Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 24/BC-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 3 năm 2009

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 16/2008/CT-TTG NGÀY 30 THÁNG 5 NĂM 2008 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ THI HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Thực hiện Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tổ chức một số mặt công tác với kết quả như sau:

I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2008

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục:

Ngay sau khi Quốc Hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2008; thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình kết hợp với Luật Bình đẳng giới:

a) Về biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền:

Thành phố đã tổ chức biên soạn tài liệu hỏi đáp Luật Phòng, chống bạo lực gia đình phổ biến đến 24 Phòng Tư pháp quận - huyện và 322 Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn để nhân bản phát hành hàng trăm ngàn bản trong các đợt tập huấn. Các loại tài liệu tuyên truyền như tờ gấp, cẩm nang pháp luật đều được chuyển về đúng đối tượng tuyên truyền và phục vụ trực tiếp cho các cuộc tuyên truyền miệng ở cơ sở.

b) Về lực lượng báo cáo viên pháp luật:

Thành phố đã cử đoàn đại biểu gồm 10 người thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Công an thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tham dự lớp tập huấn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập huấn tại Đồng Nai vào tháng 9 năm 2008.

Trên cơ sở đó, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn tuyên truyền Luật cho đội ngũ 244 báo cáo viên pháp luật (90 cấp thành phố và 154 cấp quận - huyện); Ủy ban nhân dân các quận - huyện đều có tổ chức tập huấn kiến thức về Luật cho đội ngũ cán bộ tư pháp 322 phường - xã, thị trấn.

c) Về kết quả tuyên truyền:

Báo cáo viên pháp luật cấp thành phố hiện nay có 90 người, là các Luật sư, Luật gia, các cán bộ chủ chốt của các Sở, ngành, đoàn thể thành phố. Qua tổng hợp báo cáo của các báo cáo viên thì có trên 50 % số báo cáo viên pháp luật thành phố được mời đi báo cáo tại các đơn vị trên địa bàn thành phố và các tỉnh bạn. Báo cáo viên cấp quận - huyện có 154 người, trong số đó có 74 % số báo cáo viên pháp luật quận - huyện đã thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu báo cáo pháp luật tại cơ sở; các báo cáo viên đã thực hiện được trên 22.109 cuộc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các đối tượng với hơn 1.612.700 người tham dự, đạt trung bình có 73 người /cuộc tham gia tuyên truyền. Tại các quận - huyện đã tổ chức được 46 cuộc hội thảo, tọa đàm với 7.626 người tham dự. Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là 2 nội dung đứng đầu trong số 12 nội dung các báo cáo viên pháp luật truyên truyền nhiều nhất trong năm 2008.

Từ tháng 9 năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với 24 quận - huyện tổ chức hơn 100 cuộc tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới và giới thiệu mô hình giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình cho trên 4.000 lượt người ở 25 phường - xã được chọn làm điểm xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.

Nói chung, công tác tuyên truyền giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được thành phố triển khai thực hiện khá tốt từ sau khi Luật được ban hành cho đến nay, kể cả các hoạt động tuyên truyền trên hệ thống báo, đài thành phố; là một trong những nội dung pháp luật được đông đảo người dân quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm và hành động phòng, chống bạo lực gia đình của cá nhân, gia đình, cộng đồng; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước phòng, chống bạo lực gia đình của Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn.

2. Công tác xây dựng các giải pháp can thiệp nhằm phòng, chống bạo lực gia đình:

a) Mô hình giải pháp can thiệp nhằm phòng, chống bạo lực gia đình:

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện công tác xây dựng mô hình can thiệp nhằm phòng, chống bạo lực gia đình theo nội dung Quyết định số 2879/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 6 năm 2008 như sau:

Tổng số đơn vị chọn thí điểm mô hình phòng, chống bạo lực gia đình là 25 phường - xã, thị trấn, trong đó:

+ Phường 13, quận 10 là đơn vị làm điểm cấp thành phố (hưởng kinh phí hỗ trợ của Trung ương).

+ Mỗi quận - huyện chọn một phường - xã, thị trấn để làm điểm cấp quận - huyện (kinh phí địa phương).

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng mô hình trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 5 văn bản hướng dẫn thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức tập huấn triển khai kế hoạch xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình cho Phòng Văn hóa Thông tin 24 quận - huyện; phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan như Công an, Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân…thống nhất thực hiện các giải pháp thi hành Luật và tạo điều kiện tốt để mô hình triển khai thực hiện. Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã phối hợp với đơn vị chủ trì thực hiện mô hình hướng dẫn hòa giải viên và các loại hình câu lạc bộ gia đình tham gia hoạt động ngăn ngừa bạo lực gia đình.

Công tác tập huấn nghiệp vụ xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình cho toàn thể cán bộ phụ trách công tác gia đình quận - huyện, phường - xã, thị trấn đã hoàn tất trong tháng 12 năm 2008. Riêng tại phường 13, quận 10 là đơn vị làm điểm cấp thành phố. Ủy ban nhân dân phường đã tổ chức lớp tập huấn cho Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình phường, Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, hòa giải viên và thành viên các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.

Cho đến nay, toàn thể 24 quận - huyện đã chọn xong điểm thực hiện mô hình; trên 50% quận - huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình tại phường - xã, thị trấn chọn làm điểm, 24/25 phường - xã, thị trấn điểm đã hoàn thành công tác tuyên truyền Luật kết hợp giới thiệu về mô hình các giải pháp can thiệp nhằm phòng, chống bạo lực gia đình ở khu phố - ấp.

Dánh sách 25 phường - xã, thị trấn, khu phố-ấp chọn làm điểm:

TT

Tên Phường - xã, thị trấn

TT

Tên Phường - xã, thị trấn

1.

Phường Cô Giang - quận 1

14.

Phường 26 - quận Bình Thạnh

2.

Phường Thảo Điền - quận 2

15.

Phường Bình Trị Đông - quận Bình Tân

3

Phường 1- quận 3

16

Phường 2 - quận Tân Bình

4

Phường 4 - quận 4

17.

Phường Phú Thạnh - quận Tân Phú

5

Phường 7 - quận 5

18.

Phường 5 - quận Phú Nhuận

6

Phường 7 - quận 6

19.

Phường Bình Chiểu - quận Thủ Đức

7

Phường Bình Thuận - quận 7

20.

Phường 8 - quận Gò Vấp

8.

Phường 6 - quận 8

21.

Xã Thới Tam thôn - huyện Hóc Môn

9.

Phường Hiệp Phú - quận 9

22.

Xã Tân Thạnh Tây - huyện Củ Chi

10.

Phường 13 - quận 10

23.

Xã Long Thới - huyện Nhà Bè

11.

Phường 5 - quận 10

24.

Xã Long Hòa - huyện Cần Giờ

12.

Phường 10 - quận 11

25.

Xã Hưng Long - huyện Bình Chánh

13.

Phường Tân Chánh Hiệp - quận 12

/

 

b) Xây dựng cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình:

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tân Phú và quận Bình Tân xây dựng 2 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú (thành lập tháng 9 năm 2008) và phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (thành lập tháng 11 năm 2008). Đối với địa chỉ tin cậy ở phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2008 đã tiếp nhận 07 trường hợp, trong đó có 01 trường hợp do quận Bình Tân nhờ can thiệp giúp đỡ; địa chỉ đã tư vấn, hòa giải thành công và phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình làm cam kết chấm dứt hành vi bạo lực gia đình.

Đây là giải pháp can thiệp được đề ra trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp với quận - huyện mạnh dạn triển khai thể nghiệm. Mô hình được sự chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn nơi có mô hình; có sự hướng dẫn theo dõi về chuyên môn của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Về kinh phí:

Ngoài nguồn kinh phí đầu tư thường xuyên cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp thành phố - cơ quan thường trực là Sở Tư pháp đã có tập trung xây dựng tài liệu, nhân bản, phát hành và tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên thành phố, quận - huyện; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chi 120 triệu đồng cho thực hiện nhân bản tài liệu và hỗ trợ cho quận - huyện tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền Luật phòng, chống bạo lực gia đình và kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình cho các phường - xã, thị trấn làm điểm xây dựng mô hình năm 2008.

Ủy ban nhân dân các quận - huyện đã có sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về chỉ đạo, phối hợp, kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trong năm 2008 và tiếp tục triển khai công tác phòng, chống bạo lực gia đình năm 2009. 

4. Nhận xét:

a) Thuận lợi:

- Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao của hệ thống chính trị các cấp từ thành phố đến cơ sở và sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân thành phố trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; thể hiện rõ nét qua sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, Chính quyền các cấp cơ sở và hưởng ứng của nhân dân trong triển khai xây dựng các mô hình tại các phường - xã, thị trấn chọn làm điểm.

- Qua hoạt động tuyên truyền giáo dục bước đầu đã tạo sự chuyển động tốt trong phối hợp ở các cấp chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở, nâng cao nhận thức chung về trách nhiệm và hành động phòng, chống bạo lực gia đình trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

- Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình chỉ ra được những nhiệm vụ cụ thể, huy động mọi nguồn lực xã hội, các loại hình sẵn có trong cộng đồng và phát huy những kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình đã có của địa phương, tổ chức xã hội, tình nguyện viên.

b) Hạn chế, tồn tại:

- Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình chưa được Chính phủ ban hành nên chưa thực hiện được các biện pháp chế tài đúng mức, răn đe, ngăn chặn và đấu tranh đối với các hành vi bạo lực gia đình.

- Trong thực tiễn xã hội, nhiều vụ việc bạo lực gia đình đang diễn ra, đã được các cơ quan báo chí phát hiện và kể cả nạn nhân tố giác, đề nghị can thiệp, giúp đỡ nhưng chính quyền, đoàn thể tại một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm can thiệp, giải quyết có hiệu quả.

- Công tác tuyên truyền giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các giải pháp can thiệp được quy định trong Luật mới được triển khai thời gian ngắn, chưa được phổ biến sâu rộng đến tận gia đình, từ đó dẫn đến sự chuyển biến về nhận thức ứng xử phù hợp cũng như về ý nghĩa, lợi ích, hiệu quả của mô hình trong các hộ gia đình có xảy ra bạo lực gia đình tại một số địa phương và cộng đồng còn nhiều hạn chế.

II. PHƯƠNG HƯỚNG NĂM 2009

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các đoàn thể khác cùng với Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm năm 2009 như sau:

1. Xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2009 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

2. Phối hợp với Sở Tư pháp rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để có phương án điều chỉnh, sửa đổi và kiến nghị với các cơ quan chức năng Trung ương.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục Luật; đa dạng hóa hoạt động truyền thông và lồng ghép phối hợp tuyên truyền trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và mọi sự kiện có liên quan đến nội dung gia đình trong năm 2009.

4. Tổ chức các hoạt động phối hợp liên ngành phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp, gắn kết với Mặt trận và các đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

5. Kiện toàn ổn định lực lượng cán bộ phụ trách công tác gia đình ở phường - xã , thị trấn; bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; có giải pháp hỗ trợ những nơi yếu kém, biến động nhân sự.

6. Triển khai công tác nghiên cứu khảo sát, thu thập thông tin, tình hình về gia đình và bạo lực gia đình trên địa bàn phục vụ công tác quản lý nhà nước và xây dựng mạng lưới cộng đồng phòng, chống bạo lực gia đình.

7. Tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; lập dự toán thường xuyên hàng năm cho kế hoạch công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Vụ Gia đình - Bộ VHTTDL;
- Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB : CT, các PCT;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ban VH-XH/HĐND.TP;
- UBMTTQVN và các đoàn thể TP;
- Các Sở, ngành thành phố;
- UBND các quận - huyện;
- VPHĐ-UB: CPVP;
- Các Phòng CV;
- Lưu:VT, (VX/T) H.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo số 24/BC-UBND về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 24/BC-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/03/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Thu Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/03/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản