Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 01/CT-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC KIỆN TOÀN MÔ HÌNH TỔ CHỨC, BỘ MÁY VỤ PHÁP CHẾ VÀ CÁC TỔ CHỨC PHÁP CHẾ THUỘC CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH 55/2011/NĐ-CP

Ngày 04 tháng 7 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, theo đó đã quy định về tiêu chuẩn, chế độ người làm công tác pháp chế; hệ thống tổ chức pháp chế Bộ Tài chính, pháp chế tổng cục và tổ chức pháp chế tại các doanh nghiệp nhà nước mà Bộ Tài chính là đại diện Chủ sở hữu phần vốn góp của nhà nước tại Doanh nghiệp. Nghị định cũng bổ sung một số nhiệm vụ công tác pháp chế mới gồm: tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; công tác bồi thường của Nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng; theo dõi việc thi đua khen thưởng trong công tác pháp chế; hợp tác với nước ngoài về pháp luật.

Triển khai thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2944/QĐ-BTC ngày 6/12/2011 về việc phê duyệt Đề án “Kiện toàn và tăng cường năng lực các tổ chức pháp chế ngành tài chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới theo quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP”. Theo đó, việc triển khai được thực hiện theo 03 hoạt động: (i) Khảo sát đánh giá tình hình tổ chức bộ máy và người làm công tác pháp chế của ngành tài chính; (ii) Nghiên cứu đề xuất mô hình hoạt động tổ chức pháp chế ngành tài chính; (iii) Xác định nhu cầu, lập ma trận bố trí người tham gia đào tạo và tổ chức thực hiện đào tạo đáp ứng yêu cầu về người làm công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Căn cứ vào kết quả thực hiện đề án, Bộ trưởng Bộ Tài chính Chỉ thị:

1. Vụ Pháp chế khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy của Vụ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đảm bảo có chuyên môn sâu về tài chính và luật nhằm đáp ứng với điều kiện, tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP.

Trong Quý 1/2013, thực hiện tiếp nhận nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Bộ và triển khai nhiệm vụ này trong toàn ngành Tài chính; đồng thời sớm trình Bộ việc thành lập phòng pháp luật tài chính quốc tế để thực hiện đầy đủ, toàn diện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế Bộ, ngành theo quy định tại Điều 3 Nghị định 55/2011/NĐ-CP.

Làm tốt vai trò hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế đối với các tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương; Cục thuộc Bộ; các doanh nghiệp mà Bộ làm đại diện chủ sở hữu và các tổ chức pháp chế thuộc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Kho bạc nhà nước (sau đây gọi là Tổng cục), căn cứ chức năng, nhiệm vụ công tác pháp chế Tổng cục quy định tại Điều 5 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP để rà soát lại tổ chức bộ máy tổ chức pháp chế của đơn vị mình, đề xuất phương án kiện toàn phù hợp, bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao, bao gồm cả chức năng kiểm soát thủ tục hành chính và tham mưu về pháp luật quốc tế đáp ứng yêu cầu quản lý bằng pháp luật trong lĩnh vực được giao quản lý; thực sự là cánh tay nối dài của Pháp chế Bộ.

Về nguyên tắc, Tổng cục phải thành lập Vụ Pháp chế độc lập; trường hợp chưa đủ điều kiện thì bố trí lồng ghép với Vụ khác nhưng cần phải tách bạch rõ bộ phận pháp chế để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP.

Đối với các đơn vị thuộc Tổng cục đóng tại địa phương, Thủ trưởng đơn vị căn cứ quy mô nhiệm vụ công tác để thành lập tổ chức pháp chế phù hợp. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan bố trí theo nguyên tắc ở những Cục có quy mô lớn, công tác pháp chế phát sinh nhiều thì thành lập Phòng Pháp chế trực thuộc Cục, trường hợp không cần thiết và chưa đủ điều kiện thì tổ chức bộ phận pháp chế đặt tại một phòng có mối quan hệ phù hợp về chức năng, nhiệm vụ; tại cấp Chi cục, đối với những Chi cục có phạm vi quản lý rộng, đối tượng quản lý nhiều thì bố trí tổ, đội để triển khai nhiệm vụ pháp chế tại đơn vị, các Chi cục còn lại thì bố trí người làm công tác pháp chế kiêm nhiệm hoặc chuyên trách.

Kho bạc nhà nước, Tổng cục Dự trữ nhà nước thực hiện bố trí tại đơn vị cấp tỉnh, tương đương cấp tỉnh bộ phận làm công tác pháp chế tại Văn phòng/Thanh tra hoặc tại một phòng thích hợp khác.

3. Đối với các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ

Các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ (sau đây gọi là đơn vị) tùy theo lĩnh vực quản lý hoặc nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ được giao và yêu cầu nhiệm vụ công tác pháp chế tại đơn vị để bố trí lồng ghép công tác pháp chế với Văn phòng hoặc một phòng thích hợp. Trường hợp chưa đủ điều kiện thành lập phòng ghép, phải giao chức năng, nhiệm vụ pháp chế cho một phòng chuyên môn, đảm bảo nguyên tắc có người làm công tác pháp chế tại đơn vị.

4. Đối với các doanh nghiệp mà Bộ Tài chính làm đại diện Chủ sở hữu (sau đây gọi là doanh nghiệp thuộc Bộ), căn cứ tình hình hoạt động của doanh nghiệp và yêu cầu phát sinh để bố trí phòng/ban pháp chế độc lập hoặc lồng ghép với phòng/ban khác có chức năng, nhiệm vụ phù hợp để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 55/2011/NĐ-CP.

II. Về xây dựng đội ngũ người làm công tác pháp chế ngành Tài chính

1. Người làm công tác pháp chế ngành Tài chính phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP. Trường hợp chưa có bằng cử nhân Luật thì phải tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ về công tác pháp chế. Đến năm 2016 về cơ bản phải có trình độ cử nhân Luật.

2. Căn cứ kết quả khảo sát đánh giá tình hình tổ chức bộ máy và người làm công tác pháp chế trong ngành Tài chính và nhu cầu đào tạo của các đơn vị thuộc Bộ, Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ lập danh sách cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ngành Tài chính, xây dựng kế hoạch và trao đổi với các cơ quan có liên quan (Học viện Tư pháp, Học viện tài chính, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính,...) tổ chức các khóa đào tạo về công tác pháp chế cho người làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu người làm công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP.

Đối với những cán bộ làm công tác pháp chế ở vị trí chủ chốt, chưa có bằng cử nhân Luật, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm bố trí cử đi học các lớp đào tạo cử nhân Luật; không vì chưa có bằng cử nhân Luật mà không bố trí, sử dụng được cán bộ.

3. Song song với đào tạo người làm công tác pháp chế theo tiêu chuẩn quy định; hàng năm, căn cứ vào yêu cầu phát sinh để tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên sâu, chuyên ngành, chuyên đề cho người làm công tác pháp chế ngành Tài chính để có đủ năng lực chuyên môn pháp luật thực hiện nhiệm vụ pháp chế được giao.

III. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ vào Chỉ thị này, Thủ trưởng các đơn vị xây dựng mô hình tổ chức pháp chế cụ thể tại đơn vị; đề xuất sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của đơn vị, trình Bộ ban hành văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong hệ thống.

2. Vụ Tổ chức cán bộ căn cứ vào lộ trình, kết quả thực hiện, chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong nhiệm kỳ Chính phủ hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các đơn vị liên quan đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác pháp chế theo Chỉ thị này để thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Hàng năm, phối hợp với Vụ Pháp chế lập kế hoạch đào tạo kiến thức chuyên sâu, chuyên ngành, chuyên đề cho người làm công tác pháp chế ngành Tài chính.

Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính và các cơ sở đào tạo của các Tổng cục thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên sâu, chuyên ngành, chuyên đề cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ngành Tài chính theo kế hoạch được duyệt.

3. Học viện Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng đề án đào tạo chuyên ngành Luật Tài chính để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ pháp chế cho Bộ, ngành và xã hội.

4. Vụ Pháp chế Bộ có trách nhiệm trình Bộ ban hành Quy chế phối hợp trong công tác pháp chế giữa các tổ chức pháp chế để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác pháp chế được giao.

5. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện Chỉ thị phù hợp với chương trình công tác của Bộ, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện, tổng hợp tình hình và định kỳ báo cáo Bộ kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Bộ Tư pháp (để b/c);
- Website Bộ;
- Lưu: VT, PC

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Nghiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 01/CT-BTC năm 2013 kiện toàn mô hình tổ chức, bộ máy vụ pháp chế và tổ chức pháp chế thuộc đơn vị thuộc bộ theo quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 01/CT-BTC
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/02/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Công Nghiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/02/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản