Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO 127-TW
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5162/BCĐ127TW

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2002

 

BÁO CÁO MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỐNG BUÔN LẬU GIAN LẬN THƯƠNG MẠI NĂM 2003

1. Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại năm 2002.

Năm 2002, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến rất phức tạp trên tất cả các tuyến và địa bàn trọng điểm; phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi hơn, sự chống trả người thi hành công vụ của các đối tượng tham gia buôn lậu diễn ra quyết liệt và trắng trợn.

Ngoài những phương thức truyền thống như: Dùng “cửu vạn” vận chuyển hàng hoá qua đường biên, dùng các loại phương tiện phù hợp vận chuyển vào nội địa; hợp thức hoá bằng các hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành, dùng bộ chứng từ bán đấu giá để quay vòng; lợi dụng một số ít thương binh để chở thuê, gây áp lực; trên biển dùng tàu lớn chở hàng lậu thả neo cách bờ hàng trăm hải lý, dùng tàu, thuyền, bè, mảng nhỏ lợi dụng đêm tối để đưa hàng lậu vào bờ. Dùng xe đã thanh lý của các cơ quan Nhà nước và Quân đội giữ nguyên biển số để vận chuyển hàng lậu; khoán gọn cho “cửu vạn” để nhập lậu hàng hoá trong tháng 11 và 12/2002, nếu hàng bị bắt giữ thì người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm để họ tiếp tục khuân vác. Phương thức, thủ đoạn hoạt động không chỉ tinh vi, xảo quyệt mà còn được tổ chức khá chặt chữ để đối phó, chống trả quyết liệt khi bị các lực lượng kiểm tra thu giữ hàng hoá, lôi kéo một bộ phận cư dân biên giới đối đầu với các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại. Gần đây, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng giấy phép tạm nhập - tái xuất hàng hoá đã qua sử dụng (đồ điện tử và quần áo) để nhập lậu.

- Mặt hàng nhập lậu thường là: vải, thuốc lá, đường kính, 17 mặt hàng nhập khẩu quy định phải dán tem; mặt hàng phụ tùng ô tô đã qua sử dụng, đồ điện tử cũ và điện lạnh nhập lậu trên vùng biển Đông Bắc đến Đà Nẵng; đáng lưu ý là một số lượng không ít các loại ma tuý, các chất gây nghiên, thuốc tân dược, đông dược, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục nhà nước cho phép và tiền giả vẫn được “đưa” vào nước ta trong thời gian vừa qua.

- Hàng xuất lậu và vàng, ngoại tệ, động vật hoang dã quý hiếm.

Tình hình cụ thể trên một số tuyến như sau:

1. Tuyến biên giới Việt - Trung.

Tại Lạng Sơn: Sau khi lực lượng Công an Trung ương triệt phá ổ buôn lậu tại Hang Dơi, và sau đó có sự chỉ đạo kiên quyết của UBND tỉnh, tình hình buôn lậu đã giảm nhưng trong tháng 11 và 12/2002 tình hình lại diễn biến phức tạp, hàng lậu được xe lẻ đi hai bên cánh gà cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, đường 05, 06. Kéo Kham. Tại các chợ và trung tâm thương mại, hàng lậu vẫn được bày bán. Bọn cửu vận tấn công Bộ đội Biên phòng để “giải vây” hàng hoá bị thu giữ.

Tại Quảng Ninh: Tình hình buôn lậu trên tuyến đường bộ đã giảm rõ rệt do lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng khác làm mạnh trong nội địa nhưng việc vận chuyển hàng lậu trên biển bằng các tàu, thuyền đánh cá hoặc bè, mảng vẫn tiếp diễn, kết quả ngăn chặn còn hạn chế.

Tại Lào Cai: Buôn lậu và gian lận thương mại diễn ra với quy mô không lớn nhưng tính chất lại phức tạp vì mặt hàng đa dạng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi và thường xuyên thay đổi...

2. Tuyến biên giới Việt - Lào.

Tại Quảng Trị: Đầu năm tình hình buôn lậu tại Lao Bảo khá phức tạp. Do có sự chỉ đạo kiên quyết của các Bộ, ngành và UBND tỉnh, tình hình buôn lậu giảm nhiều. Cuối tháng 10, 11 đầu tháng 12, tình hình buôn lậu lại có chiếu hướng gia tăng. Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo vẫn là một trong những “điểm nóng” về buôn lậu, lượng hàng nhập lậu qua đây tương đối nhiều (chủ yếu là thuốc lá ngoại, nước giải khát, rượu ngoại. Tại thị xã Đông Hà hàng không rõ nguồn gốc vẫn bày bán khá nhiều.

Tại Hà Tĩnh: Tình hình nhập lậu đang có xu hướng gia tăng, hàng lậu đi qua 2 bên cánh gà cửa khẩu Cầu Treo và Trạm KSLD Nước Sốt nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Sự chống trả các lực lượng chức năng của các đối tượng buôn lậu tại đây rất quyết liệt.

Tại Nghệ An: Tình hình tại đây vẫn rất phức tạp, nhất là vùng biển Quỳnh Lưu, Cửa Lò, nhưng buôn lậu đã giảm, trong tháng 10, 11 chưa có dấu hiệu tăng lên. Ngoài ra, hàng lậu từ Cửa khẩu Cầu Treo qua đường Nam Đàn, Hưng Nguyên vẫn được các đối tượng buôn lậu đưa về thành phố Vinh để tiêu thụ.

3. Tuyến biên giới Tây Nam:

Tại An Giang: Hàng lậu qua tuyến này nhiều nhất vẫn là đường, thuốc lá ngoại, nước giải khát, rượu ngoại, thuốc tân dược, điện tử... Tuy nhiên, do nước rút, tàu xuồng không có điều kiện hoạt động nên buôn lậu có giảm, nhưng buôn lậu trên đường bộ đang có xu hướng tăng lên. Khu vực này tiềm ẩn rất nhiều nhân tố để buôn lậu gia tăng.

Địa bàn trọng điểm là khu vực xã Vĩnh Xương (huyện Tân Châu), Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc).

Tại Long An: Tình hình buôn lậu tạm lắng xuống, tuy nhiên khu vực giáp Long An và Tây Ninh vẫn phức tạp. Hàng nhập lậu vẫn tiến tục được chuyển vào nhưng với quy mô nhỏ lẻ. Những mặt hàng nhập lậu nhiều như máy điều hoà nhiệt độ, nồi cơm điện, thuốc lá ngoại, đường...

Tại Tây Ninh: Hàng lậu chủ yếu vẫn là máy điều hoà nhiệt độ, quần áo cũ, thuốc lá. Sau khi lực lượng Công an phá đường dây buôn lậu, tình hình tạm lắng xuống nhưng ở đây tiền ẩn nhiều yếu tố để buôn lậu bùng phát, đến nay vẫn chưa xử lý được khu vực Cầu Sắt giáp Long An và Tây Ninh.

4. Tuyến biển

Địa bàn trọng điểm là vùng biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng và một số cảng thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hàng hoá qua tuyến này bao gồm vật liệu xây dựng (kính, gạch ốp lát), phụ từng ô tô và đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng...

Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là thuê tàu lớn vận chuyển hàng lậu, khi cách bờ khoảng 100 - 140 hải lý chúng neo tàu, chờ tàu nhỏ hoặc bè, mang để sang mạn hoặc lợi dụng đêm tối cho tàu vào gần bờ vừa sang mạn vừa thả hàng xuống biển để các tàu nhỏ, hoặc bè, mảng vớt lên rồi vận chuyển vào bờ. Ngoài ra, chứng còn tổ chức đưa tàu, thuyền sang Trung Quốc buôn bán, nhập lậu hàng vào nước ta, trong đó, không ít các tàu thuyền này không được đăng kiểm, không có biển kiểm soát.

Tại các cảng biển chủ yếu là không khai báo hoặc thông đồng với một số cán bộ, công chức thoái hoá biến chất trong các lực lượng chức năng để khai báo sai số lượng, chủng loại, ký mã hiệu hàng hoá... nhằm trốn, lậu thuế.

Buôn lậu trên biển rất phức tạp và thực sự chưa kiểm soát được tình hình. Đặc biệt, sau khi các lực lượng chức năng “đánh” mạnh trên đất liền, buôn lậu trên biển đã gia tăng đáng kể, trong vòng 2 tháng 10 và 11, lực lượng Biên phòng đã bắt giữa và xử lý nhiều tàu, thuyền buôn lậu.

5. Tuyến Đường Sắt

Trọng điểm là tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội.

Buôn lậu trên tuyến này vẫn phức tạp, cao điểm một ngày có khoảng 200 - 250 người mang thuê hàng hoá cho gian thương tại khu vực ga Đồng Đăng. Lợi dụng thể lệ vận chuyển hành khách của ngành Đường sắt - cho phép miễn cước 20 Kg hành lý mang theo người đi tàu... thủ đoạn của buôn lậu là chỉ mua vé từ ga Đồng Đăng về Lạng Sơn để mang hàng lậu thuế lên tàu cho các đối tượng làm ăn phi pháp. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tại khu vực này.

6. Tuyến Hàng không - Bưu điện.

Tại tuyến này, hàng nhập lậu chủ yếu vẫn là các mặt hàng có thuế suất cao như điện thoại di động và linh kiện, hàng điện tử, tân dược, vàng, ngoại tệ... Ngoài ra, hàng ngàn kiện vải cũng đã đi qua tuyến hàng không - bưu điện. Xuất lậu vẫn là cổ vật, ngoại tệ. Phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, đối tượng vi phạm đa dạng. Vừa qua lực lượng Công an và Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh lân cận đã tăng cường kiểm tra trên tuyến này và đã xử lý một số vụ buôn lậu qua đường bưu điện từ Lạng Sơn đi vào các tỉnh phía Nam.

7. Trên thị trường nội địa.

Sau khi lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra đồng loại trên cả nước, thực hiện các phương án chống vải, thuốc lá ngoại nhập lậu và thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hoá; các mặt hàng nhập lậu nói chung giảm rõ rệt. Riêng thuốc lá và vải hiệu quả tương đối cao, các nhà máy đều hoạt động tốt, sản lượng tăng rõ rệt, nộp ngân sách cũng tăng ở mức cao.

Mặc dù như vậy nhưng các đối tượng làm ăn phi pháp không từ một phương thức và thủ đoạn nào để buôn bán và hợp thức hoá hàng lậu.

II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÔNG BUÔN LẬU.

1. Tổ chức, chỉ đạo của Ban chỉ đạo 127/TW.

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban 127/TW đã có nhiều Phương án triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện khẩn số 1254/VPCP ngày 14 tháng 3 năm 2002; nhiều văn bản quan trọng khác gửi các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo lĩnh vực công tác này. Sau Hội nghị tổng kết chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 181/TB-VPCP ngày 26 tháng 11 năm 2002; Bộ trưởng Bộ Thương mại đã có Văn bản số 5098/BCĐ-TW ngày 09 tháng 12 năm 2002 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết nguyên đán và việc tiếp tục thực hiện các phương án chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Thực hiện các văn bản trên, các lực lượng phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ hàng hoá nhập lậu vào nước ta, quá trình triển khai thực hiện đã thu được những kết quả quan trọng.

- Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, từng ngành ngay từ đầu năm đã có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo riêng từng ngành và có kế hoạch rất cụ thể để thực hiện Công điện 1254 của Thủ tướng Chính phủ. Sau Hội nghị chống buôn lậu ngày 11 đến ngày 12 tháng 11 năm 2002, các lực lượng cũng đang lập kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị ra quân đồng loạt cả ở biên giới đất liền, vùng biển và trên thị trường nội địa.

- Ban 127/TW và Thường trực giúp việc đã cử nhiều đoàn công tác đi các địa bàn trọng điểm, các Trạm KSLH để kiểm tra, nắm tình hình ngay từ đầu năm và trong tháng 12 năm 2002 cử 6 đoàn công tác đi kiểm tra các địa bàn trọng điểm.

2. Tổ chức, chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Uỷ ban nhân dân 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chuẩn bị kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Thương mại - Trưởng ban chỉ đạo 127-TW, nhiều UBND các cấp đã chỉ đạo sát sao các lực lượng, các ngành, các cấp thực hiện nghiêm bằng việc tổ chức tốt sự phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Nhiều địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, An Giang, Long An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh, Thái Bình, Quản Trị, Lào Cai, Cao Bằng... Nhiều Uỷ ban nhân dân địa phương ở các vùng trọng điểm sau khi có kết luận của Trường Ban chỉ đạo 127-TW đã có phương án và triển khai ngay tại địa phương.

- Trên nhiều địa bàn, công tác phối hợp kết hợp giữa các lực lượng tốt hơn trước đây; hiện tượng “mạnh ai nấy làm” đã giảm rõ rệt; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của UBND các cấp đã được thể hiện rõ hơn, tốt hơn; cấp uỷ đảng và chính quyền nhiều địa phương đã ý thức được tác hại thực sự của buôn lậu và sản xuất, kinh doanh hàng giả: Muốn đầu tư, phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân, thì phải kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, chống sản xuất và kinh doanh hàng giả.

3. Một số kết quả đã đạt được

Việc ra quân đồng loạt của các lực lượng chức năng trên tất cả các tuyến, các địa bàn, ở Trung ương cũng như địa phương, bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng - Chưa có lúc nào nhiều ổ nhóm, đường dây buôn lậu bị lực lượng Cảnh sát kinh tế, Quản lý thị trường, Hải quan và Bộ đội Biên phòng triệt phá như trong năm 2002;

- Ổ buôn lậu tại Hang Dơi - Lạng Sơn do Cảnh sát kinh tế Bộ Công an thực hiện.

- Đường dây buôn lậu và gian lận hàng triệu mét vải trị giá khoảng 10 tỷ đồng; ngoài ra gần đây phát hiện thêm nhiều kho vải lậu ước gần 6 tỷ đồng; phá ổ nhóm làm hàng giả tịch thu hàng ngàn sản phẩm... do Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh phát hiện và xử lý.

- Tịch thu kho vải lậu tại Phà Đen Hà Nội và phá ổ nhóm dùng đường hoá học pha hàng vạn chai nước ngọt do Quản lý thị trường thực hiện.

- Tịch thu vải lậu tại cửa ngõ chợ Đồng Xuân do lực lượng Công an Hà Nội phối hợp với Quản lý thị trường thực hiện khoảng 4 tỷ đồng.

- Phá đường dây buôn lậu tại Tây Ninh do lực lượng Công an chỉ đạo.

- Bắt giữ các tầu, thuyền, mảng chuyên chở hàng lậu trên biển do Bộ đội Biên phòng thực hiện. Trong hai tháng 10 và 11, lực lượng Biên phòng đã bắt giữ 27 tàu, thuyền, mảng buôn lậu: nêu kể từ đầu năm lên tới gần 100 chiếc.

- Bắt giữ 61 tầu, thuyền, mảng chuyên chở hàng lậu do Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan thực hiện (tính đến đầu tháng 12 năm 2002).

- Tịch thu nhiều vải lậu qua đường bưu điện do Công an và Quản lý thị trường thực hiện.

- Phá các tụ điểm buôn lậu đường do lực lượng liên ngành của An Giang thực hiện.

- Tổ chức, ngăn chặn hàng lậu hai bên cánh gà của cửa khẩu Lao Bảo và làng Vây, Khe Sanh do lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Trị phối hợp thực hiện.

- Tịch thu nhiều hàng cấm vận chuyển trái phép như: thuốc gây nghiện, ma tuý, tiền giả, đô la, vàng do Công an và Hải quan biên giới và cửa khẩu thực hiện.

Những kết quả bước đầu quan trọng đó đã khích lệ nhiều địa phương tích cực và chủ động hơn trong công tác phòng và chống buôn lậu.

Kết quả cụ thể: Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công diện khẩn 1254/VPCP, theo số liệu 11 tháng đầu năm 2002, các lực lượng chức năng Công an. Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng và các lực lượng khác đã phát hiện, xử lý 78.450 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, tổng giá trị hàng tịch thu là 450.672 tỷ đồng (các vụ việc điển hình và một số mặt hàng chủ yếu có phụ lục kèm theo).

Cụ thể từng lực lượng như sau:

- Lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 8298 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm; tổng trị giá hàng tịch thu là 199.029 tỷ đồng; đã triệt phá nhiều đường dây buôn lậu, 4 ổ nhóm sản xuất và kinh doanh hàng giả như Hang Dơi, Tây Ninh, cùng với Cảnh sát Cơ động và QLTT tụ điểm chứa chấp, tiêu thụ vải lậu tại chợ Đồng Xuân...; Cục Cảnh sát Kinh tế đã có nhiều hoạt động có hiệu quả... Ngoài ra còn phá nhiều vụ án gian lận thương mại, nhát là trong lĩnh vực hoàn thuế VAT, tạm nhập tái xuất xăng dầu...

- Lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 4.376 vụ vi phạm pháp luật, tổng trị giá hàng tịch thu 90 tỷ đồng. Một số mặt hàng có số lượng lớn như 2.979 ống, 32.303 viên diazepam; 8,25 kg vàng; 8.693.384 USD; 80.000 gói thuốc lá ngoại; 205 tấn đường; 691,5 gram heroin; 461 gram thuốc phiện... Riêng lực lượng chống buôn lậu thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu trực tiếp phát hiện, bắt giữ 51 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó có 61 tàu, thuyền các loại; tịch thu lượng hàng hoá trị giá là 16,7 tỷ đồng.

- Bộ đội Biên phòng đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.534 vụ, 209 tầu, thuyền, bè, mảng, ô tô buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép (không kể các vụ nhỏ, lẻ). Tịch thu hàng hoá sung công quỹ Nhà nước 40 tỷ đồng, ngoài ra còn phối hợp với cá ngành chức năng bắt giữ hàng nghìn vụ buôn lậu, thu nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng. Một số hàng hoá có số lượng lớn như đường 42,7 tấn; ti vi, dầu video 7.315 cái; thuốc lá 59.356 bao; thuốc tân dược 60.758 viên, ống; phụ tùng ô tô cũ 879 tấn, 2.453 kg thuốc nổ, 50kg thuốc phiện, 250 triệu VND giả, 2000 USD giả... Các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng hoạt động trên tuyến biển thực thi nhiệm vụ có hiệu quả trong thời gian qua như Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng...

- Lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 63.322 vụ buôn lậu và kinh doanh trái phép với tổng số thu hơn 120.637 tỷ đồng. Một số mặt hàng bị tịch thu có số lượng lớn như thuốc lá ngoại 1.432.311 bao; rượu ngoại 16.397 chai; vải ngoại 1.819,46 mét (chưa kể vụ Công ty Thăng Long)... Lực lượng QLTT đã thực hiện các phương án chỉ đạo của Ban 127/TW và Ban 127/ĐP, tăng cường kiểm tra trong nội địa có hiệu quả.

- Các Trạm Kiểm soát liên hợp đã kiểm tra, xử lý hơn 2.800 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, tổng giạ giá hàng tịch thu, xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế hơn 31 tỷ đồng; sau khi được sự quan tâm chỉ đạo của UBND và Ban chỉ đạo 127-ĐP, một số Trạm đã hoạt động có bài bản và tích cực hơn theo đúng Quy chế công tác do Ban 127-TW đã ban hành.

Tóm lại, dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành ở Trung ương, sự chỉ đạo kiên quyết của UBND các cấp mà vai trò nòng cốt là Ban 127/TW và Ban 127/ĐP, đóng góp tích cực của các tổ chức và đoàn thể quần chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí và với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng đã ra quân đồng loạt trên tất cả các tuyến biên giới đất liền, vùng biển và trên thị trường nội địa, công tác đấu tranh chống buôn lậu đã có chuyển biến quan trọng, thực hiện được một số yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, có tác động tích cực đến một số ngành sản xuất trong nước. Tình hình buông lậu tuy đã lắng xuống nhưng tính phức tạp và quyết liệt chưa giảm, nguy cơ bùng phát buôn lậu vẫn tiềm ẩn rất lớn.

III. NHỮNG TỒN TẠI CẦN KHẮC PHỤC:

Công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian qua mặc dù đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục:

- Ý thức trách nhiệm trong tổ chức, chỉ đạo chống buôn lậu ở một vài địa phương và Bộ, ngành chưa đầy đủ, chưa kiên quyết, triệt để, còn vì quyền lợi cục bộ, vì tăng nguồn thu ngân sách. Chưa thực hiện nghiêm túc các chủ trương, biện pháp về phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại do Chính phủ. Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đề ra. Đây là nguyên nhân tồn tại quan trọng nhất cần được khắc phục sớm.

- Nạn tham nhũng là một trong những nguyên nhân nuôi dưỡng và làm gia tăng buôn lậu và gian lận thương mại. Công tác chống tiêu cực trong nội bộ các ngành đã được chú ý nhưng chưa kiên quyết. Hiện tượng sống chung với buôn lậu, với tiêu cực đã tồn tại từ lâu nhưng chậm phát hiện và khắc phục hoặc phát hiện mà không xử lý nghiêm minh.

- Một số quy định trong cơ chế, chính sách còn chưa hợp lý, tạo nhiều kẽ hở để buôn lậu, gian lận thương mại tồn tại và phát triển như chính sách nội địa hoá xe máy, hoàn thuế giá trị gia tăng, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, hàng cũ đã qua sử dụng. Tổ chức quản lý của các Bộ, ngành, địa phương trên một số lĩnh vực còn rất lỏng lẻo.

- Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu ở Bộ Công an và tại các địa bàn trọng điểm quá mỏng, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu. Hoạt động của các Trạm kiểm soát liên hợp hiệp quả chưa cao. Công tác phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương chưa tốt, chưa tạo được sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành một cách quyết liệt hơn.

- Công tác phổ biến, hướng dẫn và tuyên truyền pháp luật phục vụ việc phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn hạn chế.

- Những vấn đề bức xúc về xã hội như giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, quản lý ở các cửa khẩu... chưa được giải quyết tốt đã tạo ra những sơ hở cho hoạt động buôn lậu.

Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên:

Những tồn tại nêu trên bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Về khách quan: có nhiều nguyên nhân như địa hình biên giới rất phức tạp: nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước còn lớn: đất nước đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới...

Về chủ quan:

- Tuy sản xuất hàng hoá trong nước đã có bước phát triển quan trọng nhưng nhìn chung, hàng hoá do nước ta sản xuất so với hàng ngoại tính cạnh tranh chưa cao, đặc biệt là giá cả chưa phù hợp với sức mua của nhiều tầng lớp dân cư, nhất là đối với tầng lớp có thu nhập thấp; đây vừa là nguyên nhân trực tiếp, vừa là nguyên nhân sâu xa.

- Sự chỉ đạo, lãnh đạo của UBND các cấp ở một số địa phương chưa kiên quyết, nhiều UBND quận, huyện đặc biệt là ở biên giới còn chưa vào cuộc, tính cục bộ bản vị vì lợi trước mắt mà quên lâu dài, lợi cho địa phương mà tác hại cho cả nước, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để buôn lậu tồn tại và phát triển.

- Về cơ chế, chính sách còn nhiều sơ hở; quản lý doanh nghiệp, quản lý hoá đơn chứng từ còn buông lỏng để bọn buôn lậu lợi dụng hợp thức hoá hàng nhập lậu và gian lận thương mại với khối lượng rất lớn nhưng chậm khắc phục.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tổ chức kinh doanh và nhân dân còn yếu. Điều kiện làm việc, trang bị cho lực lượng chống buôn lậu chưa có bước chuyển biến đáng kể.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỐNG BUÔN LẬU VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRONG NĂM 2003

Trong thời gian tới, cả nước tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới còn nhiều khó khăn và cạnh tranh ngày càng quyết liệt, sự mất ổn định ở một số khu vực và quốc gia sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có nước ta, làm cho buôn lậu, sản xuất - buôn bán hàng giả và gian lận thương mại tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều vấn đề rất khó lường trước.

Thời gian qua, Chính phủ, Ban 127-TW, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều giải pháp quan trọng góp phần làm giảm tình hình buôn lậu. Tuy nhiên để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả, chúng ta cần tiếp tục thực hiện những giải pháp sau:

1. Về pháp luật:

- Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn pháp luật; làm cho mọi người dân hiểu và thực hiện theo đúng luật pháp.

- Điều chỉnh, bổ sung một số vấn đề trong các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là chế độ hoá đơn chứng từ đối với hàng hoá từ biên giới vào nội địa và soạn thảo một số Nghị định cho phù hợp với tình hình mới, các chính sách như tạm nhập, tái xuất đối với một số mặt hàng.

2. Về kinh tế:

- Điều chỉnh, bổ sung một số sắc thuế, tính lại thuế suất một số mặt hàng để vừa khuyến khích được sản xuất, vừa hạn chế được buôn lậu.

- Chăm lo hơn nữa đời sống cư dân biên giới, kết hợp chương trình 135 với các chương trình khác; đưa dân ra biên giới kết hợp với việc hoàn thành cắm mốc biên giới.

- Nâng cao chất lượng hàng hoá: đa dạng hoá và hạ giá thành sản phẩm.

3. Về hành chính:

- Các Bộ, các ngành, cấp uỷ đảng và UBND các cấp cần phải coi đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại là công tác quan trọng; vừa cấp bách vừa lâu dài, phức tạp không được lơi lỏng; cần tổ chức, huy động các đoàn thể quần chúng, nhất là cơ sở vào cuộc.

- Tổ chức tốt công tác điều tra, trinh sát để phát hiện và bắt giữ cho được các “đầu nậu”.

- Phát hiện và xử lý nghiêm những kẻ chủ mưu, cầm đầu chống đối các lực lượng chức năng.

- Sửa đổi, bổ sung chính sách đối với các lực lượng có chức năng chống buôn lậu và gian lận thương mại; trước mắt. Ban chỉ đạo 127-TW thống nhất với Bộ Tài chính về việc lập quỹ chống buôn lậu để hỗ trợ một phần kinh phí cho các lực lượng.

4. Về tổ chức:

- Tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, phối kết hợp của Ban chỉ đạo 127 từ Trung ương đến các địa phương giữa các lực lượng, từng tuyến, từng địa bàn, giữa các tỉnh vùng giáp ranh.

- Tăng cường chống buôn lậu không chỉ ở biên giới mà làm mạnh hơn cả ở trong nội địa; không chỉ dừng lại ở một số mặt hàng mà còn phải tiếp tục mở rộng nhiều mặt hàng khác (ban 127 sẽ đề xuất vấn đề này).

- Duy trì và đẩy mạnh hoạt động của các Trạm kiểm soát liên hợp để vừa làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu vừa không để xảy ra tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”.

- Có kế hoạch đào tạo, nâng cao đạo đức công vụ; khen thưởng những người có công và kỷ luật nghiêm các cán bộ, công chức thoái hoá biến chất, tham ô, hối lộ, bảo kê cho buôn lậu.

5. Về đối ngoại:

- Tìm hiểu và nắm vững chính sách của các nước có biên giới với nước ta để có đối sách phù hợp.

- Có chương trình và kế hoạch phối hợp với các nước bạn; nội dung phối hợp được đưa vào trong nội dung đàm phán với các đối tác.

6. Tổ chức lại buôn bán biên giới:

- Tổ chức lại buôn bán qua biên giới tốt hơn.

- Bộ Thương mại chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách buôn bán biên giới.

- Gắn kết chặt chẽ du lịch với thương mại; tổ chức xúc tiến thương mại, du lịch với các nước có đường biên giới với nước ta.

 

 

 

KT. TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 127/TW
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
THỨ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI




Phan Thế Ruệ

 

 


SỐ LIỆU 11 THÁNG NĂM 2002

 

Các lực lượng

Số vụ

Số tiền (triệu đồng)

Công an

8.218

199.029

Hải quan

4.376

90.000

Quản lý thị trường

63.322

121.643

Biên Phòng

2.534

40.000

Tổng số

78.450

450.672

 


MỘT SỐ MẶT HÀNG CHỦ YẾU DO CÁC
LỰC LƯỢNG BẮT GIỮ 11 THÁNG NĂM 2002

 

TT

Mặt hàng

Đơn vị

Tổng số

Công an

Bộ đội BP

QLTT

Hải quan

 

A

B

1

2

3

4

5

1

Gạch men

Thùng

104.769

 

28.651

74.774

1.344

2

Vải

M

2.127.818

440.936

92.800

1.545.535

48.547

3

Thuốc lá

Bao

2.739.092

1.207.425

59.356

1.392.311

80.000

4

Tivi, đầu video

Chiếc

19.238

 

7.315

11.797

126

5

Điều hoà nhiệt độ

Chiếc

1.327

 

294

1.019

14

6

Nội cơm điện

Chiếc

15.752

 

2.031

13.361

360

7

Đường kính

Kg

482.326

 

42.726

234.100

205.500

8

Nước giải khát

Lon

9.490

 

8.320

 

1.170

9

Tủ lạnh

Chiếc

1.873

 

708

1.135

30

10

Vàng

Kg

8.25

 

 

 

8.25

11

Thuốc tân dược

Viên

60.758

 

60.758

 

 

 

 

Kg

346

 

346

 

 

12

Rượu

Chai

23.666

6.868

 

16.397

401

13

Ngoại tệ

USD

8.693.384

 

 

 

8.693.384

14

Heroin

Gam

3.361

 

 

2.670

691

 

Thuốc phiện

Gam

50.461

 

 

50.000

461

 

Diazepam

ống

2.979

 

 

 

2.979

 

Diazepam

Viên

32.303

 

 

 

32.030

15

Pháo

Quả

393.235

 

 

393.235

 

 

 

Cây, que

97.380

 

 

97.380

 

 

 

Kg

429

 

100

318

11

 

 

Hộp

4.259

 

 

4.259

 

 

 

Vòng

3.135

 

 

3.135

 

16

Thuốc trừ sâu

Thùng

32

 

 

32

 

 

 

Hộp

14.035

 

 

14.035

 

 

 

Chai

97.859

 

 

97.859

 

 

 

ống

1.469.747

 

 

1.469.747

 

 

 

Kg

54

 

 

54

 

 

 

Gói

27

 

 

27

 

17

Súng, kiếm nhựa

Chiếc

27.777

 

 

27.777

 

18

Băng, đĩa

Chiếc

90.466

66

 

90.400

 

19

Ô tô

Chiếc

226

226

 

 

 

20

Xe máy

Chiếc

574

442

 

132

 

21

Thuốc nổ

Kg

3.638

1.185

2.453

 

 

22

Động vật hoang dã

Kg

6.655

6.655

 

 

 

23

Ngoại tệ

USD

22.109

22.109

 

 

 

24

Điện tử các loại

Chiếc

30.302

15.767

 

14.535

 

25

Gỗ

M3

4.777

2.817

 

1.960

 

 


CÁC VỤ VIỆC ĐIỂN HÌNH
DO CÁC LỰC LƯỢNG: CÔNG AN, BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG, HẢI QUAN,
QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢP BẮT GIỮ

I. Lực lượng công an:

- Ngày 17 tháng 6 năm 2002 Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSKT điều tra vụ án buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới tại khu vực Hang Dơi thuộc thôn Khơ Đa, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Qua kiểm tra bước đầu đã tạm giữ 82 nhóm hàng gồm 400 mặt hàng. Trị giá hàng hoá ước tính hàng tỷ VND. Số hàng hoá gồm trên 12 tấn vải các loại, 80.000 chiếu quần áo, 920 chiếu máy khoan, 1.850 chiếc quạt, 900 chiếc điện thoại các loại, 3.500 điều khiển ti vi, 5.700 cặp mắt kính và một số hàng hoá khác... Phương tiện thu giữ gồm 23 xe ô tô và 12 xe máy và một số vũ khí: súng, đạn, bộ đàm, kiếm, còng số 8... Đã khởi tố vụ án, khởi tố 28 đối tượng. Vụ án đang tiếp tục điều tra mở rộng.

- Hồi 6 giờ 00 ngày 23 tháng 8 năm 002, CSKT Công an TP. Hà Nội phối hợp cùng Cảnh sát cơ động Công an quận Hoàn Kiếm, Công an phường Đồng Xuân. Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, tạm giữ trên 400 kiện vải khoản 230.000 m, trị giá khoảng 4,5 tỷ VNĐ, đồng thời xác định 90 điểm cất giữ hàng hoá ở tầng 2, 3 Chợ Đồng Xuân. Phòng CSKT CA TP. Hà Nội và Quản lý thị trường đang xác minh, điều tra để làm rõ và tạm giữ số hàng nhập lậu.

- Vụ Chi nhánh Công ty XNK Đầu tư du lịch và xây dựng Hà Nam tại Hà Nội do Ngô Kim Chung làm Giám đốc làm hồ sơ xuất khẩu khống hàng hoá sang Trung Quốc để được hoàn thuế GTGT. Từ tháng 10/2000 đến tháng 8/2001 xin hoàn thuế GTGT với doanh số trên 340 tỷ đồng để chiếm đoạt số tiền hoàn thuế 17,1 tỷ đồng. Đã khởi tố vụ án, qua mở rộng điều tra phát hiện thêm Công ty Vật tư kỹ thuật Hà Nội bằng thủ đoạn lập hồ sơ khống chiếm đoạt 3,9 tỷ đồng tiền hoàn thuế. Đến tháng 9 năm 2002, đã khởi tố 26 bị can, bắt giam 22 trong đó có 10 cán bộ Hải quan Tân Thanh - Lạng Sơn, tài sản thu giữ khoảng 400 triệu đồng.

- Vụ Nguyễn Duy Thiện cùng đồng bọn thành lập khoảng 30 Công ty TNHH ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; khắc con dấu giả mang tên các Công ty ở Trung Quốc, ký giả chữ ký người đại diện phía Trung Quốc để lập hợp đồng ngoại giả, sau đó liên hệ với một số tư thương ở các cửa khẩu phía Bắc để mượn hàng, mở tờ khai hải quan, sau đó hợp thức hoá đầu vào để hoàn chỉnh hồ sơ xin hoà thuế. Số tiền chiếm đoạt thông qua hoàn thuế chưa xác định cụ thể. Ngoài ra, thông qua các công ty đã thành lập. Thiện cùng đồng bọn đã xuất hoá đơn khống cho nhiều Công ty TNHH, doanh nghiệp Nhà nước với doanh số lên đến 674 tỷ đồng.

- Ngày 3 tháng 10 năm 2002 Cục CSKT - Bộ Công an đã phá vụ án chiếm đoạt tài sản Nn thông qua hoàn thuế GTGT xảy ra tại Chi nhánh Công ty XNK Tổng hợp I tại Đà Nẵng, chiếm đoạt khoảng 25 tỷ đồng tài sản của Nhà nước, đang tiến hành điều tra làm rõ (hiệu đã khởi tố vụ án hình sự và bắt 9 đối tượng).

- Vụ Công ty TM-DL-đơn vị Hàng không Chi nhánh Lạng Sơn lập chứng từ khống mua hàng nông, hải sản của hàng chục đơn vị trong nước, làm hồ sơ xuất khẩu khống sang Trung Quốc để được hoàn thuế 17,5 tỷ đồng. Đã khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can, bắt giam 6 đối tượng.

- Tháng 8 năm 2002 Phòng CSKT Công an tỉnh Cần Thơ phát hiện Công ty Đại Việt xuất khống hoá đơn bán hàng cho các doanh nghiệp, gây thiệt hại 27 tỷ đồng. Đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để khởi tố điều tra theo Luật định.

- Tháng 6 năm 2002, CA tỉnh Quảng Nam khám phá đường dây mua bán, lưu hành tiền giả liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố. Kết quả đã bắt 10 đối tượng, trong đó có 01 đối tượng là người TQ với vai trò cung cấp tiền giả cho các đối tượng người Việt tiêu thụ. Thu giữ 30 triệu VND tiền Việt Nam giả. Khai thác các đối tượng thú nhận đã tiêu thụ 1,4 tỷ VND tiền giả.

- Ngày 19 tháng 7 năm 2002, Công an tỉnh Nam Định bắt quả tang 05 đối tượng đang tiêu thụ tiền giả, thu 105 triệu VND tiền giả. Qua khai thác, các đối tượng khai nhận đã tiêu thụ khoảng 2 tỷ VND tiền giả trên địa bàn tỉnh Nam Định.

- Phòng CSKT Công an TP. Hà Nội phối hợp với cơ quan Quản lý Thị trường Hà Nội kiểm tra, phát hiện 02 cơ sở sản xuất quạt điện giả tại thị trấn Cầu Giấy và xã Xuân Phương - Từ Liêm - Hà Nội, thu giữ 2000 chiếc quạt trị giá trên 1 tỷ VND.

- Ngày 23 tháng 11 năm 2002, Cảnh sát kinh tế phối hợp Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa triệt phá đường dây buôn lậu quy mô lớn tại Tây Ninh, bắt khẩn cấp 5 đối tượng, thu lượng lớn hàng nhập lậu trí giá gần 1 tỷ đồng cùng nhiều vàng, đô la.

- Ngày 26 tháng 11 năm 002, Công an Hà Nội phát hiện một chiếc xe tải hiệu Huyndai, trọng tải 15-20 tấn chở khoảng 20 tấn vải lậu không rõ nguồn gốc. Ngày khi bị lực lượng chức năng phát hiện, lái xe và chủ hàng đã vội vàng bỏ trốn.

II. Lực lượng biên phòng:

- Ngày 2 tháng 3 năm 200 đồn BP 554 TP. HCM bắt hai đối tượng sử dụng thuyền máy chở hàng lậu thu giữ nhiều hàng hoá gồm đầu đĩa, tăng âm, loa, đầu điện tử... trị giá khoảng 500 triệu đồng.

- Ngày 5 tháng 3 năm 2002 đồn biên phòng Tân Thanh Lạng Sơn phát hiện bắt giữ một đối tượng trú tại thị xã Bến Tre đang vận chuyển 30 triệu đồng tiền Việt Nam giả.

- Ngày 3 tháng 4 năm 2002 Đồn biên phòng 945 và 953 An Giang bắt 2 vụ buôn lậu tịch thu 249 cây thuốc lá ngoại, 950 kg đường cát do Thái Lan sản xuất.

- Trong hai ngày 3 và 4 tháng 4 năm 2002 bộ đội BP Quảng Ninh bắt 4 tầu vận chuyển trái phép về Việt Nam thu giữ lượng hàng hoá trên 200 triệu đồng.

- Ngày 5 tháng 4 năm 2002 trạm Tân hợp - Quảng Trị bắt giữ 2.338 kg đường, 311 gói bột ngọt, 720 lon nước ngọt và 576 chiếc ly.

- Ngày 10 tháng 9 năm 2002 đồn 7 - Quảng Ninh bắt xe ô tô vận chuyển trái phép hàng hoá Trung Quốc gồm 6.800 m vải và 200 đầu video trị giá hơn 100 triệu VNĐ.

- Ngày 8 tháng 4 năm 2002 đồn BP Tân Thanh Lạng Sơn bắt giữ vụ buôn lậu thu giữ 250 chiếc cần số và cần khởi động xe máy.

- Đợt cao điểm thực hiện công điện 1254/VPCP-BĐBP Đà Nẵng bắt giữ 28 tàu thuyền, 191 đối tượng vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới với tổng trị giá hàng hoá trên 5 tỷ VND.

- Ngày 26 tháng 11 năm 2002, BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện tàu An Giang 02 từ Singapore cập cảng dịch vụ dầu khí TP Vũng Tàu vận chuyển một số lượng lớn hàng nhập lậu gồm: 2.754 chai rượu ngoại các loại, 440 cây thuốc lá 555, 16 bộ máy lạnh, 1.520 bộ bài tây... được cất giấy trong các vách ngăn tàu dày quá mức bình thường của các phòng ngủ thuyền viên.

III. Lực lượng hải quan:

- Ngày 13 tháng 01 năm 2002 Hải quan Lao Bảo - Quảng Trị bắt giữ Nguyễn Ngọc Bình nhập không khai báo 2 tấn đường và 360 kg mỳ chính (hàng diện nhập khẩu có điều kiện).

- Tháng 3/2002 Hải quan Nội Bài phát hiện 3 người nước ngoài xuất 02 bộ hài cốt lính Mỹ trái phép.

- Ngày 14 tháng 3 năm 2002 Hải quan Nghệ An đã bắt giữ Vũ Xuân Thành và Nguyễn Văn Tài vận chuyển 100 tấn phụ tùng ô tô cũ và 3.500 thùng gạch Tổng cục Hải quan nhập lậu.

- Ngày 28 tháng 3 năm 2002 Hải quan KV1 - thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện Công ty Việt Phương nhập vải khai báo sai chủng loại, hưởng chênh lệch thuế 450.000.000 đ.

- Ngày 19 tháng 5 năm 2002 Hải quan Móng Cái - Quảng Ninh thu giữ 100 kiện thuốc lá 555 ngoại nhập lậu.

- Ngày 22 tháng 5 năm 002 Hải quan Nam Định bắt giữ tàu HP 162 chở 51.000 lít xăng không có giấy tờ hợp lệ.

Ngày 31/5/200 DKS Hải quan An Giang kiểm tra 2 ghe chở hàng nhập lậu 60 tivi 21 inch và 20 máy giặt đã qua sử dụng trị giá 100.000.000 đ.

- Tháng 7/2002 ĐKS Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ 05 container máy trò chơi điện tử do Công ty Areeco nhập trái phép (đây là loại hàng cấm nhập).

- Ngày 8 tháng 8 năm 2002 Hải quan Tân Sơn Nhất đã bắt giữ Gyurjy Aartua (Acmenia) xuất 57.000 USD trái phép.

- Tháng 8 năm 2002 Hải quan Nội Bài đã bắt giữ Đỗ Thị Thu Phương nhập 1,25 kg kim loại màu vàng không khai báo.

- Ngày 26 tháng 3 năm 2002 Hải quan Chi Ma - Lạng Sơn bắt giữ Chu Văn Sang vận chuyển 360 nồi cơm điện và 1.800 lọ thuốc xịt muỗi nhập lậu trị giá 52.900.000đ.

IV. Lực lượng quản lý thị trường

- Ngày 10 tháng 2 năm 2002 Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh đã thu giữ 54.295 cây pháo hoa lễ hội tạo hoa bằng giấy” mà thực chất là một loại pháo biến tướng. Chi cục QLTT Hà Nội thu giữ 3.763 cây, vụ việc đã được xử lý tiêu huỷ toàn bộ số pháp biến tướng này.

- Ngày 13 tháng 3 năm 2002, Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công An, kiểm tra cửa hàng kinh doanh rượu Tài Nguyên, số 153, Nguyễn Tri Phương Phường 8 Quận 5 chủ cửa hàng là ông Phùng A Dậu phát hiện 87 chai rượu ngoại không dán tam nhập khẩu, 57 chai rượu khác dán tem nhập khẩu giả. Cùng ngày kiểm tra của hàng Phước Vinh, số 169 Nguyễn Tri Phương Phường 8 Quận 5, chủ cửa hàng là bà Lưu Thuế Chân phát hiện 152 chai rượu ngoại không dán tem nhập khẩu, 22 chai rượu ngoại khác dán tem nhập khẩu giả, đã lập biên bản và tạm giữ số hàng trên.

- Ngày 19 tháng 3 năm 2002 Chi cụ quản lý thị trường Quảng Ninh kiểm tra xe ô tô 16K 8183 mang biển biểu hiệu thương binh, lái xe là Trần Văn Bình trú tại 261 Lý Thường Kiệt Hải Phòng đang vận chuyển 449 kg quần áo, 61 đầu VCD do Trung Quốc sản xuất, 6 máy giặt cũ và một số hàng hoá khác không có hoá đơn chứng từ, đã lập biên bản tạm giữ số hàng hoá trên.

- Ngày 3 tháng 4 năm 2002 Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra kho A2 cảng Phà Đen Hà Nội phát hiện 49.586 mét vải, 35 nồi cơm điện, 5 tủ lạnh, 2 bộ điều hoà, 8 đầu VCD và nhiều loại hàng hoá khác do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

- Ngày 16 tháng 4 năm 2002 Chi Cục QLTT Yên Bái phối hợp với Công an kiểm tra xe ô tô số 89K 2116 phát hiện trên xe có 10 tấn thuốc lá lá Trung Quốc nhập lậu, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hoá.

- Ngày 29 tháng 5 năm 2002 Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra Chi nhánh Công ty Thăng Long trụ sở 237 Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Cư Trinh Quận 1 do ông Nguyễn Công Hoan đại diện thuê kho gửi hàng đã phát hiện: 318.545,51 mét vải và 4.268 kg vải nhập lậu trị giá 114.467,8 USD, khai chênh lệch giá 325.803,73 USD (từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2001); 817.558,89 mét và 48.363 kg vải trị giá 474.362,64 USD và khai chênh lệch giá 324.803,73 USD (từ tháng 11 năm 2001 đến tháng 5 năm 2002), đã chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan Điều tra, QK Thủ Đô xử lý.

- Ngày 22 tháng 6 năm 2002 Chi cục QLTT An Giang kiểm tra hai phương tiện gắn máy tại xã Kiến Thành Huyện Chợ Mới An Giang đang vận chuyển hàng từ Châu Đốc đi Đồng Tháp, phát hiện một số hàng lậu bao gồm: 98 tỉ vi cũ, 2 bộ máy điều hò mới, 80 cục nóng, lạnh máy điều hoà cũ, 2.700 vỉ thuốc tân dược (do Autralia sản xuất) trị giá hàng hoá khoảng 122 triệu đồng. Chủ hàng và người điều khiển phương tiện đã bỏ trốn, đang hoàn tất hồ sơ để xử lý.

- Ngày 8 tháng 7 năm 2002 Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra xe tải mang biển số 54N, 5717 do Nguyễn Hoàng Minh làm tài xế đang trả hàng tại 690A Hàm Tử, phường 10, phát hiện 230 bao xi măng do Trung Quốc sản xuất chưa có hoá đơn, chứng từ; kiểm tra tiếp kho chứa hàng tại số 184/9 Quốc lộ 2 phường Đông Hưng Thuận phát hiện 235 tấn xi măng trắng các hiệu Con én, Trái Núi, Đại Bàng do Trung Quốc sản xuất, hoá đơn chứng từ không hợp lệ, đã lập biên bản tạm giữ hàng hoá.

- Ngày 12 tháng 8 năm 2002 QLTT Nghệ An kết hợp với Công an huyện Quỳnh Lưu, dồn biên phòng 148 và chính quyền xã Son Hải huyện Quỳnh Lưu phát hiện trên thuyền (không có biển số của ông Trần Văn Thành cùng xã) có 16 tấn phụ tùng ô tô cũ do nước ngoài sản xuất, 70 ti vi cũ các loại, 10 cuộn vải, 96 bàn là, 3 máy giặt và một số hàng hoá khác do nước ngoài sản xuất đã lập biên bản tạm giữ số hàng trên.

- Ngày 3 tháng 8 năm 2002 QLTT An Gian kết hợp với Công an kinh tế tỉnh kiểm tra phát hiện tại ngã 3 Kệnh Đào - kênh 11 thuộc ấp Long Thuận, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú số hàng hoá không chủ sở hữu gồm có: 35 cục nóng, 47 cục lạnh máy điều hoà cũ, 4 bộ máy điều hoà mới và 157 cục sạc điện thoại di động, đang hoàn tất hồ sơ vụ việc để xử lý.

- Ngày 21 tháng 8 năm 2002, Đội QLTT số 4A Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện vụ lắp ráp, kinh doanh máy xay sinh tố giả nhãn hiệu PHILIPS và BRAWN, thu giữ trên 1.400 bộ linh kiện máy xay sinh tố (chưa lắp ráp hoàn chỉnh) do Trung Quốc sản xuất.

- Ngày 01 tháng 11 năm 2002, Chi cục QLTT tỉnh hà Tĩnh và Đội QLTT số 4 phát hiện và kiểm tra 3 xe ô tô chở kính Trung Quốc nhập. Đã tịch thu 9.089 m2 kính, trị giá 440 triệu đồng.

- Ngày 05 tháng 11 năm 2002, Đội QLTT cơ động tỉnh Loang An kiểm tra xe tài 62L 1407 do ông Phạm Quốc Bảo điều khiển, phát hiện trên xe chở hàng nhập khẩu thuộc diện dán tem nhưng không có tem, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc gồm: 179 chai rượu ngoại và 0 bộ máy điều hoà nhiệt độ. Đội tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật và phương tiện vi phạm.

- Ngày 27 tháng 11 năm 2002, đội QLTT số 3 thuộc Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường kiểm tra và phát hiện một vụ kinh doanh đề can, nhãn mác, tem các loại giả nguồn gốc xuất xứ Nhật, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc... tại số 83 đường Đỗ Ngọc Thạch, phường 15, quận 5 do bà Đỗ Thị Nguyện Nga kinh doanh. Đội đã tạm giữ 31 bao (trên 600kg) đề can, tem, nhãn mác các hiệu xe gắn máy Honda, Suzuki, Dream, Yamaha, Wave, Future, Citi, Dealim... và xe đạp Martin đã được đăng ký độc quyền; nhãn giả, nhãn phụ hàng nhập khẩu bột ngọt ghi “sản xuất tại Indonesia, nhập khẩu bởi Sinhaco, 34 Lý Thường Kiệt, Vũng Tàu cùng một số bản phim mẫu để in đề can, tem, nhãn, mác nói trên.

- Ngày 07 tháng 11 năm 2002, Đội QLTT 2A thuộc chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường 14 thực hiện quyết định kiểm tra giao hàng bưu kiện từ Hà Nội chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh tại trung tâm Bưu chính liên tỉnh và Quốc tế khu 2 số 270 bis đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10; đã phát hiện 86 kiện vải của 9 chủ hàng; qua kiểm tra thực tế có 9.088m vải ngoại các loại có kèm hoá đơn bản chính và bản photo bộ chứng từ phát mãi hàng tịch thu năm 2001 có xác nhận sao y của Phòng công chứng, nhưng đối chiếu thực tế vải với chứng từ không trùng khớp chủng loại, đội đã lập biên bản tạm giữ.

- Ngày 15 tháng 11 năm 2002, đội QLTT Tân Bình - Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh phát hiện tại cửa hàng số 7/14 đường Phú Thọ Hoà, phường 18 do ông Đặng Quang Sơn kinh doanh, đang xuất bán 169 kg vai ngoại do Đài Loang sản xuất không có hoá đơn, lập biên bản tạm giữ vải. Phối hợp với Công an phường kiểm tra tiếp tại cửa hàng, tạm giữ thêm 842m vải cũng do Đài Loan sản xuất không có chứng từ nguồn gốc.

V. Trạm KSLH:

- Ngày 5 tháng 4 năm 2002 Trạm KSLH Tân Hợp Quảng Trị đã phát hiện và bắt giữ số hàng hoá nhập lâu gồm có: 2.338 kg đường, 311 gói mì chính, 720 chai lon nước ngọt, 576 chiếc ly thuỷ tinh, 30 hộp sữa.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo số 5162/BCĐ127TW ngày 10/12/2002 của Ban chỉ đạo 127-TW về việc một số giải pháp chống buôn lậu gian lận thương mại năm 2003

  • Số hiệu: 5162/BCĐ127TW
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/12/2002
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo 127-TW
  • Người ký: Phan Thế Ruệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản