ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND | Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN “NĂM TRẬT TỰ VÀ VĂN MINH ĐÔ THỊ 2014”
Trong những năm qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và tăng cường công tác quản lý, nâng cấp, chỉnh trang đô thị; thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp chấn chỉnh kỷ cương pháp luật, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa của người Hà Nội. Bộ mặt đô thị của Thủ đô ngày một hiện đại khang trang; các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội được bảo tồn, phát huy; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và ý thức trách nhiệm của người dân được nâng lên.
Tuy nhiên, đô thị Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập: Hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu; ở nhiều nơi còn “nhếch nhác, lộn xộn”; nhiều tuyến đường, tuyến phố không đảm bảo vệ sinh môi trường, tình trạng vứt rác, xả nước thải bừa bãi còn phổ biến; lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, trông giữ xe không phép, trái phép diễn ra hầu như trên tất cả các tuyến đường, tuyến phố; Quảng cáo, rao vặt tùy tiện gây mất mỹ quan đô thị; Cây xanh, chiếu sáng đô thị, chiếu sáng cảnh quan công trình nhiều nơi chưa sáng, xanh, sạch, đẹp. Về trật tự an toàn giao thông, nhiều nơi đường chưa thông, hè chưa thoáng; tổ chức giao thông ở một số tuyến đường, tuyến phố, nút giao thông còn thiếu hợp lý, chưa khoa học; lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm, xuống cấp, hư hỏng, sụt lún cũng gây ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị và tổ chức giao thông; Tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông vẫn còn nhiều, như: đi sai làn đường, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ cho phép, vượt đèn đỏ, uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, chở cồng kềnh, quá tải, diễn ra phổ biến... Tình trạng ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; ý thức chấp hành các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh thương mại, du lịch, công sở, giữ gìn vệ sinh môi trường của một số tổ chức, cá nhân có nhiều lúc, nhiều nơi thực hiện không tốt làm mất đi hình ảnh của một Thủ đô văn hiến, mất đi nét đẹp, thanh lịch của người Hà Nội.
Nhằm khắc phục những tồn tại trên, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố đã xác định chủ đề hành động của năm 2014 là “Năm trật tự và văn minh đô thị” với mục tiêu tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của từng người dân Thủ đô.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị:
1. Các cấp, các ngành Thành phố nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị và xây dựng nếp sống văn minh, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau
a) Thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường để Thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp
- Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường.
- Thực hiện nghiêm các quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố về quản lý và sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, môi trường; các quy định về quản lý quảng cáo, rao vặt. Thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường, đảm bảo trật tự, kỷ cương, mỹ quan đô thị.
- Tổ chức tháo dỡ mái che, mái vẩy, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt làm mất mỹ quan đô thị; Thực hiện quảng cáo theo quy định; Kiên quyết dẹp bỏ họp chợ, kinh doanh buôn bán, để vật liệu xây dựng, rửa xe, trông, gửi xe ô tô, xe máy trên hè, đường không đúng quy định.
- Tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch chỉnh trang đô thị. Cải tạo hạ ngầm, sắp xếp lại đường dây cáp điện lực, thông tin liên lạc. Triển khai Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị. Cải tạo, nâng cấp một số công viên, vườn hoa. Tiếp tục duy trì, vận hành tốt hệ thống chiếu sáng hiện có, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị trên các tuyến đường, phố của các quận và thị trấn, thị tứ.
- Lắp đặt thêm một số nhà vệ sinh công cộng tại các khu vực thường xuyên tập trung đông người, khách du lịch, khách vãng lai, phù hợp với cảnh quan đô thị và vệ sinh môi trường.
- Các đơn vị vệ sinh môi trường có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, tuyến phố, khu dân cư. Thu dọn, vận chuyển kịp thời, không để rác thải tồn đọng trong ngày. Lòng đường vỉa hè luôn sạch sẽ; không có nước đọng, rác thải trên lòng đường, vỉa hè. Vệ sinh các thùng rác công cộng, các xe gom rác đảm bảo mỹ quan đô thị.
- Thực hiện tốt phong trào tổng vệ sinh hàng tuần tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; các khu tập thể, tổ dân phố, khu dân cư. Tạo thói quen không vứt rác ra đường, bảo vệ chăm sóc cây xanh, tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt, thành nếp sống đẹp của người Thủ đô.
b) Tăng cường trật tự an toàn giao thông, đảm bảo đường thông, hè thoáng
- Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông, các tuyến đường vành đai, đường trục chính đô thị, các cầu qua sông, cầu vượt nhẹ với phương án tổ chức giao thông hợp lý nhằm phát huy tối đa hiệu quả của mạng lưới đường, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
- Rà soát việc tổ chức giao thông để thực hiện việc phân làn, phân luồng, sơn kẻ hướng dẫn giao thông, lắp đặt các biển báo, biển hiệu theo đúng quy hoạch và quy định, bảo đảm khoa học, thuận tiện và mỹ quan đô thị. Chấn chỉnh hoạt động của các bến xe, điểm đỗ xe tĩnh và trông giữ xe trên hè, lòng đường theo đúng quy định. Thực hiện Đề án cải tạo, chỉnh trang hè phố.
- Thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm Luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; hoạt động vận tải taxi, xe khách liên tỉnh, kiên quyết xử lý hiện tượng “xe dù”, “bến cóc”.
- Giải tỏa triệt để các tụ điểm lấn chiếm hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, chợ cóc, chợ tạm, các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, để phương tiện không đúng nơi quy định. Bố trí và hướng dẫn việc dừng, đỗ xe tại cổng các trường học, bệnh viện, công sở, các tụ điểm văn hóa…, đảm bảo sự hợp lý, khoa học, an toàn giao thông, tránh ùn tắc.
- Xử lý nghiêm các trường hợp: xe xích lô hoạt động không đúng quy định; xe máy, xe thồ, xe 3 bánh tự chế, xe tải chở hàng hóa công kềnh, chở thực phẩm tươi sống; các đối tượng điều khiển xe mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định; xe vật liệu và phế thải xây dựng không bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
c) Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội
- Hoàn thành và triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử người Hà Nội; Đẩy mạnh thực hiện “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong giao tiếp ứng xử, nhất là trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa thương mại, cách giao tiếp ở nơi công cộng. Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán không đúng nơi quy định; mọi người khi tham gia giao thông thực hiện đi đúng làn đường, đỗ dừng xe, để xe đúng nơi quy định. Phấn đấu mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô đều là những công dân văn minh, thanh lịch.
- Tiếp tục thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Phong trào “Người tốt - Việc tốt”; những quy định trong xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa. Tổ chức tốt việc xét công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Đẩy mạnh và duy trì hoạt động và nề nếp sinh hoạt văn minh công sở kết hợp với kiểm tra, đánh giá, xử lý thường xuyên.
- Kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực, điểm du lịch, tuyến đường khách du lịch thường tham quan để ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng người ăn xin buôn bán hàng rong, nạn chèo kéo khách du lịch, làm ảnh hưởng đến an toàn của du khách, an ninh trật tự và hình ảnh của Thủ đô.
- Tăng cường các cơ chế, biện pháp quản lý, bảo tồn và phát huy các công trình, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô. Tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, nhất là kinh doanh vũ trường, karaoke quán bar ca nhạc, không để hình thành các tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, mại dâm gây dư luận xấu trong nhân dân.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; lập lại trật tự ở những nơi công cộng, nhất là khu vực chợ dân sinh, nhà ga, bến xe, công viên, vườn hoa. Các trường học và các cơ sở giáo dục tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự học đường. Kịp thời thông báo cơ quan chức năng để xử lý các vụ việc trong và ngoài nhà trường gây mất an ninh trật tự, an toàn trường học.
- Thực hiện các biện pháp, giải pháp tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động của các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố. Tập trung kiểm tra, kiểm soát đưa hoạt động giết mổ, chế biến, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố vào nề nếp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại.
- Chủ động xây dựng và thực hiện tốt các phương án phòng chống cháy, nổ. Có các biện pháp hữu hiệu trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý cháy lớn trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác điều tra cơ bản, rà soát, phân loại các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các kho tàng, bến bãi, phát hiện và yêu cầu khắc phục ngay các tồn tại về công tác PCCC; hạn chế thấp nhất xảy ra cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.
2. Các giải pháp chủ yếu
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành pháp luật
- Các Sở, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn phải quán triệt, nêu cao hơn nữa ý thức tự giác, đặc biệt là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đô thị trong thực thi công vụ. Xây dựng và thực hiện tốt nội quy, quy chế cơ quan đảm bảo văn minh công sở.
- Khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật một cách sâu rộng trong cán bộ, công chức và đến từng thôn, tổ dân phố, địa bàn dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật, xem đây là nghĩa vụ, trách nhiệm của từng cán bộ công chức, của từng công dân góp phần xây dựng Thủ đô trật tự kỷ cương, văn minh đô thị.
- Kịp thời biểu dương những gương tốt, đồng thời đấu tranh, phê phán quyết liệt những hành vi tiêu cực vi phạm trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị.
b) Phát động các phong trào thi đua, tổ chức các đợt ra quân cao điểm
- Phát động các phong trào thi đua, trên các lĩnh vực, các nội dung công việc của “Năm trật tự và văn minh đô thị”, trên cơ sở đó triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.
- Vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, trọng điểm; vừa chú trọng tổ chức các đợt ra quân cao điểm, nhất là nhân dịp tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2014 để tạo ra sự chuyển biến rõ nét và duy trì thường xuyên trật tự, văn minh đô thị.
c) Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành và thực hiện các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm
- Các Sở, ngành Thành phố phải tiếp tục, nghiên cứu cụ thể hóa Luật Thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành để kiến nghị các biện pháp xử lý nghiêm khắc; chế tài mạnh đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm pháp luật.
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đô thị, an toàn giao thông, văn hóa giao tiếp, ứng xử.
3. Tổ chức thực hiện
a) Thành lập Ban Chỉ đạo “Năm trật tự và văn minh đô thị”
Để tập trung chỉ đạo thực hiện tốt “Năm trật tự và văn minh đô thị” Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Phó Ban Chỉ đạo; Các Thành viên là Giám đốc, Thủ trưởng một số Sở, ban, ngành Thành phố; Mời Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội và một số đoàn thể Thành phố tham gia Ban Chỉ đạo.
Giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cấp, các ngành; thường trực chỉ đạo xử lý những phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức và cá nhân về những hành vi, vụ việc vi phạm trật tự và văn minh đô thị.
b) Giám đốc các sở, Thủ trưởng các Ban, ngành Thành phố
Xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” trong phạm vi lĩnh vực được phân công phụ trách; trong đó chọn ra những nhiệm vụ trọng tâm, nhũng khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tạo ra sự chuyển biến rõ nét, hiệu quả thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Một số sở, ngành tập trung vào nhũng nội dung chủ yếu sau:
- Sở Xây dựng: Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị. Chủ trì và phối hợp thực hiện Kế hoạch tăng cường quản lý trật tự xây dựng, vệ sinh và cảnh quan môi trường. Tổ chức thực hiện Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội; Kế hoạch cải tạo nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị, chiếu sáng cảnh quan; hệ thống công viên, vườn hoa của Thành phố.
- Công an Thành phố: Thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 197, Ban chỉ đạo 138 của Thành phố. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt các phương án đảm bảo trật tự an ninh chính trị; trật tự an toàn xã hội, nhất là ở những nơi công cộng; trật tự an toàn giao thông. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, kiên quyết trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
- Sở Giao thông vận tải: Xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy. Tăng cường kiểm tra rà soát, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật. Phối hợp Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức đợt ra quân giải tỏa triệt để các tụ điểm lấn chiếm hè, lòng đường kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện không phép, sai phép; kiểm tra các bến xe, bãi đỗ xe tĩnh, hoạt động vận tải taxi, xe khách liên tỉnh, kiên quyết xử lý hiện tượng “xe dù”, “bến cóc”. Thực hiện Đề án cải tạo, chỉnh trang hè phố.
- Sở Quy hoạch - Kiến trúc: Chủ trì nghiên cứu và phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện quy hoạch chỉnh trang một số tuyến đường, tuyến phố, tập trung các quận nội thành, theo hướng văn minh đô thị.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng kế hoạch cụ thể tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý ô nhiễm môi trường; tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm về quản lý, sử dụng đất, lấn chiếm sông, hồ, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
- Sở Công Thương: Xây dựng và thực hiện Kế hoạch tăng cường quản lý, kiểm tra các chợ, trung tâm thương mại thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện văn minh thương mại, niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường quản lý thị trường, chống hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.
- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Xây dựng và thực hiện Kế hoạch trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh. Tổ chức tốt Trang thông tin “Hanoidep.vn” góp phần gìn giữ văn hóa, nét thanh lịch, sự hào hoa của người Hà Nội, phê phán những hình ảnh chưa đẹp trong đời sống xã hội. Phối hợp các Sở, ngành liên quan Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô, khách du lịch. Hướng dẫn các địa phương xây dựng các quy ước về việc cưới việc tang và lễ hội theo quy định của pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán từng vùng, từng dân tộc.
- Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh, văn hóa trong ứng xử một cách sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật.
- Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố: Chỉ đạo các trường giáo dục học sinh, sinh viên tăng cường giáo dục pháp luật và thực hiện nếp sống văn minh thanh lịch, văn hóa học đường; Gìn giữ các giá trị truyền thống, thẩm mỹ và lối sống lành mạnh; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.
- Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy: Phối hợp tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống cháy nổ; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống cháy, nổ tại các khu dân cư, điểm tập trung đông người, trung tâm thương mại, chợ, kho tàng, cây xăng…; có các phương án về thiết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra cháy nổ.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế & Đô thị và các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự nhận thức sâu sắc của nhân dân Thủ đô về mục đích ý nghĩa và tầm quan trọng của “Năm trật tự và văn minh đô thị”, nhất là trong công tác trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, trật tự xây dựng vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
- Ban Thi đua Khen thưởng Thành phố: Phối hợp các cấp, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát động Phong trào thi đua thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” với sự tham gia hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Phối hợp, đảm bảo kinh phí để sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của “Năm trật tự và văn minh đô thị”.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
- Xây dựng kế hoạch cụ thể, toàn diện và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” trên địa bàn quản lý; trên cơ sở đó chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đến các cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố, đến cán bộ, công chức và nhân dân.
- Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn pháp luật một cách sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật.
- Mỗi quận, huyện, thị xã cần lựa chọn một số tuyến đường, tuyến phố, thị trấn thị tứ để thực hiện chỉnh trang hè, đường; vận động, yêu cầu nhân dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh đô thị; sắp xếp cửa hàng, cửa hiệu, xe máy, xe đạp gọn gàng, để đúng vị trí quy định. Xóa bỏ quảng cáo rao vặt, chỉnh trang mặt trước nhà đảm bảo gọn gàng mỹ quan đô thị.
- Tiếp tục chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” gắn với Phong trào “Người tốt - Việc tốt” một cách rộng khắp, thực chất ở địa phương. Xây dựng kế hoạch cụ thể, tích cực hoàn thành các tiêu chí để công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng (Công an, Thanh tra quận, huyện, thị xã...) tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông và trật tự xây dựng, trật tự đô thị.
d) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc VN Thành phố và các đoàn thể: Phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tích cực tham gia hưởng ứng “Năm trật tự và văn minh đô thị”, nhất là các hoạt động của đợt cao điểm ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị, góp phần tạo sự chuyển biến mới trong công tác quản lý đô thị trên địa bàn Thủ đô.
a) Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm người đứng đầu theo quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
b) Giao Sở Nội vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ định kỳ, đột xuất việc thực thi nhiệm vụ của “Năm trật tự và văn minh đô thị”; kịp thời phát hiện các hành vi nhũng nhiễu, bao che, làm trái pháp luật của cán bộ công chức để xử lý theo quy định, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
5. Triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá, tổng kết
Các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch hoặc chương trình hành động thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” xong trước ngày 25 tháng 01 năm 2014; tổ chức đánh giá việc triển khai và kết quả sau 3 tháng thực hiện xong trước ngày 31/3/2014; thực hiện sơ kết 6 tháng đầu năm trước 15/6/2014 và tổng kết việc thực hiện Chỉ thị trước ngày 15/12/2014. Sở Xây dựng phối hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố giúp Ban chỉ đạo Thành phố lập chương trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị “Năm trật tự và văn minh đô thị” tại các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Để thực hiện tốt “Năm trật tự và văn minh đô thị” đòi hỏi phải có sự đoàn kết đồng thuận và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, Hà Nội và các tầng lớp nhân dân. Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã nghiêm túc quán triệt và tổ chức triển khai ngay nhiệm vụ được giao; đồng thời đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng, các tầng lớp nhân dân thủ đô, nhân dân cả nước và người nước ngoài đến với Thủ đô ủng hộ và tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 2Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do tỉnh Sơn La ban hành
- 3Quyết định 2753/QĐ-UBND năm 2013 công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự" do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Chỉ thị 38/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhân dân và bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 1Nghị định 157/2007/NĐ-CP Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ
- 2Luật Thủ đô 2012
- 3Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 4Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do tỉnh Sơn La ban hành
- 5Quyết định 2753/QĐ-UBND năm 2013 công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự" do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 6Chỉ thị 38/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhân dân và bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 do tỉnh Bình Thuận ban hành
Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2014 thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" do thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 01/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/01/2014
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Thế Thảo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/01/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực