Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2003/CT-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 2 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

Hơn 10 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai trong cả nước và đã thu được một số kết quả khả quan : hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS được hình thành và sớm đi vào hoạt động; các biện pháp can thiệp trong lĩnh vực y tế được triển khai đồng bộ; nhận thức về HIV/AIDS và công tác phòng, chống HIV/AIDS của nhân dân đã có những chuyển biến tích cực.... Mặc dù vậy, dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục gia tăng và lan rộng trên khắp các tỉnh, thành phố, 80% số huyện và hơn 50% số xã trên toàn quốc. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay cả nước đã có trên 59.000 người nhiễm HIV, trong đó trên 8.700 người đã tiến triển thành bệnh AIDS và hơn 4.800 người bị chết do AIDS.

Số người bị nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh chủ yếu là do sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, đặc biệt là mại dâm, ma túy; sự phối hợp về phòng, chống HIV/AIDS giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; sự nhìn nhận của cộng đồng đối với người bị nhiễm HIV/AIDS chưa đầy đủ; việc quản lý, chăm sóc, điều trị người bị nhiễm HIV/AIDS chưa vào nề nếp, công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS chưa được sâu rộng, các biện pháp phòng ngừa còn yếu, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở cơ sở chưa thật sự hiệu quả.

Để khắc phục các tồn tại nói trên, nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; hướng dẫn nhận thức của cộng đồng theo hướng cảm thông, chia sẻ, không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tránh tâm lý sợ hãi trong nhân dân; gia đình thương yêu, chăm sóc người thân bị nhiễm HIV/AIDS; giáo dục lối sống lành mạnh, thực hành và duy trì các hành vi tình dục và tiêm, chích an toàn trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ.

2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý trẻ em, người mại dâm, người nghiện ma túy bị lây nhiễm HIV/AIDS đang ở trong các cơ sở giáo dưỡng, giáo dục, trại giam, trại tạm giam và nhà tạm giữ; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp dự phòng có hiệu quả nhằm giảm sự lây nhiễm HIV/AIDS từ các nhóm người có nguy cơ cao ra cộng đồng.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý, chăm sóc, giáo dục đối với trẻ em, người mại dâm, người nghiện ma túy bị lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng; chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương, phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp quản lý, tư vấn, chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS ở cộng đồng và trong các cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Trung tâm Bảo trợ xã hội.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định dự toán và cấp đầy đủ, kịp thời kinh phí cho các hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch ngân sách được Chính phủ phê duyệt hàng năm; ưu tiên đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và các biện pháp can thiệp ở cộng đồng. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành xây dựng chương trình với nội dung phù hợp về phòng, chống HIV/AIDS và tổ chức giảng dạy trong tất cả các loại trường học.

6. Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Củng cố, kiện toàn tổ chức phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo thống nhất một đầu mối, nhằm đạt hiệu quả cao trong chỉ đạo và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

b) Tăng cường các hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại, hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Đẩy mạnh công tác giám sát dịch tễ HIV/AIDS, an toàn truyền máu, điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con; phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tăng cường phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế.

c) Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức nghiên cứu và xây dựng dự án sản xuất thuốc điều trị HIV/AIDS trình Chính phủ phê duyệt.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và có kiến nghị bổ sung, sửa đổi Pháp lệnh phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Thực hiện đúng các cam kết quốc gia, quốc tế của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Y tế tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/2003/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 02/2003/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/02/2003
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản