Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 1
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/BC-UBND

Quận 1, ngày 25 tháng 01 năm 2019

 

BÁO CÁO

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 1 NĂM 2018

Thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng Đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Công văn số 7653/STP-PBGDPL ngày 14/8/2018 của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018;

Căn cứ Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 16/3/2018 của Ủy ban nhân dân quận về việc triển khai đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Quận 1; Công văn số 768/UBND-TP ngày 17/4/2018 của Ủy ban nhân dân quận về hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Quận 1 năm 2018; Ủy ban nhân dân quận báo cáo kết quả đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018, cụ thể như sau:

I. KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH ĐỊA PHƯƠNG.

Quận 1 ở vị trí trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích 7,7211 km2, dân số 204.899 người. Cơ cấu hành chính: Có 10 phường, 68 Khu phố và khu dân cư, 876 tổ dân phố. Phía bắc giáp Quận Bình Thạnh, Quận Phú Nhuận, lấy rạch Thị Nghè làm ranh giới và giáp Quận 3, lấy đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Thị Minh Khai làm ranh giới. Phía đông giáp Quận 2, lấy sông Sài Gòn làm ranh giới. Phía tây giáp Quận 5, lấy đường Nguyễn Văn Cừ làm ranh giới. Phía nam giáp Quận 4, lấy rạch Bến Nghé làm ranh giới.

Với sự phát triển về kinh tế - văn hóa xã hội, hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố và nâng cao về chất lượng hoạt động, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, quốc phòng an ninh được giữ vững, cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền được nâng lên, công tác xây dựng các tổ chức quần chúng đã được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực,

II. KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT.

1. Kết quả đạt được.

1.1. Về chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

Nhận thức được tầm quan trọng của các quy định chuẩn tiếp cận pháp luật, đồng thời nhằm đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật tại cơ sở để có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, bảo đảm các điều kiện đáp ứng các nhu cầu nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, bảo vệ và phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn quận, khẳng định vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, qua đó góp phần giảm tình trạng khiếu nại vượt cấp, khiếu nại không có cơ sở, khiếu nại đông người; Ủy ban nhân dân quận đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 16/3/2018 về việc triển khai đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Quận 1, trong đó xây dựng Bảng phân công thực hiện công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018, quy định cụ thể nhiệm vụ của từng đơn vị trong hoạt động đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; Công văn số 768/UBND-TP ngày 17/4/2018 về hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn quận năm 2018 đến các đơn vị và Ủy ban nhân dân 10 phường để thực hiện hiệu quả công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân.

Ngày 13/9/2018, Ủy ban nhân dân quận ban hành Quyết định số 2129/QĐ-UBND về việc kiện toàn Hội đồng Đánh giá tiếp cận pháp luật của Ủy ban nhân dân quận (viết tắt là Hội đồng) với 12 thành viên, trong đó đồng chí Lưu Trung Hòa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận là Chủ tịch Hội đồng, các thành viên còn lại là đại diện lãnh đạo các đơn vị: Phòng Tư pháp, Ban Tuyên giáo Quận ủy, Ban Dân vận Quận ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Nội vụ, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Công an quận, Thanh tra quận và Trung tâm Công nghệ thông tin.

Ngày 17/01/2019, Hội đồng Đánh giá tiếp cận pháp luật quận đã tổ chức cuộc họp để đánh giá tiếp cận pháp luật của 10 phường với sự tham dự của các thành viên Hội đồng Đánh giá tiếp cận pháp luật quận và đại diện Ủy ban nhân dân 10 phường. Qua buổi họp, với sự đóng góp ý kiến của các phòng, ban, đơn vị thuộc quận, Hội đồng Đánh giá tiếp cận pháp luật quận đã tiến hành đánh giá lại điểm chấm về các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật của Ủy ban nhân dân phường và đã có một số điều chỉnh cho phù hợp.

1.2. Về đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Qua xem xét, thẩm tra hồ sơ và các ý kiến đóng góp của các phòng, ban, đơn vị, Hội đồng Đánh giá tiếp cận pháp luật quận thống nhất ý kiến và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận xem xét, quyết định công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 với kết quả như sau:

Stt

UBND Phường

Tự đánh giá

Ý kiến Hội đồng

1

Tân Định

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thống nhất

2

Đa Kao

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thống nhất

3

Bến Thành

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thống nhất

4

Bến Nghé

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thống nhất

5

Nguyễn Thái Bình

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thống nhất

6

Phạm Ngũ Lão

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thống nhất

7

Cầu Ông Lãnh

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thống nhất

8

Nguyễn Cư Trinh

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thống nhất

9

Cô Giang

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thống nhất

10

Cầu Kho

Đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thống nhất

2. Những tác động của việc thực hiện các tiêu chí pháp luật.

Công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của 10 phường đã có tác động tích cực đến việc bảo đảm điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân ở địa phương, đồng thời giúp cán bộ, công chức nhận thức những ưu điểm, tồn tại và hạn chế, từ đó đề ra các biện pháp khắc phục, nâng cao ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân, tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo, bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác để xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

3. Thuận lợi và hạn chế

3.1. Thuận lợi

Công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận; sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân 10 phường, sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể đã tạo ra sự đồng bộ và hiệu quả trong quá trình thực hiện.

3.2. Hạn chế.

Trong quá trình chấm điểm các chỉ tiêu đánh giá tiếp cận pháp luật, một số phường chưa thực hiện đúng quy trình chấm điểm tại chỉ tiêu 5 của tiêu chí 2 dẫn đến việc chấm điểm không chính xác, Hội đồng Đánh giá tiếp cận pháp luật quận đã có những góp ý để hoàn chỉnh các nội dung chấm điểm của các phường tại chỉ tiêu này.

4. Sáng kiến, kinh nghiệm.

Một số Ủy ban nhân dân phường xây dựng trang thông tin điện tử để thực hiện việc niêm yết và hướng dẫn các thủ tục hành chính, cũng như kịp thời tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của người dân; thiết lập đường dây nóng 24/24 tiếp nhận thông tin phản ánh, hiến kế xây dựng địa phương.

Đối với việc tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân bằng Phiếu lấy ý kiến tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại 10 phường, Ủy ban nhân dân phường đã đầu tư, trang bị các bảng điện tử để khảo sát sự hài lòng của người dân khi liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính,

III. HẠN CHẾ, TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN.

Qua công tác đánh giá tiếp cận pháp luật của Hội đồng Đánh giá tiếp cận pháp luật quận đã chỉ ra những khó khăn khi thực hiện các chỉ tiêu theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

- Đối với Chỉ tiêu 6 của Tiêu chí 3: “Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn”, một số đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số rất ít tham dự các buổi phổ biến, giáo dục pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu là do việc đi lại khó khăn hoặc phải lo mưu sinh nên không có thời gian để tham gia.

- Đối với Mục 3, Chỉ tiêu 7 của Tiêu chí 3: “Khai thác, huy động hỗ trợ mạng lưới Câu lạc bộ tham gia phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật cho người dân (Câu lạc bộ pháp luật; Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; Câu lạc bộ nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh hoặc Câu lạc bộ khác)”, một số địa phương chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền và các Câu lạc bộ trong hoạt động phổ biến pháp luật cho người dân, nhân sự phụ trách còn thiếu, các mô hình hoạt động thiếu sự đa dạng.

- Đối với Mục 2, Chỉ tiêu 7 của Tiêu chí 3: “Xây dựng, quản lý, khai thác có hiệu quả Tủ sách pháp luật”, thực tế tại địa phương có rất ít trường hợp người dân đến Ủy ban nhân dân phường để sử dụng Tủ sách pháp luật, phần lớn sử dụng các thiết bị điện tử để thực hiện tra cứu.

- Hình thức triển khai trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn theo lối mòn, chưa thật sự phong phú, đa dạng để thu hút sự quan tâm của người dân.

IV. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÂY DỰNG PHƯỜNG ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT; CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT CỦA NGƯỜI DÂN.

- Đối với Chỉ tiêu 6 của Tiêu chí 3: “Triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn”, cần có các phương pháp phổ biến pháp luật phù hợp, linh hoạt cho các đối tượng đặc thù như tổ chức phổ biến kết hợp với việc thăm hỏi, tặng quà để thu hút sự tham dự của người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; phát hành các tài liệu pháp luật đến tận nhà cho người dân...

- Đối với Mục 3, Chỉ tiêu 7 của Tiêu chí 3: “Khai thác, huy động hỗ trợ mạng lưới Câu lạc bộ tham gia phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật cho người dân (Câu lạc bộ pháp luật; Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; Câu lạc bộ nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh hoặc Câu lạc bộ khác)”, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể, tăng cường nhân sự phụ trách các Câu lạc bộ; đồng thời đa dạng hóa và thường xuyên đổi mới hình thức hoạt động để thu hút sự tham gia của người dân như: kết hợp sinh hoạt Câu lạc bộ và các buổi biểu diễn văn nghệ lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật, tổ chức sân chơi pháp luật, đố vui có thưởng...

- Đối với Mục 2, Chỉ tiêu 7 của Tiêu chí 3: “Xây dựng, quản lý, khai thác có hiệu quả Tủ sách pháp luật”, cần trang bị hệ thống mạng không dây (Wifi) để người dân thuận tiện hơn trong việc sử dụng các thiết bị di động thông minh kết nối mạng internet để truy cập và tìm hiểu các quy định pháp luật thuận tiện mọi lúc, mọi nơi.

- Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đồng thời nâng cao chất lượng nội dung của các hoạt động tuyên truyền.

V. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT.

- Đề nghị Sở Tư pháp kiến nghị Trung ương có điều chỉnh về Chỉ tiêu 2 của Tiêu chí 1 theo hướng cộng điểm cho phường, xã, thị trấn để khuyến khích việc phát hiện và xử lý kịp thời các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tránh tình trạng các địa phương che giấu tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Đề nghị Sở Tư pháp kiến nghị Thành phố chỉ đạo các địa phương trang bị hệ thống mạng không dây (Wifi) tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các địa điểm công cộng để tạo sự thuận tiện cho người dân trong việc tra cứu các văn bản pháp luật liên quan đến quyền và lợi ich hợp pháp của mình.

- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tại phường; chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động, hiệu quả.

- Cần xem xét thực hiện đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương; hoạt động đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật thực hiện theo hướng dễ làm, dễ thực hiện, không tạo gánh nặng, áp lực cho chính quyền địa phương.

Trên đây là Báo cáo kết quả đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn quận năm 2018./.

(Đính kèm Biên bản họp Hội đồng Đánh giá tiếp cận pháp luật quận ngày 17/01/2019; Danh sách phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn quận năm 2018).

 


Nơi nhận:
- UBND Thành phố;
- Sở Tư pháp Thành phố;
- Phòng PBGDPL - Sở Tư pháp;
- UBND Quận: CT, các PCT;
- Thành viên Hội đồng ĐGTCPL Q.1;
- UBND 10 phường;
- Lưu: VT-TP (Thành).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 32/BC-UBND năm 2019 về đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh năm 2018

  • Số hiệu: 32/BC-UBND
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 25/01/2019
  • Nơi ban hành: Quận 1
  • Người ký: Nguyễn Văn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản