Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2005/CT-BCN | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẢM BẢO CUNG CẤP ĐIỆN AN TOÀN, ỔN ĐỊNH MÙA KHÔ NĂM 2005
Do diễn biến thời tiết không thuận lợi, lưu lượng nước về trung bình tháng tại các hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-80%, lượng nước về Hồ Hoà Bình trong các tháng cuối năm 2004 và đầu năm 2005 thấp nhất trong vòng 40 năm qua; các Hồ Trị An, Thác Mơ, Đa Nhim tần suất nước về đều ở mức 90% - mức nước thấp nhất theo quan trắc từ năm 1952, hạn hán diễn ra trên địa bàn toàn quốc. Tổng lượng nước thiếu hụt so với kế hoạch khoảng 2,2 tỷ m3 (tương đương 892 triệu kWh) tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2004.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, giai đoạn mùa khô năm 2005 nguồn nước sẽ thiếu hụt nghiêm trọng, các Hồ thủy điện phổ biến chỉ tích được 25-50% dung lượng thiết kế. Mặt khác các nguồn điện mới vào vận hành không bù đắp được so với tốc độ tăng nhanh của nhu cầu sử dụng điện được dự báo tăng khoảng 13% so với năm 2004. Khả năng hệ thống điện thiếu năng lượng, thiếu công suất đỉnh vào các giờ cao điểm trong các tháng mùa khô năm 2005 dẫn đến thiếu hụt điện năng cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt có thể xẩy ra.
Để chủ động trong sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng đối phó với tình huống thiếu hụt điện năng có thể xảy ra trong các tháng của mùa khô năm 2005, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, các sở Công nghiệp, các Tổng Công ty, các cơ quan, doanh nghiệp trong toàn ngành Công nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
I. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam
1. Thực hiện phương thức vận hành ổn định, an toàn hệ thống điện, bố trí kế hoạch sửa chữa các nhà máy điện hợp lý nhằm huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than, dầu, tua bin khí và Diesel, huy động hợp lý các nhà máy thủy điện, dự trữ năng lượng cho các tháng cuối mùa khô, đảm bảo đủ điện cho sản xuất của các doanh nghiệp, không để xẩy ra tình trạng mất điện trên diện rộng.
2. Xây dựng phương án huy động các nguồn điện mua ngoài Tổng Công ty như Phú Mỹ 2-2, Na Dương, Formusa và nguồn điện dự phòng của khách hàng trong mùa khô 2005.
3. Lập phương án, giải pháp khắc phục trong trường hợp xẩy ra thiếu điện cho từng khu vực cụ thể.
4. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Quốc gia Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để cập nhật các thông tin về thời tiết, nguồn nước… nhằm chủ động xây dựng phương thức vận hành linh hoạt khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả nguồn nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ cho sản xuất điện và sản xuất nông nghiệp.
5. Tập trung ưu tiên khắc phục tình trạng quá tải các công trình đường dây và trạm biến áp, tăng cường công tác kiểm tra các đường dây truyền tải điện, nâng cao năng lực truyền tải của hệ thống 500kV, kịp thời phát hiện các khiếm khuyết nhằm giảm thiểu sự cố, đẩy nhanh tiến độ đưa đường dây 500kV Đà Nẵng- Hà Tĩnh - Nho Quan- Thường Tín vào vận hành.
6. Chỉ đạo các Công ty Điện lực, Điện lực địa phương giữ nghiêm kỷ luật vận hành, phối hợp với các ngành, các cấp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ biểu đồ phụ tải của các khách hàng.
7. Triển khai thực hiện các biện pháp quản lý phía nhu cầu (DSM) như quản lý phụ tải, đẩy mạnh tiến độ lắp đặt công tơ điện tử nhiều giá, lắp đặt tụ bù để nâng cao hệ số công suất… nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện hợp lý và hiệu quả.
8. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
II. Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Phối hợp với các Công ty Điện lực hoặc Điện lực địa phương xây dựng phương án điều hòa phụ tải theo thứ tự ưu tiên để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra thiếu điện.
2. Tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp tiết kiệm điện, khuyến khích các hộ sử dụng điện vào mục đích sản xuất kinh doanh sử dụng các thiết bị điện hợp lý, giảm công suất vào giờ cao điểm.
3. Xử lý nghiêm đối với khách hàng sử dụng điện vi phạm biểu đồ công suất đã đăng ký.
III. Các Tổng Công ty, cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ
1. Tổng Công ty Dầu khí và Tổng công ty Than Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ và ổn định nhiên liệu cho các nhà máy điện.
2. Xây dựng phương án sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở sản xuất, bố trí các thiết bị sử dụng điện hợp lý, giảm công suất vào giờ cao điểm, chuẩn bị tốt các nguồn phát điện độc lập để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và ổn định sản xuất đề phòng trường hợp xảy ra thiếu điện.
Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Cục, Vụ, các Sở Công nghiệp, các Tổng Công ty, Công ty và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phổ biến triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP |
- 1Quyết định 009/2007/QĐ-BCT công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công nghiệp ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2Công văn 2172/VPCP-CN năm 2017 về cung cấp than cho sản xuất điện do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 2466/GSQL-GQ1 năm 2017 về nhập khẩu than cung cấp cho sản xuất nhiệt điện do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
- 4Công văn 2646/GSQL-GQ1 năm 2017 về nhập khẩu than cung cấp cho sản xuất nhiệt điện do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
- 1Công văn 2172/VPCP-CN năm 2017 về cung cấp than cho sản xuất điện do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 2466/GSQL-GQ1 năm 2017 về nhập khẩu than cung cấp cho sản xuất nhiệt điện do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
- 3Công văn 2646/GSQL-GQ1 năm 2017 về nhập khẩu than cung cấp cho sản xuất nhiệt điện do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
Chỉ thị 01/2005/CT-BCN về đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định mùa khô năm 2005 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- Số hiệu: 01/2005/CT-BCN
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/01/2005
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/01/2005
- Ngày hết hiệu lực: 04/01/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra