Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO 
-------

 

Số: 22/2009/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2009

 

Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống Nhất trong lĩnh vực nhân lực, ký tại Du bai ngày 16 tháng 02 năm 2009, có hiệu lực từ ngày 16 tháng 02 năm 2009.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

BẢN GHI NHỚ

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CÁC TIỂU VƯƠNG QUỐC Ả-RẬP THỐNG NHẤT TRONG LĨNH VỰC NHÂN LỰC

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (sau đây gọi là “các Bên”),

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và giữa nhân dân hai nước, với quan điểm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hiện có giữa hai nước thông qua hợp tác lao động song phương;

Với mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị hiện có giữa hai nước thông qua phát triển hợp tác trong lĩnh vực nhân lực trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi;

Thừa nhận rằng sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nhân lực sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước;

Phù hợp với luật pháp và quy định của mỗi nước;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Trong Bản ghi nhớ này, thuật ngữ “nhân lực” được hiểu là tất cả những lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn được tuyển dụng tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (U.A.E) trong một thời gian nhất định và sau thời hạn đó trở về nước.

Điều 2. Bộ Lao động của U.A.E và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ thực hiện các điều khoản của Bản Ghi nhớ này.

Điều 3. Việc tuyển dụng nhân lực ở Việt Nam và việc nhập cảnh vào U.A.E được điều chỉnh phù hợp với luật pháp, các quy định và thủ tục liên quan của hai nước.

Điều 4. Trong Bản ghi nhớ này, việc bố trí nhân lực là để thực hiện công việc cho người sử dụng lao động như thỏa thuận trong hợp đồng lao động; người lao động được tuyển dụng thông qua lựa chọn phù hợp với nhu cầu của U.A.E và được bảo hộ phù hợp với luật lao động và các quy định hiện hành của U.A.E.

Điều 5. Hồ sơ xin tuyển lao động phải nêu các địa điểm và phẩm chất chuyên môn đối với công việc hoặc đối với các loại hình công việc. Hồ sơ cũng phải ghi rõ các điều kiện cụ thể của việc làm như tiền lương, ăn ở, đi lại và các điều khoản liên quan khác do Bộ Lao động U.A.E xác định.

Điều 6.

1. Các điều khoản và điều kiện việc làm của người lao động ở U.A.E được quy định rõ trong hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Hợp đồng này sẽ nêu rõ các quyền và nghĩa vụ của hai bên và phải phù hợp với các quy định của Luật lao động U.A.E và được Bộ Lao động U.A.E thẩm định và xác nhận.

2. Tất cả các quy định trong hợp đồng lao động ký giữa người lao động và chủ sử dụng sẽ không khác với hợp đồng đã được trình cho Bộ Lao động U.A.E để thẩm định.

3. Một hợp đồng lao động mẫu sẽ Ủy ban hỗn hợp dự thảo như được đề cập ở Điều 10, đây là một phần chức năng của Ủy ban hỗn hợp.

Điều 7. Bản tiếng Ả-rập và bản tiếng Anh của Hợp đồng lao động sẽ là các bản duy nhất có giá trị được Bộ Lao động và các tòa lao động ở U.A.E thừa nhận. Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh từ các điều khoản của Hợp đồng lao động thì bản tiếng Ả-rập sẽ là bản chiếm ưu thế khi vụ việc được trình lên các cơ quan có thẩm quyền của U.A.E.

Điều 8. Người lao động có quyền chuyển tất cả các khoản tiết kiệm của mình về nước hoặc đến bất cứ một nơi nào khác phù hợp với quy định tài chính của U.A.E.

Điều 9. Trong trường hợp tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động thì khiếu nại sẽ được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền ở U.A.E để hòa giải. Nếu không hòa giải được thì vụ việc sẽ được chuyển đến cơ quan tư pháp có thẩm quyền ở U.A.E để giải quyết.

Điều 10. Một Ủy ban hỗn hợp về hợp tác lao động bao gồm một số lượng thành viên bằng nhau từ hai Bộ sẽ được thành lập để thực hiện các điều khoản của Bản Ghi nhớ này. Ủy ban hỗn hợp sẽ tổ chức các cuộc họp làm việc, tham vấn và hội thảo, và sẽ gặp nhau lần lượt ở hai nước, ít nhất một lần một năm hoặc bất cứ khi nào thấy cần thiết.

Điều 11. Bất cứ sửa đổi nào đối với nội dung của Bản Ghi nhớ sẽ được thực hiện bằng văn bản với sự đồng ý của cả hai Bên thông qua đường ngoại giao. Những sửa đổi như vậy sẽ có hiệu lực theo các quy định tại Điều 13.

Điều 12. Bất cứ tranh chấp nào giữa các Bên xảy ra xuất phát từ việc diễn giải hoặc thực hiện Bản Ghi nhớ này sẽ được giải quyết thông qua tham vấn hoặc đàm phán qua đường ngoại giao.

Điều 13.

1. Bản Ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Bản Ghi nhớ này có hiệu lực trong bốn năm và mặc nhiên được gia hạn cho bốn năm tiếp theo trừ khi một Bên thông báo cho Bên kia về mong muốn tạm dừng hoặc chấm dứt Bản Ghi nhớ này ba tháng trước thời điểm hết hiệu lực của Bản Ghi nhớ. Nếu không có thỏa thuận khác, việc tạm dừng hoặc chấm dứt Bản Ghi nhớ này sẽ không ảnh hưởng đến việc hoàn tất các hợp đồng đang có hiệu lực được Ủy ban hỗn hợp đưa ra trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ này.

Để làm bằng, các Bên ký kết được sự ủy quyền đầy đủ của Chính phủ nước mình đã ký vào Bản Ghi nhớ này.

Làm tại thành phố Dubai, ngày 16 tháng 02 năm 2009 thành hai bản bằng tiếng Việt, tiếng Ả-rập và tiếng Anh, tất cả các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự khác biệt về cách diễn giải, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.

 

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG –  THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI




Bà Nguyễn Thị Kim Ngân

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ CÁC TIỂU VƯƠNG
QUỐC Ả-RẬP THỐNG NHẤT
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG





Ông Saqr Chobash

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống Nhất trong lĩnh vực nhân lực

  • Số hiệu: 22/2009/SL-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 16/02/2009
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống Nhất
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân, Saqr Chobash
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 317 đến số 318
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản