Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 01-HC/5 | Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 1969 |
Trong những năm vừa qua, các hoạt động thể dục thể thao, thể thao quốc phòng và vệ sinh phòng bệnh trong công nhân, viên chức đã góp phần vào việc giữ gìn sức khỏe, đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu; gây không khí vui tươi và sinh hoạt lành mạnh. Tuy nhiên phong trào thể dục thể thao không đều, không thường xuyên, nhất là phong trào thể dục vệ sinh và thể dục sản xuất ở nhiều nơi còn rất yếu, chưa thu hút được đông đảo quần chúng tập luyện, chất lượng tập luyện còn kém. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về ý nghĩa và tác dụng của thể dục thể thao chưa được quán triệt trong công nhân, viên chức và trong cán bộ lãnh đạo, còn khuynh hướng chỉ chú trọng thể thao, mà coi nhẹ thể dục, chưa thấy phải dựa trên cơ sở đẩy mạnh phong trào thể dục mà phát triển các môn thể thao. Việc tổ chức chỉ đạo ở cơ sở chưa có nền nếp, thiếu động viên liên tục, thiếu một đội ngũ hướng dẫn viên đông đảo để làm nòng cốt trong việc duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng của phong trào; ban thể dục vệ sinh các cấp ở nhiều nơi không họp đều và hoạt động thiếu thường xuyên
Để tích cực thi hành Chỉ thị số 156-CT/TW ngày 20-11-1967 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc bảo vệ và tăng cường sức khỏe cán bộ, công nhân, viên chức, Tổng công đoàn Việt Nam, Ủy ban Thể dục Thể thao, Bộ Y tế và trung ương đoàn thanh niên lao động Việt Nam nhất trí mở cuộc vận động cán bộ, công nhân, viên chức tập thể dục và vệ sinh phòng bệnh nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe, nâng cao năng suất lao động trong cán bộ, công nhân, viên chức.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CUỘC VẬN ĐỘNG
1. Vận động đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức tập thể dục và thực hiện vệ sinh, phòng bệnh một cách có nền nếp, thường xuyên và hướng dẫn tốt để bảo vệ, tăng cường sức khỏe một cách tích cực, giảm tỷ lệ ốm đau, phục vụ tốt sản xuất, chiến đấu và đời sống, tạo điều kiện để bảo đảm ngày công theo chế độ và giờ công có ích cao, nhằm không ngừng tăng năng suất lao động, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.
2. Góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh, tươi vui, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật trong cán bộ, công nhân, viên chức. Trên cơ sở đẩy mạnh phong trào tập thể dục và vệ sinh phòng bệnh có chất lượng mà phát triển các hoạt động thể dục thể thao khác.
1. Thể dục buổi sáng (hoặc sau khi ngủ dậy).
Chủ yếu tập theo bài thể dục vệ sinh nam và nữ do Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành năm 1969.
2. Thể dục sản xuất.
Chủ yếu tập theo 4 bài mẫu phù hợp với ngành, nghề: cơ khí, nửa cơ khí, lao động chân tay và hành chính sự nghiệp do ban Thể dục Thể thao Tổng công đoàn phổ biến hồi cuối năm 1968. Ngoài ra, có thể áp dụng các bài thể dục sản xuất do anh chị em ở các cơ sở biên soạn, phù hợp với các ngành, nghề khác, nhằm chống mệt mỏi, giữ vững năng suất lao động chống bệnh nghề nghiệp. (Trong khi biên soạn và trước khi áp dụng cần tranh thủ sự hướng dẫn của cơ quan thể dục thể thao).
Thể dục buổi sáng và thể dục sản xuất phải coi trọng cả hai mặt: mở rộng phong trào và nâng cao chất lượng tập luyện, làm cho phong trào vừa có tính quần chúng rộng rãi, vừa có tính khoa học. Vận động tập thể dục và giữ vệ sinh cần kết hợp với việc rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn 5 môn và các môn thể thao khác… tùy điều kiện của địa phương và cơ sở. Phải lấy việc tập luyện thể dục thường xuyên và có chất lượng làm cơ sở để đẩy mạnh các môn thể thao và các hoạt động thể thao cũng phải kết hợp với phong trào thể dục. Cần khắc phục khuynh hướng chỉ chú trọng thể thao mà coi nhẹ thể dục.
Song song với phong trào thể dục, cần đẩy mạnh phong trào vệ sinh yêu nước chống Mỹ (xây dựng và sử dụng tốt 3 công trình vệ sinh cơ bản, thực hiện tốt tiêm chủng phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn ở, vệ sinh công cộng, vệ sinh lao động v.v…).
Gồm tất cả nam nữ cán bộ, công nhân, viên chức các lứa tuổi trong đơn vị. Mọi người đều có nhiệm vụ tập thể dục, giữ gìn vệ sinh để tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Đoàn viên thanh niên cần phát huy tác dụng làm nòng cốt cho phong trào, hăng hái tình nguyện làm hướng dẫn viên.
Nội dung, khối lượng tập luyện phải vận dụng cho phù hợp với sức khỏe của từng người. Thời gian tập luyện cũng cần phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt của từng nơi. Chú ý, tổ chức tập thể dục tập thể ở tổ sản xuất, đội, phòng, ban và khu, xóm, gia đình. Đặc biệt tổ chức tốt việc tập thể dục sản xuất cho những người làm ca kíp (kể cả ca 3) vào những giờ thích hợp.
IV. BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH CUỘC VẬN ĐỘNG
1. Cần tuyên truyền cho mọi người thấy rõ ý nghĩa, mục đích cuộc vận động tập thể dục và vệ sinh phòng bệnh trong cán bộ, công nhân, viên chức.
Tổ chức phổ biến lời kêu gọi tập thể dục của Hồ Chủ Tịch và Chỉ thị số 156-CT/TƯ của Trung ương Đảng về việc giữ vững và tăng cường sức khỏe trong cán bộ, công nhân, viên chức, ngoài ra còn cần phải phổ biến kiến thức khoa học phổ thông về thể dục và vệ sinh, làm cho mọi người thông suốt mà tự nguyện tự giác tập thể dục và giữ gìn vệ sinh công cộng, vệ sinh cá nhân.
2. Bồi dưỡng và đào tạo thật nhiều hướng dẫn viên thể dục và vệ sinh viên để đủ người hướng dẫn cho các tổ, các nhóm. Các cấp lãnh đạo cần quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ và hướng dẫn viên hoạt động, không để ảnh hưởng đến sản xuất, nghề nghiệp và đời sống của họ.
3. Tùy điều kiện của cơ sở và địa phương mà từng thời gian tiến hành kiểm tra phong trào thể dục, khen thưởng kịp thời để động viên phong trào được rộng rãi, liên tục với khí thế sôi nổi hào hứng.
4. Tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, thể dục thể thao và y tế các cấp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ để thực hiện các biện pháp trên. Cụ thể ở mỗi cấp như sau:
A. Ở tổ, đội, phòng, ban.
- Cần phổ biến mục đích, ý nghĩa việc tập luyện thể dục giữ gìn vệ sinh để tăng cường sức khỏe, bảo đảm ngày công, giờ công, nâng cao năng suất lao động và hiệu suất công tác;
- Lựa chọn người làm hướng dẫn viên và củng cố mạng lưới vệ sinh viên;
- Hướng dẫn các bài tập cho quần chúng, hướng dẫn những điều cần thiết về vệ sinh phòng bệnh;
- Tổ chức giờ tập và nơi tập cho hợp lý;
- Đặt thành chỉ tiêu thi đua của tổ công đoàn và phân đoàn thanh niên.
B. Ở phân xưởng và các đơn vị tương đương.
- Tuyên truyền động viên, hướng dẫn tập thể dục và vệ sinh phòng bệnh rộng rãi trong phân xưởng, trong đơn vị;
- Tổ chức bồi dưỡng mạng lưới hướng dẫn viên thể dục vệ sinh viên cho các tổ, đội, tạo điều kiện cho họ hoạt động;
- Tổ chức thi đua tập luyện và giữ gìn vệ sinh giữa các tổ, đội.
C. Ở cơ sở, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, cơ quan.
- Có kế hoạch phát động duy trì và phát triển phong trào tập thể dục, giữ gìn vệ sinh cho cả đơn vị;
- Tuyên truyền, động viên rộng rãi và đôn đốc, hướng dẫn phong trào, rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm trong toàn đơn vị;
- Bồi dưỡng các hướng dẫn viên thể dục, vệ sinh viên cho các phân xưởng và các đơn vị trực thuộc, tạo điều kiện cho các hướng dẫn viên hoạt động;
- Tổ chức thi đua, khen thưởng phong trào tập thể dục và vệ sinh phòng bệnh ở các phân xưởng và các đơn vị trực thuộc.
D. Ở khu tập thể và xóm gia đình
- Tổ chức giờ tập và nơi tập cho thích hợp (chú ý: đối với người làm ca 3 không nên làm trở ngại đến giấc ngủ ban ngày của họ);
- Đưa việc tập thể dục và vệ sinh phòng bệnh vào nội quy của khu tập thể và xóm gia đình;
- Tổ chức những người tích cực làm hướng dẫn viên thể dục, vệ sinh viên ở khu tập thể và xóm gia đình.
E. Ở tỉnh, thành.
- Ban thể dục, thể thao tỉnh, thành, sở, ty y tế phối hợp cùng liên hiệp công đoàn và tỉnh, thành đoàn thanh niên, có kế hoạch mở cuộc vận động tập thể dục, giữ gìn vệ sinh, tăng cường sức khỏe, nâng cao năng suất lao động trong cán bộ, công nhân, viên chức của địa phương. Cần chuẩn bị tốt để có thể hoạt động vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm 1969.
Ban thể dục, thể thao tỉnh, thành, ty, sở y tế phối hợp cùng với liên hiệp công đoàn và tỉnh, thành đoàn thanh niên tổ chức việc bồi dưỡng cho cán bộ thể dục và vệ sinh viên của cơ sở, nắm vững các bài tập mẫu, cách thức giữ gìn vệ sinh và phương pháp vận động quần chúng để về làm nòng cốt cho phong trào tập thể dục và giữ vệ sinh ở cơ sở. Các lớp bồi dưỡng này cần làm ngắn, gọn và thiết thực.
Ban thể dục, thể thao tỉnh, thành và ty, sở y tế chịu trách nhiệm bồi dưỡng kỹ thuật chuyên môn bảo đảm tính khoa học của các bài thể dục, của các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, liên hiệp công đoàn, tỉnh, thành đoàn thanh niên, ban thể dục thể thao tỉnh, thành và ty y tế phải cùng nhau bàn định, thống nhất kế hoạch tổ chức lớp học, nguyên tắc lựa chọn và cử người đi học hướng dẫn viên, thống nhất chương trình thời gian huấn luyện.
Ban thể dục thể thao tỉnh, thành và ty, sở y tế cử ra một số cán bộ chuyên lo về cuộc vận động này cùng với cán bộ thể dục thể thao của liên hiệp công đoàn và đoàn thanh niên để chỉ đạo ở một vài điểm, cùng nhau rút kinh nghiệm phổ biến kinh nghiệm.
- Bốn bên có trách nhiệm cùng nhau từng thời gian sơ kết, tổng kết, bàn biện pháp duy trì, phát triển phong trào và nâng cao chất lượng tập luyện, giữ gìn vệ sinh.
F. Ở ngành dọc gia thông vận tải và hậu cần.
Công đoàn cần bàn với chuyên môn và đoàn thanh niên để tiến hành cuộc vận động tập thể dục, giữ gìn vệ sinh cho phù hơp với đặc điểm sản xuất và tổ chức của ngành.
Cuộc vận động tập thể dục, giữ gìn vệ sinh, tăng cường sức khỏe, nâng cao năng suất lao động trong cán bộ, công nhân, viên chức sẽ tiến hành trong hai năm 1969-1970 nhằm đưa phong trào tập thể dục, phong trào vệ sinh yêu nước chống Mỹ của cán bộ, công nhân, viên chức ở đa số đơn vị phát triển và thu hút đa số công nhân, viên chức tập luyện thường xuyên, có nền nếp, có hướng dẫn và nâng cao được chất lượng tập luyện.
Đây là cuộc vận động có ý nghĩa lớn đối với việc bảo vệ và tăng cường sức khỏe của cán bộ, công nhân, viên chức, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh, tươi vui.
Ban thể dục thể thao tỉnh, thành, các ty, sở y tế, liên hiệp công đoàn tỉnh, thành và tỉnh, thành đoàn thanh niên cần có kế hoạch tích cực thi hành chỉ thị này. Cuối năm 1969 tiến hành nhận định hồ sơ và đút rút kinh nghiệm vận động phong trào; cuối năm 1970 sẽ tổng kết toàn bộ cuộc vận động. Từng thời gian cần báo cáo kết quả về Tổng công đoàn. Ủy ban Thể thao thể thao. Bộ Y tế và Trung ương đoàn thanh niên.
KT. CHỦ NHIỆM | TM. TRUNG ƯƠNG ĐOÀN THANH NIÊN LAO ĐỘNG VIỆT NAM |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ | TM. TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM |
- 1Nghị định 194-CP năm 1964 ban hành điều lệ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 64-LĐ/NĐ năm 1957 quy định thể lệ khai trình về việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ an toàn trong các xí nghiệp tư doanh do Bộ trưởng Bộ Lao Động ban hành.
- 3Chỉ thị 01/2002/CT-UB về việc tăng cường quản lý, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
- 1Nghị định 194-CP năm 1964 ban hành điều lệ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 64-LĐ/NĐ năm 1957 quy định thể lệ khai trình về việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ an toàn trong các xí nghiệp tư doanh do Bộ trưởng Bộ Lao Động ban hành.
- 3Chỉ thị 01/2002/CT-UB về việc tăng cường quản lý, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
Chỉ thị 01-HC/5 năm 1969 về cuộc vận động tập thể dục, giữ gìn vệ sinh, tăng cường sức khỏe, nâng cao năng suất lao động trong cán bộ, công nhân, viên chức do Bộ Y tế, Uỷ ban Thể dục Thể thao, Tổng Công đoàn Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam ban hành.
- Số hiệu: 01-HC/5
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 16/05/1969
- Nơi ban hành: Bộ Y tế, Tổng Công đoàn Việt Nam, Uỷ ban Thể dục Thể thao, Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam
- Người ký: Đỗ Trọng Giang, Nguyễn Văn Tín, Lưu Minh Châu, Vương Bích Vượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 31/05/1969
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra