chủ cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động karaoke, vũ trường chưa chặt chẽ, hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa kịp thời; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác liên quan tới các hoạt động này còn nhiều bất cập.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, từng bước quản lý các hoạt động văn hoá- dịch vụ văn hóa theo đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng pháp luật về hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng tới mọi tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực nay, đặc biệt là hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường.

2. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm

a) Xây dựng Quy hoạch các điểm dịch vụ Karaoke, vũ trường tỉnh Vĩnh Phúc phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh và Quy hoạch của các ngành, lĩnh vực có liên quan để quản lý và định hướng phát triển loại hình dịch vụ này trong giai đoạn mới trình UBND tỉnh phê duyệt.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thành, thị quản lý các hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng trên địa bàn tỉnh theo Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

c) Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị:

- Thực hiện việc phân cấp quản lý Nhà nước theo Quyết định số 1802/QĐ- CTUBND ngày 22/6/2007 của UBND tỉnh về việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động Karaoke cho Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện việc phân cấp quản lý lĩnh vực nói trên.

- Tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng của các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn.

- Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng.

d) Định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu báo cáo UBND tỉnh về tình hình hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng trên địa bàn tỉnh.

3. Công an tỉnh có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn lực lượng công an các cấp tiến hành kiểm tra về an ninh, trật tự các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường theo quy định của Nghị định số 08/2001/NĐ- CP ngày 22/02/2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các quy định pháp luật khác có liên quan.

b) Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

3. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường công tác phòng chống tệ nạn xã hội; phối hợp với lực lượng công an các cấp tổ chức triệt phá ổ nhóm mại dâm trong các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường; kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng vi phạm các quy định pháp luật về lao động.

4. Đề nghị Uỷ ban MTTQ, các tổ chức, doàn thể dẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.

5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo việc triển khai thực hiện nội dung của Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng trên địa bàn.

b) Chỉ đạo phòng Văn hoá và Thông tin triển khai việc quản lý các hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá cộng cộng theo sự phân cấp của UBND tỉnh.

c) Chỉ đạo công an xã phối hợp với Trưởng ban văn hoá xã kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh Karaoke- vũ trường trên địa bàn.

d) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng trên địa bàn.

đ) Định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu báo cáo UBND tỉnh (Thông qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) về tình hình hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo đề xuất) để kịp thời giải quyết./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/2009/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

  • Số hiệu: 02/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/01/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/01/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản