Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 02/2009/CT-UBND

Pleiku, ngày 26 tháng 5 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ HOÀN THÀNH VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, LẬP HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng; đã xây dựng được một số tư liệu về bản đồ và quy hoạch sử dụng đất; các chính sách về giao đất, thuê đất, thu hồi đất đã ban hành được các tổ chức, hộ gia đình cá nhân đồng thuận, chấp hành tốt; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được kịp thời; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là đối với hộ gia đình cá nhân đạt được những kết quả nhất định. Tính đến cuối năm 2008, đã cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đạt 58,4%; cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức đạt 31,7%.

Tuy nhiên, đa số các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chưa thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân còn quá chậm; công tác lập hồ sơ địa chính chưa đồng bộ, v.v...

Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 07/2007/QH 12 của Quốc hội, hoàn thành xây dựng hồ sơ địa chính phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo Chỉ thị số 02/2008/CT-BTNMT ngày 04/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị như sau:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a. Đối với những huyện chưa có Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT-BTNMT-BNV, yêu cầu lập Đề án thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập trước ngày 30/8/2009.

b. Đối với các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, thì tiến hành rà soát, kiện toàn bộ máy, bố trí đủ nhân lực và các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

c. Rà soát các văn bản do địa phương ban hành liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sửa đổi theo đúng quy định của Luật Đất đai và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Trong đó: đặc biệt chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng “một cửa liên thông”, không được yêu cầu người sử dụng đất nộp thêm các loại giấy tờ của hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận ngoài quy định của Luật Đất đai và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã ban hành; không giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái thẩm quyền; bảo đảm thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận tối đa không vượt quá quy định của Luật Đất đai; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất cho cá nhân (đối tượng cần cấp) trước ngày 31/10/2009.

d. Tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn năm 2011-2020, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kì 2011-2015; lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh. Trong đó: xác định rõ khối lượng và mục tiêu hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính (đo mới, đo chỉnh lý bổ sung), cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính trong từng quý, từng năm đối với từng xã, phường, thị trấn.

e. Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản pháp luật về đất đai; có kế hoạch cụ thể để thực hiện việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho toàn thể đội ngũ cán bộ chuyên môn về quản lý đất đai, đặc biệt là cán bộ địa chính cấp xã và nhân viên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để bảo đảm sự ổn định, tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

f. Chỉ đạo UBND cấp xã tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất cấp xã giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất cấp xã thời kì 2011-2015; chủ động kiểm tra, đôn đốc, vận động tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt việc kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, không thụ động chờ họ đến làm thủ tục như hiện nay; cho phép ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định.

g. Kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo cấp xã trong việc xét duyệt cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm việc xét duyệt được thực hiện kịp thời, dứt điểm, không để dây dưa kéo dài quá thời hạn quy định.

h. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các loại đất, cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hồ sơ địa chính, tổ chức thực hiện tốt việc đăng ký biến động và chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp theo đúng quy định tại Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính.

i. Chủ động bố trí kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất và các nguồn đầu tư, vốn sự nghiệp thuộc ngân sách theo phân cấp để thực hiện các yêu cầu trên. Nếu địa phương nào không đủ kinh phí bố trí để thực hiện thì kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh để xem xét, cân đối bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2010 theo Nghị Quyết số 07/2007/QH12 của Quốc hội.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a. Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai giai đoạn 2009-2015 trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để thực hiện. Có kế hoạch đẩy nhanh việc đo vẽ bản đồ địa chính phục vụ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ưu tiên các nguồn lực để tập trung chỉ đạo thực hiện việc đo vẽ bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận còn thấp (nhất là đối với đất ở, đất chuyên dùng và đất lâm nghiệp). Các xã chưa có kế hoạch thực hiện việc đo vẽ bản đồ địa chính trước năm 2010 thì khai thác sử dụng bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 hoặc thực hiện trích đo địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không chờ có bản đồ địa chính. Đo vẽ xong bản đồ địa chính đến đâu phải cấp giấy chứng nhận và lập hồ sơ địa chính đến đó. Các xã đã có bản đồ địa chính chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa đáng kể cho việc cấp giấy chứng nhận thì phải rà soát, chỉnh lý biến động để thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính trong năm 2009.

b. Đối với các tổ chức sử dụng đất phi nông nghiệp: Hoàn thiện kết quả kiểm kê quỹ đất của các tổ chức theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện ngay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm hoàn thành trước Quý IV năm 2009. Các trường hợp đang có tranh chấp, bị lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì đề xuất thanh tra, kiểm tra và lập phương án để xử lý. Đối với tổ chức sử dụng đất nông - lâm nghiệp: sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh về việc sắp xếp, đổi mới các Nông - lâm trường quốc doanh, cần phối hợp với tổ chức sử dụng đất và sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập thủ tục thu hồi phần đất không còn sử dụng chuyển trả lại cho địa phương theo quy định tại Thông tư số 04/2005/TT-BTNMT ngày 18/7/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; lập thủ tục giao (cho thuê) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất để lại của các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng.

c. Tiếp tục rà soát thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính ở các địa phương, có ý kiến đề xuất bổ sung cho Đề án hoàn thiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”.

d. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp xã để bảo đảm nguyên tắc mọi thửa đất đã cấp giấy chứng nhận phải được thể hiện đầy đủ, thống nhất các thông tin trong hồ sơ địa chính ở các cấp.

e. Thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2011-2020; hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định.

3. Sở Nội vụ:

a. Hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện về xây dựng Đề án thành lập Văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.

b. Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường xem xét lại một số tuyến địa giới hành chính các cấp có sự sai khác, đề xuất hướng xử lý.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chỉ đạo hoàn thành dứt điểm việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh theo quy định (tại: Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về đổi mới, sắp xếp và phát triển nông lâm trường quốc doanh; Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về đổi mới, sắp xếp và phát triển lâm trường quốc doanh; Thông tư số 04/2005/TT-BTNMT ngày 18/7/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường) để phân định rõ ranh giới, diện tích đất giao cho nông trường, lâm trường sử dụng và hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này trong năm 2009.

Phần diện tích dôi, dư sau khi sắp xếp lại các nông, lâm trường phải lập thủ tục thu hồi, giao lại đất cho Ủy ban nhân dân huyện, xã nơi có đất để quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai hiện hành.

5. Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai: Phối hợp với các sở ngành chức năng lập kế hoạch và thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai dưới nhiều hình thức (thông qua các diễn đàn, báo chí, phát thanh, truyền hình, tờ rơi, v.v...) để người dân nhận thức được trách nhiệm trong việc đăng ký đất đai, quyền lợi khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tự giác làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, thủ tục về biến động đất đai theo quy định của pháp luật đất đai.

6. Thanh tra tỉnh: Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chấp hành các quy định của Luật đất đai trong việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở tất cả các cấp để phát hiện, xử lý và khắc phục kịp thời các sai phạm trong quá trình thực hiện.

7. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan đề xuất giải quyết kinh phí để thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lí đất đai giai đoạn 2009-2015; đề xuất giải quyết về các nghĩa vụ tài chính đối với người dân.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư Pháp; Thanh tra tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai; các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/2009/CT-UBND về đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu: 02/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/05/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Phạm Thế Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản