- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 do Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 25/2006/QĐ-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Luật Giáo dục 1998
- 5Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT về Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6Quyết định 06/2008/QĐ-BGDĐT quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7Quyết định 42/2008/QĐ-BGDĐT về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 8Quyết định 45/2008/QĐ-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 9Quyết định 62/2008/QĐ-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 10Quyết định 64/2008/QĐ-BGDĐT về Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 11Quyết định 174/2008/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 07/2009/QĐ-TTg ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Thông tư 02/2009/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy kèm theo Quyết định 05/2008/QĐ-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 14Quyết định 61/2009/QĐ-TTg về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 16Thông tư 14/2009/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 760/BC-BGDĐT | Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2009 |
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC, CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO
Sau 23 năm đổi mới của đất nước và 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010, giáo dục đại học nước ta đã từng bước phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, nguồn lực xã hội được huy động nhiều hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực, cung cấp nguồn lao động chủ yếu có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, giáo dục đại học đang đứng trước thách thức rất to lớn: Phương pháp quản lý nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng chậm được thay đổi, không đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và sinh viên. Chất lượng nguồn nhân lực đang là một khâu yếu kém, kéo dài của toàn bộ hệ thống kinh tế.
I. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
1. Kết quả đạt được của giáo dục đại học những năm qua
1.1. Đa dạng hóa về loại hình trường và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng
a) Về số trường: Năm 1987 cả nước có 101 trường đại học và cao đẳng (63 trường đại học, chiếm 62%; 38 trường cao đẳng, chiếm 38%), đến tháng 9/2009 có 376 trường đại học và cao đẳng, tăng gấp 3,7 lần (150 trường đại học, chiếm 40%, gấp 2,4 lần và 226 trường cao đẳng chiếm 60%, gấp 6 lần).
b) Về loại hình trường và sở hữu: Năm 1987 cả nước có 101 trường đại học và cao đẳng công lập, không có trường ngoài công lập; năm 1997 có 126 trường đại học và cao đẳng (tăng 1,2 lần), trong đó 15 trường đại học ngoài công lập; đến tháng 9/2009 có 376 trường đại học và cao đẳng (tăng 3,7 lần), trong đó 81 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, chiếm 21,5% (44 trường đại học và 37 trường cao đẳng).
c) Về thực hiện quy hoạch mạng lưới: Từ năm 1998 đến nay (12 năm) đã có 33 trường đại học được thành lập mới (2 trường công lập và 31 trường ngoài công lập); 54 trường đại học nâng cấp từ trường cao đẳng (51 trường đại học công lập và 3 trường đại học ngoài công lập). Cả nước có 35/63 tỉnh có thêm trường đại học mới, trong đó: 23 tỉnh có thêm 1 trường; 10 tỉnh có thêm 2 - 3 trường; riêng thành phố Hồ Chí Minh có thêm 18 trường đại học và Hà Nội (mở rộng) có thêm 23 trường, chiếm tỷ lệ 43% số trường đại học thành lập mới và nâng cấp.
d) Về cơ sở đào tạo sau đại học (bao gồm các trường đại học và viện nghiên cứu): Tính đến tháng 9/2009, cả nước có 159 cơ sở đào tạo sau đại học (71 viện nghiên cứu, chiếm 44,7% và 88 trường đại học, chiếm 55,3%), trong đó có 121 cơ sở đào tạo tiến sĩ và 100 cơ sở đào tạo thạc sĩ (trong đó có 4 trường đại học ngoài công lập được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ).
Nhận xét về kết quả phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng:
- Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh, nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giáo dục huy động ngày càng nhiều.
- Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học được phát triển đúng theo định hướng qui hoạch, phân bố trên phạm vi cả nước. Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố có trường đại học (đạt tỷ lệ 63%); có 60/63 tỉnh, thành có trường cao đẳng (đạt tỷ lệ 95%) và có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường cao đẳng hoặc đại học (đạt tỷ lệ 98%, trừ tỉnh Đăknông chưa có trường đại học, cao đẳng nào).
- Số lượng trường đại học, cao đẳng ở các vùng cao, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đã tăng lên, như Tây Bắc (1 trường đại học, 8 trường cao đẳng); Tây Nguyên (3 trường đại học, 10 trường cao đẳng); đồng bằng sông Cửu Long (11 trường đại học, 27 trường cao đẳng), tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học, nhất là ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, miền núi, con em đồng bào dân tộc thiểu số.
- Các trường đại học, cao đẳng công lập đã giữ được vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực (tổng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng năm học 2008 - 2009 là 1.719.499 sinh viên, quy mô các trường công lập là 1.501.310 sinh viên, chiếm tỷ lệ 87,3%). Tổng số các đại học, cao đẳng công lập là 295, chiếm 78% tổng số đại học, cao đẳng cả nước.
- Các trường ngoài công lập phát triển nhanh về số lượng, năm 1997 có 15 trường đại học ngoài công lập, đến tháng 9/2009 có 81 trường (44 trường đại học và 37 trường cao đẳng ngoài công lập), tăng 5,8 lần. Quy mô đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập năm học 2008 - 2009 là 218.189 sinh viên, chiếm tỷ lệ 12,7% so với tổng số sinh viên.
- Các cơ sở đào tạo sau đại học trong nước đã và đang cung cấp nguồn nhân lực trọng yếu trình độ cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống xã hội, giữ vững an ninh và chủ quyền quốc gia. Phần lớn số tiến sĩ, thạc sĩ đào tạo trong nước là giảng viên, cán bộ nghiên cứu của các cơ sở đào tạo sau đại học và viện nghiên cứu. Số còn lại làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương.
Tuy nhiên, trong công tác thành lập trường, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng theo Quyết định số 121 của Thủ tướng Chính phủ cũng còn bộc lộ những hạn chế là:
- Khoảng 20% trường đại học, cao đẳng (12 trường) được thành lập mới hoặc nâng cấp lên đại học từ năm 2005 trở lại đây chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong Đề án khả thi thành lập trường và mở ngành tuyển sinh, chưa chuẩn bị đồng bộ 4 yếu tố về: đất đai xây dựng trường; đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm, ...).
- Chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế các điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh (chỉ kiểm tra dựa theo hồ sơ). Chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh. Chưa có quy định các trường phải xây dựng chuẩn năng lực người tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) nên chưa có cơ sở đánh giá đúng chất lượng đào tạo. Hệ thống quản lý chất lượng trong giáo dục đại học chậm được hình thành (năm 2004 Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục mới được thành lập).
- Các trường đại học, cao đẳng vẫn tập trung chủ yếu ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 5 thành phố này có 102/150 trường đại học cả nước, chiếm 68% và có 184/276 trường đại học, cao đẳng cả nước, chiếm 49%. Riêng các trường cao đẳng, 5 thành phố có 82/226 trường, chiếm 36%.
1.2. Mở rộng quy mô đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ
a) Về chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng: Năm 1987 số sinh viên tuyển mới là 34.110, năm 1997 là 123.969 (tăng 3,6 lần so với 1987), đến năm 2009 là 503.618 (tăng 4 lần so với năm 1997 và tăng 14,7 lần so với năm 1987);
Công bằng xã hội được thực hiện tốt hơn. Số con em diện chính sách, miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa được thu hút ngày càng đông vào các trường đại học và cao đẳng (bình quân 5 năm 2004 - 2008, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng hệ chính quy có hộ khẩu thường trú tại vùng cao miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 26,29%, số thí sinh là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 4,71% , số thí sinh từ khu vực nông thôn và miền núi là 64,5% và số thí sinh nữ là 51,6% so với tổng số thí sinh trúng tuyển).
b) Về quy mô đào tạo cao đẳng, đại học: Năm 1987 tổng số sinh viên là 133.136, năm 1997 là 715.231 (tăng 5,4 lần), năm 2009 là 1.719.499 (tăng 2,4 lần so với năm 1997 và gần 13 lần so với năm 1987);
Quy mô đào tạo đại học, cao đẳng tăng dần qua các năm, tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân cũng tăng, năm 1997 là 80 sinh viên/1 vạn dân, năm 2006 là 166,5 sinh viên/1 vạn dân, năm 2009 là 195 sinh viên/1 vạn dân, đến năm 2010 có thể đạt 200 sinh viên/1 vạn dân theo đúng định hướng Nghị quyết số 14 của Chính phủ và Quyết định số 121 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu so với các nước, thì tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân của Việt Nam còn rất thấp: năm 2005 Thái Lan có 374 sinh viên/1vạn dân; Chi Lê có 407 sinh viên/1 vạn dân, Nhật Bản có 316 sinh viên/1 vạn dân, Pháp có 359 sinh viên/1 vạn dân, Anh có 380 sinh viên/1 vạn dân, Úc có 504 sinh viên/1 vạn dân, Mỹ có 576 sinh viên/1 vạn dân và Hàn quốc có 674 sinh viên/1 vạn dân.
c) Số sinh viên tốt nghiệp: Năm 1987 có 19.900 sinh viên tốt nghiệp, năm 1997 có 73.736 (tăng 3,7 lần so với 1987) và năm 2009 có 222.665 (tăng 11 lần so với năm 1987); số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
d) Quy mô đào tạo sau đại học: Từ năm 2000 đến nay, các cơ sở đào trung bình mỗi năm đào tạo 650 tiến sĩ trong nước. Năm 2008 các cơ sở đào tạo sau đại học đã tuyển được 1.805 nghiên cứu sinh và 22.885 học viên cao học. Năm 2009, các cơ sở đào tạo sau đại học trong nước đã đăng ký 2.504 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ và 30.638 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ. So với chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài, năm 2009, số lượng nghiên cứu sinh trong nước cao hơn 3,57 lần, học viên cao học gấp 15,3 lần. Con số đó cho thấy vai trò quan trọng của đào tạo sau đại học trong nước đối với việc cung ứng nhân lực trình độ cao cho đất nước.
Sự phát triển quy mô của giáo dục đại học những năm qua đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hạn chế cơ bản là một thời gian rất dài, từ năm 1975 đến năm 2004, Nhà nước buông lỏng quản lý chất lượng giáo dục đại học, do đó việc tăng quy mô đào tạo, số trường đại học, cao đẳng trong nhiều trường hợp làm tăng nguy cơ chất lượng giảm sút.
a) Cơ cấu trình độ đào tạo: Quy mô đào tạo đại học giảm từ 79,4% (năm 1997) xuống 72,3% (năm 2009); quy mô đào tạo cao đẳng tăng từ 20,6% (năm 1997) lên 27,7% (năm 2009);
b) Ngành nghề đào tạo: Tỷ lệ đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư, y dược, văn hóa - nghệ thuật, thể dục, thể thao tăng; đào tạo nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực công nghệ, thông tin, sinh học, vật liệu mới được ưu tiên;
c) Hình thức đào tạo: Theo quy định của Luật Giáo dục 1998 và 2005, hình thức đào tạo cao đẳng, đại học được đa dạng hoá, gồm đào tạo chính quy tập trung và giáo dục thường xuyên/đào tạo không chính quy (vừa làm vừa học, đào tạo từ xa và tự học có hướng dẫn). Tổng quy mô đào tạo không chính quy hiện nay khoảng gần 900.000 sinh viên (trong đó đào tạo từ xa khoảng 220.000 sinh viên), chiếm xấp xỉ 50% tổng quy mô đào tạo của các trường đại học, cao đẳng.
Cùng với đào tạo chính quy, đào tạo không chính quy ở các trường đại học, cao đẳng những năm qua, đã có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời cũng đã huy động được các nguồn lực trong xã hội phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Bằng nguồn kinh phí đóng góp của người học, các trường cao đẳng, đại học có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư tăng cường cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài liệu giảng dạy, học tập, cải thiện đời sống. Khai thác được khả năng, trí tuệ của đội ngũ nhà giáo trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.
1.4. Chất lượng giáo dục đại học bước đầu được kiểm soát và từng bước được cải thiện
a) Hình thành hệ thống cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng giáo dục đại học từ Trung ương đến các trường.
Trước năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng giáo dục, chưa có chủ trương các trường đại học, cao đẳng phải công bố chuẩn đầu ra, các đại học không báo cáo chất lượng giáo dục một cách chính quy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có khả năng đánh giá chất lượng của toàn hệ thống giáo dục đại học một cách khoa học và sát thực tiễn. Năm 2004 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, sau đó đã hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng hình thành 77 tổ chức chuyên trách về đảm bảo chất lượng ở các trường đại học, cao đẳng. Trên cơ sở đó, đến nay đã có 114 trường đại học, cao đẳng tiến hành tự đánh giá chất lượng, chiếm trên 70% số trường đại học cả nước.
b) Tạo sự giám sát xã hội về chất lượng đào tạo và động lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế thực hiện 3 công khai đối với các cơ sở giáo dục từ tháng 5/2009 (công khai cam kết chất lượng đào tạo và chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo; công khai nguồn lực phục vụ đào tạo (giảng viên, giáo trình, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất,…); công khai thu chi tài chính). Các nội dung của 3 công khai phải được công bố ở Website của mỗi trường, ở các khoa, thư viện để mọi người dễ tiếp cận. Theo đó, từ năm học 2009 – 2010, trường đại học, cao đẳng nào không thực hiện 3 công khai theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 01/2010 thì sẽ không được phép tuyển sinh năm học 2010 – 2011. Từ năm 2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm phải căn cứ vào số giảng viên và chất lượng giảng viên của trường, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên của trường, năng lực thiết bị chuyên ngành phục vụ đào tạo, diện tích phòng học, phòng thí nghiệm theo đầu sinh viên,… qua đó tạo ra sự ràng buộc khách quan giữa phát triển số lượng sinh viên và chất lượng đào tạo.
Nhằm tạo động lực cho quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chủ trương “Đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Theo đó, nhà trường cần xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của mỗi ngành đào tạo, đánh giá sự phù hợp của các chuẩn đó so với nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp, nhà nước, người sử dụng lao động. Đến nay có khoảng 10 trường đại học, cao đẳng công bố chuẩn đầu ra của mình (chiếm 2,7% số trường đại học, cao đẳng). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ, ngành khác, các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng tổ chức 13 Hội thảo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội, qua đó có trên 600 hợp đồng, thoả thuận đào tạo và sử dụng lao động giữa các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động và các trường đại học, cao đẳng được ký kết với hơn 10.000 lao động được đào tạo theo đặt hàng. Giá trị thiết bị, chương trình đào tạo mà các doanh nghiệp đã hỗ trợ các trường qua liên kết đào tạo này là khoảng 10 triệu USD.
c) Chuẩn hoá và nâng cao chất lượng các đầu vào của quá trình đào tạo đại học:
- Chuẩn hoá chất lượng sinh viên được nhập học: Thực hiện tuyển sinh đại học nghiêm túc đồng thời trong cả nước với đề thi chung cho tất cả các trường đại học, cao đẳng (theo khối thi) và sử dụng chung kết quả thi để xét tuyển cho nhiều trường đại học, cao đẳng khác nhau. Điểm sàn để xét tuyển vào các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tương ứng với từng khối thi, dao động trong khoảng từ 13 đến 15 điểm/30 điểm, 3 môn thi.
- Chuẩn hoá giảng viên đại học: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định tỷ lệ tối đa sinh viên/giảng viên của các khối ngành đào tạo khác nhau (Khối Kỹ thuật - Công nghệ: 20 sinh viên/1 giảng viên; Khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh: 25 sinh viên/1 giảng viên; Khối ngành Nghệ thuật, Thể dục thể thao: 15 sinh viên/1 giảng viên; …). Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, trong đó xác định yêu cầu phải đạt tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ qua từng giai đoạn, mục tiêu là đến năm 2020 phải đạt ít nhất 35% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng với quy mô ngày càng tăng. Công tác xét và công nhận Giáo sư, Phó giáo sư đã được tiến hành liên tục từ năm 2000 đến nay với quy trình, nội dung có cải tiến. Số giảng viên đại học, cao đẳng đã tăng từ 20.112 năm 1997 lên 61.190 năm 2009 (gấp 3 lần), số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 2.041 người lên 6.217 người (gấp 3 lần), số giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng từ 3.802 người lên 24.831 người (gấp 6 lần), số giảng viên là Giáo sư, Phó giáo sư tăng từ 526 người lên 2.286 người (gấp 4,5 lần).
- Chuẩn hoá đội ngũ lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng: Từ năm 2007 đến nay đã tổ chức các lớp bồi dưỡng quản lý trường đại học, cao đẳng, có sự tham gia của chuyên gia có kinh nghiệm nước ngoài, gắn với thăm quan các đại học ở nước ngoài cho 252 Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng; đang chuẩn bị lớp bồi dưỡng năm 2009 cho 300 Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng.
- Chuẩn hoá chương trình đào tạo: Trong bối cảnh trình độ đa số giảng viên chưa phải là tiến sĩ, tình hình các trường còn rất khác nhau về chất lượng đội ngũ giảng viên, việc đưa ra chương trình khung cho các ngành đào tạo là cần thiết. Theo đó 50 - 60% khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo có nội dung được quy định ở chương trình khung, còn lại là sự lựa chọn và vận dụng phát triển của các trường. Cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành được 207 chương trình khung trình độ đại học và cao đẳng.
- Hiện đại hoá chương trình và điều kiện đào tạo qua hợp tác với các đại học có uy tín ở nước ngoài: Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các đại học triển khai 23 chương trình đào tạo tiên tiến ở 17 trường đại học ở các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn chọn lọc, chương trình đào tạo là của trường đối tác, giảng dạy bằng tiếng Anh, đánh giá kết quả theo tiêu chuẩn của trường đối tác. Hiện nay đang chuẩn bị triển khai tiếp 12 chương trình.
- Nâng cao chất lượng giáo trình: Để khắc phục tình hình thiếu giáo trình có chất lượng cho các ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo và phối hợp với 24 trường đại học đưa hơn 1.000 giáo trình lên Website của Bộ, đến nay đã có hơn 10 triệu lượt người truy cập vào Website tra cứu.
- Đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích sự tự học có hướng dẫn, học qua thảo luận và làm việc theo nhóm, giảng viên sử dụng thiết bị trình chiếu và máy tính để giảng dạy.
- Đổi mới cơ chế quản lý tài chính giáo dục đại học: Quốc hội đã có Nghị quyết số 35 về định hướng đổi mới một số nội dung của cơ chế tài chính giáo dục, trong đó có tăng học phí cho giáo dục đại học, thực hiện cơ chế xã hội giám sát đầu tư cho giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã quy định chương trình cho học sinh hộ nghèo, cận nghèo vay để học đại học, cao đẳng, học nghề (đến nay có 1,4 triệu học sinh học nghề, sinh viên được vay, chiếm 50% tổng số sinh viên), triển khai chương trình xây ký túc xá cho 60% sinh viên Việt Nam, tạo một cơ hội hết sức to lớn để tạo ra và phát huy thế mạnh của con người Việt Nam được đào tạo trong giai đoạn tăng tốc phát triển bền vững và hội nhập.
- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học tiếp tục được hoàn thiện: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học đã được ban hành, làm căn cứ pháp lý cho các trường tổ chức triển khai thực hiện và công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý các cấp, cụ thể là: Quy chế về tuyển sinh; Quy chế đào tạo; quy định về đào tạo liên thông, liên kết; quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; công khai trong giáo dục; chế độ làm việc của giảng viên; điều lệ trường cao đẳng; thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học; tổ chức và hoạt động của đại học tư thục,…
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác kiểm định như: các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, quy trình kiểm định kèm theo các văn bản hướng dẫn đã được xây dựng làm tiền đề cho việc triển khai công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học và các chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, so với yêu cầu triển khai Luật Giáo dục 2005 và nhu cầu quản lý chất lượng giáo dục, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đồng bộ.
Các hoạt động nêu trên do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai đã có tác dụng quan trọng, tích cực trong việc từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại học và bắt đầu kiểm soát chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, quản lý chất lượng giáo dục là khâu yếu nhất hiện nay, đang còn nhiều bất cập. Cho đến năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chủ trương là các trường đại học, cao đẳng phải công bố chuẩn năng lực của người tốt nghiệp các ngành nghề của các trường đại học (hiểu biết gì, có kỹ năng gì, có năng lực hành vi thế nào, có thể làm việc được ở các vị trí gì trong xã hội?), vì vậy, cũng chưa có trường nào công bố chuẩn năng lực sinh viên tốt nghiệp của trường mình. Do đó, chưa có đủ cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường một cách khách quan, toàn diện. Các yếu tố đầu vào để đảm bảo chất lượng cho đào tạo thực tế chưa được kiểm soát triệt để. Năm 1987, một giảng viên đại học, cao đẳng đào tạo bình quân 6,6 sinh viên, đến năm 2009 một giảng viên đại học, cao đẳng đào tạo bình quân 28 sinh viên. Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường đại học, cao đẳng tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Năm 1987 tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 10,09%, năm 2009 là 10,16%. Cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa ban hành quy chế về giáo trình đại học, cao đẳng. Cho đến năm 2004, trong Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ quan chuyên trách về quản lý chất lượng (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thành lập vào năm 2004), hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có đánh giá chất lượng giáo dục đại học một cách có cơ sở khoa học và thực tiễn.
Nhìn chung chất lượng đào tạo còn thấp, chưa có chuyển biến trên diện rộng. Chưa tạo được sự đồng hướng về lợi ích, sự quan tâm đủ mạnh đến chất lượng giáo dục giữa người học, người dạy, nhà đầu tư cho giáo dục, người sử dụng lao động và xã hội. Thực tế gần 30 năm chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục đại học vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường đại học, cao đẳng (chuẩn năng lực của người tốt nghiệp); chưa giữ được chuẩn của nhiều yếu tố đầu vào (giáo viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất); chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng; hàng năm chưa có đánh giá thực tế và có báo cáo hàng năm về chất lượng đào tạo của các trường và cả hệ thống giáo dục đại học.
a) Trong thời gian qua, chúng ta đã đàm phán ký kết được các thỏa thuận công nhận tương đương bằng cấp giữa Việt Nam với 10 nước trên thế giới;
b) Gia hạn và đàm phán ký mới hiệp định hợp tác về giáo dục với nước ngoài; trong 2 năm 2008 và 2009, Việt Nam đã ký 31 Điều ước quốc tế và Thoả thuận quốc tế về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các nước ở cấp Chính phủ và cấp Bộ (không kể cấp trường);
c) Trong gần 10 năm, từ năm 2000 đến tháng 10/2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 7.039 lưu học sinh đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước và Hiệp định (trong đó đi học tiến sĩ là 2.029 người, thạc sĩ là 1.598 người, thực tập sinh là 626 người và đại học là 2.786 người); bình quân 1 năm cử trên 700 lưu học sinh đi học nước ngoài. Năm học 2008 - 2009 đã cử được trên 1.000 người đi học nước ngoài, trong đó trên 700 người học tiến sĩ, thạc sĩ, thực tập sinh bằng nguồn ngân sách nhà nước, không kể các nguồn khác. Riêng 10 tháng đầu năm 2009, đã gửi được 900 người đi học nước ngoài, trong đó có 585 người ( 330 đi học tiến sĩ, 184 đi học thạc sĩ và 71 thực tập sinh).
d) Có trên 30 trường đại học có chương trình hợp tác quốc tế tốt, có hiệu quả, đã đạt được thỏa thuận công nhận liên thông chương trình với các trường đại học nước ngoài, theo đó các trường đại học nước ngoài đã công nhận những tín chỉ sinh viên Việt Nam tích lũy trong quá trình học đại học ở Việt Nam. Nhiều chương trình đại học 3+1 và 2+2 đã được ký kết. Ngày càng có nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ phối hợp với nước ngoài có cả giáo sư Việt Nam và giáo sư nước ngoài đồng hướng dẫn;
e) Phối hợp với các đại học nước ngoài triển khai 23 chương trình tiên tiến ở 17 trường đại học; với Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á để xây dựng các đại học xuất sắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đại học Việt - Đức đã đi vào hoạt động từ năm 2008;
g) Trong những năm gần đây, sinh viên nước ngoài đến học tại các trường đại học của Việt Nam ngày một tăng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có gần 10.000 sinh viên nước ngoài đang học tại các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam. Bắt đầu xuất hiện sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học các chương trình chuyên ngành bằng tiếng Anh;
1.6. Quản lý hệ thống giáo dục đại học
Do đặc điểm lịch sử, việc quản lý và chịu trách nhiệm của cơ quan nhà nước về các trường đại học, cao đẳng rất phân tán. Trong tổng số 376 đại học, cao đẳng cả nước hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 54 trường (14,4%); các Bộ, ngành khác quản lý 116 trường (30,8%); UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản của 125 trường (33,2%); có 81 trường dân lập, tư thục (21,5%).
Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan duy nhất theo luật pháp được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giáo dục cấp Bộ, thì việc kiểm tra chấp hành các văn bản đó ở các trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành khác và do Uỷ ban nhân dân là cơ quan chủ quản còn rất hạn chế, có Bộ còn ra văn bản chồng chéo lên chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Uỷ ban nhân dân các tỉnh chưa được phân cấp quản lý các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, thành uỷ, chủ yếu chỉ tham gia xem xét việc thành lập trường, giải quyết các nhu cầu và vấn đề xã hội của trường trên địa bàn, quản lý tổ chức Đảng của nhà trường. Mọi nội dung khác về quản lý nhà nước về giáo dục đại học đối với các đại học này đều thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khi khả năng kiểm soát hoạt động của các trường trong cả nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất hạn chế (nếu mỗi tuần Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra, kiểm tra 2 trường đại học, cao đẳng thì phải mất 3,5 năm mới thanh tra, kiểm tra hết một lượt 376 trường đại học, cao đẳng).
Thực tế thời gian qua không có họp định kỳ hàng năm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành khác và Uỷ ban nhân dân các tỉnh về quản lý các trường đại học, cao đẳng, chưa có quy chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành khác và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về quản lý các trường này. Do đó xét về tổng thể Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thể trả lời được 3 câu hỏi: 1). Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? 2). Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo thế nào? 3). Hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường đại học, cao đẳng công lập thế nào? (Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý 54 trong tổng số 295 đại học, cao đẳng công lập toàn quốc, chiếm 18,3%).
Để việc nâng cao chất lượng đào tạo được thường xuyên, thiết thực thì các trường đại học, cao đẳng phải vừa có quyền tự chủ cao, vừa có nghĩa vụ chịu trách nhiệm rõ ràng trước xã hội và Nhà nước. Việc tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm chỉ có thể làm được khi Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đầy đủ các quy chế, quy định chung liên quan đến các mặt hoạt động của nhà trường như: Điều kiện thành lập trường đại học, cao đẳng và mở ngành đào tạo, tuyển sinh, Điều lệ trường đại học, cao đẳng; quy chế hoạt động của nhà trường; quy chế đào tạo, tuyển sinh, tuyển dụng; quy định về giáo trình; quy chế quản lý chất lượng; quy chế quản lý khoa học; quy chế hợp tác quốc tế; quyền hạn và trách nhiệm của giảng viên; quy chế quản lý sinh viên; quy chế quản lý tài chính; quy định về mối quan hệ giữa Ban giám hiệu, Đảng uỷ, các Đoàn thể trong nhà trường; quy chế công khai các hoạt động của trường,... Thời gian qua, các quy chế, quy định này chưa đầy đủ nên việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục hạn chế. Các trường chưa chịu áp lực giám sát của xã hội, áp lực cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích xã hội, tập thể và cá nhân. Việc quy hoạch và đánh giá đội ngũ Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng cũng còn hạn chế, chưa đảm bảo có đội ngũ giảng viên giỏi, có năng lực quản lý, sẵn sàng tham gia lãnh đạo các nhà trường với yêu cầu ngày càng cao. Việc xem xét bổ nhiệm Hiệu trưởng, Hiệu phó các đại học công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và công nhận Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Hiệu phó của các đại học ngoài công lập được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc.
Các quy định về tài chính chậm được đổi mới, còn nhiều bất hợp lý, hạn chế sự năng động, sáng tạo của các trường.
Quy định về Hội đồng trường thực tế còn nhiều bất hợp lý, tuyệt đại đa số các trường không thực hiện. Các trường đại học, cao đẳng không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hàng năm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết thúc năm học 2008 - 2009, 54% số trường có gửi báo cáo, 46% không gửi. Từ năm 2000 đến 2005 Bộ Giáo dục và Đào tạo không tiến hành tổng kết năm học với sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng, từ năm 2006 thì tổng kết hàng năm theo 3 khu vực của cả nước. Cho đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ sở dữ liệu các đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của các trường đại học, cao đẳng cả nước. Chưa hình thành hệ thống quản lý được tin học hoá giữa các trường đại học, cao đẳng và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2.1. Những thành tựu nổi bật của giáo dục đại học sau 23 năm đổi mới
- Cung cấp hàng triệu nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học, hàng vạn lao động có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước. Đây là lực lượng chủ lực, nòng cốt của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, của phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
- Năng lực đào tạo tăng hơn 3 lần (376 trường đại học, cao đẳng với 61.150 giảng viên so với 101 trường đại học, cao đẳng và 20.212 giảng viên, 6.217 giảng viên là tiến sĩ so với 2.041, 2.286 GS, PGS so với 526 GS, PGS), quy mô đào tạo tăng gần 13 lần (1,7 triệu sinh viên so với 133.136 sinh viên).
- Hệ thống cơ sở đào tạo đại học đã phủ gần kín cả nước (62/63 tỉnh, thành phố đã có đại học hoặc cao đẳng).
- Đầu tư của nhà nước cho giáo dục đại học tăng nhanh, cơ chế tài chính cho giáo dục đại học đã bắt đầu được đổi mới. Nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục đại học tăng nhanh (có 81 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, chiếm 21,5% số trường).
- Đã bắt đầu hình thành hệ thống quản lý chất lượng giáo dục đại học trong cả nước và cơ chế nhà nước, nhà trường và người dân giám sát chất lượng giáo dục và đầu tư cho giáo dục.
- Quan hệ quốc tế phát triển tương đối nhanh cả cấp quốc gia và cấp trường.
2.2. Những hạn chế chủ yếu của giáo dục đại học
- Việc quản lí nhà nước về giáo dục đại học còn nhiều bất cập, trì trệ, là nguyên nhân cơ bản của việc chất lượng giáo dục đại học không có cải thiện đáng kể trên diện rộng. Nếu không có giải pháp kiên quyết, có tính đột phá, chất lượng giáo dục đại học sẽ ngày càng tụt hậu trước đòi hỏi của phát triển đất nước.
- Chất lượng giáo dục đại học nói chung, trong đó đặc biệt là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn nhiều hạn chế, đang và sẽ còn gây hậu quả cho nền kinh tế trong thời gian tương đối dài.
2.3. Nguyên nhân của các thành tựu
- Sự quan tâm lớn, liên tục của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cho sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các qui hoạch phát triển giáo dục đại học dài hạn, các chương trình mục tiêu, quyết định các chương trình đề án lớn, có tác dụng lâu dài (cho sinh viên nghèo vay để học, xây dựng các đại học quốc gia, các chương trình tiên tiến, các đại học xuất sắc, kí túc xá cho sinh viên, đào tạo 20.000 tiến sĩ,…)
- Đội ngũ nhà giáo tận tâm với nghề, sinh viên có truyền thống hiếu học, nhân dân có truyền thống chăm lo cho giáo dục.
- Cán bộ quản lí giáo dục ở cơ sở và Bộ Giáo dục và Đào tạo nỗ lực khắc phục khó khăn, sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ thực tế đặt ra.
- Ngành Giáo dục đã tận dụng được các cơ hội hợp tác quốc tế để hiện đại hóa giáo dục đại học.
2.4. Nguyên nhân các hạn chế, yếu kém
- Hệ thống giáo dục bị chi phối cùng lúc bởi nhiều loại quy luật: quy luật sư phạm, quy luật quản lý hệ thống, quy luật kinh tế và quy luật xã hội. Các cán bộ quản lý giáo dục đại học, nhất là ở cấp quốc gia không được quy hoạch và đào tạo có hệ thống, để có thể nắm vững các loại quy luật trên, vận dụng sáng tạo trong công tác, do đó yếu kém kéo dài mà không khắc phục được.
- Hệ thống quản lý giáo dục đại học còn nặng chiều chỉ đạo từ trên xuống, xin từ dưới lên, chưa có cơ chế buộc lãnh đạo cấp trên phải nghe cơ sở, cấp dưới ở mức cần thiết, chưa có cơ chế sàng lọc cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
II. CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO 2009 - 2012
1. Tổ chức thảo luận trong toàn ngành và xã hội: ”Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo”.
- Tổ chức thảo luận ở các bộ môn, các khoa, các trường với sự tham gia của giảng viên, sinh viên, đại diện người sử dụng lao động, đại diện Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ chủ quản xung quanh vấn đề: Không thể tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà lại buông lỏng quản lý chất lượng như thời gian qua. Mỗi người đều có trách nhiệm: Quản lý nhà nước, quản lý nhà trường, giảng viên, sinh viên, người sử dụng lao động và xã hội.
Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục là khâu đột phá để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
- Thảo luận và đề xuất, thực hiện các giải pháp quản lý chất lượng trong toàn hệ thống; ở mỗi đơn vị, mỗi cấp triển khai cụ thể nhiệm vụ của mình. Mỗi người không làm những việc gây tổn hại đến chất lượng giáo dục đại học.
2. Đổi mới quản lý hệ thống giáo dục đại học
2.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của nhà trường (các quy chế, quy định về đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, quản lý tài chính, tuyển dụng, vv), xong trước tháng 6/2010.
2.2. Quy định về phối hợp và phân cấp quản lý giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành khác và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với các trường đại học, cao đẳng (Nghị định Chính phủ), xong trước tháng 3/2010.
2.3. Các trường đại học, cao đẳng thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về phát triển của trường: Rà soát và hoàn thiện tất cả các quy định, quy chế của nhà trường, thực hiện 3 công khai, thực hiện tuyển dụng theo hợp đồng, trả lương gắn với hiệu quả đóng góp, kiện toàn các cơ quan quản lý của nhà trường, xong trước tháng 9/2010.
2.4. Kiểm tra thực hiện 3 công khai trong toàn quốc, gắn với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 và các năm sau. Tất cả các trường được kiểm tra 3 công khai 1 lần, trước tháng 7/2010.
2.5. Đổi mới quy chế đánh giá và cho phép mở ngành tuyển sinh. Kiểm tra tại cơ sở giáo dục trước khi được mở ngành 3 tháng, 3 năm sau đó mỗi năm kiểm tra lại 1 lần. Hoàn thành quy chế mới vào tháng 12/2009.
2.6. Hoàn thiện quy định về Hội đồng trường và quan hệ giữa Hội đồng trường, Ban giám hiệu, Đảng uỷ trường, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, trước tháng 5/2010.
2.7. Xây dựng quy định về hoàn thiện việc đánh giá quản lý giáo dục đại học: Sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của giảng viên, giảng viên tham gia đánh giá hoạt động của lãnh đạo trường; các đại học, cao đẳng tham gia đánh giá chỉ đạo, quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ chủ quản và Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố nơi trường đóng, triển khai từ 5/2010.
2.8. Các trường đại học, cao đẳng phải xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo của mình (Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cách làm), xong trước tháng 12/2010.
2.9. Triển khai Nghị định của Chính phủ về đổi mới cơ chế tài chính giáo dục theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, các trường cần xây dựng kế hoạch dài hạn 2010-2014, sử dụng phần thu học phí tăng thêm để đầu tư cho các khâu, các yếu tố đầu vào của quá trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và chăm lo cho giảng viên để có tác dụng rõ rệt nâng cao chất lượng đào tạo.
2.10. Rà soát, cập nhật quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, triển khai xây dựng các khu đại học tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Nâng cao chất lượng và chuẩn hoá các đầu vào của hệ thống giáo dục đại học
3.1. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên: Triển khai thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc của giảng viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Thực hiện quy hoạch đào tạo giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đến 2020 ở tất cả các trường cao đẳng, đại học, từ năm 2010 mỗi năm cử khoảng 1.000 giảng viên làm tiến sĩ ở trong nước, 1.000 giảng viên làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Từ năm học 2009-2010, thực hiện sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của 100% giảng viên. Các giảng viên đại học đều có kế hoạch đến năm 2012 mỗi giảng viên sử dụng tốt một ngoại ngữ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.
3.2. Chuẩn hoá và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo: Thông qua Hội đồng các Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng và Trưởng khoa cùng nhóm ngành để thống nhất các chương trình đào tạo khung của các ngành do các trường đào tạo, phân công viết giáo trình dùng chung cho các trường. Tham khảo các chương trình tương tự của các trường tiên tiến ở nước ngoài.
3.3. Chuẩn hoá và đảm bảo đủ 100% giáo trình đại học: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế biên soạn giáo trình đại học (trước tháng 2/2010). Các trường rà soát tình hình giáo trình, phối hợp qua Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và Trưởng khoa cùng nhóm ngành để biên soạn giáo trình dùng chung. Phấn đấu đến năm 2012 tất cả các trường đều có đủ giáo trình cho mỗi ngành đào tạo.
3.4. Chuẩn hoá đội ngũ lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng toàn quốc: Hoàn thiện và tiếp tục chương trình bồi dưỡng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, phấn đấu từ tháng 12/2011 trở đi tất cả Hiệu trưởng, Hiệu phó đương nhiệm đã qua bồi dưỡng.
3.5. Triển khai mạnh mẽ chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên, đảm bảo mục tiêu 60% sinh viên có chỗ ở tại ký túc xá vào năm 2020.
3.6. Thực hiện thi và xét tuyển vào đại học nghiêm túc, thực hiện tốt chương trình cho vay để học, nhằm thu hút thanh niên có chất lượng và đạo đức tốt vào học ở các trường đại học, cao đẳng.
3.7. Thông qua Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và Trưởng khoa cùng nhóm ngành, các trường xây dựng đề án hình thành hệ thống thư viện điện tử chuẩn hoá, hiện đại, liên thông.
3.8. Tổ chức hội nghị đánh giá đào tạo theo tín chỉ, xây dựng phần mềm quản lý đào tạo theo tín chỉ dùng chung cho các trường đại học, cao đẳng, phấn đấu đến năm 2012 tất cả các trường đại học, cao đẳng đều đã triển khai hoặc có kế hoạch triển khai đào tạo theo tín chỉ.
4.1. Chủ động phối hợp với các tổ chức kiểm định chất lượng ở các nước tiên tiến, với các nước OECD để hình thành nhanh hệ thống các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nhà nước và các tổ chức kiểm định của các cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đến năm 2012 hình thành ít nhất 3 tổ chức kiểm định của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước, do Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoạt động theo chuẩn mực quốc tế.
4.2. Triển khai các chương trình hợp tác với các đại học, các quốc gia để thực hiện đào tạo 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài, chương trình nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam tới năm 2020.
4.3. Phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ WB, ADB để triển khai các dự án vốn vay xây dựng các đại học xuất sắc.
4.4. Xây dựng và triển khai đề án thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ghi chú:
Theo Luật Giáo dục 2005, cơ sở giáo dục đại học gồm: các trường cao đẳng, trường đại học, các Viện nghiên cứu có tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: các trường dạy nghề, trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các trường trung cấp chuyên nghiệp,.... Các trường cao đẳng nghề không thuộc hệ thống giáo dục đại học.
Đến nay cả nước có 102 trường cao đẳng nghề và 265 trường trung cấp nghề với khoảng 554.500 học sinh.
CÁC ĐẠI HỌC, HỌC VIỆN, CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG THEO ĐỊA PHƯƠNG
(tính đến ngày 10/8/2009)
STT | Tỉnh/ thành phố | Trường Đại học | Trường Cao đẳng | Tổng số | ||||
Tổng | Công lập | Ngoài công lập | Tổng | Công lập | Ngoài công lập | |||
1 | Hà Nội | 53 | 42 | 11 | 30 | 25 | 5 | 83 |
2 | Hồ Chí Minh | 37 | 25 | 12 | 30 | 21 | 9 | 67 |
3 | Hải Phòng | 4 | 3 | 1 | 4 | 4 |
| 8 |
4 | Đà Nẵng | 5 | 2 | 3 | 14 | 6 | 8 | 19 |
5 | Hà Giang | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
6 | Cao Bằng | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
7 | Lai Châu | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
8 | Lào Cai | 0 |
|
| 2 | 2 |
| 2 |
9 | Tuyên Quang | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
10 | Lạng Sơn | 0 |
|
| 2 | 2 |
| 2 |
11 | Bắc Cạn | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
12 | Thái Nguyên | 1 | 1 |
| 10 | 10 |
| 11 |
13 | Yên Bái | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
14 | Sơn La | 1 | 1 |
| 1 | 1 |
| 2 |
15 | Phú Thọ | 1 | 1 |
| 6 | 4 | 2 | 7 |
16 | Vĩnh Phúc | 1 | 1 |
| 3 | 3 |
| 4 |
17 | Quảng Ninh | 1 | 1 |
| 5 | 5 |
| 6 |
18 | Bắc Giang | 0 |
|
| 2 | 2 |
| 2 |
19 | Bắc Ninh | 3 | 2 | 1 | 5 | 3 | 2 | 8 |
20 | Hải Dương | 1 | 1 |
| 5 | 5 |
| 6 |
21 | Hưng Yên | 2 | 1 | 1 | 5 | 4 | 1 | 7 |
22 | Hoà Bình | 0 |
|
| 2 | 2 |
| 2 |
23 | Hà Nam | 1 |
| 1 | 4 | 4 |
| 5 |
24 | Nam Định | 3 | 2 | 1 | 3 | 3 |
| 6 |
25 | Thái Bình | 1 | 1 |
| 4 | 4 |
| 5 |
26 | Ninh Bình | 1 | 1 |
| 1 | 1 |
| 2 |
27 | Thanh Hoá | 1 | 1 |
| 3 | 3 |
| 4 |
28 | Nghệ Anh | 3 | 2 | 1 | 5 | 4 | 1 | 8 |
29 | Hà Tĩnh | 1 | 1 |
| 1 | 1 |
| 2 |
30 | Quảng Bình | 1 | 1 |
| 0 |
|
| 1 |
31 | Quảng Trị | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
32 | Thừa Thiên Huế | 3 | 2 | 1 | 5 | 5 |
| 8 |
33 | Quảng Nam | 2 | 1 | 1 | 5 | 3 | 2 | 7 |
34 | Quảng Ngãi | 1 | 1 |
| 2 | 2 |
| 3 |
35 | Kon Tum | 0 |
|
| 2 | 2 |
| 2 |
36 | Bình Định | 2 | 1 | 1 | 2 | 2 |
| 4 |
37 | Gia Lai | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
38 | Phú Yên | 1 | 1 |
| 2 | 2 |
| 3 |
39 | Đắk Lắk | 1 | 1 |
| 2 | 2 |
| 3 |
40 | Khánh Hoà | 2 | 1 | 1 | 4 | 4 |
| 6 |
41 | Lâm Đồng | 2 | 1 | 1 | 3 | 2 | 1 | 5 |
42 | Bình Phước | 0 |
|
| 2 | 2 |
| 2 |
43 | Bình Dương | 1 |
| 1 | 3 | 2 | 1 | 4 |
44 | Ninh Thuận | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
45 | Tây Ninh | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
46 | Bình Thuận | 1 |
| 1 | 2 | 2 |
| 3 |
47 | Đồng Nai | 1 |
| 1 | 4 | 4 |
| 5 |
48 | Long An | 1 |
| 1 | 1 | 1 |
| 2 |
49 | Đồng Tháp | 1 | 1 |
| 1 | 1 |
| 2 |
50 | An Giang | 1 | 1 |
| 0 |
|
| 1 |
51 | Bà Rịa - Vũng Tàu | 1 |
| 1 | 2 | 2 |
| 3 |
52 | Tiền Giang | 1 | 1 |
| 2 | 2 |
| 3 |
53 | Kiên Giang | 0 |
|
| 4 | 4 |
| 4 |
54 | Cần Thơ | 3 | 2 | 1 | 4 | 4 |
| 7 |
55 | Bến Tre | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
56 | Vĩnh Long | 1 |
| 1 | 5 |
| 5 | 6 |
57 | Trà Vinh | 1 | 1 |
| 2 | 2 |
| 3 |
58 | Sóc Trăng | 0 |
|
| 2 | 2 |
| 2 |
59 | Bạc Liêu | 1 | 1 |
| 1 | 1 |
| 2 |
60 | Cà Mau | 0 |
|
| 3 | 3 |
| 3 |
61 | Điện Biên | 0 |
|
| 2 | 2 |
| 2 |
62 | Đắk Nông | 0 |
|
| 0 |
|
| 0 |
63 | Hậu Giang | 0 |
|
| 1 | 1 |
| 1 |
| Tổng số | 150 | 106 | 44 | 226 | 189 | 37 | 376 |
Ghi chú:
Thống kê trên không bao gồm các trường sĩ quan quân đội, các trường đại học, cao đẳng thành viên, khoa trực thuộc, phân hiệu của các đại học và Trường Đại học RMIT.
TỔNG HỢP SỐ LIỆU VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC QUA CÁC THỜI KÝ 1987 – 1997 – 2009
Năm | 1987 | 1997 | 2009 | ||
Dân số Việt Nam | 62.452.000 | 74.307.000 | 86.967.000 | ||
Số trường | Đại học | Công lập | 63 | 47 | 106 |
Ngoài công lập | - | 15 | 44 | ||
Tổng số | 63 | 62 | 150 | ||
Cao đẳng | Công lập | 38 | 63 | 189 | |
Ngoài công lập | - | - | 37 | ||
Tổng số | 38 | 63 | 226 | ||
Tổng | 101 | 126 | 376 | ||
Số SV tuyển mới TĂNG (so với năm 1987) | 34.110 - | 123.969 3,63 | 503.618 14,76 | ||
Quy mô đào tạo TĂNG (so với năm 1987) | 133.136 - | 715.231 5,37 | 1.719.499 12,92 | ||
Số SV tốt nghiệp TĂNG (so với năm 1987) | 19.899 - | 73.736 3,71 | 222.665 11,19 | ||
Giảng viên TĂNG (so với năm 1987) Trong đó: | 20.212 - | 25.774 1,28 | 61.190 3,03 | ||
GS và PGS Đạt tỷ lệ (%) TĂNG (so với năm 1987) | 526 2,63 - | 1.604 4,13 2,02 | 2.286 3,74 4,35 | ||
Tiến sĩ Đạt tỷ lệ (%) TĂNG (so với năm 1987) | 2.041 10,09 - | 3.908 15,16 1,92 | 6.217 10,16 3,05 | ||
Thạc sĩ Đạt tỷ lệ (%) TĂNG (so với năm 1987) | - - - | 3.802 14,75 - | 22.831 37,31 6,01 |
Ghi chú: Đào tạo thạc sĩ bắt đầu từ năm 1991.
SỐ THÍ SINH TRÚNG TUYỂN ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG THEO CƠ CẤU THÀNH PHẦN XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2004 - 2008
Năm | Số thí sinh trúng tuyển | Số thí sinh trúng tuyển là nữ | Số thí sinh trúng tuyển là dân tộc thiểu số | Số thí sinh trúng tuyển là diện chính sách | Số thí sinh trúng tuyển là học sinh nông thôn |
2004 | 217.279 | 98.856 45,49% | 9.507 4,37% | 20.946 9,6% | 76.848 35,36% |
2005 | 240.642 | 121.488 50,48% | 11.297 4,46% | 20.497 8,5% | 88.391 36,73% |
2006 | 285.254 | 149.926 52,56% | 13.815 4,48% | 22.949 8,05% | 106.173 37,22% |
2007 | 363.619 | 190.295 52,33% | 18.196 5,0% | 25.109 6,9% | 138.352 38,04% |
2008 | 437.564 | 237.122 53,88% | 19.869 4,52% | 23.717 5,39% | 173.352 39,39% |
Bình quân | 308.870 | 159.537 51,65% | 14.537 4,71% | 22.644 7,33% | 116.623 37,87% |
SỐ THÍ SINH TRÚNG TUYỂN ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG THEO CƠ CẤU VÙNG MIỀN GIAI ĐOẠN 2004 - 2008
Năm | Số thí sinh trúng tuyển | Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển theo khu vực, vùng miền (%) | |||
Thành phố trực thuộc TƯ (KV3) | Thành phố không trực thuộc TƯ (KV2) | Nông thôn (KV2-NT) | Vùng cao, miền núi (KV1) | ||
2004 | 217.279 | 15,14 | 24,11 | 35,36 | 23,32 |
2005 | 240.642 | 14,48 | 23,83 | 36,73 | 24,64 |
2006 | 285.254 | 13,76 | 22,92 | 37,22 | 24,63 |
2007 | 363.619 | 12,27 | 19,85 | 38,04 | 29,80 |
2008 | 437.564 | 11,37 | 19,14 | 39,39 | 30,10 |
Bình quân | 308.870 | 13,51 | 21,96 | 37,87 | 26,69 |
DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÍ ĐIỂM ĐÀO TẠO CHƯƠNG TRÌNH TIÊN TIẾN
TT | Tên trường VN | Chương trình đào tạo | Tên trường đối tác | Năm bắt đầu |
| Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG HN University of Science, VNMU HN | Hoá học - Chemistry | U. of Illinois at Urbana – Champaign, USA | 2006 |
| Toán học - Mathematics | University of Washington, USA | 2008 | |
| Trường ĐH Bách khoa HN Hanoi University of Technology | Cơ điện tử Mechatronics Engineering | California State University, Chico, USA | 2006 |
| Kỹ thuật và KH vật liệu Material Sci. and Eng. | U. of Illinois at Urbana – Champaign, USA | 2006 | |
| Kỹ thuật y sinh Biomedical Engineering | Duke University - Durham, USA | 2008 | |
| Trường ĐH Kinh tế QD National Economics Uni. | Tài chính Finance | California State Uni., Long Beach, USA | 2006 |
| Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội Hanoi University of Agriculture | Khoa học cây trồng Crops Science | University of California, Davis, USA | 2006 |
| QTKD nông nghiệp Agricultural Business Administration | University of Wisconsion – Madison, USA | 2008 | |
| Đại học Huế Hue University | Vật lý - Physics | University of Virginia, USA | 2006 |
| Đại học Đà Nẵng Da Nang University | Điện tử Viễn thông Electronics Engineering | University of Washington, USA | 2006 |
| Hệ thống nhúng Embeded Computing System | University of Washington, USA | 2008 | |
| Trường ĐHKH Tự nhiên ĐHQG TP HCM University of Science, VNU HCMC | Công nghệ thông tin Computer Science | Portland State University, USA | 2006 |
| Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP HCM University of Technology, VNU HCMC | Hệ thống năng lượng Electrical and Computer Engineering (major in Power & Energy System) | U. of Illinois at Urbana – Champaign, USA | 2006 |
| Trường đại học Cần Thơ Can Tho University | Công nghệ sinh học Biochemistry&Molecular Biology/Biotech. Major | Michigan State University, USA | 2006 |
| Nuôi trồng thuỷ sản Aquaculture | Auburn University, USA | 2008 | |
| Đại học Thái Nguyên Thainguyen University | Kỹ thuật cơ khí Mechanical Engineering | State Uni. of New York at Buffalo, USA | 2008 |
| Trường ĐH Thủy lợi Water Resources University | Kỹ thuật tài nguyên nước Water Resources Engineering | Colorado State University, USA | 2008 |
| Trường ĐH Giao thông vận tải University of Transport and Communications | Xây dựng công trình giao thông Civil and Structural Engineering | University of Leeds, UK | 2008 |
| Trường ĐH Ngoại thương Foreign Trade University | Kinh tế quốc tế International Economics | Colorado State University, USA | 2008 |
| Trường ĐH Kiến trúc HN Hanoi Architectural Uni. | Kiến trúc công trình Architecture | University of Nottingham, UK | 2008 |
| Trường ĐH Kiến trúc TP HCM HCMC University of Architecture | Quy hoạch đô thị Urban Planning | University of Oxford Brookes, UK | 2008 |
| Trường ĐH Nông lâm TP HCM Nong Lam University | Khoa học và công nghệ thực phẩm Food Science and Technology | UC- Davis, USA | 2008 |
| Trường ĐH CNTT, ĐHQG TP HCM University of Information Technology, VNU HCMC | Hệ thống thông tin Information System | Oklahoma State University, USA | 2008 |
DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
I. VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC ĐÃ BAN HÀNH
1. Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy (Quyết định số 25/2006/QĐ-BGD ĐT ngày 26/6/2006);
2. Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD ĐT ngày 15/8/2007);
3. Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học (Quyết định số 62/2008/QĐ-BGD ĐT ngày 25/11/2008);
4. Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy (Thông tư số 02/2009/TT-BGDĐT ngày 02/02/2009);
4. Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ vừa làm vừa học (Quyết định số 62/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/11/2008);
5. Quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học (Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13/02/2008);
6. Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học (Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2008);
7. Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ (Quyết định số 45/2008/QĐ-BGDĐT ngày 5/8/2008);
8. Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ (Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009);
9. Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên (Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2008);
10. Điều lệ trường cao đẳng (Thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT ngày 28/5/2009);
11. Điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học (Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg ngày 15/01/2009);
12. Quy chế tổ chức và hoạt động trường đại học tư thục (Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/04/2009);
13. Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư (Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008).
II. VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC SẼ BAN HÀNH
1. Điều lệ trường đại học (Thủ tướng chính phủ);
2. Thông tư ban hành Quy chế đào tạo từ xa (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
3. Thông tư ban hành Quy định về biên soạn giáo trình đại học, cao đẳng (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
4. Thông tư quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục (Thủ tướng Chính phủ);
5. Thông tư quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng trường đại học (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
6. Nghị định của Chính phủ về cơ chế tài chính giáo dục đào tạo 2009 - 2014; Sửa đổi Quyết định 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân với nội dung điều chỉnh học phí các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học để áp dụng ngay từ năm học 2009 - 2010 (Thủ tướng Chính phủ);
7. Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cơ chế huy động sự đóng góp của xã hội để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
8. Nghị định của Chính phủ về phân cấp và phối hợp quản lý giáo dục giữa các Bộ, ngành và địa phương; tạo sự đồng bộ giữa Bộ GD&ĐT với các Bộ ngành, các địa phương trong quản lý các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân (Thủ tướng Chính phủ);
9. Quy định về: công tác nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế của các trường ĐH, CĐ; gắn kết đào tạo nghiên cứu sinh với hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học công nghệ (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
10. Quy chế quy định phối hợp Hội đồng trường - Hiệu trưởng - Đảng ủy - Đoàn Thanh niên - Công đoàn (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
11. Quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và tổ chức hoạt động của cơ quan kiểm định độc lập (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
12. Quy định về tiêu chuẩn và đánh giá giảng viên; giảng viên đánh giá cán bộ quản lý (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
- 1Công văn 8345/VPCP-KGVX về Đề án phát triển nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Hàng hải giai đoạn 2013 - 2023, định hướng đến năm 2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 645/TB-BGDĐT năm 2017 về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp bàn về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 do Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 25/2006/QĐ-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Luật Giáo dục 1998
- 5Quyết định 43/2007/QĐ-BGDĐT về Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6Quyết định 06/2008/QĐ-BGDĐT quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7Quyết định 42/2008/QĐ-BGDĐT về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 8Quyết định 45/2008/QĐ-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 9Quyết định 62/2008/QĐ-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 10Quyết định 64/2008/QĐ-BGDĐT về Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 11Quyết định 174/2008/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 07/2009/QĐ-TTg ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Thông tư 02/2009/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy kèm theo Quyết định 05/2008/QĐ-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 14Quyết định 61/2009/QĐ-TTg về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 16Thông tư 14/2009/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 17Công văn 8345/VPCP-KGVX về Đề án phát triển nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Hàng hải giai đoạn 2013 - 2023, định hướng đến năm 2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 18Thông báo 645/TB-BGDĐT năm 2017 về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp bàn về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm
Báo cáo 760/BC-BGDĐT về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 760/BC-BGDĐT
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 29/10/2009
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/10/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực