Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 144/BC-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2010

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH SÁU THÁNG ĐẦU NĂM, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ SÁU THÁNG CUỐI NĂM 2010

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Phần thứ nhất.

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ SÁU THÁNG ĐẦU NĂM 2010

I. KHÁI QUÁT CHUNG

Năm 2010 nền kinh tế nước ta căn bản đã thoát khỏi sự tác động của suy thoái kinh tế thế giới, bước vào năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, năm có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Chương trình hành động toàn khóa của Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2011. Năm 2010 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, nhiều ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là việc tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội nêu trên là động lực to lớn để Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng với cả nước nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Ngành và của đất nước, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển đã đề ra.

Thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2010 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010. Với quyết tâm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình, tác phẩm, thành tích hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng”, 10 nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của Ngành năm 2010 đã được triển khai chủ động, hiệu quả. Các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, trang trọng và xúc động, tạo được bầu không khí chính trị tích cực trong nhân dân. Toàn Ngành đã tổ chức 59 giải thể thao quốc gia, tham dự 56 giải thể thao quốc tế và đăng cai tổ chức 5 giải thể thao quốc tế; giành 188 huy chương tại các giải thi đấu quốc tế (78 huy chương vàng, 60 huy chương bạc, 50 huy chương đồng); 58/63 tỉnh-thành phố đã tổ chức xong Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh, 14 môn trong chương trình thi đấu của Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VI đã được tổ chức. Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam - Điểm đến của bạn” và nhiều hoạt động xúc tiến du lịch quy mô lớn gắn với các ngày lễ lớn của đất nước mang lại hiệu quả rõ rệt. Tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 2.510.521 lượt, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2009, là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội có mức tăng trưởng cao nhất trong sáu tháng đầu năm 2010.

Qua theo dõi và phản ảnh của công luận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, những hạn chế, bất cập trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành sáu tháng đầu năm 2010 tuy không phát sinh vấn đề mới nhưng là những hạn chế, bất cập kéo dài trong nhiều năm chưa có giải pháp khắc phục, xử lý triệt để, như: việc tổ chức lễ hội và công tác quản lý lễ hội, tình trạng xâm phạm di tích, di tích bị xuống cấp, bạo lực gia đình, bạo lực thể thao, sản phẩm du lịch nghèo và đơn điệu, chất lượng dịch vụ du lịch thấp, những biểu hiện buông lỏng quản lý của các địa phương, dẫn đến mất kiểm soát giá dịch vụ du lịch, nhất là giá phòng, giá tour… Đáng lưu ý là, những biểu hiện lệch lạc về nhận thức và ý thức văn hóa của người tham gia lễ hội có xu hướng lan rộng, thực sự trở thành một tệ nạn, khó có thể giải quyết triệt để trong thời gian ngắn.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác quản lý nhà nước

1.1. Xây dựng và ban hành văn bản quản lý nhà nước

Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước được các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh - thành chủ động thực hiện, bám sát thực hiện hoạt động của Ngành, bảo đảm chất lượng, tiếp tục hoàn thiện một bước hệ thống quy phạm pháp luật của Ngành, căn bản đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước, kịp thời chuyển tải sự chỉ đạo, điều hành của Bộ đến các địa phương, đơn vị, tạo hành lang pháp lý và bảo đảm sự vận hành thông suốt, kịp thời, hiệu quả của bộ máy tổ chức Ngành, từ Trung ương đến cơ sở.

Nhiều Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề, các đề án, quy hoạch phát triển Ngành, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, các văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, của Bộ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sự nghiệp và bảo đảm cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở địa phương được thực hiện đúng pháp luật, đạt hiệu quả tốt (xin tham khảo phụ lục kèm theo).

1.2. Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ

Bộ trưởng và các Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch; các đề án được giao theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 57/NQ-CP của Chính phủ; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 2008/CT-TTg ngày 01/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên Đán Canh Dần năm 2010; phát động phong trào thi đua lập thành tích thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; chỉ đạo tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chuẩn bị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Bộ trưởng và các Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng: Công tác tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chào Xuân mới 2010, mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi”; Lễ hoàn táng thi hài Vua Lê Dụ Tông; Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Ca Trù - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Triển lãm EXPO 2010 tại Thượng Hải - Trung Quốc; Hội thảo quốc tế về du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long; Hội nghị đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2010; Hội thảo quốc gia “Phát triển du lịch trong bối cảnh chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”; hoàn thiện hồ sơ “Đờn ca tài tử” trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; công tác chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ nhất và việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú về Di sản văn hóa phi vật thể…

Bộ trưởng, các Thứ trưởng đã thực hiện các chuyến công tác, khảo sát thực tiễn và có ý kiến chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ của Ngành tại các địa phương: Công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; công tác chuẩn bị tổ chức Liên hoan quốc tế Võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ III tại Bình Định; công tác tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông năm 2010 tại Quảng Trị; việc tổ chức kỷ niệm 245 năm Ngày sinh, 190 năm Ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và quy hoạch phát triển thể dục thể thao của tỉnh Hà Tĩnh; việc xây dựng huyện điểm văn hóa Trà Cú và công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; về đề án xây dựng thị xã Bà Rịa đạt danh hiệu văn hóa giai đoạn 2006 - 2010; về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội kỷ niệm 310 năm Ngày mất của Lễ Thành Hầu Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh trong khuôn khổ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Quảng Bình; về công tác tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột quốc tế năm 2011 tại Đắk Lắk; về Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Điện Biên; làm việc với tỉnh Gia Lai về tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế; về định hướng phát triển hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của các tỉnh - thành phố: Đắk Nông, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thành phố Hồ Chí Minh … Kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Thực hiện các chuyến thăm ngoại giao và làm việc tại các nước, tham dự các diễn đàn quốc tế đa phương, Bộ trưởng, các Thứ trưởng đã tiến hành ký kết các chương trình, thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ… nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với các nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Brunei, Cuba, Mexico, Argentina, Pháp, Campuchia, Lào, Myanmar…

1.3. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm

Trong lĩnh vực văn hóa, những tháng đầu năm diễn ra nhiều lễ hội trên hầu hết các tỉnh - thành trong cả nước, lực lượng thanh tra tập trung kiểm tra công tác quản lý lễ hội, hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa và môi trường du lịch tại các khu di tích, khu du lịch, các lễ hội và điểm sinh hoạt tín ngưỡng. Nhìn chung các lễ hội đã phát huy được nét đẹp văn hóa và giá trị truyền thống của dân tộc; các địa phương đều quán triệt và thực hiện tốt sự chỉ đạo của Bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: đặt tiền lễ chưa đúng nơi quy định, tại một số di tích có nhiều khay đặt tiền lễ, nhiều hòm công đức; việc quản lý sử dụng nguồn thu từ tiền công đức, tiền giọt dầu chưa minh bạch; tình trạng ách tắc cục bộ, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, xóc thẻ, bói toán, đốt nhiều vàng mã, hầu đồng, trờ chơi mang tính cờ bạc, chèo kéo, ép khách, nâng giá hàng quá mức trong những ngày đầu xuân vẫn còn xảy ra tại một số lễ hội…

Thanh tra Bộ thành lập các đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính; yêu cầu Sở VHTTDL các tỉnh, thành truy quét và xử lý bộ đĩa DVD “Vườn hoa âm nhạc và tiếng cười 15” và bộ đĩa ASIA 65 có tựa đề “55 năm nhìn lại”, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cuốn sách “Con đường Việt Nam” do Nhà xuất bản Thời đại mới của Mỹ phát hành. Xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng đối với 03 công ty tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do vi phạm các quy định trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan…

Trong lĩnh vực thể dục thể thao, đã kiểm tra 04 giải thi đấu thể thao: Giải vô định điền kinh trẻ quốc gia năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh, Giải vật cúp quốc gia năm 2010 tại Thái Nguyên, Giải vô địch quần vợt nữ toàn quốc tại Đắk Lắk và Giải Cầu mây bãi biển tại Nghệ An; kiểm tra công tác tuyển chọn và đào tạo vận động viên trẻ và đội tuyển trẻ tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Nẵng và các hoạt động dịch vụ thể dục, thể thao tại tỉnh Nghệ An…

Trong lĩnh vực du lịch, đã thành lập 18 đoàn kiểm tra các hoạt động kinh doanh lữ hành, hoạt động lưu trú, hướng dẫn du lịch, bảo vệ môi trường du lịch; phát hiện và xử phạt 39 doanh nghiệp, cá nhân vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 289.650.000 đồng. Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai về hoạt động phòng, chống buôn bán người và du lịch tình dục trẻ em; tuyên truyền về hoạt động phòng, chống buôn bán người trên Website của ngành Du lịch…

Tính đến 30/6/2010, Thanh tra Bộ đã tổ chức 67 cuộc thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; xử phạt vi phạm hành chính 55 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền 392.150.000 đồng, cảnh cáo 11 đơn vị, tịch thu 01 thẻ hướng dẫn viên du lịch, chuyển cơ quan điều tra 01 vụ có dấu hiệu vi phạm luật hình sự; tiếp 09 lượt công dân; nhận và giải quyết 147 đơn thư của công dân.

Theo báo cáo chưa đầy đủ, Thanh tra Sở VHTTDL và Đội kiểm tra liên ngành một số tỉnh-thành đã tiếp 210 lượt công dân, nhận và giải quyết 279 đơn thư các loại; đã tiến hành kiểm tra 8.845 cơ sở; phát hiện và xử lý 2.490 cơ sở vi phạm; cảnh cáo 128 cơ sở; đình chỉ hoạt động 42 cơ sở; chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự 01 vụ; tạm giữ 07 giấy phép kinh doanh. Xử phạt vi phạm hành chính trên 6,9 tỷ đồng.

2. Các lĩnh vực hoạt động chuyên ngành

2.1. Văn hóa, gia đình:

- Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc:

Tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch: Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Thông tư quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Trình Thủ tướng Chính phủ danh sách Hội đồng di sản văn hóa quốc gia và Quy chế hoạt động giai đoạn 2010 - 2014. Có văn bản chỉ đạo việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” năm 2010 tại các tỉnh - thành; về bổ sung thông tin và chỉnh sửa hồ sơ Hội Gióng theo yêu cầu của UNESCO; Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ đã được trình UNESCO đăng ký vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; xây dựng hồ sơ khoa học và trình xin ý kiến Chính phủ về việc đề nghị UNESCO ghi danh 02 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam “Tín ngưỡng thờ Vua Hùng” và “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, giai đoạn 2011 - 2012; chỉ đạo các địa phương di dời di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đúng tiến độ; đề nghị tạm dừng thi công đường Văn Cao - Hồ Tây đoạn cắt đường Hoàng Hoa Thám và quyết định cho phép Sở VHTTDL Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ; hướng dẫn các địa phương chuẩn bị danh sách dự kiến đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Có ý kiến về việc xây dựng bảo tàng ở các ngành và bảo tàng Cơ yếu Việt Nam; việc sưu tầm tài liệu, hiện vật về “Anh hùng, danh nhân Thăng Long - Hà Nội”; thỏa thuận nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; thẩm định quy hoạch bảo tồn di tích làng cổ ở Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội và dự án 13 điểm di tích giai đoạn II thuộc Dự án Bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần…

- ­Bản quyền tác giả, quyền liên quan:

Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP và quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Tổ chức hội thảo “Quyền của người biểu diễn” tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sáng tạo”, Hội nghị tập huấn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan tại thành phố Đà Nẵng. Tổ chức xuất bản, phát hành các cuốn sách: “Từ điển thuật ngữ quyền tác giả, quyền liên quan”; “Các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan”. Tính đến ngày 15/6/2010, đã thụ lý cấp 1.709 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2009 (trong đó miền Bắc là 996, miền Nam là 713).

- Điện ảnh:

Đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/5/2010 quy định chi tiết thi hành Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; đang xây dựng Thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phim trên truyền hình, Đề án Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh và Quy hoạch ngành điện ảnh đến năm 2020. Công tác chuẩn bị tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ I và Chương trình chiếu phim 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang được tập trung thực hiện. Chỉ đạo các hãng phim tích cực triển khai sản xuất phim theo kế hoạch công tác (phim “Con Lạc cháu Hồng”, phim “Tiếng khóc nàng Út”); chỉ đạo, kiểm tra việc sản xuất các phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như: “Long thành cầm giả ca”; “Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long”; “Những người con của Rồng”; “Thái sư Trần Thủ Độ”. Phối hợp tổ chức Tuần phim EU, Tuần phim Tuy-ni-di tại Việt Nam; tổ chức chiếu phim “Đừng đốt” tại Hunggary. Giám định 15 kịch bản phim truyện, tài liệu, hoạt hình đủ điều kiện đưa vào sản xuất.

Đội chiếu bóng lưu động các tỉnh-thành thực hiện tốt công tác đưa điện ảnh về cơ sở, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con dân tộc. Đã tổ chức 03 tuần phim tuyên truyền phục vụ nhân dân với các phim: Cánh đồng hoang, Tiểu đoàn 307, Những năm tháng hào hùng, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nhìn ra biển cả….

- Nghệ thuật biểu diễn:

Tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn và Thông tư liên tịch quy định về đấu thầu, đặt hàng, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Thực hiện chặt chẽ việc kiểm duyệt, thẩm định nội dung các chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc, sân khấu, thời trang, tổ chức hoa hậu, hoa khôi, người đẹp; thường xuyên thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm như: quảng cáo không đúng nội dung, giả mạo giấy phép, tự ý tham gia các cuộc thi Hoa hậu thế giới.

Đã cấp 3.446.200 tem nhãn, 86 giấy phép công diễn, 11 giấy phép phát hành băng, đĩa; cho phép 133 nghệ sĩ là người nước ngoài, 15 đoàn nghệ thuật và 12 ban nhạc nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn; 08 đoàn nghệ thuật Việt Nam và 88 nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài giao lưu, 73 nghệ sĩ là người Việt Nam ở nước ngoài về biểu diễn trong nước. Duyệt 180 chương trình băng, đĩa lưu chiểu; cho phép nhập khẩu 52 chương trình băng, đĩa ca nhạc, phổ biến tại Việt Nam 14 ca khúc do người Việt Nam sáng tác trước năm 1975… Tổ chức thực hiện 15 chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, chào mừng các ngày lễ lớn và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Triển khai Đề án dàn dựng 100 tác phẩm chọn lọc của Việt Nam và thế giới; xây dựng Đề án tổ chức mở lớp đào tạo, phục hồi và duy trì bộ môn nghệ thuật Bài Chòi trên miền Bắc. Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án “Sân khấu học đường” năm 2010 tại tỉnh Nam Định, thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp. Tổ chức Lễ tổng kết, trao giải về các thể loại sân khấu, kịch múa, âm nhạc, khí nhạc, hợp xướng và ca khúc tham gia cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010; Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp về đề tài chiến tranh cách mạng và Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế 2010 chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…

Các đơn vị nghệ thuật địa phương xây dựng nhiều chương trình mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo và biểu diễn quảng bá nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.

- Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm:

Tập trung xây dựng dự thảo Nghị định Quản lý hoạt động Mỹ thuật, Quy hoạch phát triển ngành Mỹ thuật, Quy hoạch Tượng đài Danh nhân Anh hùng giải phóng dân tộc đến năm 2020, Bảng đơn giá các sản phẩm Mỹ thuật, Đề án Quốc hoa Việt Nam và Lễ hội hoa Sen. Thực hiện nghiêm, đúng quy định trong cấp phép các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh và xây dựng tượng đài. Đã cấp 20 giấy phép triển lãm mỹ thuật 14 giấy phép triển lãm nhiếp ảnh. Triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động sự nghiệp như: tổ chức Hội thảo “Quốc hoa Việt Nam - sự cần thiết tôn vinh và tiêu chí lựa chọn”; Triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh “Mừng Đảng, mừng Xuân”; Triển lãm Tranh cổ động toàn quốc chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI”; Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh với 120 tác phẩm tại Nghệ An; Triển lãm ảnh các vùng kinh đô Việt Nam tại Phú Thọ; Triển lãm Hà Nội - Huế xưa và nay. Hoàn thành việc thiết kế ma két trang trí tại lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng, 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đang thiết kế ma két trang trí cho lễ kỷ niệm 2-9; Mít tinh, diễu binh, diễu hành 10-10 và huy hiệu, ma két trang trí Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI … Chuẩn bị tổ chức 05 cuộc Triển lãm gồm: Triển lãm ảnh Nghệ thuật quốc tế; Triển lãm tranh lụa tại Pháp và tranh sơn mài tại Trung Quốc; Triển lãm ảnh nghệ thuật quảng bá về Hạ Long tại Mỹ; Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010; Triển lãm tranh thiếu nhi quốc tế và Triển lãm gốm sứ tại Bình Dương.

- Thư viện:

Về công tác quản lý nhà nước, tiếp tục tập trung xây dựng dự án Luật Thư viện, Chiến lược quốc gia về phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng; dự án Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Đề án phát triển mạng lưới thư viện phục vụ nông thôn đến 2015 và định hướng đến năm 2020; phối hợp hoàn thiện dự thảo lần thứ 3 Thông tư liên tịch với Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý Thư viện Đại học. Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra hoạt động của thư viện các tỉnh - thành: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thư viện được duy trì và phát huy có hiệu quả: phối hợp tiến hành tổng kết Dự án Thí điểm và nâng cao năng lực sử dụng máy tính truy cập internet công cộng của Quỹ Bill và Melinda Gates, chuẩn bị các điều kiện để triển khai tại 400 thư viện của 40 tỉnh; làm việc với Quỹ Force (Hà Lan) về tổng kết 10 năm hoạt động của Quỹ tại Việt Nam trong lĩnh vực thư viện phục vụ người khiếm thị; hỗ trợ Lào trong nghiệp vụ thư viện.

Hệ thống thư viện công cộng cả nước làm tốt chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc. Thư viện quốc gia Việt Nam tổ chức thành công Triển lãm sách báo, tư liệu “Thăng Long - Hà Nội - nghìn năm Văn hiến” tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp; nhiều thiết chế thư viện, trang thiết bị thư viện được các địa phương quan tâm đầu tư tiêu biểu như Nghệ An, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc.

- Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở:

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được tập trung chỉ đạo từ đầu năm qua việc hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền công đức, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, kịp thời chấn chỉnh sai sót, vi phạm nhằm đảm bảo lễ hội được tổ chức đúng quy định, trang trọng, tiết kiệm, kế thừa và phát huy những nét đẹp của nghi lễ truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương. Qua công tác kiểm tra hoạt động lễ hội tại một số địa phương, Bộ đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2010 nhằm đánh giá thẳng thắn và đưa ra các giải pháp quyết liệt để hạn chế, loại bỏ các hiện tượng tiêu cực, không phù hợp, gây dư luận không tốt trong nhân dân và xã hội. Các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc được chỉ đạo tổ chức tốt; hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp ở cơ sở, chất lượng các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng được nâng lên, ngày càng thu hút đông đảo lực lượng công chúng tham gia, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước về quảng cáo được tăng cường, việc xóa bỏ quảng cáo rao vặt được nhiều địa phương tích cực triển khai như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Đã tổ chức Tọa đàm “Hoạt động quảng cáo rao vặt hiện nay - Thực trạng và giải pháp quản lý” tại Hà Nội; phối hợp với các địa phương tổ chức các cuộc thi và triển lãm tranh cổ động tấm lớn tại Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Trị, Bình Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Tiếp tục triển khai các nội dung hoạt động theo kế hoạch, bổ sung các nội dung hoạt động nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện trong đời sống văn hóa cơ sở các chủ trương của Đảng theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tổ chức Hội nghị - tập huấn nội dung “Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về xây dựng đời sống văn hóa” cho Trưởng phòng nghiệp vụ, trưởng phòng nếp sống văn hóa và gia đình; triển khai Đề án phát triển văn hóa nông thôn tại Khánh Hòa và Lạng Sơn; ban hành Kế hoạch Tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (2000 - 2010); thành lập 03 đoàn cán bộ của Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra 10 năm thực hiện Phong trào tại các khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc. Tổ chức các đoàn kiểm tra phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề gắn biển “Gia đình Văn hóa” tại một số địa phương theo phản ánh của Báo Lao động; xây dựng các tiêu chí, quy chuẩn về thiết chế văn hóa cấp xã, thôn phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Tiếp tục hoàn thiện để đưa vào thực hiện một số chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động cụ thể để hưởng ứng và chào mừng “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam”, xây dựng Đề án “Xây dựng huyện điểm văn hóa vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 - 2015”; chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các chương trình, dự án về bảo tồn, phát huy bản sắc, xây dựng đời sống văn hóa, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; tổ chức Giao lưu học sinh, sinh viên các trường văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII tại Phú Thọ; tham gia các hoạt động tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2010; tổ chức các lớp tập huấn cán bộ văn hóa cơ sở tại Thanh Hóa và Đắk Lắk trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa; làm việc với các địa phương chuẩn bị tổ chức Liên hoan nghệ thuật Hát Then, Đàn Tính toàn quốc lần thứ IV tại Lạng Sơn; Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII năm 2011 tại Hòa Bình; chuẩn bị các nội dung, điều kiện tổ chức Hội nghị - hội thảo đánh giá kết quả 10 năm bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống, Hội nghị về các giải pháp bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Gia đình:

Công tác quản lý nhà nước về gia đình tiếp tục đi vào nền nếp, sáu tháng đầu năm, toàn hệ thống đã tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước, đảm bảo cho việc chỉ đạo, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được giao; xây dựng Kế hoạch công tác gia đình năm 2011, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Tập trung hướng dẫn các địa phương triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình năm 2010; triển khai Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình giai đoạn 2011 - 2020; triển khai nhiệm vụ xây dựng gia đình văn hóa theo hướng nâng cao hiệu quả các hoạt động, nâng cao chất lượng việc đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đối với các gia đình. Đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo địa phương đánh giá thực hiện Chỉ thị số 49/CT-TƯ ngày 21 tháng 5 năm 2005 về xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước, báo cáo Ban Bí thư; tổ chức thu thập, lưu trữ số liệu, thông tin cơ bản về gia đình; tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp. Thực hiện một số hoạt động truyền thông trọng điểm hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam như: gặp mặt, biểu dương các gia đình tiêu biểu, tổ chức Cuộc thi ảnh “Gia đình Việt Nam xưa và nay với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…

2.2. Thể dục, thể thao:

- Hoạt động thể dục thể thao quần chúng:

Hướng dẫn các địa phương tổng kết Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp; đề nghị UBND các tỉnh-thành có các Câu lạc bộ Bóng đá tham dự các giải chuyên nghiệp, ngoài chuyên nghiệp và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xử lý nghiêm các hành vi bạo lực tại các giải thi đấu Bóng đá quốc gia năm 2010. Triển khai kế hoạch thi đấu thể dục thể thao quần chúng, tổ chức các lớp phổ cập bơi cứu đuối trong năm 2010; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo thể dục thể thao trường học năm 2010; tổ chức kiểm tra tại 9 địa phương về kết quả tổng kết Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phối hợp tổ chức các môn thi đấu thể thao trong chương trình Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Đông Bắc tại Phú Thọ; tổ chức 3 môn thể thao dân tộc trong Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc; tham gia Giải Kéo co vô địch châu Á lần thứ VII tại Hàn Quốc (đội nữ Việt Nam giành Huy chương đồng trong tổng số 11 nước tham dự.

- Hoạt động thể thao thành tích cao:

Thực hiện kế hoạch thi đấu thể thao thành tích cao năm 2010 và kế hoạch chuẩn bị lực lượng tham dự: Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 16 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Đại hội thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 2 tại Oman và Đại hội Thể thao Trẻ thế giới (Olympic trẻ) tại Singapore. Đã triệu tập tập huấn 28 đội tuyển quốc gia gồm 571 người (trong đó 478 vận động viên, 85 huấn luyện viên, 08 chuyên gia); 23 đội tuyển trẻ quốc gia gồm 505 người (trong đó 414 vận động viên, 77 huấn luyện viên, 14 chuyên gia); cử 15 đội tuyển đi tập huấn nước ngoài; xác định danh sách 62 vận động viên xuất sắc và xây dựng kế hoạch tập trung đầu tư để giành huy chương tại ASIAD16.

Đã tổ chức 14 giải thể thao trong chương trình đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI; tổ chức 59 giải thể thao quốc gia; tham dự 56 giải thể thao quốc tế và đăng cai tổ chức 5 giải thể thao quốc tế. Tại các giải thi đấu quốc tế, các đội tuyển thể thao quốc gia đã giành 188 huy chương (78 huy chương vàng, 60 huy chương bạc, 50 huy chương đồng). Có 11 vận động viên ở 6 môn (Điền kinh, bơi lội, cầu lông, bắn súng, cử tạ và Taewondo) sẽ tham dự Đại hội Thể thao Olympic trẻ thế giới tại Singapore. Vận động viên Cầu lông Nguyễn Tiến Minh đã được xếp hạng 6 thế giới, đây là thứ hạng cao nhất giành được từ trước đến nay của vận động viên cầu lông Việt Nam.

- Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VI năm 2010:

Ban Tổ chức Đại hội đã thành lập 8 tiểu ban chuyên môn giúp việc, chỉ đạo công tác xây dựng dự toán kinh phí tổ chức Đại hội trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với thành phố Đà Nẵng chuẩn bị cơ sở vật chất tổ chức Lễ khai mạc, Lễ bế mạc và các môn thi đấu trong thời gian diễn ra Đại hội. Ban hành điều lệ các môn thi đấu và chỉ đạo tổ chức các môn thi đấu trong thời gian trước Đại hội đảm bảo an toàn, đúng Luật và điều lệ. Tính đến ngày 30/6/2010, đã có 58/63 tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh và 15 môn trong chương trình thi đấu của Đại hội VI được tổ chức là: Việt dã leo núi Bà Rá, Bơi 25 m, Việt dã Tiền Phong, Wushu, Đấu kiếm, Đua thuyền, Đua Ghe ngo, Vật dân tộc, Cầu mây bãi biển, Võ cổ truyền, Bóng bàn, Cờ vua, Quần vợt đồng đội, Cầu mây và Bơi vượt sông.

2.3. Du lịch

- Quy hoạch, đầu tư du lịch:

Nghiệm thu cấp Bộ 02 đề tài khoa học: “Thực trạng và giải pháp phát triển lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ”; “Thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch tàu biển đến Việt Nam”. Xây dựng dự toán điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; tiếp tục triển khai đề tài khoa học: “Thực trạng và một số giải pháp phát triển đội ngũ thuyết minh viên du lịch Việt Nam”; tiếp tục hoàn thiện Đề án Thác Bản Giốc; Đề án Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn 2030…

- Hoạt động lữ hành và khách sạn:

Tiếp tục giải quyết thủ tục cho các đoàn tour caravan vào Việt Nam tham quan, du lịch và các doanh nghiệp lữ hành đón khách quá cảnh vào Việt Nam du lịch; hướng dẫn các hệ thống cơ sở lưu trú thực hiện các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ khách trong dịp tết cổ truyền; chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức Hội thi lễ tân và Hội thi hướng dẫn viên toàn quốc; triển khai thực hiện chương trình Nhãn Bông sen xanh đối với một số khách sạn từ 3 đến 5 sao trên địa bàn Hà Nội. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động: triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam-Điểm đến của bạn”; sơ kết hoạt động đón khách du lịch Trung Quốc đường bộ, đường biển theo Quy chế 849; tổ chức các hội thảo về “Hợp tác phát triển Du lịch - Hàng không Việt Nam trong giai đoạn mới”, về “Liên kết du lịch trong ASEAN” tại Đà Nẵng, “Phát triển du lịch Tây Nguyên” tại Gia Lai, “Phát triển du lịch Nghệ An và các tỉnh Bắc Miền Trung”, Hội thảo “Quốc gia về du lịch trong giai đoạn mới” và Lễ hội ẩm thực Quốc tế tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Sầm Sơn - Thanh Hóa. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch chuẩn bị bình chọn Top ten Lữ hành năm 2009; tổ chức Roadshow quảng bá du lịch Việt Nam tại Phúc Kiến, Triết Giang, Thượng Hải (Trung Quốc).

- Xúc tiến, quảng bá du lịch:

Các hoạt động xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh trong và ngoài nước bằng việc tham gia các hoạt động thường niên như: Tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế (FITUR) tại MADRID Tây Ban Nha, Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ TRAVEX tại Brunei, Hội chợ du lịch Quốc tế: ITB-Đức và MITT-Nga. Tổ chức phát động thị trường (Roadshow) tại ASEAN, chiến dịch phát động thị trường (Roadshow) tại Thái Lan - Malaixia - Singapore; tổ chức chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam tại Myanmar. Đón các đoàn FAM Trip Vân Nam - Trung Quốc; Thái Lan và các đoàn nước ngoài vào khảo sát tại thị trường du lịch Việt Nam.

Phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt động: “Hội chợ phát triển du lịch các tỉnh khu vực Đông Bắc” tại Phú Thọ nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương; Hội thảo “Tìm kiếm giải pháp phát triển Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng”; tuyên truyền quảng bá các sự kiện về Lễ hội làng Sen - Nghệ An. Làm việc với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng về xây dựng Kiosk thông tin du lịch tại các địa phương. Đề xuất Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia năm 2010; dự thảo Chương trình Xúc tiến Du lịch quốc gia giai đoạn 2010 - 2015.

2.4. Các hoạt động nghiệp vụ tổng hợp

- Tổ chức cán bộ:

Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; báo cáo Bộ Nội vụ việc thực hiện Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 29/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai nghiên cứu cải cách tổng thể chính sách tiền lương vào năm 2011; góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn; dự thảo Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 19/2003/NĐ-CP ngày 7/3/2003, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về cổ phần hóa; dự thảo Điều lệ Hội Mỹ thuật Việt Nam và Điều lệ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; thành lập Hội đồng khoa học và Ban Chỉ đạo dự án thành phần xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo và quản lý kinh tế Ngành văn hóa, thể thao và du lịch…

- Kế hoạch, tài chính:

Hoàn thành giao kế hoạch ngân sách năm 2010 cho các đơn vị sự nghiệp, kế hoạch đầu tư XDCB cho các chủ đầu tư trực thuộc Bộ với 68 dự án, tổng số vốn là 587,5 tỷ đồng. Công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch và quản lý quy hoạch các lĩnh vực được tập trung chỉ đạo. Có văn bản hiệp y với một số địa phương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn; thẩm định các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; bố trí kịp thời kinh phí phục vụ các nhiệm vụ trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và chuẩn bị đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI. Công tác kinh tế đối ngoại và hợp tác đầu tư nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh, tham gia đàm phán và xây dựng các Hiệp định ASEAN, ASEAN nội khối, ASEAN+ và các Hiệp định đối tác đa phương, song phương. Hoàn thành các yêu cầu đặt ra trong quá trình đàm phán hội nhập và hợp tác nội khối, ngoài khối ASEAN đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Thẩm định và hướng dẫn thủ tục đầu tư 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Tập trung hướng dẫn các chủ nhiệm mục tiêu của CTMTQGVH phân bổ kinh phí của chương trình cho các mục tiêu, dự án và đơn vị được hưởng lợi đúng theo quy định; đôn đốc, hướng dẫn các tỉnh, thành phố, các đơn vị sử dụng kinh phí CTMTQGVH triển khai kịp tiến độ kế hoạch năm 2010; báo cáo phục vụ giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc xóa đói giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II, việc quản lý lồng ghép CTMTQGVH liên quan trực tiếp tới xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn…

Phối hợp xây dựng dự toán Chương trình hành động quốc gia về Du lịch 2010; tiếp tục hướng dẫn thực hiện các đề án, thẩm định dự toán các đề án thuộc Chương trình xúc tiến Du lịch quốc gia năm 2009; thành lập Tổ giúp việc Ban Chủ nhiệm Chương trình hành động quốc gia về Du lịch và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia; Báo cáo Chương trình xúc tiến quốc gia lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch năm 2009…

- Giao lưu, hợp tác quốc tế:

Công tác xây dựng các văn bản pháp quy, điều ước quốc tế về hợp tác chuyên ngành được chú trọng, nhiều văn bản được ký kết như: Nghị định thư về dự án “Tăng cường năng lực nguồn nhân lực Du lịch và khách sạn Việt Nam” với Đại Công quốc Luxembourg; Chương trình hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ Văn hóa Liên bang Nga giai đoạn 2010 - 2012; Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2010 - 2012 giữa Việt Nam và Argentina; Bản ghi nhớ hợp tác du lịch giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam với Cục Du lịch hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang (Trung Quốc); Bản ghi nhớ hợp tác thể dục thể thao với Algeria giai đoạn 2010 - 2014; Chương trình Hợp tác trong lĩnh vực thể dục thể thao giữa Tổng cục Thể dục thể thao với ủy ban Thể thao quốc gia Lào năm 2010; Kế hoạch Hợp tác về Du lịch giữa Tổng cục Du lịch và Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar giai đoạn 2010 - 2015; Sáng kiến kết nối văn hóa 4 nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam); Chương trình thực hiện hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Rumani về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và thể thao giai đoạn 2010 - 2013; Thỏa thuận hợp tác (2010 - 2015) giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Bảo tàng Lịch sử cách mạng Quảng Đông (Trung Quốc).

Trình Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập hội đồng thẩm định Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ tại Acapulco, Mexico và hoàn tất việc đặt tượng Bác ở Acapulco; tổ chức Tuần Việt Nam tại Cuba và Mexico; Lễ hội Du lịch Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Triển lãm “Không gian văn hóa ASEAN”, Hội trại Thanh thiếu niên ASEAN và các chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN16.

Tiếp tục quảng bá hình ảnh quốc gia, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam thông qua hoạt động xúc tiến văn hóa, thể thao và du lịch. Duy trì vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long tại Expo Thượng Hải, trong các lễ hội tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào và Campuchia; in tài liệu giới thiệu các di sản, du lịch Việt Nam kết hợp vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long bằng các thứ tiếng như Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản. Cử 253 đoàn với 976 lượt người ra nước ngoài công tác và đón 86 đoàn với 480 lượt người vào Việt Nam thực hiện giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch…

- Đào tạo, bồi dưỡng:

Báo cáo Văn phòng Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị việc thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Đà Nẵng; đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành 03 Chương trình khung nghề và 8 Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia xây dựng năm 2009; hướng dẫn Trường Trung cấp nghệ thuật Huế xây dựng đề án thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Huế. Thẩm định đề án đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử sân khấu, Lý luận và lịch sử điện ảnh - truyền hình. Hoàn thành việc xây dựng 20 chương trình khung giáo dục đại học (9 chương trình đại học, 11 chương trình cao đẳng). Nghiệm thu 08 giáo trình cấp Bộ. Phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thực hiện Dự án VIE031 do Chính phủ Luxembourg tài trợ về đào tạo nguồn nhân lực Du lịch và tiếp nhận Dự án vốn ODA của Chính phủ Hungary cho Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội…

Tổ chức “Liên hoan Ca múa nhạc và Triển lãm Mỹ thuật học sinh, sinh viên các Trường Văn hóa nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” và Hội thảo khoa học “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học các ngành Văn hóa nghệ thuật”. Tiếp tục triển khai xây dựng các Đề án: “Chiến lược phát triển nhân lực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến 2020 và tầm nhìn 2030”, “Quy hoạch mạng lưới các trường Văn hóa nghệ thuật đến 2020”, “Đưa giáo dục nghệ thuật truyền thống vào chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở” và Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật”.

- Pháp chế:

Ban hành Chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật năm 2010; đôn đốc các đơn vị được phân công chủ trì xây dựng các đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật theo tiến độ; triển khai đúng tiến độ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, dự thảo Thông tư quy định kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá việc thi hành văn bản QPPL, dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành quy định về lễ hội theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP; kiện toàn Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ và tổ chức tốt các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ ban hành; rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản QPPL trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao; ban hành công văn chấn chỉnh hoạt động tổ chức sự kiện tại các địa phương…

- Thi đua, khen thưởng:

Hoàn tất thủ tục trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Bộ xét trình khen cao đợt I năm 2010 cho các tập thể, cá nhân thuộc Ngành; đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động và Bằng khen Thủ tướng đột xuất cho cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên tham dự Indoor Games III, SEAGames 25 và Para Games 5; triển khai việc xét phong tặng NGND, NGƯT cho 82 hồ sơ của các trường gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo; triển khai thực hiện kế hoạch Đại hội Thi đua yêu nước Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ Nhất và các nhiệm vụ được giao phục vụ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII năm 2010.

Sáu tháng đầu năm, toàn Ngành đã được Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng: 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 02 Huân chương Lao động hạng Nhất, 02 Huân chương Lao động hạng Nhì và 23 Huân chương Lao động hạng Ba, 06 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng khen thưởng: 1.881 Bằng khen cho 702 tập thể và 1.179 cá nhân, tặng 1.079 Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 118 tập thể lao động xuất sắc, 05 tập thể lao động tiên tiến, 95 chiến sĩ thi đua cấp Bộ, 05 Cờ chuyên ngành…

- Hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường:

Hoàn thiện dự thảo Thông tư về việc xét duyệt các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; xây dựng và lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị cho dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường các hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường trong các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; trình lãnh đạo Bộ phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2010. Hướng dẫn các đơn vị: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2010 và đề xuất các nhiệm vụ năm 2011; xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2011, danh mục các dự án biến đổi khí hậu vận động tài trợ quốc tế, báo cáo tình hình thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Ký hợp đồng nghiên cứu khoa học cho 14 đề tài thực hiện năm 2010; nghiệm thu cấp Bộ 19 đề tài đã hoàn thành và 02 nhiệm vụ môi trường. Tổ chức họp các Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2011 thuộc các lĩnh vực. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2011. Kiểm tra dự án đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Viện Âm nhạc và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra môi trường các khu du lịch, các cơ sở lưu trú trên địa bàn Thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên - Huế…

2.5. Cải cách hành chính

Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính trên các nội dung về sự cần thiết của thủ tục, tính hợp lý của mẫu đơn, mẫu tờ khai và yêu cầu, điều kiện theo yêu cầu, đã tiến hành rà soát 126/179 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là 187.496.897.000 đồng, bằng 36%. Góp ý cho phương án đơn giản hóa 256 thủ tục hành chính và dự thảo Nghị quyết đơn giản hóa những thủ tục hành chính, đề nghị phương án đơn giản hóa 08 thủ tục hành chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xin ý kiến tham vấn cho các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ban hành Quyết định thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ, xây dựng Kế hoạch Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ. Ban hành kế hoạch xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động quản lý của Bộ; tiến hành khảo sát việc thực hiện mô hình cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện để kiến nghị, đề xuất mô hình mới trong việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực này…

2.6. Công tác phòng, chống tham nhũng

Triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 trong toàn Ngành; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đảng ủy Bộ tổ chức cho các đảng bộ, chi bộ học tập chuyên đề “Tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh”. Phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiến hành 02 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 02 đơn vị (Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh). Nhìn chung các đơn vị đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng…

2.7. Công tác quản lý, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp

Tổng hợp báo cáo xếp loại doanh nghiệp nhà nước năm 2008 và tình hình đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2009. Tập hợp số liệu phục vụ công tác khảo sát của Kiểm toán Nhà nước; xử lý một số vấn đề trong liên doanh của một số doanh nghiệp trực thuộc Bộ như: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Phương án đầu tư xây dựng Khách sạn Thắng Lợi; xem xét Phương án đầu tư liên doanh của Công ty Du lịch dịch vụ dầu khí, Tổng công ty Sách, Hãng phim Truyện Việt Nam, Hãng phim Giải Phóng. Phê duyệt giá trị doanh nghiệp, thẩm định chi phí cổ phần hóa, phê duyệt phương án kinh doanh, sắp xếp lao động, lấy ý kiến cơ quan chức năng về xác định giá trị lợi thế đất của các đơn vị tiến hành cổ phần hóa; phê duyệt phương án chuyển đổi công ty XNK và PHP Việt Nam thành Công ty TNHH 1 thành viên XNK và PHP Việt Nam; bàn giao quyền Đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đối với Công ty cổ phần Khách sạn Du lịch Kim Liên. Giải quyết những vấn đề theo kết luận thanh tra đối với Công ty Cổ phần Thể dục thể thao…

2.8. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Hoàn thành 100% kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2010, đang hoàn tất thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xin bổ sung và ứng trước vốn các năm tiếp theo để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Khu các làng dân tộc I, II, III, IV và xây dựng không gian văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc Việt Nam, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung; xây dựng Đề án khai thác cục bộ khu các làng dân tộc và phương án mời cộng đồng một số dân tộc vùng Tây Nguyên tham gia hoạt động, quản lý vận hành Khu các làng dân tộc II. Tổ chức Hội nghị “Cơ chế phối hợp với các địa phương, dân tộc trong quản lý, khai thác vận hành khu các làng dân tộc thuộc Làng VHDL các dân tộc Việt Nam” và tổ chức phát động cuộc vận động “Hiến, tặng đồ dùng, vật dụng, tư liệu về văn hóa dân tộc góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam”; tham gia trưng bày, giới thiệu về dự án Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam tại triển lãm “Các dân tộc thiểu số Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước”. Triển khai các công việc chuẩn bị cho hoạt động khai trương Làng VHDL các dân tộc Việt Nam…

2.9. Chương trình Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Theo Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 10/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao 88 đầu việc (chủ trì 45 nhiệm vụ, phối hợp tổ chức 43 nhiệm vụ).

Tiến độ đến ngày 30/6/2010 cụ thể như sau:

- 15 nhiệm vụ đã hoàn thành;

- 19 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện;

- 08 nhiệm vụ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không tổ chức, trong đó: 06 nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép không tổ chức (Chương trình văn hóa nghệ thuật tổng hợp đồng diễn xếp hình, xếp chữ thể dục nghệ thuật; Chương trình biểu diễn nghệ thuật, diễu hành của các Hoa hậu Thế giới; Chương trình “Hành trình xanh hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”; Liên hoan các ban nhạc trẻ quốc tế lần thứ nhất tại Việt Nam; Chương trình Xiếc nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì Hòa Bình”; Trình diễn nghệ thuật bong bóng của nghệ sỹ người Canada Fan yang). 02 nhiệm vụ đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không tổ chức (Lễ hội hoa đăng và trình diễn những bài thơ tiêu biểu về Thăng Long - Hà Nội; Lễ hội giao lưu văn hóa vùng miền các dân tộc Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội).

- 02 nhiệm vụ đề nghị thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức (Trình diễn nhạc không lời chào mừng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm của các dàn nhạc trong nước và Quốc tế; Triển lãm Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa Việt Nam).

- 01 nhiệm vụ đề nghị Đài truyền hình Việt Nam chủ trì tổ chức (Cầu truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 65 năm cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2010) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2010).

- 05 nhiệm vụ do Bộ chủ trì mới được giao bổ sung gồm: Tổ chức mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sáng 10/10/2010; Tổ chức chương trình “Lễ hội rồng”; Tổ chức quay phim tư liệu hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và xây dựng phim hoạt hình “Hào khí Thăng Long”; Biểu diễn đặc biệt chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Việc thực hiện các nhiệm vụ trên trang được tập trung chỉ đạo thực hiện, trọng tâm là các sự kiện Mít tinh trọng thể kỷ niệm cấp quốc gia 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9; Mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội...

UNESCO đã ban hành nghị quyết tham gia Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - một văn kiện pháp lý quan trọng của UNESCO về Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội lớn quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

3. Kiểm điểm việc thực hiện các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Có báo cáo chi tiết kèm theo).

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thành tựu

- Các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức trang trọng, xúc động, chương trình nghệ thuật có nhiều cố gắng trong khâu tổ chức và nâng cao chất lượng, tạo được bầu không khí chính trị tích cực trong nhân dân, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

- Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt được bước tiến mới. Tiếp sau Hát Ca trù, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Hồ sơ Hội Gióng đã vượt qua vòng 1 thẩm định của UNESCO, Hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ được Thủ tướng Chính phủ cho phép gửi UNESCO đề nghị xem xét ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

- Tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp thuộc Bộ và hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước của Ngành tại địa phương từ cấp tỉnh đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn, phát huy hiệu lực, bảo đảm thực hiện tốt các hoạt động của Ngành, kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Thể thao Việt Nam thi đấu có nhiều cố gắng, đạt thành tích tốt tại các giải thể thao quốc gia và quốc tế.

- Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam - Điểm đến của bạn” cùng với các hoạt động xúc tiến du lịch được triển khai với quy mô lớn trong nước và ở nước ngoài, gắn với các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ của đất nước, thực hiện có hiệu quả việc quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của đất nước.

2. Khó khăn, hạn chế

a) Khó khăn, hạn chế chung

- Việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản, đề án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tuy đã tiến bộ hơn trước nhưng nhìn chung còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu quản lý nhà nước, nhất là đối với các vấn đề mới, phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành.

- Công tác quy hoạch phát triển cả ở Trung ương và địa phương còn chậm so với nhu cầu phát triển Ngành. Ở một số địa phương, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao chậm được đầu tư xây mới do thiếu quỹ đất, do khó khăn vướng mắc trong đền bù giải tỏa, do thiếu ngân sách. Hệ thống thiết chế đã có một phần do bị xuống cấp, thiếu trang thiết bị, một phần do thiếu cán bộ hoặc có cán bộ nhưng hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ… dẫn đến nội dung, chất lượng hoạt động và hiệu quả chính trị - xã hội của hệ thống thiết chế này chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

- Việc triển khai các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển Ngành đã được ban hành gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành; một số chương trình, quy hoạch chưa triển khai được, một số chỉ tiêu phát triển Ngành chưa đạt kế hoạch đề ra, trong khi thời hạn thực hiện không còn nhiều hoặc đã hết thời hạn thực hiện.

- Huy động nguồn lực xã hội thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch chưa được phát huy và đạt kết quả tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

b) Về văn hóa, gia đình

- Tình trạng vi phạm di tích, danh lam thắng cảnh vẫn tiếp diễn. Hoạt động mê tín dị đoan, bán hàng rong, xin ăn, nâng giá, ép giá đối với du khách, cờ bạc trá hình, đốt nhiều vàng mã tại các lễ hội… vẫn chưa giảm.

- Một số nơi, do khai thác quá mức lợi ích thương mại từ việc tổ chức lễ hội, không làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, trong khi ý thức văn hóa của một bộ phận không nhỏ người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế đã làm nảy sinh tệ nạn và nhiều hiện tượng tiêu cực khác, trái ngược với những giá trị truyền thống, tốt đẹp vốn có của lễ hội.

- Xu hướng nâng cấp quy mô, hành chính hóa công tác tổ chức đã và đang làm biến dạng, sai lệch ý nghĩa, giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội; Một số địa phương, việc tổ chức lễ hội mới còn phô trương, trùng lặp, lãng phí ngân sách.

- Tình trạng hát nhép, quảng cáo chương trình mạo danh nghệ sỹ và những bất cập trong quản lý hoạt động tổ chức thi hoa khôi, người đẹp ở trong nước và tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế chưa được xử lý triệt để, khắc phục kịp thời.

- Việc thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở một số địa phương có biểu hiện buông lỏng quản lý, chạy theo thành tích, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động và hiệu quả xã hội của Phong trào.

- Một số công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chậm tiến độ, thiếu các tác phẩm văn học - nghệ thuật xứng tầm với sự kiện này.

- Cách thức tổ chức cũng như phương pháp xử lý tình trạng quảng cáo rao vặt vẫn còn nhiều bất cập, thiếu chế tài xử phạt đủ sức răn đe.

- Tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, người già và trẻ em… chưa được ngăn chặn triệt để, trong khi tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình chậm được nhân rộng và phát huy hiệu quả.

c) Về thể dục, thể thao

- Công tác quản lý nhà nước về tổ chức các giải thể thao, đặc biệt là trong bộ môn bóng đá còn hạn chế. Các hiện tượng tiêu cực, bạo lực thể thao, chủ yếu xảy ra trong giải lớn môn bóng đá nam chưa giảm. Các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của vận động viên, các vụ ẩu đả của cổ động viên trong và sau trận đấu vẫn tái diễn.

- Công tác đào tạo lực lượng trẻ kế cận và chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự các sự kiện thể thao lớn của khu vực và thế giới gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp.

d) Về du lịch

- Sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, giữa doanh nghiệp du lịch với các ngành khác vẫn còn hạn chế, chưa có sự hợp tác chặt chẽ… dẫn đến việc triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam - điểm đến của bạn” tuy đạt kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam.

- Những sai phạm trong hoạt động lữ hành quốc tế, tình trạng quá tải, thiếu phòng, nâng giá phòng nghỉ và giá dịch vụ tại các khu du lịch trọng điểm, nhất là trong dịp nghỉ lễ, vấn đề môi trường du lịch bị xâm hại, xuống cấp… là tình trạng kéo dài đã lâu nhưng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục.

- Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch phát triển du lịch cấp vùng, cấp tỉnh còn thiếu và chưa đồng bộ, dẫn đến tình trạng phát triển tự phát các khu du lịch, sử dụng, khai thác không hợp lý tài nguyên du lịch, nhất là nguồn tài nguyên du lịch biển.

Phần thứ hai.

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ SÁU THÁNG CUỐI NĂM 2010

I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tập trung phấn đấu hoàn thành kế hoạch công tác năm 2010, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Ngành thực hiện Nghị quyết Đại hội, đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2007 - 2011) của Chính phủ.

2. Tiến hành tổng kết 5 năm Ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch phát triển Ngành giai đoạn 2006 - 2010; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu phát triển Ngành giai đoạn 2011 - 2015.

3. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trọng tâm là Lễ kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng tám (19/8/1945 - 19/8/2010) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2010); Chương trình Mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; các hoạt động chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

4. Hoàn thiện các văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2010 đảm bảo chất lượng nội dung và tiến độ theo quy định. Xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các văn bản, đề án đã trình: Chương trình nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam; Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020; Chiến lược phát triển du lịch đến 2015, định hướng đến 2020; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình…

5. Tổ chức Đại hội thi đua yêu nước Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ Nhất; xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

6. Tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động trong thời gian tiếp theo.

7. Thực hiện tốt bình đẳng giới và tích cực phòng, chống bạo lực gia đình.

8. Tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VI tại Đà Nẵng; chuẩn bị tốt lực lượng và tham gia thi đấu giành thành tích cao tại Olympic trẻ thế giới lần thứ nhất tại Singapore (8/2010), ASIAD lần thứ 16 tại Quảng Đông (11/2010) và Beach Games lần thứ 2 tại Oman (12/2010).

9. Thực hiện tốt các hoạt động của ngành Du lịch trong Năm Du lịch quốc gia 2010, đẩy mạnh triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 “Việt Nam - Điểm đến của Bạn”, vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên của thế giới.

10. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với cải cách hành chính; xây dựng Chương trình cải cách hành chính nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai trong giai đoạn 2011 - 2020.

II. CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN ĐĂNG KÝ TRÌNH BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ, CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ (Xin xem phụ lục kèm theo)

III. ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

- Đề nghị Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành chế độ tiền lương, chế độ nghỉ hưu phù hợp đối với đội ngũ văn nghệ sỹ trong thời kỳ mới, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thực hiện việc trẻ hóa đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên (đặc biệt là đối với loại hình nghệ thuật truyền thống); có quy định cụ thể về định biên cán bộ của ngành, nhất là đối với cấp huyện và cấp xã.

- Đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch vùng miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

- Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chương trình hạ tầng cơ sở du lịch, Chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ với đầu tư bảo vệ, tôn tạo và khai thác giá trị của di tích, di sản văn hóa theo phương châm phát triển du lịch trên nền tảng phát triển văn hóa.

- Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện: Đề án Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng 2020; Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020; Chương trình nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam; Chiến lược phát triển du lịch đến 2015, định hướng đến 2020; Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Phó TTCP Nguyễn Thiện Nhân;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX);
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Các Bộ, ngành có liên quan;
- Lưu: VT, VP, (THTT)(350).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Danh Thái