- 1Quyết định 170/2005/QĐ-TTg về chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT)(Đã có sửa đổi và bổ sung theo Nghi định thư sửa đổi Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) ngày 15/12/1995) giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước ban hành
- 3Luật Bình đẳng giới 2006
- 4Quyết định 09/2011/QĐ-TTg về chuẩn hộ nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội do Chính phủ ban hành
- 6Luật Đầu tư công 2014
- 7Nghị quyết 28/NQ-HĐND năm 2014 về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2015 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 162/BC-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 7 năm 2015 |
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 4181/BKHĐT-LĐVX ngày 02 tháng 7 năm 2014 về việc hướng dẫn báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo như sau:
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của cả nước; là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước, về quy mô, Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước và chiếm 8,9% dân số cả nước (theo số liệu năm 2014) với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong năm 2014, Thành phố đã đóng góp 21,6% tổng sản phẩm quốc gia, 26,1% giá trị sản xuất công nghiệp; GDP bình quân đầu người tăng từ 712 USD/người/năm (năm 1995) lên 3.199 USD/người/năm (năm 2010), đến cuối năm 2014 là 5.131 USD/người/năm. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, tình hình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố như sau:
1. Về phát triển kinh tế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố bình quân giai đoạn 2011 - 2013 là 9,6%; gấp 1,7 lần so với cả nước (cả nước tăng 5,6%/năm)1, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đề ra (tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố gấp 1,5 lần so với cả nước), cao hơn giai đoạn 2008 - 2010 (gấp 1,69 lần GDP cả nước); góp phần tích cực duy trì mức tăng trưởng GDP hợp lý của cả nước.
GDP năm 2014 đạt 852.523 tỷ đồng, tăng 9,6% (cùng kỳ tăng 9,3%); trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng Thành phố bằng 1,6 lần cả nước (cả nước là 5,98%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ chiếm tỷ trọng 59,6% trong GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 39,4%, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 1%.
2. Về thu nhập, đời sống dân cư
Thành phố là đô thị đông dân nhất cả nước, là nơi thu hút lượng người ngoài Thành phố đến giao dịch, tìm việc làm khá đông. Vì vậy Thành phố cũng là nơi tiếp nhận, hội tụ đa dạng bản sắc văn hóa (13 tôn giáo và 54 dân tộc)2 đến từ các vùng miền trên cả nước, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn thêm phong phú, đa dạng.
Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Trong năm 2005, GDP bình quân đầu người của Thành phố đạt 1.656 USD; đến năm 2010 đạt 3.199 USD, bằng 1,93 lần so với năm 2005 (1.656 USD), gấp 2,74 lần so với cả nước (1.168 USD/người). Cuối năm 2013, đạt 4.545 USD/người, cao hơn 1,4 lần so với cuối năm 2010 (3.199 USD/người), đến năm 2014, đạt 5.131 USD, tăng 12,89% (năm 2013 là 4.545 USD). Thu nhập ngày càng cao tạo điều kiện thay đổi cơ cấu chi tiêu của người dân theo hướng tích cực, chi cho ăn uống ngày càng tăng và tương ứng là sự gia tăng tỷ phần chi tiêu cho các hoạt động dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế, mua sắm, giải trí khác.
3. Về cơ sở hạ tầng
Việc chỉnh trang và xây dựng đô thị mới đã đạt những kết quả tích cực, làm cho Thành phố khang trang và trật tự hơn, các khu đô thị mới đang hình thành đáp ứng được các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, xanh, sạch, đẹp.
Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng như hình thành định chế tài chính mới, phát hành trái phiếu đô thị, áp dụng phương thức đầu tư đổi đất lấy hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất, xã hội hóa một số dịch vụ hạ tầng đô thị để tạo thêm nhiều kênh huy động vốn quan trọng và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, qua đó giúp giảm bớt áp lực cho ngân sách Thành phố, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho lĩnh vực phát triển hạ tầng.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU THIÊN NIÊN KỶ (MDG)
1. Mục tiêu MDG 1: Xóa bỏ đói nghèo cùng cực
1.1. Kết quả thực hiện từ năm 2000 đến nay
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên triển khai “Chương trình xóa đói giảm nghèo” vào đầu năm 1992, sau đó lan tỏa ra cả nước; tính đến nay, chương trình đã thực hiện hơn 22 năm, được chia thành 3 giai đoạn (giai đoạn 1: 1992 - 2003; giai đoạn 2: 2004 - 2008, giai đoạn 3: 2009 - 2013 và giai đoạn 4: 2014 - 2015) và Thành phố đã chủ động điều chỉnh 08 lần về mức chuẩn nghèo (trong giai đoạn 2 và 3 có xác định mức chuẩn hộ cận nghèo Thành phố) của hộ dân cho phù hợp với tình hình phát triển về kinh tế - xã hội của Thành phố.
Giai đoạn 1 (1992 - 2003): Toàn Thành phố có 121.722 hộ nghèo với chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân dưới 3 triệu đồng/người/năm ở khu vực nội thành và dưới 2,5 triệu đồng/người/năm ở khu vực ngoại thành, chiếm tỷ lệ 17% tổng số hộ dân Thành phố; đến cuối năm 2003 Thành phố chỉ còn 1.655 hộ nghèo, chiếm 0,15% tổng số hộ dân toàn Thành phố và kết thúc giai đoạn 1;
Giai đoạn 2 (2004 - 2008): Thành phố có 89.090 hộ với chuẩn nghèo 6 triệu đồng/người/năm, chiếm 7,72% tổng hộ dân, đến cuối năm 2008, Thành phố kết thúc và tổng kết sớm giai đoạn 2, số hộ nghèo chỉ còn 2.754 hộ chiếm 0,2% tổng hộ dân Thành phố. Theo chuẩn nghèo cả nước thì trong giai đoạn 2006 - 2010, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 2,4 triệu đồng/người/năm trở xuống, còn hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 3,12 triệu đồng/người/năm trở xuống3.
Giai đoạn 3 (2009 - 2013): Thành phố có 152.328 hộ nghèo theo chuẩn nghèo 12 triệu đồng/người/năm, chiếm 8,4% tổng hộ dân Thành phố, đến cuối năm 2013, Thành phố kết thúc và tổng kết sớm giai đoạn 3 trước thời hạn 02 năm, số hộ nghèo còn lại là 10.322 hộ, chiếm tỷ lệ 0,57% so với tổng hộ dân Thành phố. Theo chuẩn nghèo cả nước thì trong giai đoạn 2011 - 2015, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 4,8 triệu đồng/người/năm trở xuống, còn hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/người/năm trở xuống4.
Giai đoạn 4 (2014 - 2015): Thành phố đã rà soát, điều tra xác định có 83.031 hộ nghèo (có thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống), chiếm tỷ lệ 4,23% so với tổng hộ dân Thành phố; hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố (thu nhập trên 16 - 21 triệu đồng/người/năm) là 49.651 hộ, chiếm tỷ lệ 2,53% so với tổng hộ dân Thành phố. Kết quả giảm nghèo đến cuối năm 2014: số hộ nghèo Thành phố còn lại 28.381 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,45% tổng hộ dân Thành phố. Số hộ cận nghèo Thành phố hiện nay còn 56.675 hộ, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,89% tổng hộ dân Thành phố. Với kết quả đạt được tính đến ngày 31/12/2014, Thành phố hoàn thành chỉ tiêu giảm hộ nghèo Thành phố giai đoạn 2014 - 2015 trước hạn 01 năm (tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% tổng hộ dân và tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 3% tổng hộ dân).
Như vậy, từ khi triển khai thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo (nay là Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá), Thành phố đã đạt vượt mục tiêu giảm nửa tỷ lệ nghèo, không còn hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011 - 2015. Hiện nay, Thành phố đang triển khai chương trình giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.
Về phía bản thân người nghèo, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn và thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, cụ thể: 60-70% hộ thiếu vốn hoặc không đủ vốn để sản xuất làm ăn; 10% thiếu kiến thức kinh nghiệm làm ăn; 08-10% lao động nghèo có việc làm không ổn định và không có việc làm; 08-10% hộ nghèo thiếu lao động; 10% lao động hộ nghèo mắc phải các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, trộm cắp... Ngoài ra, hộ nghèo thường gặp những bất trắc, rủi ro trong cuộc sống như ốm đau, bệnh tật, tai nạn...
1.2. Những nguyên nhân đạt được kết quả
Thành phố đã vận dụng và huy động rất nhiều nguồn lực (ngân sách Thành phố, nguồn vốn của các doanh nghiệp, huy động nguồn lực xã hội...) để quyết tâm thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo của Thành phố, cụ thể như:
- Huy động nguồn vốn cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ đến nay đạt hơn 2.840,15 tỷ đồng cho 1,2 triệu lượt hộ nghèo vay vốn để tổ chức sản xuất làm ăn, tạo tích lũy, tăng thu nhập, giảm được nghèo, ổn định cuộc sống; trong đó, riêng tổng nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo (có tính đặc thù riêng của Thành phố) đã huy động, vận động từ các nguồn được 282,541 tỷ đồng, đã cho vay 618.952 lượt hộ nghèo với doanh số cho vay 2.233,242 tỷ đồng; đồng thời mỗi năm Thành phố huy động, vận động nguồn vốn chi không hoàn lại từ 200 - 400 tỷ đồng (vốn ngân sách, vận động các doanh nghiệp và trong dân) để thực hiện các chính sách hỗ trợ ưu đãi xã hội.
- Hỗ trợ đào tạo nghề bình quân khoảng 10.000 - 12.000 lao động nghèo/năm, giải quyết việc làm cho 15.000 - 20.000 lao động nghèo/năm, trong đó có 40 - 50 lao động nghèo đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hàng năm.
- Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, hộ nghèo được thực hiện có hiệu quả như: chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em hộ nghèo theo học các trường phổ thông, bình quân từ 50.000 - 60.000 học sinh/năm; mỗi năm cấp bình quân 275.000 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (riêng 2 năm 2009 - 2010 đã cấp 766.764 thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc). Từ năm 1998 đến tháng 12/2014 đã hỗ trợ xây dựng hơn 24.700 căn nhà tình thương; sửa chữa hơn 10.800 căn nhà cho hộ nghèo. Đầu tư xây dựng 324 công trình, cơ sở hạ tầng cho 20 phường - xã nghèo với kinh phí 279,194 tỷ đồng, đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo về kinh tế - xã hội của các xã, phường nghèo, giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực trong tiến trình đô thị hóa của Thành phố.
- Chương trình hỗ trợ chăm lo Tết Nguyên đán cho hộ nghèo: Từ năm 2009 - 2014 Thành phố đã hỗ trợ 395.316 lượt hộ nghèo nhận quà Tết Nguyên đán, kinh phí hỗ trợ là 171,386 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố và ngân sách quận - huyện. Đối với hộ nghèo có thu nhập bình quân từ trên 8-12 triệu đồng/người/năm và hộ cận nghèo (trên 12-16 triệu đồng/người/năm) quận - huyện, phường - xã đã vận động hỗ trợ trên 300 ngàn lượt hộ với kinh phí 117 tỷ đồng.
- Thực hiện chính sách trợ cấp cho hộ nghèo diện đặc biệt khó khăn (thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ), trong 2 năm 2011 - 2012: Trợ cấp 100.000 đồng/nhân khẩu cho hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 8 triệu đồng/người/năm trở xuống thuộc diện khó khăn đặc biệt từ nguồn quỹ vì người nghèo các cấp của quận - huyện, trợ cấp từ 2.600 đến hơn 5.800 lượt người/năm, kinh phí 8,335 tỷ đồng;
- Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động nghèo sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế: Từ tháng 9 năm 2007 đến cuối 2009, thông qua các chính sách hỗ trợ của chính quyền, của cộng đồng và ý thức tự nguyện của người nghèo đã có 2.527 hộ nghèo sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế chuyển đổi nghề khác để sinh sống, chiếm tỷ lệ 95,25% tổng hộ nghèo có phương tiện.
- Về chương trình hỗ trợ lắp điện thoại miễn phí cho hộ nghèo: Phối hợp Tổng Công ty viễn thông quân đội Viettel triển khai lắp điện thoại vô tuyến cố định miễn phí cho 11.424 hộ nghèo.
- Ngoài ra, TP. HCM còn có nhiều chương trình hỗ trợ cho người nghèo như: chương trình lắp đặt đồng hồ nước miễn phí; hỗ trợ cho người nghèo từ các quỹ gồm: Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố, Quỹ quốc gia về việc làm...
1.3. Các hạn chế, khó khăn và biện pháp khắc phục:
1.3.1 Các hạn chế khó khăn
Những thành tựu đạt được trong những năm qua là rất quan trọng, nhưng cũng mới là bước đầu, bởi công tác giảm nghèo của Thành phố vẫn còn nhiều thử thách, kết quả mang lại chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo luôn tiềm ẩn.
Tốc độ gia tăng dân số cơ học tiếp tục gây áp lực lớn trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Thành phố. Phần lớn dân nghèo, người lao động nhập cư đang sinh sống, làm ăn tại Thành phố chưa có nơi ở và việc làm ổn định, nên chương trình giảm nghèo Thành phố chưa có điều kiện hỗ trợ chăm lo đầy đủ đối với các đối tượng này.
Công tác tổ chức huy động, vận động nguồn lực còn nặng về mặt hành chính, hiệu quả vận động còn hạn chế. Chưa thu hút được nhiều nguồn tài trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế cho công cuộc giảm nghèo của Thành phố. Các nguồn vốn tín dụng ưu đãi và tín dụng nhỏ phục vụ cho người nghèo, hộ nghèo trên địa bàn Thành phố chưa thống kê đầy đủ để có thể phân tích, đánh giá được hiệu quả tác động trực tiếp đối với từng hộ nghèo; chưa có cơ chế phối hợp các nguồn vốn này để tập trung hỗ trợ các dự án giảm nghèo trọng điểm, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nghèo chưa cao; công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, chuyển đổi nghề còn chậm, số lao động nghèo đủ điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn hạn chế.
1.3.2 Biện pháp khắc phục
Tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn Quỹ xóa đói giảm nghèo để giúp họ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao mức sống của hộ. Tiếp tục huy động, vận động các nguồn lực đặc biệt là nguồn vốn chi không hoàn lại (vốn ngân sách, vận động các doanh nghiệp và trong dân) để chi các chính sách hỗ trợ ưu đãi xã hội.
Tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm học phí, chi phí học tập cho học sinh - sinh viên; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và hộ cận nghèo.
2. Mục tiêu MDG 2: Phổ cập giáo dục tiểu học
2.1. Kết quả thực hiện
Về phát triển mạng lưới trường, lớp tiểu học: Đến nay, 24/24 Ủy ban nhân dân quận/huyện đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết trường học trên địa bàn với tổng diện tích đất dành cho giáo dục và đào tạo là 1.904,21 ha
- Năm 2000 Thành phố có 420 trường với 10.657 lớp học/8.111 phòng học;
- Năm 2005 Thành phố có 438 trường với 10.857 lớp học/9.217 phòng học;
- Năm 2010 Thành phố có 468 trường với 12.197 lớp học/11.266 phòng học;
- Năm 2014 Thành phố có 482 trường với 14.052 lớp học/13.019 phòng học.
Thành phố hiện có 50 trường chuẩn quốc gia (trong đó có 44 trường đạt chuẩn mức 1 và có 6 trường đạt mức 2). Tất cả các trường tiểu học đều quan tâm đầu tư, xây thêm nhiều phòng học đảm bảo có đủ chỗ học cho học sinh; xây thêm nhiều phòng chức năng cùng các trang thiết bị và phương tiện dạy học hiện đại nhằm phục vụ đạt hiệu quả cho yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học trong giai đoạn trước mắt.
Tính đến cuối năm 2013, số trẻ phải phổ cập từ 6 - 14 tuổi đã và đang học tiểu học là 713.804/ 713.804 trẻ (đạt 100%).
Về đội ngũ giáo viên: Kết quả đào tạo và bồi dưỡng cụ thể qua các giai đoạn như sau:
Năm | Tổng số giáo viên | Trình độ đào tạo chuẩn | Tỷ lệ | Trình độ đào tạo trên chuẩn | Tỷ lệ |
2000 | 13.652 | 11.619 | 85,11% | 2.831 | 20,74% |
2005 | 14.345 | 13.614 | 94,90% | 6.397 | 44,59% |
2010 | 15.145 | 15.022 | 99,19% | 13.291 | 87,76% |
2014 | 19.280 | 19.256 | 99.88% | 18.265 | 94,74% |
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ thông, ngành rất chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên trách làm nhiệm vụ phổ cập giáo dục. Các địa phương luôn thực hiện các biện pháp giáo dục tư tưởng, nhận thức, phát huy những nhân tố tích cực, có năng lực và trình độ, động viên giáo viên thể hiện tinh thần trách nhiệm, đoàn kết tốt với cán bộ phụ trách công tác giáo dục phường/xã để hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, một số quận - huyện có giáo viên chuyên trách công tác tại các trường tiểu học công lập, có trụ sở riêng để sinh hoạt nghiệp vụ, mỗi phường cử một cán bộ phụ trách hoạt động giáo dục gắn kết với ngành.
Về tổ chức duy trì sĩ số học sinh, biện pháp đảm bảo nâng cao chất lượng phổ cập: Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo duy trì phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ (gọi tắt là PCGDTH CMC), phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (gọi tắt là PCGDTH ĐĐT), giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng dạy học.
Công tác xã hội hóa giáo dục tại Thành phố trong thời gian qua là một yếu tố rất quan trọng để tạo điều kiện cho trẻ em được đến lớp đã góp phần làm giảm thiểu số học sinh bỏ học.
Các năm qua, ngoài việc thực hiện các yêu cầu phổ cập giáo dục cho dân số trong độ tuổi tại địa phương, Thành phố còn tập trung chỉ đạo thông qua hoạt động của các Nhà mở, Mái ấm, các lớp Tình thương... tại các quận/huyện dưới sự hướng dẫn của ngành giáo dục để hỗ trợ, giúp đỡ các trẻ nhập cư đến từ các tỉnh có điều kiện đến trường bằng nhiều hình thức như: cấp sách giáo khoa, tập vở, quần áo, học bổng,... Đặc biệt, ngành giáo dục đã tổ chức các đợt bồi dưỡng năng lực cơ bản về nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ chuyên trách của các cơ sở giáo dục trên có điều kiện thực hiện tốt chương trình dạy và học cho trẻ.
Tiếp tục duy trì các loại hình trường lớp không chính quy (lớp học linh hoạt, lớp học gia đình, lớp học trẻ em đường phố,...) tại những nơi xa xôi, hẻo lánh tạo mọi cơ hội để trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đi học. Từng bước đưa học sinh các lớp không chính quy hòa nhập vào các lớp chính quy như mô hình trường Lương Định Của, Quận 3.
Ngành giáo dục Thành phố đã có chủ trương và luôn tạo điều kiện cho trẻ học lớp phổ cập sang học chương trình phổ thông, hỗ trợ cho trẻ về tập vở, sách giáo khoa và các dụng cụ học tập khác,... Đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (phải kiếm sống trên đường phố và xa trường học...), giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới của môn Tiếng Việt, Toán, tự nhiên xã hội và sách giáo khoa môn Nghệ thuật (phần Âm nhạc) để giảng dạy, theo sự quản lí và chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Kết quả các tiêu chí từ năm 2000 đến 2014:
- Số lượng các đơn vị cấp phường/xã dạt chuẩn qua từng giai đoạn:
Năm | Xã (phường, thị trấn) | Huyện (quận) | Ghi chú | ||||
Tổng số | Đạt chuẩn | Tổng số | Đạt chuẩn | ||||
PCGDTHCMC | PCGDTHĐĐT | PCGDTHCMC | PCGDTHĐĐT | ||||
2000 | 303 | 303 | 282 | 22 | 22 | 18 |
|
2005 | 317 | 317 | 317 | 24 | 24 | 24 |
|
2010 | 322 | 322 | 322 | 24 | 24 | 24 |
|
2015 | 322 | 322 | 322 | 24 | 24 | 24 |
|
- Tiêu chuẩn về học sinh (HS) theo từng giai đoạn:
Năm | Trẻ 6 tuổi | Trẻ 11 tuổi | ||||||
Tổng số | Số phải phổ cập | Số vào lớp 1 | Tỷ lệ % | Tổng số | Số phải phổ cập | Số tốt nghiệp tiểu học (hoàn thành chương trình tiểu học) | Tỷ lệ % | |
2000 | 65.336 | 65.010 | 64.932 | 99,88 | 71.787 | 71.052 | 61.720 | 86,87 |
2005 | 65.876 | 65.549 | 65.448 | 99,85 | 71.218 | 70.009 | 66.323 | 94,73 |
2010 | 85.315 | 85.162 | 85.142 | 99,98 | 67.077 | 66.887 | 65.344 | 97,69 |
2014 | 90.355 | 90.135 | 90.132 | 99,99 | 74.506 | 74.206 | 72.334 | 97,47 |
- Tiêu chuẩn về giáo viên theo từng giai đoạn:
Năm | CBQL | Số giáo viên | Trình độ đào tạo | Nhân viên | ||||||||||||
Hiệu trưởng | Phó hiệu trưởng trưởng | Tổng số | Biên chế | HĐ có bảo hiểm | Dân tộc | GV/Lớp | > ĐH | ĐH | CĐ | Trung học sư phạm (12 2) | Trung học sư phạm (9 3) | Dưới Trung học sư phạm | Trung học | Tổng phụ trách đội | Thư viện, thiết bị dạy học | |
2000 | 418 | 639 | 13.652 | 12.840 | 812 | 97 | 1,28 | 1 | 1.210 | 1.620 | 8.788 | 906 | 1.127 | 12.864 | 284 | 410 |
2005 | 437 | 703 | 14.345 | 13.536 | 809 | 124 | 1,32 | 2 | 3.180 | 3.215 | 7.217 | 389 | 342 | 13.070 | 275 | 461 |
2010 | 451 | 692 | 15.145 | 14.333 | 812 | 273 | 1,27 | 17 | 7.853 | 5.421 | 1.731 | 78 | 45 | 13.300 | 344 | 507 |
2014 | 2014 | 482 | 761 | 19.280 | 17.249 | 2031 | 283 | 1.37 | 116 | 12.180 | 5.970 | 991 | 0 | 24 | 19.280 | 223 |
- Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất theo từng giai đoạn:
Năm | Số trường | Số lớp | Phòng học | Số phòng chức năng | Số sân chơi | Số bãi tập | |||||||||||||
Tổng số | Trên cấp 4 | Cấp 4 | Dưới C4 | Ban giám hiệu | Văn phòng | Thư Viện | Giáo dục nghệ thuật | Đội | Y tế | Thiết bị-đồ dùng dạy học | Tin học | Khu vệ sinh | Hỗ trợ kỹ thuật | Bảo vệ | |||||
2000 | 420 | 10.657 | 8.111 | 4.288 | 3.130 | 161 | 428 | 422 | 372 | 49 | 172 | 234 | 228 | 37 | 1.333 | 6 | 243 | 420 | 95 |
2005 | 438 | 10.857 | 9.217 | 6.421 | 2.358 | 67 | 478 | 439 | 420 | 96 | 237 | 315 | 286 | 107 | 1.896 | 9 | 274 | 438 | 111 |
2010 | 468 | 12.197 | 11.266 | 8.273 | 2.419 | 101 | 701 | 554 | 458 | 140 | 329 | 450 | 448 | 338 | 3.599 | 84 | 556 | 474 | 154 |
2014 | 482 | 634 | 14.052 | 13.019 | 12.094 | 925 | 0 | 805 | 602 | 510 | 296 | 546 | 613 | 455 | 494 | 3.583 | 35 | 475 | 462 |
2.2. Những nguyên nhân đạt được kết quả
- Hạ tầng cơ sở giữa các phường trong nội thành và các xã/thị trấn được chú ý cải tạo và nâng cấp khá tốt.
- Trình độ dân trí được nâng cao và tương đối đồng đều nhau trên phạm vi toàn Thành phố, mọi người dân đều có nhu cầu bức thiết cho con đến trường.
- Ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng, Thành phố nói chung luôn năng động và quan tâm đến tầng lớp dân cư còn khó khăn và thiệt thòi.
- Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác chỉ đạo chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học.
- Đội ngũ chuyên trách có chuyên môn, nhiệt tình và được phân công ổn định trên địa bàn đã thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2.3. Các hạn chế, khó khăn và biện pháp khắc phục
2.3.1 Các hạn chế, khó khăn
- Sự không ổn định về nơi ở, nơi học, trình độ và số lượng đối tượng phổ cập do dân số cơ học tăng quá nhanh cùng với việc quy hoạch lại khu vực dân cư; đồng thời một bộ phận dân cư chưa có đủ trình độ, điều kiện cuộc sống chưa đảm bảo cho việc học tập của con trẻ đã gây khó khăn và tốn kém cho công tác điều tra cơ bản.
- Đường giao thông tại các huyện ngoại thành một số khu vực chưa được nâng cấp, gây khó khăn cho việc đến trường của học sinh.
- Một số lãnh đạo phường - xã quan tâm chưa sâu sát đến công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học, còn giao khoán cho ngành giáo dục.
- Ngoài việc thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, phổ cập bậc trung học thì hiện nay phải thực hiện thêm nhiệm vụ giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hoạt động trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng xã hội học tập. Tất cả mọi hoạt động này đều sử dụng kinh phí phổ cập giáo dục và không được hướng dẫn định mức chi.
2.3.2 Biện pháp khắc phục
Ủy ban nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tạo điều kiện cho trẻ đi học thuận lợi, để đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày nhằm góp phần nâng cao chất lượng, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học theo quy định.
Ban chỉ đạo phổ cập các cấp tập trung chỉ đạo kịp thời trong việc vận động trẻ ngoài nhà trường trở lại lớp vào đầu năm học và duy trì sĩ số học sinh đến cuối năm học trước.
Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận - huyện phối hợp với các cơ quan chức năng của quận - huyện xác định các đối tượng trẻ trong độ tuổi phổ cập mới nhập cư trong thời điểm chuẩn bị năm học mới để xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu năm học sát với tình hình thực tế.
Thành phố nghiên cứu ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể về việc thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ở các quận- huyện, phường - xã, thị trấn để đội ngũ này yên tâm công tác. Xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ và phù hợp để chủ trương xã hội hóa giáo dục được phát huy mạnh mẽ ở cơ sở địa phương.
3. Mục tiêu MDG 3: Bình đẳng giới
3.1. Kết quả thực hiện
3.1.1 Bình đẳng trong giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông
Trong hơn 10 năm qua, Thành phố đã tập trung thực hiện kế hoạch xóa mù chữ cho phụ nữ, triển khai nhiều chương trình khuyến khích phụ nữ trong độ tuổi dưới 40 tham gia học tập với nhiều hình thức phù hợp từng đối tượng, tổ chức tuyên truyền rộng rãi về lợi ích giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái.
Với sự nỗ lực tích cực của ngành giáo dục Thành phố, sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các ban, ngành và đoàn thể các cấp, kết quả tỷ lệ nữ giới được xóa mù chữ độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi là 99,68%, độ tuổi từ 25 tuổi đến 35 tuổi là 99,2% và độ tuổi từ 35 tuổi đến 45 tuổi là 98,43%, hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu về xóa mù chữ cho phụ nữ ở độ tuổi dưới 40 tuổi nhưng chỉ đạt 99,30% chỉ tiêu chương trình quốc gia. Nguyên nhân do số lao động nữ phải kiếm sống thông qua các ngành lao động tự do như buôn bán nhỏ, phụ bán hàng, phụ hồ, giúp việc nhà... giờ giấc không ổn định, một số khác sức khỏe kém thường xuyên đau ốm do đó vẫn còn một tỷ lệ nhỏ không thể tổ chức học chữ.
Thành phố thực hiện nhiều biện pháp mở rộng tiếp cận giáo dục, phấn đấu đến năm 2015 đạt 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến lớp, trong đó có 45,47% là trẻ em gái; 99,35% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo; 100% trẻ em gái 6 tuổi vào lớp 1; 100% trẻ em gái tốt nghiệp chương trình tiểu học và 98% được vào lớp 6. Tập trung đầu tư trường, lớp, đội ngũ giáo viên, phát động toàn dân đưa trẻ đến lớp.
Như vậy, đối với lĩnh vực giáo dục, Thành phố đã đạt được nhiều thành công trong công tác phổ cập giáo dục, tỷ lệ nữ trong các cấp học tăng dần đến mức đảm bảo bình đẳng về giới.
3.1.2 Bình đẳng trong các lĩnh vực khác (quản lý kinh doanh, công tác xã hội, hệ thống chính quyền, sở hữu đất đai, lực lượng lao động...)
- Trong lĩnh vực chính trị:
Để chủ động chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ kế thừa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, đồng thời ngày càng chuẩn hóa các chức danh cán bộ nhất là cán bộ chủ chốt diện Thành ủy quản lý, Thành phố đã thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về chính trị, kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho cán bộ chủ chốt từ cấp sở, ngành, quận - huyện trong đó có cán bộ nữ.
Qua Đại hội Đảng bộ các cấp, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đều đạt và vượt chỉ tiêu quy định của Trung ương (cơ cấu nữ tham gia cấp ủy ít nhất là 15%). Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015 như sau:
Cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa IX có 13/69 người đạt 18,8% (trong đó có 05 nữ là Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy);
Cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ quận, huyện có 253/966 người đạt 26,6% (trong đó có 58 nữ trong Ban thường vụ);
Cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ cấp trên cơ sở có 126/818 người đạt 15,4% (trong đó có 32 nữ trong Ban Thường vụ);
Cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành đảng bộ cấp phường, xã, thị trấn có 1.253/3.785 người, đạt 33,1%.
Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XI tại Thành phố Hồ Chí Minh (2000 - 2005) nữ Đại biểu Quốc hội đạt 06/26 người (tỷ lệ 23,07%); nữ Đại biểu Quốc hội khóa XII (nhiệm kỳ 2006 - 2011) là 05/23 người (đạt tỷ lệ 21,74%), đạt 88,4% so chỉ tiêu chương trình quốc gia và đạt 91,74% so với chỉ tiêu chương trình hành động của Thành phố; nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) là 08/30 người, chiếm tỷ lệ 26,7%;
Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp qua các nhiệm kỳ:
Nhiệm kỳ 2004 - 2011: Đạt 30,69% (3.021 nữ/9.842 đại biểu Hội đồng nhân dân), trong đó: cấp Thành phố là 20 nữ/95 đại biểu, chiếm tỷ lệ 21,05%, đạt 91,5% so với chỉ tiêu chiến lược quốc gia; cấp quận huyện là 262 nữ/925 đại biểu, chiếm tỷ lệ 28,32%, đạt 105,32% so với chỉ tiêu chiến lược quốc gia; cấp phường xã, thị trấn là 2.379 nữ/8.882 đại biểu, chiếm tỷ lệ 31,05%, đạt 113,05% so với chỉ tiêu chiến lược quốc gia;
Nhiệm kỳ 2011 - 2016: Nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố có 21/94 người, chiếm tỷ lệ 22,3%; Nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp phường xã, thị trấn có 565/1.919 người, chiếm tỷ lệ 29,1%.
Song song đó, để tạo nguồn quy hoạch cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, hiện nay Thành phố có 1.429 cán bộ trẻ tuổi (791 cán bộ nữ, chiếm tỷ lệ 53,4%) thuộc diện tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi được bố trí công tác ở sở, ban, ngành Thành phố, quận - huyện và phường - xã, thị trấn. Thành phố tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân có 39 nữ/108 người, chiếm 36,1%.
Công tác phát triển đảng viên mới là nữ để bổ sung nguồn nhân sự cũng đã góp phần gia tăng số lượng đảng viên trên địa bàn Thành phố, tính từ năm 2001 đến nay, tổng số đảng viên nữ được kết nạp là 33.753/84.329 người, chiếm tỷ lệ 40%.
- Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm:
Trong thời gian qua, công tác giải quyết việc làm luôn được sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt của các cấp lãnh đạo từ Thành phố đến cơ sở. Từ năm 2001 đến cuối năm 2014, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 3.525.849 lượt người, trong đó nữ 1.794.515 lượt người, chiếm 51%; số chỗ việc làm mới tạo ra là 1.063.160 chỗ, trong đó nữ 535.804, chiếm 50%; tính đến năm 2014 kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 4,67%; tổng số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 20.293 người.
Trong những năm qua, với nhiều biện pháp chủ động, sáng tạo của các ngành, các cấp, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm của Thành phố đã đạt nhiều kết quả góp phần kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm nói chung; đồng thời tỷ lệ này cũng tương đương với tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ nói riêng, bình quân là 0,2 %/năm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu từ năm 2008 đến nay đã ảnh hưởng nhất định đến chỉ tiêu kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp chung của Thành phố, thời gian này tốc độ giảm có chậm hơn, đến cuối năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp nữ giảm còn 5%, tuy mức giảm có thấp hơn những năm trước nhưng so với chỉ tiêu chiến lược quốc gia thì Thành phố đã thực hiện đạt và vượt mức quy định.
- Công tác tuyên truyền, tập huấn:
Thành phố tổ chức 211 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới và hội nghị triển khai, hướng dẫn thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố liên quan đến Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 cho 18.876 người (6.317 nam chiếm 33,4 % và 12.559 nữ chiếm 66.6%) là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên các sở, ban ngành, đoàn thể và quận huyện; phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông và lãnh đạo, cán bộ và thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới các Sở, ban ngành, đoàn thể và quận huyện.
Biên soạn, in ấn 9.500 cuốn “Sổ tay công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ”; 10.000 tờ rơi “Chương trình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2020”; 12.000 cuốn tài liệu “Hỏi, đáp về Bình đẳng giới”; 10.000 cuốn tài liệu “Hỏi, đáp về Bình đẳng giới và quyền của phụ nữ trong pháp luật Việt Nam”; 4.000 tờ rơi “Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”; 10.000 tờ rơi “Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và những lợi ích”; 650 tài liệu tập huấn kiến thức, kỹ năng về giới cho cán bộ nữ tham gia vị trí quản lý, lãnh đạo”; 480 tài liệu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; 500 cuốn kỹ năng tư vấn “Hôn nhân và Gia đình nhìn từ góc độ bình đẳng giới”; 800 cuốn tài liệu hướng dẫn quy trình lồng ghép giới bền vững trong chương trình/dự án; Tổ chức hội thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông về Bình đẳng giới” và “Tuyên truyền viên giỏi về Bình đẳng giới” thu hút 88.750 lượt người tham gia;... Bộ tài liệu này là nguồn tư liệu phục vụ cho các ngành, các cấp, người dân hiểu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; đồng thời là nguồn tư liệu giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, dữ liệu để thực hiện các chương trình tập huấn, truyền thông về giới, bình đẳng giới và Chương trình Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố.
Tổ chức Hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Ban bình đẳng giới Thành phố phát động với chủ đề “Công dân Thành phố Hồ Chí Minh với bình đẳng giới”; phát động và hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức và Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về bình đẳng giới năm 2013 do Cục Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Tổ chức hội thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông về Bình đẳng giới” và “Tuyên truyền viên giỏi về Bình đẳng giới” năm 2014. Kết quả có 108.567 lượt người tham gia dự thi (trong đó có 55.249 nữ, chiếm 51%).
Song song đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền nhận thức về giới và bình đẳng giới qua panô, áp phích, băng rôn và thông qua việc triển khai các chương trình, đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”; ngày Gia đình Việt Nam; chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; diễn đàn nét duyên bạn gái; hội thi hái hoa dân chủ tìm hiểu về Luật bình đẳng giới; khát vọng tuổi trẻ;... với hơn 10.000 lượt người tham dự.
3.2. Nguyên nhân đạt được những kết quả
Thành phố đã ban hành được hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành về bình đẳng giới, trong đó sớm khắc phục được tình trạng thiếu thông tin dữ liệu tách biệt giới tính đối với các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới bằng biện pháp xây dựng, ban hành hệ thống “Biểu mẫu báo cáo thống kê Chương trình Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” đây là điều kiện thuận lợi cho các ngành, các cấp ghi chép thống kê thông tin dữ liệu tách biệt theo giới tính phục vụ cho công tác tham mưu quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong lĩnh vực của ngành mình. Việc này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo các cấp. Thành phố đặc biệt chú trọng các giải pháp tăng cường công tác truyền thông các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phụ nữ.
Công tác tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và trong quá trình tuyên truyền đã quan tâm đến từng giới, các nhóm dân cư. Qua công tác truyền thông, các ngành, các cấp đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới và tập trung triển khai thực hiện nhằm thay đổi căn bản và sâu sắc nhận thức về giới, ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình, tiến tới bình đẳng thực chất trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tiêu chí về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ phải được gắn liền với quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chủ động lồng ghép vào các chương trình khác như: chương trình phổ cập giáo dục, chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá, chương trình vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình chỉnh trang đô thị, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa... Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực nhằm đảm bảo cho việc lồng ghép được thực thi.
Hình thành và phát triển đội ngũ nhân sự làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ từ Thành phố đến quận-huyện, phường-xã, thị trấn tuy còn mới nhưng đang dần ổn định, đi vào nề nếp và hoạt động ngày càng có hiệu quả.
3.3. Các hạn chế, khó khăn và biện pháp khắc phục
3.3.1 Các hạn chế, khó khăn
Tình trạng người dân đến nhập cư vào Thành phố ngày càng tăng, gây sức ép đến tình hình an ninh, trật tự xã hội nói chung và việc thực hiện các chương trình nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em gái chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Công tác bình đẳng giới hiện nay là nội dung tương đối mới, các văn bản hướng dẫn còn thiếu và nhiều bất cập về các quy định trong pháp luật giữa các ngành. Vấn đề giới và công tác truyền thông chưa được chú trọng, trên thực tế các sản phẩm truyền thông mang tính định kiến giới vẫn còn tồn tại, nhiều quảng cáo trên báo chí, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng còn mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ, đã tạo ra sự bất bình đẳng dựa trên yếu tố giới trong việc tiếp cận các nguồn công việc hay nguồn lợi khác trong xã hội. Các mô hình làm thí điểm chưa có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn của bộ, ngành Trung ương nên khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện.
Hệ thống cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá phân tích thực thi chính sách bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhưng hiện nay chưa được triển khai thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.
Mặt khác, cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ thường xuyên thay đổi, kiến thức về giới và bình đẳng giới tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng đều ở các địa phương. Trong nhiều trường hợp, công tác bình đẳng giới chưa được coi là quan trọng như các lĩnh vực chuyên môn khác tại các sở, ngành và ngay cả trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Tại một số quận - huyện và phường - xã, Thủ trưởng đơn vị chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Về đánh giá chỉ tiêu tỷ lệ học sinh nữ trong tổng số học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông so với chỉ tiêu quốc gia, không đạt chỉ tiêu do mất cân bằng giới tính khi sinh nên chỉ tiêu kế hoạch đặt ra của quốc gia chưa phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương nói chung và Thành phố nói riêng.
3.3.2 Biện pháp khắc phục
Trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần quan tâm thực hiện lồng ghép giới để đảm bảo vấn đề giới được thể hiện một cách nhất quán từ các chỉ tiêu đến định hướng và giải pháp của các ngành, các cấp tập trung:
- Rà soát thông tin, dữ liệu sẵn có về người nhập cư để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo từng nhóm người nhập cư riêng biệt có tách biệt giới tính nhằm phối hợp liên ngành trong việc quản lý, hỗ trợ người nhập cư, để thấy nguyên nhân sự khác biệt giới giúp cho việc xây dựng chính sách liên quan đến người nhập cư thực sự hiệu quả.
- Xây dựng chiến lược ưu tiên về giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho lao động nữ, tạo cơ hội cho lực lượng lao động nữ phát triển theo khả năng và sở trường nhằm tạo ra tính năng động và sự đa dạng trong việc lựa chọn các công việc có thu nhập cao.
- Tập trung truyền thông, tuyên truyền, thông tin về quan điểm và chính sách về bình đẳng giới đến mọi tầng lớp trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức thành hành động thực tiễn để loại bỏ dần định kiến về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
- Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần chỉ đạo các ngành, các cấp thuộc ngành dọc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chương trình, kế hoạch từ khi dự thảo đến khi ban hành triển khai thực hiện nhằm có cơ sở dữ liệu về giới phục vụ cho tham mưu các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
4. Mục tiêu MDG 4: Giảm tử vong trẻ em
4.1. Kết quả đạt được
- Về giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi
Để đạt được mục tiêu MDG 4, cả nước phải phấn đấu giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống 19,3/1.000 sơ sinh sống, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi xuống 14/1.000 sơ sinh sống.
Tại Thành phố tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi năm 2013 là 4,29/1.000 sơ sinh sống, năm 2014 là 4,9/1.000 sơ sinh sống; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi năm 2013 là 4,16/1.000 sơ sinh sống, năm 2014 là 4,7/1.000 sơ sinh sống. Dự kiến trong năm 2015 không có biến động đáng kể ở số liệu này. Như vậy, có thể đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt Mục tiêu MDG 4 (giảm tử vong trẻ em).
So với mục tiêu giảm 2/3 tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi thì từ năm 1990 đến nay, Thành phố đã đạt được chỉ tiêu này (tỷ lệ hiện nay là 4,9/1.000 sơ sinh sống).
Trong thời gian qua, Thành phố đã kéo giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở mức thấp nhất cả nước; tình hình tiêm chủng trẻ em đảm bảo đủ các loại vacxin, năm sau cao hơn năm trước. Thành phố đạt kết quả này là do thực hiện các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, đạt hiệu quả rất tốt, vì vậy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trẻ em về cân nặng theo tuổi của Thành phố luôn thấp nhất nước.
Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi với đầy đủ 8 loại vacxin, năm sau cao hơn năm trước với tỷ lệ đạt cao (bình quân là >95%) đạt chỉ tiêu đề ra hằng năm là trên 90%.
Từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi (cân nặng/tuổi) tại Thành phố giảm rõ rệt, từ 14,8 năm 2000 xuống 7,8% năm 2006 và giảm còn 4,1% năm 2013 thấp nhất trong 63 tỉnh thành của cả nước, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ chung của cả nước (tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em của Việt Nam năm 2013 là 15,3%, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng), đến cuối năm 2014, tỷ lệ này là < 5%. Tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi được cân định kỳ 3 tháng lần đạt 97%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 2 tuổi được theo dõi cân đo bằng biểu đồ tăng trưởng hàng tháng đạt trên 95%.
4.2. Nguyên nhân đạt được những kết quả:
Mạng lưới hoạt động Chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em của các quận - huyện được triển khai với 322 chuyên trách viên dinh dưỡng tại các trạm y tế và 1984 cộng tác viên dinh dưỡng, đảm bảo 01 cộng tác viên/khu phố - ấp. Công tác quản lý trẻ đã có nhiều cải thiện, các chỉ tiêu về quản lý trẻ, theo dõi tỷ lệ suy dinh dưỡng luôn đạt kế hoạch đề ra.
Những hoạt động y tế dự phòng, công cộng như tiêm chủng ngừa bệnh cho trẻ em với chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng ngoài chương trình, cùng với những đóng góp của hoạt động khám chữa bệnh liên quan, giúp thực hiện tốt mục tiêu giảm tử vong trẻ em. Bên cạnh đó, các khoa sơ sinh tại các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương đã thực hiện chăm sóc, cứu chữa với số lượng trẻ sơ sinh bệnh lý rất lớn; đặc biệt là đã kéo giảm tỷ lệ tử vong trẻ em của Thành phố.
4.3. Các hạn chế, khó khăn và biện pháp khắc phục
4.3.1 Các hạn chế, khó khăn
Do đa số dân nhập cư chưa hiểu biết nhiều về việc chăm sóc sức khỏe tại Thành phố và điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên đã tác động nhiều đến sức khỏe và việc chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, trong đó đối tượng ảnh hưởng rõ rệt nhất là trẻ em.
Mạng lưới cộng tác viên khu phố chưa đồng đều và thay đổi thường xuyên. Định mức chi cho các hoạt động còn thiếu và rất thấp, chưa cân xứng với tình hình thực tế. Chính sách, chế độ đãi ngộ chưa thu hút được nguồn nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt cho công tác dinh dưỡng.
Chỉ tiêu tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi/1.000 sơ sinh sống năm 2010 đánh giá không đạt chỉ tiêu kế hoạch do Bộ Y tế có hướng dẫn cách thu thập số liệu mới nhưng phương pháp thu thập số liệu này chưa phù hợp với thực tế đã thực hiện tại địa phương.
4.3.2 Định hướng khắc phục
Triển khai công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc của người dân Thành phố, kéo giảm, duy trì tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi ở mức < 5% vào năm 2015, đồng thời kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì.
Tăng cường truyền thông nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe trẻ em và thực hành dinh dưỡng hợp lý của người dân Thành phố.
Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới nhân viên y tế cộng đồng.
5. Mục tiêu MDG 5: Cải thiện sức khỏe bà mẹ
5.1. Kết quả đạt được
- Về việc giảm tỷ suất chết của mẹ liên quan đến thai sản từ năm 2000 đến nay:
Để đạt được MDG 5, cả nước phải phấn đấu giảm tỷ suất chết của người mẹ trong thời kỳ thai sản xuống còn dưới 58,3/100.000 sơ sinh sống vào năm 2015.
Thành phố có tỷ suất tử vong mẹ năm 2013 là 6,00/100.000 sơ sinh sống, năm 2014 là 6,5/100.000 sơ sinh sống. Dự kiến năm 2015 không có biến động đáng kể ở số liệu này. Như vậy, có thể đánh giá Thành phố đã đạt Mục tiêu MDG 5.
- Về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản:
Thành phố đã đầu tư chăm lo chất lượng và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ chăm lo chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Ngoài hệ thống 55 bệnh viện chuyên khoa sản và cơ sở y tế công có khoa sản, Thành phố có thêm 16 bệnh viện tư có dịch vụ sản khoa và gần 500 cơ sở hành nghề y dược tư nhân có thực hiện khám chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa, góp phần lớn trong việc cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em của Thành phố.
Mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em trải rộng và đều khắp toàn Thành phố và hoạt động có hiệu quả qua nhiều năm.
5.2. Nguyên nhân của thành tựu
Hoạt động khám thai được cung cấp đầy đủ từ tuyến phường- xã đến các cơ sở y tế chuyên khoa sản phụ khoa với chất lượng chăm sóc thai nghén ngày càng được quan tâm thông qua các chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Tất cả trạm y tế tuyến phường-xã đều có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Chương trình sức khỏe bà mẹ - trẻ em, phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng chống dịch... tại Thành phố luôn được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc chỉ đạo triển khai các hoạt động. Ban điều hành Chương trình vận dụng tốt chủ trương xã hội hóa, kêu gọi tài trợ trong các hoạt động giáo dục sức khỏe, công tác quản lý,... góp phần tăng hiệu quả hoạt động và giảm chi ngân sách của Nhà nước.
5.3. Các hạn chế, khó khăn và biện pháp khắc phục
5.3.1 Các hạn chế, khó khăn
Đa số dân nhập cư chưa thay đổi thói quen hoặc chưa hiểu biết nhiều về điều kiện thuận lợi trong chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Thành phố; điều kiện kinh tế khó khăn tác động nhiều đến sức khỏe và việc chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ và trẻ em.
5.3.2 Biện pháp khắc phục
Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe có trọng điểm, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao như dân nhập cư, người lao động nghèo... trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân ngày càng chủ động trong việc tham gia các chương trình sức khỏe của quốc gia, Thành phố.
6. Mục tiêu MDG 6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác
6.1. Kết quả đạt được
6.1.1 Phòng chống HIV/AIDS
Tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12 năm 1990, đến hết năm 2014, Thành phố đã có 60.547 người nhiễm HIV, trong đó có 34.244 người đã chuyển qua AIDS, và 10.130 người đã tử vong do HIV/AIDS. Số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 50.417 trường hợp, số bệnh nhân AIDS còn sống là 24.114 trường hợp. Trong năm 2014, có 1.722 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, 1.080 trường hợp chuyển sang AIDS, 219 trường hợp tử vong do AIDS. Ước tính năm 2015, Thành phố có 1.672 người nhiễm mới HIV (giảm 3% so với 2014), có 810 người chuyển sang giai đoạn AIDS, và 119 người tử vong do HIV/AIDS.
Năm 1993, Thành phố là tỉnh/thành đầu tiên triển khai thí điểm chương trình can thiệp giảm tác hại tại 2 quận. Năm 2005, có 13 quận và đến nay chương trình đã mở rộng hoạt động trên địa bàn 24/24 quận - huyện với 100% phường - xã. Việc đầu tư mở rộng này góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trên các nhóm nguy cơ cao: trước khi mở rộng, tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm nghiện chích ma túy tăng nhanh từ 34,1% năm 1994 lên 81,1% năm 2001; sau khi mở rộng tỷ lệ này giảm dần từ 47,5% năm 2005, còn 16,7% vào năm 2014. Trên nhóm phụ nữ mại dâm, tỷ lệ này tăng nhanh từ 0,6% năm 1994 lên 23,6% năm 2001 và giảm dần còn 3,7% năm 2014.
Năm 2005, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai đầu tiên trên cả nước, với 24 cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm cho thai phụ, năm 2008 đã tăng lên 56 cơ sở và duy trì đến nay. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con liên tục giảm từ 5,3% năm 2008 còn dưới 3% năm 2014. Ước tính tỷ lệ này vẫn duy trì ổn định trong năm 2015. Như vậy, so với mục tiêu của quốc gia (giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5% vào năm 2015), Thành phố đã vượt chỉ tiêu đề ra.
Hàng năm đều có hơn 100.000 thai phụ được tư vấn xét nghiệm HIV, tỷ lệ thai phụ nhiễm HIV được điều trị ARV tăng từ 53% năm 2005 lên 92% năm 2014, và mỗi năm, gần 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm được điều trị dự phòng sau sinh.
Chương trình điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) cũng được triển khai đầu tiên của cả nước vào năm 2005 trên diện rộng, số phòng khám ngoại trú tăng từ 20 phòng vào năm 2005 lên 33 phòng năm 2014. Số lượng bệnh nhân đang được điều trị ARV cũng tăng từ 333 bệnh nhân năm 2005 lên 24.638 bệnh nhân năm 2014. Với tỷ lệ bệnh nhân còn sống sau 12 tháng điều trị, chương trình đã đạt hiệu quả cao hơn (86%) so với yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới (80%). Tính đến tháng 3/2015, số người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) được điều trị ARV là 24.944 người, đạt tỷ lệ 92,9% (24.944 người được điều trị trong tổng số 26.849 người đủ tiêu chuẩn), vượt chỉ tiêu của quốc gia (70% đến năm 2015).
Với những thành quả đạt được, Thành phố đã từng bước khống chế được sự phát triển của đại dịch HIV/AIDS, tiến đến đẩy lùi dịch trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao và nhất là từ năm 2008 đã liên tục hạ thấp số người nhiễm HIV mới, số bệnh nhân AIDS mới và số tử vong do AIDS qua việc giảm nhanh số người nhiễm HIV mới hàng năm, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong do AIDS.
Liên tục trong các năm, từ năm 2000 đến năm 2007, số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện hàng năm không ngừng gia tăng, và lên đến mức khoảng 10.000 ca nhiễm HIV mới/năm trong các năm 2006 - 2007. Tuy nhiên, số ca nhiễm HIV mới được phát hiện đã giảm nhanh từ 2008 đến nay. Năm 2014, số trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện là 1.722 trường hợp, giảm 3.729 trường hợp so với năm 2008 (5.451 trường hợp). Năm 2014, số ca nhiễm mới HIV đã giảm 47% so với năm 2010. Nếu so với chỉ tiêu quốc gia thi vẫn chưa đạt (đến năm 2015, giảm 50% số ca nhiễm mới HIV). Tuy nhiên theo ước tính, năm 2015, Thành phố sẽ đạt chỉ tiêu này.
Số bệnh nhân AIDS ghi nhận được cũng gia tăng dần qua các năm, đặc biệt tăng nhanh trong các năm 2005-2007 từ khi Thành phố mở rộng chương trình chăm sóc chữa trị toàn diện, miễn phí cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS năm 2005. Từ năm 2008, số bệnh nhân AIDS mới cũng đã giảm dần: năm 2014 là 1.080 trường hợp, giảm 2.227 trường hợp so với năm 2008 (3.307 trường hợp)
Số tử vong do AIDS cũng liên tục gia tăng từ năm 1993, tuy nhiên đã bắt đầu giảm nhanh từ năm 2006, cho thấy hiệu quả rõ rệt của chương trình chăm sóc điều trị. Năm 2014 là 219 trường hợp, giảm 422 trường hợp so với năm 2008.
Số phường - xã không có người nhiễm mới và không có người tử vong: năm 2008 có 3 phường - xã không có người nhiễm mới và 97 phường - xã không có người tử vong, năm 2014 có 11 phường - xã không có người nhiễm mới và đến 150 phường - xã không có người tử vong.
Thành quả phòng, chống AIDS đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, giảm quá tải cho hệ thống các bệnh viện của Thành phố.
Về tốc độ lây nhiễm HIV và các bệnh khác: Trong thời gian qua, Thành phố đã khống chế và đẩy lùi được sự phát triển của đại dịch HIV/AIDS, tốc độ lây nhiễm HIV và các bệnh khác đã được kéo giảm qua các năm, giảm tỷ lệ mắc và chết do HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác gây ra, cụ thể: số bệnh nhân AIDS mới đã giảm (năm 2014 là 1.722 trường hợp, giảm 1.585 trường hợp so với năm 2008 (3.307 trường hợp)); số bệnh nhân tử vong do AIDS giảm dần (năm 2014 là 219 trường hợp, giảm 422 trường hợp so với năm 2008).
Về công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân HIV/AIDS và các bệnh khác: Năm 2000 - 2005, Thành phố đã tập trung thực hiện chương trình 3 giảm. Bên cạnh các biện pháp truyền thông giáo dục phòng chống ma túy và các biện pháp triệt phá các đường dây mua bán ma túy, Thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động 20 trung tâm, tập trung hơn 30.000 người nghiện ma túy để điều trị cai nghiện, chăm sóc sức khỏe, giáo dục dạy nghề và phục hồi nhân cách...Chiến lược phòng chống AIDS trong thời kỳ này là lồng ghép, phối hợp hoạt động phòng chống AIDS với phòng chống ma túy, mại dâm; xây dựng các mô hình can thiệp toàn diện phòng, chống AIDS tại cộng đồng và trong các trung tâm.
Năm 2005 - 2010, được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ PEPFAR, Thành phố đã tập trung đầu tư cho nhiều hoạt động từ dự phòng đến chăm sóc điều trị và mang lại những thành quả nhất định, cụ thể:
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai thí điểm đầu tiên tại Thành phố (cùng với Hải Phòng) vào năm 2008.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và Chương trình điều trị ARV được triển khai đầu tiên trên cả nước vào năm 2005;
Cuối năm 2011, chương trình triển khai thí điểm việc chuyển bệnh nhân ARV về điều trị tại phường, xã, thị trấn, lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế địa phương5.
6.1.2 Phòng, chống sốt rét và các bệnh dịch khác
Ngăn chặn sốt rét và các dịch bệnh khác: Chặn đứng và bắt đầu giảm số trường hợp mắc bệnh sốt rét và các bệnh phổ biến khác vào năm 2015.
Trong những năm qua, bằng những nỗ lực của ngành y tế Thành phố nói chung và chương trình phòng chống sốt rét nói riêng đã đạt được những thành công lớn trong việc giảm tỷ lệ mắc và chết do sốt rét. Nếu như trong năm 2000 Thành phố có 718 bệnh nhân mắc sốt rét thì đến năm 2013 số bệnh nhân mắc bệnh sốt rét chỉ còn 68 bệnh nhân và trong năm 2014 số bệnh nhân mắc sốt rét là 57 người. Vì vậy, dự kiến đến năm 2015 số bệnh nhân mắc sốt rét tại Thành phố duy trì mức thấp. Như vậy, có thể đánh giá Thành phố đã đạt mục tiêu về ngăn chặn sốt rét.
Tình hình dịch bệnh của Thành phố trong những năm qua có diễn tiến chung với tình hình dịch bệnh của cả nước và luôn nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế. Mặc dù tỷ lệ người dân mắc các bệnh nhiễm gây dịch như: sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng... còn ở mức cao nhưng trong những năm qua ngành y tế Thành phố luôn giữ vững thành quả khống chế dịch và không để xảy ra dịch lớn trên diện rộng.
Ngoài ra, ngành y tế đã tổ chức tốt hoạt động phòng chống dịch cúm SARS, cúm A H1N1, H5N1, ứng phó kịp thời và triển khai mô hình bệnh viện dã chiến, khoa cách ly... góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch bệnh, không gây tử vong cao.
Về công tác khống chế bệnh lao: Việt Nam hiện vẫn là nước có tỷ lệ bệnh nhân lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2013).
Tại Thành phố, số bệnh nhân mắc lao phổi AFB ( ) mới thu nhận giai đoạn 2000-2013:
Năm | 2000 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 |
Dân số | 5.165.148 | 7.302.964 | 7.460.435 | 7.635.937 | 7.829.984 |
Số bệnh nhân lao ( ) mới thu nhận | 10.286 | 7.411 | 7.456 | 6.691 | 6.829 |
Số bệnh nhân lao ( ) mới/100.000 dân | 199 | 101 | 100 | 88 | 87 |
* Nhận xét: Lao phổi AFB( ) mới thu nhận điều trị chung toàn TP. HCM có xu hướng giảm 2,3%/năm và dao động từ 199/100.000 dân vào năm 2000 và giảm xuống còn 87/100.000 dân vào năm 2013. Nhìn chung trong giai đoạn 2010 - 2013, lao phổi AFB( ) mới ở nhóm tuổi từ 15 - 54 tuổi của toàn TP. HCM có xu hướng giảm khoảng 3,6%/năm. Như vậy, sự can thiệp của chương trình chống lao đã có hiệu quả, đây là tín hiệu đáng mừng vì đã kéo giảm tỷ lệ người dân tuổi lao động mắc bệnh. Theo tốc độ giảm hiện nay, Thành phố có thể khống chế lao vào năm 2015.
6.2. Nguyên nhân của những kết quả
- Về chương trình mục tiêu quốc gia HIV/AIDS:
Những thành quả trên có được nhờ sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố; sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Y tế, Cục phòng chống HIV/AIDS, sự nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn của Ủy ban phòng chống AIDS Thành phố, sự tham gia tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, đặc biệt là sự tham gia của Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, Trung tâm Y tế dự phòng quận - huyện... bên cạnh sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính rất lớn từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là PEPFAR, CDC, USAID.
Thành phố luôn nhạy bén, kịp thời trong xác định chiến lược can thiệp, mô hình cụ thể trong từng giai đoạn và vận động được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và của toàn hệ thống phòng, chống AIDS để đảm bảo hiệu quả trong quá trình hoạt động. Ngay từ khi xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đã xác định và từng bước lồng ghép, gắn trách nhiệm của ngành y tế vào công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong việc đảm bảo tiếp cận điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Đồng thời cũng thực hiện cam kết của các cấp chính quyền qua sự đầu tư ngân sách ngày càng nhiều hơn cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trên cơ sở xác định nhu cầu hoạt động thiết yếu và khả năng đáp ứng của Thành phố. Từ năm 2010 đến nay, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, nhất là các biện pháp can thiệp giảm tác hại, từng bước giảm dần sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt đề án “Thực hiện mở rộng và xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2014 - 2016”.
Với mục tiêu hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt đề án thí điểm “Điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV theo phương thức xã hội hóa”. Đề án này cũng đã được Cục phòng chống HIV/AIDS đồng ý về chuyên môn, cho phép Thành phố triển khai thí điểm điều trị ARV sớm.
- Về các chương trình y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh:
Có phối hợp chặt chẽ với các sở, các quận - huyện kiểm soát các dịch bệnh. Triển khai dự phòng tích cực, không để xảy ra đại dịch, đảm bảo dự trữ đủ thuốc và hóa chất, vật tư phòng chống dịch, thiết lập và duy trì hệ thống cảnh báo sớm, tổ chức xử lý dịch kịp thời, ứng phó với các trường hợp bệnh tập trung trong nhóm nhỏ, trong cộng đồng, tổ chức khoanh vùng và xử lý ổ dịch.
Trong điều kiện nguồn nhân lực có hạn, cơ sở vật chất còn hạn chế so với nhu cầu, các cán bộ y tế dự phòng từ y tế cơ sở, trạm y tế đến trung tâm y tế dự phòng tuyến quận - huyện và Thành phố đã nỗ lực làm việc không kể thời gian, nguy hiểm, nắm vững khu vực quản lý và từng hộ dân để ngăn chặn kịp thời và kiểm soát, giám sát ổ dịch tốt, góp phần rất lớn trong việc khống chế dịch bệnh.
Nhiều hình thức tổ chức đạt hiệu quả trong truyền thông, trong tổ chức phun thuốc sát khuẩn tại nơi xảy ra ổ dịch, phòng chống dịch ở từng hộ gia đình và những nơi có nguy cơ cao đã giúp cho công tác dự phòng có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn phong phú và sinh động.
Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị y tế và các đơn vị khác trong bảo vệ môi trường, trong truyền thông giáo dục sức khỏe, giữa nhân viên y tế và người dân trên địa bàn là những bài học quý giá về công tác phối hợp, về trách nhiệm của mọi người, của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh. Hoạt động gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị dự phòng và các cơ sở điều trị là một nhân tố không thể thiếu trong công tác giám sát, điều tra dịch tễ. Ngành đã xây dựng phần mềm báo cáo để kết nối giữa cơ sở điều trị và cơ sở dự phòng để từng bước quản lý tốt bệnh nhân bị mắc các dịch bệnh.
Ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và vai trò của các đoàn thể địa phương ngày càng được nâng lên trong hoạt động dự phòng. Từ đó, các kết quả đạt được ngày càng tốt hơn.
Vai trò của người dân trong việc tự bảo vệ chính mình, bảo vệ gia đình và cộng đồng thể hiện tốt hơn. Người dân thông qua các hoạt động của địa phương và của mỗi gia đình đã có ý thức trong việc tự bảo vệ, từ đó, giúp cho hoạt động kiểm soát và giám sát dịch bệnh thuận tiện và dễ dàng hơn.
6.3. Các hạn chế, khó khăn và biện pháp khắc phục
6.3.1 Hạn chế khó khăn
- Về phòng chống HIV/AIDS:
Tuy bị khống chế được nhưng dịch HIV tại Thành phố vẫn đang ở mức cao trong các nhóm đối tượng (tiêm chích ma túy, mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới); trong đó, nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng. Tệ nạn sử dụng ma túy vẫn còn phức tạp, tệ nạn mại dâm có xu hướng phát triển và biến tướng.
Kinh phí từ các tổ chức quốc tế tài trợ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Thành phố, cũng giảm nhanh từ năm 2010, trong khi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước không bù đắp kịp là thách thức lớn trong bối cảnh phải mở rộng chương trình điều trị, chương trình Methadone để hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
- Về phòng chống sốt rét và các bệnh dịch khác:
Cơ sở vật chất của các Trung tâm Y tế dự phòng đặc biệt là tuyến quận - huyện dù đang được cải tạo nâng cấp dần. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi chưa đủ điều kiện cho các đơn vị có thể triển khai chương trình hoạt động phù hợp. Nhân lực của hệ thống y tế dự phòng hiện nay còn thiếu và chưa tương xứng với nhu cầu và nhiệm vụ của Thành phố giao.
6.3.2 Biện pháp khắc phục
- Về phòng chống HIV/AIDS:
Thành phố chủ động đưa ra các giải pháp để duy trì tính bền vững và từng bước tiếp nhận sự chuyển giao các hoạt động của chương trình PEPFAR, qua đó tăng tốc, hướng đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, cụ thể: Xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011 - 2015, với phương châm “Chất lượng và bền vững” với những giải pháp mang tính khả thi cao, đặc biệt chú trọng:
- Về hoạt động dự phòng:
Huy động nguồn lực từ sự tham gia, đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và người dân, kể cả những người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV và gia đình của họ; tăng cường hoạt động can thiệp giảm tác hại cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao bằng nhiều phương thức khác nhau phù hợp với từng nhóm đối tượng, cụ thể qua các kế hoạch:
Xây dựng mạng lưới liên kết một cách hệ thống nhằm phòng ngừa lây nhiễm HIV với viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV), các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) trên nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Nâng cao ý thức sử dụng bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm và tự chi trả của nhóm nguy cơ cao. Vận động kênh thương mại thông qua chương trình tiếp thị xã hội bao cao su, bơm kim tiêm đảm bảo tính sẵn có và tính dễ tiếp cận của bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm cho nhóm nguy cơ cao.
Triển khai các mô hình với chi phí thấp, hiệu quả cao như: mô hình tiếp cận online, tiếp cận thông qua 1 “thủ lĩnh” của 1 nhóm, tiếp cận đối tượng “ẩn” chưa từng sử dụng dịch vụ theo cách phân nhánh, tiếp cận thông qua mạng lưới xã hội, mô hình “dùng người hưởng lợi - đang sử dụng Methadone”, các tổ chức tôn giáo, thiện nguyện,... tiếp cận đối tượng nguy cơ cao để hướng dẫn đến sử dụng dịch vụ tham vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS, điều trị nghiện thay thế bằng Methadone...
Triển khai đề án “Thực hiện mở rộng và xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2014 - 2016” và xã hội hóa chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Thành phố, giai đoạn 2014 - 2015”, với mục tiêu cung cấp dịch vụ cho 8.000 bệnh nhân trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn chế. Việc mở rộng các cơ sở điều trị Methadone sẽ triển khai tại các quận, huyện hiện chưa có cơ sở điều trị Methadone, tận dụng cơ sở vật chất hiện có của ngành y tế ở các địa phương và thực hiện thí điểm mở các điểm phát thuốc Methadone tại Trạm y tế các phường thuộc các quận hiện đã có cơ sở điều trị Methadone để tăng cường công tác quản lý của địa phương đối với bệnh nhân. Đồng thời có sự đóng góp của người hưởng dịch vụ qua việc đóng phí theo lộ trình để đảm bảo tính bền vững của chương trình.
Triển khai thí điểm điều trị Suboxone tại quận Gò vấp. Việc đưa Suboxone vào điều trị nhằm đem lại sự lựa chọn khác (bên cạnh Methadone) cho người sử dụng ma túy, đặc biệt với những người đang điều trị ARV và lao.
- Về chăm sóc điều trị:
Kết nối và lồng ghép chương trình phòng, chống AIDS với các chương trình sức khỏe của mạng lưới y tế để triển khai các hoạt động liên quan như tham vấn xét nghiệm tự nguyện, phòng lây truyền mẹ con, điều trị ARV, chăm sóc điều trị. Cụ thể qua các kế hoạch:
Mở rộng hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV trong hệ thống y tế công và tư. Triển khai các mô hình tham vấn xét nghiệm HIV cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau: mô hình hoạt động miễn phí dành cho đối tượng nguy cơ cao; mô hình thu phí dành cho các bệnh nhân tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập đủ điều kiện hoạt động; mô hình có thu phí dành cho đối tượng là người dân có ít nguy cơ trong cộng đồng như: sinh viên, học sinh, người chuẩn bị kết hôn,....
Triển khai điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm (bằng phác đồ 3 thuốc AZT/3TC/EFV) cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bất kể giai đoạn lâm sàng và CD4 nhằm làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, hướng tới không còn trẻ nhiễm mới HIV sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
Đưa bệnh nhân điều trị ARV từ quận - huyện về tuyến phường - xã nhằm giảm tải việc điều trị ARV cho các phòng khám tuyến trên, mặt khác bình thường hóa, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Triển khai Đề án thí điểm “Điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV theo phương thức xã hội hóa”. Đề án này dành cho người nhiễm HIV có CD4 >350 tế bào/mm3 tự nguyện tham gia điều trị ARV sớm theo phương thức tự chi trả một phần chi phí điều trị.
Đẩy mạnh việc bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế trong chi trả các dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS đã có trong quy định thay cho nguồn tài trợ bị cắt giảm, đồng thời chuẩn bị cho việc sử dụng bảo hiểm y tế trong điều trị ARV. Đồng thời tiếp tục tăng số lượng bệnh nhân được điều trị ARV miễn phí theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo dự phòng lây nhiễm cho cộng đồng.
- Về phòng chống sốt rét và các bệnh dịch khác:
Thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng. Chú trọng phối hợp với báo, đài, sở ngành, quận - huyện để thực hiện tốt hoạt động truyền thông trong lĩnh vực dự phòng.
Phối hợp tốt với chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể quần chúng tại địa phương, thực hiện tốt việc đôn đốc, theo dõi, kiểm tra công tác quản lý môi trường y tế, sức khỏe môi trường, triển khai có hiệu quả Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; giám sát môi trường y tế, môi trường lao động. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp trong hoạt động y tế dự phòng.
Tổ chức dự phòng toàn diện những dịch bệnh nguy hiểm. Chủ động trong hoạt động phòng chống các dịch bệnh: tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A H5N1....
Tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở và các tỉnh nhằm hỗ trợ tốt cho việc ngăn chặn dịch bệnh từ xa. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng.
7. Mục tiêu MDG 7: Đảm bảo bền vững về môi trường
7.1. Kết quả đạt được trong lĩnh vực môi trường
7.1.1 Các chương trình, dự án bảo vệ môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố
Thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; thực hiện tiêu chí môi trường thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới tại 56 xã ngoại thành; Xây dựng, triển khai có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ hộ dân vay vốn đầu tư các công trình xử lý chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường,... đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trong lĩnh vực vệ sinh môi trường nông thôn, cụ thể:
- Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán: tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2014 đạt 36.727 ha, trong đó diện tích rừng là 34.411 ha, đạt tỷ lệ che phủ là 16,42%; tỷ lệ diện tích che phủ rừng và cây xanh phân tán quy đổi trên diện tích đất tự nhiên đạt 39,8%.
- Tỷ lệ hộ dân nông thôn được chuyển đổi xong nguồn nước hợp vệ sinh đến cuối năm 2014: 349.454 hộ, đạt tỷ lệ 97% (thực tế đã đạt 100%, tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu của người dân về chất lượng nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt cần có sự tham gia kiểm tra, đánh giá của các cơ quan chuyên môn như Sở Y tế Thành phố, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố và các quận, huyện).
- Tỷ lệ nhà vệ sinh hợp vệ sinh: Số hộ gia đình có nhà vệ sinh năm 2014 là 368.878/371.420 hộ (đạt 99,32%), tăng 20.919 hộ so với năm 2013. Số hộ gia đình có nhà vệ sinh hợp vệ sinh năm 2014 là 366.373/371.420 hộ (đạt 98,64%), tăng 21.171 hộ so với năm 2013.
- Tỷ lệ trường học và trạm y tế có nhà vệ sinh hợp vệ sinh: Đạt 100%, trong đó bao gồm 555 trường học và 63 trạm y tế đều có nước và nhà vệ sinh hợp vệ sinh.
- Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh: số hộ chăn nuôi hợp vệ sinh năm 2014 là 20.757/21.883 hộ (đạt 94,85%), tăng 77 hộ so với năm 2013. Số hộ chăn nuôi có hầm biogas 2014 là 4.048/21.883 hộ (đạt 18,5%), tăng 277 hộ so với năm 2013.
- Kết quả thực hiện tiêu chí môi trường tại 56 xã xây dựng nông thôn mới: trong năm 2014, có thêm 19 xã hoàn thành tiêu chí môi trường. Lũy tiến từ khi thực hiện chương trình đến nay đã có 52/56 xã đạt tiêu chí; còn lại 04/56 xã chưa đạt.
7.1.2 Tình hình cải thiện về nước sạch cho người dân
Tính từ năm 2006 đến nay, Thành phố đã phát triển nguồn nước và tăng dần công suất cấp nước qua các năm, nếu như trong năm 2006 tổng công suất cấp nước sạch là 1.120.400 m3 /ngày thì đến năm 2010 tổng công suất là 1.536.000 m3/ngày; đến năm 2013 là 1.750.000 m3/ngày, đến cuối năm 2014 là 1.760.000 m3/ngày và trong năm 2015 là 2.420.000 m3/ngày (chưa tính theo Quy hoạch cấp nước còn có thêm Nhà máy nước Kênh Đông 2 công suất 150.000m3/ngày).
Khu vực đô thị: Đến cuối năm 2014, tổng số hộ dân đô thị là 1.497.503 hộ (tăng thêm so năm 2013 là 68.684 hộ), số hộ dân đô thị được cấp nước sạch (gồm 19 quận nội thành và 05 thị trấn) là 1.419.625 hộ, đạt tỷ lệ 94,80%, số hộ dân đô thị được cấp nước sạch tăng thêm trong năm 2014 là 115.437 hộ; trong đó có 13/19 quận nội thành và 02/05 thị trấn đạt tỷ lệ 100% hộ dân đô thị được cấp nước sạch.
Chương trình nước sinh hoạt cho nhân dân ngoại thành: Đến cuối năm 2014, tổng số hộ dân khu vực nông thôn (58 xã ngoại thành) là 349.454 hộ (tăng thêm so năm 2013 là 44.655 hộ), số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch thay thế cho nguồn nước hợp vệ sinh là 110.186 hộ, đạt tỷ lệ 32,53%; số hộ dân nông thôn được cấp nước sạch tăng thêm trong năm 2014 là 22.357 hộ; trong đó có 06/06 xã của huyện Nhà Bè và 06/06 xã của huyện Cần Giờ được cấp nước sạch 100%.
7.1.3 Bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp đã có đủ hồ sơ pháp lý về môi trường, chấp hành các quy định về môi trường như đánh giá tác động môi trường, lập đề án bảo vệ môi trường, số chủ nguồn thải, hợp đồng thu gom chất thải rắn với đơn vị thu gom có chức năng. Tất cả các Khu công nghiệp - Khu chế xuất đã xây dựng và vận hành hiệu quả trạm xử lý nước thải tập trung.
Đối với những cụm khu công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng thì công tác bảo vệ môi trường được chủ đầu tư phối hợp cùng các sở, ban, ngành (Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Ủy ban nhân dân quận - huyện) triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm.
7.2. Nguyên nhân đạt được những kết quả
Sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan chức năng và tổ chức chính trị - xã hội như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,.... đã giúp cho việc triển khai chương trình, chính sách liên quan đến nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện tốt hơn.
Công tác tuyên truyền về sử dụng nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn được thường xuyên thực hiện thông qua các kênh truyền thông cộng đồng trên các hệ thống truyền thanh tại các xã, phường; truyền thông đại chúng trên Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, Đài Truyền hình Thành phố cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh hợp vệ sinh, thực hành các hành vi vệ sinh và bảo vệ môi trường như.
Các mô hình xử lý chất thải áp dụng kỹ thuật, công nghệ đơn giản, dễ áp dụng. Vì vậy, người dân có thể tự làm lấy dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
Các mô hình tái chế nguồn chất thải hữu cơ đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (làm phân bón) đã giúp hộ nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. Vì vậy được người dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện.
Hàng năm tổ chức tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (trong năm 2014, đã tổ chức tại huyện Cần Giờ) nhằm nêu cao tinh thần và ý thức của người dân trong việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường sinh thái.
7.3. Các hạn chế, khó khăn và biện pháp khắc phục
7.3.1. Hạn chế, khó khăn
Là Thành phố lớn, dân số tăng nhanh do lượng dân nhập cư đông, quá trình đô thị hóa nhanh nên cũng ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng cuộc sống.
Trong thời gian qua chỉ mới chú trọng triển khai thực hiện các mô hình xử lý chất thải đối với đối tượng chăn nuôi quy mô hộ gia đình.
Việc xử lý chất thải sinh hoạt tại chỗ của các khu dân cư nông thôn hiện chưa được thực hiện nghiêm túc.
Các quận ven mới đô thị hóa như quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức do còn nhiều khu vực dân cư sống rải rác hoặc khu dân cư nằm trong khu quy hoạch.
Giá nước mới theo lộ trình 2014 - 2018 chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng tới kế hoạch vốn của đơn vị cung cấp.
7.3.2. Biện pháp khắc phục:
- Về nước sạch:
Nhằm đạt 100% kế hoạch hộ dân đô thị được cấp nước sạch trong năm 2015 theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 của Hội đồng nhân dân Thành phố, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn đã xây dựng kế hoạch cung cấp nước sạch năm 2015, trong đó đề ra các danh mục dự án cụ thể, thời gian hoàn thành và số hộ dân được cấp nước từ các dự án để tổ chức thực hiện và theo dõi tiến độ; danh mục các dự án xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước; xây dựng Đề án cung cấp nước sạch cho huyện Củ Chi giai đoạn 2015 - 2020. Song song với việc cung cấp mạng lưới cấp nước gắn đồng hồ nước đến từng hộ dân, đối với những khu vực dân cư chưa tập trung, chưa thể phát triển ngay hệ thống cấp nước, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn có giải pháp khác như: lắp đặt bồn nước tập trung, lắp đặt đồng hồ tổng ... để người dân được tiếp cận nước sạch.
- Về vệ sinh môi trường nông thôn:
Định kỳ hàng năm, thực hiện bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, với mục tiêu đánh giá thực trạng và cập nhật cơ sở dữ liệu về vệ sinh môi trường nông thôn phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Thành phố. Đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch.
Tiếp tục tổ chức các buổi Lễ Mít tinh, tuyên truyền như: Lễ Mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 06 tháng 5) và ngày môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6); tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày toàn cầu rửa tay với xà phòng (ngày 15/10); tổ chức Lễ phát động ra quân làm tổng vệ sinh ở khu vực nông thôn;....góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về giữ gìn bảo vệ môi trường.
Tăng cường thời lượng phát sóng trên Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, đài phát thanh của xã - phường và phát hành các tờ bướm, sổ tay tuyên truyền về các chuyên đề về các biện pháp bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường trong sản xuất và trong cộng đồng; quản lý thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vùng nông thôn,…
Tổ chức thêm các lớp tập huấn, huấn luyện, hướng dẫn như: huấn luyện kỹ năng phát triển cộng đồng; giữ gìn vệ sinh cá nhân, cộng đồng và quản lý rác thải; tập huấn vận hành và bảo dưỡng thiết bị khí sinh học an toàn và hiệu quả; sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp an toàn và hiệu quả;... giúp cho người dân nhận thức hơn trong việc thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.
Chú trọng triển khai thực hiện các mô hình xử lý chất thải đối với các làng nghề nông thôn, các đối tượng chăn nuôi trang trại, cơ sở tập trung vì đây là nguồn gây ô nhiễm lớn.
8. Mục tiêu MDG 8: Hợp tác đối tác vì phát triển
8.1. Kết quả đạt được
8.1.1 Xuất nhập khẩu
- Xuất khẩu:
Giai đoạn 2000 - 2010:
Kim ngạch xuất khẩu năm 2000 đạt 8,17 tỷ USD, năm 2010 đạt 22,55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2000 - 2010 đạt 10,68%/năm, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cơ cấu xuất khẩu đã có xu hướng chuyển dịch tích cực, gắn chuyển dịch cơ cấu mặt hàng với cơ cấu thị trường xuất khẩu, xây dựng được nhóm hàng xuất khẩu chủ lực và gặt hái được thành công ở một số khâu đột phá tăng trưởng xuất khẩu.
Sau khi gia nhập WTO năm 2007, thị trường và thị phần xuất khẩu được mở rộng, hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước đạt hiệu quả cao hơn.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 22,55 tỷ USD, đạt 99,64% kế hoạch (do xuất khẩu dầu thô giảm nhưng đây là kết quả chủ động, theo định hướng phát triển, thể hiện được xu hướng phát triển của nền kinh tế là giảm mạnh xuất khẩu sản phẩm thô, trong đó có dầu thô; tăng cường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp đã qua chế biến)
Mặt khác, môi trường đầu tư, đặc biệt hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi,... của các địa phương khác đang được đầu tư phát triển, tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Từ đó, thu hút một bộ phận doanh nghiệp chuyển hoạt động xuất khẩu sang các cảng biển khác gần nguồn nguyên liệu, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hay nói cách khác, lợi thế so sánh về hạ tầng, dịch vụ dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố tăng chậm hơn bình quân chung của cả nước; tỷ trọng xuất khẩu giảm dần so với cả nước.
Giai đoạn 2011 đến nay:
Cơ cấu thị trường đã có sự chuyển dịch đáng kể, về cơ bản phù hợp với định hướng điều chỉnh chiến lược thị trường, hình thành cơ cấu hợp lý. Thị trường xuất khẩu đến cuối năm 2014 như sau:
Khu vực châu Á chiếm tỷ trọng 57,6 %; kim ngạch ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 25%. Trong đó, thị trường Đông Nam Á kim ngạch ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7%, Đông Bắc Á ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 38% (trong đó thị trường Trung Quốc tăng 9,5%). Điều này, cho thấy thị trường xuất khẩu của Thành phố đã phát triển theo hướng đa dạng hóa, giảm sự lệ thuộc quá lớn vào 1 thị trường là Trung Quốc.
Khu vực châu Âu chiếm tỷ trọng 18,1%; kim ngạch ước đạt 4,45 tỷ USD, giảm 1,6%. Riêng EU ước đạt 3,95 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết các thị trường lớn của khu vực EU đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ. Cụ thể: Pháp tăng 20,1%; Anh tăng 21%; Ý tăng 4,3%; Bỉ tăng 10,6%... Các nước có kim ngạch giảm gồm: Hà Lan giảm 12,7%, Tây Ban Nha giảm 13,2%...
Khu vực châu Mỹ chiếm tỷ trọng 21%; kim ngạch ước đạt 5,16 tỷ USD, tăng 0,5%. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 4,33 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2013.
Khu vực châu Phi chiếm tỷ trọng 1,69%; kim ngạch ước đạt 415 triệu USD, giảm 27% so với năm 2013.
Khu vực châu Đại Dương chiếm tỷ trọng 1,54%; kim ngạch ước đạt 378 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Cơ cấu thị trường vẫn tiếp tục mở rộng ở châu Phi và chuyển dịch sang khu vực châu Á (nhất là ASEAN, Trung Quốc, Hồng Kông) do tác động của việc cắt giảm thuế theo Hiệp định CEPT/AFTA 3. Nhìn chung, qua 2 năm 2011 và năm 2012, tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường chính, trọng điểm (EU, Nhật Bản) vẫn tăng trưởng nhưng mức tăng thấp giảm do tác động của việc suy giảm kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa của các thị trường này nhưng Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của kim ngạch xuất khẩu Thành phố.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 32,08 tỷ USD, xuất khẩu năm 2014 bằng 3,92 lần năm 2000. Tăng trưởng xuất khẩu đạt khá vào năm 2011 (tăng 19,1%), tuy nhiên, thị trường xuất khẩu bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2012. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đã qua chế biến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; giảm tỷ trọng xuất khẩu tài nguyên, nông sản thô. Tăng trưởng xuất khẩu thấp chủ yếu do nguyên nhân suy giảm kinh tế thế giới. Hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhập khẩu của hầu hết các đối tác, nhờ đó có đóng góp nhất định đối với tăng trưởng kinh tế.
- Nhập khẩu:
Giai đoạn 2000 - 2010:
Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2000 - 2005 tăng là 11,83%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 tăng 12,1%/năm. Tính chung cho cả giai đoạn 2001 - 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân là 11,29%/năm. Kim ngạch nhập khẩu năm 2000 là 7,08 tỷ USD, đến năm 2010 là 21,95 tỷ USD. Nhập siêu tăng cao vào năm 2008 (23,28 tỷ USD) nhưng đã giảm xuống còn 19,47 tỷ USD vào năm 2009 do Thành phố triển khai các biện pháp kiềm chế nhập khẩu, hạn chế nhập siêu đã phát huy tác dụng.
Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2007-2010 (giai đoạn sau khi gia nhập WTO) đã có chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng nhóm hàng cần nhập khẩu, giảm tỷ trọng nhóm hàng cần kiểm soát và cần hạn chế nhập khẩu
Giai đoạn 2011 đến nay:
Từ năm 2001 đến năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố trung bình mỗi năm tăng 10,58%. Tổng nhập khẩu qua các năm như sau: năm 2000 là 7,088 tỷ USD, năm 2010 là 21,955 tỷ USD và năm 2014 là 30,3 tỷ USD. Nhập khẩu năm 2014 bằng 4,27 lần năm 2000.
Bảng 1: Chỉ tiêu đánh giá tình hình thực hiện Mục tiêu MDG
ĐVT: Tỷ USD
| Chỉ tiêu, chỉ số | Năm 2000 | Năm 2010 | Năm 2014 | Khả năng đạt mục tiêu vào 2015 |
| MDG 8: Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì bền vững | ||||
1 | Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu | 15,265 | 44,508 | 62,383 | 68,4 |
8.1.2 Đầu tư trực tiếp nước ngoài
Trong thời gian từ năm 2000 đến nay, Thành phố đã thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng. Nếu như trong năm 2001, Thành phố đã cấp mới và cấp tăng vốn với tổng mức đầu tư là 854,5 triệu USD, trong đó cấp mới 182 dự án với tổng mức đầu tư là 619,3 triệu USD, cấp điều chỉnh tăng vốn 61 dự án với tổng mức đầu tư là 235,2 triệu USD; đến năm năm 2005, Thành phố cấp mới và cấp tăng vốn với tổng mức đầu tư là 1.031,2 triệu USD (tăng 20,7% so với năm 2001), trong đó cấp mới 314 dự án với tổng mức đầu tư là 641,7 triệu USD, cấp điều chỉnh 151 dự án với tổng mức đầu tư là 389,5 triệu USD. Đến năm 2013, Thành phố cấp mới và cấp tăng vốn là 2.083,8 triệu USD (đạt 202,1% so với năm 2005), trong đó cấp mới 477 dự án với tổng mức đầu tư là 1.048 triệu USD, cấp điều chỉnh tăng vốn là 137 dự án với tổng mức đầu tư là 1.035,8 triệu USD.
Tính riêng trong năm 2014, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả khả quan: có 457 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với 2,88 tỷ đô-la Mỹ; có 138 dự án điều chỉnh tăng vốn với 383,4 triệu đô-la Mỹ. Tính chung, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 3,26 tỷ đô-la Mỹ, đạt 156,73% so cùng kỳ 2013.
8.1.3 Hỗ trợ chính thức (ODA)
Trong giai đoạn 2010 - 2014, TP. HCM đã vận động được 17 dự án với tổng vốn ODA trong giai đoạn này là 71.389,246 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2014, Thành phố đang quản lý 03 dự án đã hoàn thành, đang theo dõi trả nợ và 20 dự án đang triển khai thực hiện với 130.946 tỷ đồng vốn đầu tư (108.027 tỷ đồng vốn ODA, 22.918 tỷ đồng vốn đối ứng). Giải ngân năm 2014 là 7.620 tỷ đồng (6.580 tỷ đồng vốn ODA; 1.040 tỷ đồng vốn đối ứng).
8.2. Nguyên nhân đạt được những kết quả
8.2.1 Xuất nhập khẩu
- Những đổi mới trong cơ chế quản lý xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường,... cũng như những chính sách nhằm mở rộng quyền kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước đã góp phần quan trọng và tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010.
- Huy động được một lượng lớn vốn đầu tư phục vụ sản xuất, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển sản xuất và gia tăng lượng hàng hóa để xuất khẩu.
- Môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua việc Việt Nam gia nhập WTO và ký kết các hiệp định khác,...đã đóng góp cho tăng trưởng xuất nhập khẩu.
8.2.2 Đầu tư trực tiếp nước ngoài
- Thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư: tuyên truyền, vận động, quảng bá môi trường đầu tư của Thành phố dưới nhiều hình thức nhằm khẳng định cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là môi trường đầu tư an toàn và hấp dẫn.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho nhà đầu tư: đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài. Áp dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ thông tin nhằm nâng cao mức độ công khai, minh bạch, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và tăng cường việc công bố thông tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư
- Thực hiện công khai bộ thủ tục hướng dẫn đầu tư trên trang web của Sở Kế hoạch và Đầu tư với nội dung chi tiết từ việc hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư, thành phần hồ sơ, các quy định pháp luật có liên quan và các mẫu biểu cần thiết. Bộ thủ tục được soạn thảo với mục đích hỗ trợ Nhà đầu tư tối đa trong việc soạn thảo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư theo hướng chuyển trọng tâm từ công tác kiểm tra khi cấp phép sang kiểm tra sau cấp phép. Theo đó, tinh gọn thủ tục cấp phép nhưng siết chặt việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai dự án.
8.2.3 Hỗ trợ chính thức ODA
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung đã cam kết với các nhà tài trợ và chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư và các thủ tục trong quá trình đầu tư..., đồng thời đảm bảo cân đối đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện của các dự án ODA và từng bước tăng cường năng lực cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư.
Mặc dù một số dự án giải ngân trong giai đoạn này còn chậm so với tiến độ của dự án tuy nhiên việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA của Thành phố trong giai đoạn này nhìn chung là có hiệu quả và góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, thể hiện trên một số mặt chính sau:
- Bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, nhất là cơ sở hạ tầng, vốn ODA đóng góp bình quân từ 10-20% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Một số dự án đã hoàn thành góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Thành phố như Đại lộ Đông - Tây; Dự án vệ sinh môi trường Thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án nâng cấp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh;
Dự án xử lý rác y tế; Dự án đầu tư xây dựng trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng Thành phố; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống đèn tín hiệu giao thông...
8.3. Các hạn chế, khó khăn và biện pháp khắc phục
8.3.1 Các hạn chế, khó khăn về xuất nhập khẩu:
- Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng xuất khẩu nhìn chung chậm cải thiện do cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch chậm, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế biến, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể.
- Tỷ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất,... thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
- Dịch vụ hậu cần (logistics) hỗ trợ cho xuất khẩu chưa phát triển làm tăng thêm chi phí, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
- Giá và lượng xuất khẩu của nhiều hàng hóa giảm, các mặt hàng xuất chủ lực chủ yếu là các mặt hàng gia công, vì vậy giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự tham gia vào chuỗi sản xuất và lưu thông sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực và thế giới.
- Nhập khẩu tăng chịu tác động của một số nhân tố: tăng tỷ giá VNĐ/USD danh nghĩa cũng có tác động làm tăng kim ngạch nhập khẩu, do việc tăng tỷ giá này đi kèm với việc tăng giá (theo giá thực tế tính bằng nội tệ) của hàng hóa Việt Nam. Trong khi đó, lượng vốn FDI thực hiện cũng làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu. Tăng trưởng GDP cao cũng góp phần làm tăng nhu cầu đối với hàng nhập khẩu, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Đáng lưu ý là việc gia nhập WTO song hành với giảm thuế quan cũng làm tăng nhu cầu đối với nhập khẩu, nếu không có các biện pháp kỹ thuật để kiềm chế nhập khẩu.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài:
- Thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư thường không đảm bảo đúng hạn, chủ yếu là do các cơ quan được hỏi ý kiến thẩm tra hồ sơ theo quy định pháp luật đầu tư thường trả lời quá thời hạn quy định là 15 ngày làm việc; ý kiến của các Bộ nhiều lúc còn chung chung, đôi khi yêu cầu giải trình hoặc từ chối nhưng lại không nêu rõ cơ sở pháp lý đã ảnh hưởng đến công tác thẩm tra, làm chậm thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư.
- Chưa có văn bản quy định cụ thể việc thẩm định trình độ công nghệ dẫn đến tình trạng nhập các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường
- Một số nội dung quy định pháp luật còn thiếu nhất quán, còn có sự chồng chéo giữa các Luật chuyên ngành; một số vấn đề tồn tại trên thực tế nhưng lại chưa được quy định pháp luật điều chỉnh cũng dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và quản lý cấp phép cho các doanh nghiệp FDI (hệ thống mã ngành kinh tế quốc dân chưa đầy đủ, chưa phù hợp thông lệ quốc tế; việc chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư dẫn đến có sự thay đổi chủ đầu tư dự án bất động sản trong khi dự án chưa đảm bảo điều kiện được chuyển nhượng; việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất và chuyển nhượng vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất - thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất...).
- Các quy định về kiểm tra, thanh tra sau phép còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa hiệu quả; thiếu các biện pháp chế tài chặt chẽ hoặc các biện pháp chế tài còn nhẹ như đối với việc không báo cáo định kỳ về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI; không thực hiện góp đủ vốn điều lệ, đúng thời hạn cam kết...
Về hỗ trợ chính thức ODA:
- Việc thực hiện dự án ODA chậm làm cho tình hình giải ngân vốn ODA chậm được cải thiện. Do giải ngân chậm nên hiệu quả và hiệu suất của nguồn vốn ODA đối với nhiều dự án bị giảm sút và phải trả phí cam kết cho số vốn chưa giải ngân. Ngoài ra, giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến khả năng cam kết vốn ODA mới của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng.
- Quy trình và thủ tục quản lý, sử dụng ODA của Chính phủ và nhà tài trợ đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những sự khác biệt chậm được xử lý đã tác động đến tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA.
- Năng lực một số nhà thầu, các nhà tư vấn trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng để hỗ trợ việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA. Một số chuyên gia tư vấn nước ngoài thiếu kinh nghiệm và chưa am hiểu tình hình thực tế Việt Nam.
- Công tác theo dõi, đánh giá chương trình dự án ODA và hoạt động của các Ban quản lý dự án chưa quan tâm đúng mức; chế độ báo cáo, thanh quyết toán tài chính chưa được thực hiện nghiêm túc và thiếu các chế tài cần thiết.
- Công tác đền bù giải phóng mặt bằng và di dời các công trình tiện ích ngầm vẫn gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, việc thi công một số gói thầu gặp khó khăn do việc phân luồng giao thông, thi công trong khu vực hiện hữu hẹp và phải xử lý các công trình ngầm.
8.3.2. Biện pháp khắc phục
Về xuất nhập khẩu:
- Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh công tác tiếp thị một cách thường xuyên thông qua việc tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm tại nước đối tác, tiếp thị qua mạng internet, đặt văn phòng đại diện. Tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn và các thị trường mang tính đột phá.
- Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến và chế tạo có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô và sơ chế.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu đối với các mặt hàng không khuyến khích và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
- Thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, nhất là những thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng biện pháp bảo hộ của nước ngoài. Hoàn thiện tổ chức và nâng cao năng lực dự báo cung cầu và giá cả trên thị trường thế giới, tập trung vào những mặt hàng cung cầu thường biến động và doanh nghiệp Thành phố có khối lượng xuất khẩu lớn. Tăng cường công tác cung cấp thông tin về các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm và nguy cơ bị kiện chống bán phá giá tới cộng đồng doanh nghiệp.
- Xây dựng chiến lược phát triển các loại hình dịch vụ logistics, thu hút đầu tư vào kinh doanh dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.
- Đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020; trong đó, tập trung triển khai các chương trình: Chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong khu Công nghệ cao, Chương trình hỗ trợ xuất nhập khẩu giai đoạn 2014-2015, Chương trình nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng ngành chế biến tinh lương thực, thực phẩm và xây dựng sản phẩm nông sản chế biến cao cấp xuất khẩu với giá trị gia tăng cao, Chương trình hỗ trợ đào tạo công nhân, chuyên gia kỹ thuật ngành gỗ.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài:
- Chính sách thu hút FDI phải nằm trong thể thống nhất, chuyển động nhịp nhàng và có tính bổ trợ với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, cụ thể là tập trung phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ là tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo và 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.
- Đặt trọng tâm thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất năng lượng - vật liệu xanh và các dự án có cam kết sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới mà trọng tâm là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là một trong số những nơi chịu tác động lớn nhất của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực góp phần đào tạo lao động có chất lượng cao và các dự án có chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ nguồn và các dự án có xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) bằng việc xây dựng các gói chính sách ưu đãi, đặc biệt là tại các địa điểm đã được quy hoạch của Thành phố như: Khu Công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Nông nghiệp công nghệ cao,...
- Việc thu hút FDI phải tính tới hình thành các liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp có vốn FDI và đầu tư trong nước từ đó tạo ra các chuỗi giá trị và nâng cao giá trị thành phẩm sau cùng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đó là quá trình khép kín từ khâu sản xuất, cung ứng vật liệu thô đến các nhà máy sản xuất bộ phận, bán thành phẩm và cuối cùng là khâu sản xuất thành phẩm, trong đó, có sự tham gia của các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, các nhà phân phối và người lao động. Một trong những yếu tố quan trọng của quá trình này là sẽ tạo ra một hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, từ đó tăng sức cạnh tranh và tính độc lập của kinh tế Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trên thế giới.
Về hỗ trợ chính thức ODA:
- Tăng cường công tác tập huấn các quy định về quản lý ODA, đặc biệt là các văn bản quy định mới và hướng dẫn thực hiện công tác lập, phê duyệt Báo cáo đánh giá giữa kỳ và kết thúc dự án;
- Tiếp tục vận động nguồn ODA tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường có quy mô lớn như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị, dự án đầu tư xây dựng Nhà ga trung tâm Bến Thành và dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực Thành phố Hồ Chí Minh,...
- Tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu để tiếp tục điều chỉnh các quy định nhằm thực hiện hài hòa thủ tục giữa quy định của Việt Nam và chính sách của nhà tài trợ (trọng tâm là những vấn đề cụ thể trong các quy định về đấu thầu, nghiệm thu kỹ thuật, giải ngân và bồi thường giải phóng mặt bằng).
- Tiếp tục rà soát các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ chính thức ODA kiến nghị Trung ương tháo gỡ kịp thời nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án.
- Tăng cường nghiên cứu các văn bản Luật và các quy định dưới Luật về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho phù hợp với Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành.
- Hoàn thiện chương trình phần mềm tin học để tạo thuận lợi cho công tác báo cáo của các đơn vị từ cấp ban quản lý dự án, cấp cơ quan chủ quản và cấp Bộ./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
1 GDP cả nước năm 2011 tăng 6,24% (Thành phố gấp 1,65 lần), năm 2012 tăng 5,25% (Thành phố gấp 1,75 lần), năm 2013 tăng 5,42% (Thành phố gấp 1,7 lần).
2 Nguồn báo cáo kinh tế xã hội năm 2012 của Cục Thống kê Thành phố.
3 Theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010.
4 Theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.
5 Đến 2014, đã chuyển 1.560 bệnh nhân về 145 phường, xã, thị trấn ở 22 quận, huyện
- 1Báo cáo thẩm tra 281/BC-HĐND về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 do Hội đồng nhân dân huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Báo cáo 197/BC-UBND về công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh Thành phố tháng 10, 10 tháng và công tác trọng tâm tháng 11 năm 2014
- 3Báo cáo 329/BC-UBND về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do Ủy ban nhân dân Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Báo cáo 289/BC-UBND về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và ước thực hiện năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do Ủy ban nhân dân Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh
- 1Quyết định 170/2005/QĐ-TTg về chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT)(Đã có sửa đổi và bổ sung theo Nghi định thư sửa đổi Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) ngày 15/12/1995) giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước ban hành
- 3Luật Bình đẳng giới 2006
- 4Quyết định 09/2011/QĐ-TTg về chuẩn hộ nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội do Chính phủ ban hành
- 6Luật Đầu tư công 2014
- 7Nghị quyết 28/NQ-HĐND năm 2014 về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2015 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 8Báo cáo thẩm tra 281/BC-HĐND về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 do Hội đồng nhân dân huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 9Báo cáo 197/BC-UBND về công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh Thành phố tháng 10, 10 tháng và công tác trọng tâm tháng 11 năm 2014
- 10Báo cáo 329/BC-UBND về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do Ủy ban nhân dân Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 11Báo cáo 289/BC-UBND về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và ước thực hiện năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do Ủy ban nhân dân Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh
Báo cáo 162/BC-UBND năm 2015 về tình hình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 162/BC-UBND
- Loại văn bản: Báo cáo
- Ngày ban hành: 02/07/2015
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Hoàng Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/07/2015
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định