Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/BC-STTTT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 3 năm 2014

 

BÁO CÁO

VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH QUÝ I NĂM 2014

Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình cải cách hành chính quý I năm 2014 như sau:

I. Ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính tại cơ quan:

Hoàn chỉnh mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của Sở Thông tin và Truyền thông. Triển khai hoàn chỉnh một số dịch vụ công mức độ 4 (Cấp phép Họp báo; Cấp phép Hội thảo - Hội nghị có yếu tố nước ngoài; Cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, cấp Phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet) và một số phần mềm cấp phép mức độ 3 (Cấp phép Xuất bản bản tin; Cấp giấy phép Xuất bản tài liệu không kinh doanh; In gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài; Cấp giấy phép hoạt động in Xuất bản phẩm; Cấp phép hoạt động triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm; Cấp giấy chứng nhận đăng kí máy photocopy màu; Cấp phép in báo chí, tem chống giả; Cấp giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh (TVRO); Thủ tục Xác nhận thông báo hoạt động bưu chính; Thủ tục cấp giấy phép bưu chính; Thủ tục cấp lại giấy phép bưu chính khi hết hạn; Thủ tục Sửa đổi, bổ sung giấy phép bưu chính; Thủ tục Cấp lại giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được) tích hợp vào website Sở. Trong năm 2014, sẽ triển khai nâng cấp 10 dịch vụ từ mức độ 3 lên mức độ 4, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc kê khai hồ sơ và nhận kết quả qua mạng.

Triển khai phần mềm tiếp nhận hồ sơ Một cửa điện tử cho 25 thủ tục hành chính của Sở, sẽ hoàn thành trong quý II/2014.

Triển khai phần mềm quản lý trạm BTS; Quản lý quảng cáo, rao vặt; quản lý Game Online, Quản lý dự án - hạng mục ứng dụng CNTT để đưa vào sử dụng phục vụ công tác quản lý chuyên môn tại các phòng ban.

Triển khai giai đoạn 1 liên thông kết nối phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên công nghệ nguồn mở giữa Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và các Sở - Ban - Ngành, Quận - Huyện, bước đầu đã đáp ứng yêu cầu công việc tại Sở.

Đã hoàn chỉnh nâng cấp website của Sở nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, nội dung trang thông tin điện tử theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

II. Ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính của thành phố:

1. Nâng cấp Trang thông tin điện tử Tp.HCM và các trang thành viên:

Đã hoàn chỉnh nâng cấp Trang thông tin điện tử HCMCityweb và các trang thành viên nhằm đảm bảo việc tích hợp hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị, các yêu cầu kỹ thuật, nội dung trang thông tin điện tử theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Sở đang tiếp tục rà soát cập nhật hoàn chỉnh lại các trang thông tin thành phần theo kiến trúc chung của Trang thông tin điện tử của thành phố tiến tới xây dựng hoàn chỉnh mô hình giao dịch điện tử tích hợp môi trường dịch vụ công trực tuyến với các hệ thống Ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai và đảm bảo an toàn an ninh thông tin của hệ thống mạng thành phố. Hiện nay đã nâng cấp hoàn chỉnh 78/78 đơn vị.

2. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc:

Tháng 3/2014, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai vận hành thử nghiệm hệ thống liên thông kết nối các phần mềm Quản lý văn bản trên công nghệ nguồn mở tại Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và các Sở - Ban - Ngành, Quận - Huyện giai đoạn 1 (37/72 đơn vị). Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, đầu quý II/2014, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo kết quả cho UBND TP và đề xuất kế hoạch triển khai nhân rộng cho các đơn vị còn lại. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, từ tháng 10-2013 đến tháng 2-2014, hệ thống liên thông văn bản điện tử của TP đã liên thông 17.419 văn bản, trong đó có 5.940 văn bản gửi và 11.479 văn bản nhận. Đến nay, tất cả 24 quận - huyện, 12 sở ngành và Văn phòng UBND TP đã được kết nối vào hệ thống liên thông văn bản điện tử để nhận và gửi các văn bản điện tử thông qua các phần mềm quản lý văn bản. Các cơ quan có số lượng văn bản điện tử liên thông nhiều là Văn phòng UBND TP, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, quận 4, quận 8, quận 9, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè ...

Ngày 07/3/2013, Sở TTTT đã trình UBND TP Tờ trình 03/TTr-STTTT về dự thảo Quy chế về quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng tại TPHCM. Nhằm đảm bảo Quy chế được ban hành phù hợp với thực tế vận hành, trong quá trình triển khai thí điểm Sở Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các đơn vị đóng góp ý kiến bổ sung cho dự thảo Quy chế để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố.

3. “Một cửa điện tử”:

Hệ thống Một cửa điện tử: hiện đã có 24 quận huyện và 7 sở ban ngành tham gia cung cấp tình trạng hồ sơ hành chính cho người dân qua hệ thống “một cửa điện tử”, số lĩnh vực công khai của các quận huyện: 7 lĩnh vực, tác động tích cực đến cải cách hành chính của thành phố. Đồng thời, việc triển khai hệ thống “Một cửa điện tử” trên điện thoại di động trên cơ sở ứng dụng mạng 3G bước đầu cũng đã phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi để người dân có thể tra cứu tình trạng hồ sơ hành chính mọi lúc mọi nơi.

Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc nâng cấp hạ tầng phần cứng, nâng cấp hoàn chỉnh quy trình hồ sơ theo mô hình một cửa liên thông 24 quận - huyện; hoàn chỉnh Cổng thông tin một cửa điện tử của thành phố về cung cấp thông tin xử lý hồ sơ tại 24 quận - huyện và 7 sở - ngành giúp cho việc truy cập và tra cứu được dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Nhằm đảm bảo Hệ thống Một cửa điện tử thành phố vận hành ổn định và phát triển, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn chỉnh dự thảo Quy chế về quản lý, sử dụng hệ thống Một cửa điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh và gửi Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

4. ISO điện tử:

Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ trong việc triển khai ISO kết hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Mục tiêu của việc triển khai ISO điện tử nhằm thống nhất các quy trình, biểu mẫu trong các quy trình thủ tục hành chính tại các đơn vị kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc: Kiểm soát quy trình, dịch vụ; Quy trình đánh giá nội bộ; Quy trình xem xét hệ thống quản lý chất lượng lãnh đạo.

Sở Thông tin và Truyền thông đang hoàn chỉnh quy trình thủ tục ISO điện tử trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh thống nhất cho 24 Quận - Huyện và sẽ trình UBND TP ban hành tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng và tiện lợi.

5. Hệ thống Quản lý cán bộ công chức

Hệ thống quản lý cán bộ công chức thành phố đã được cài đặt tập trung tại Trung tâm dữ liệu thành phố và vận hành ổn định. Tháng 7/2012, Sở TTTT đã thực hiện nâng cấp hạ tầng phần cứng và hỗ trợ thiết lập kết nối Metronet cho các đơn vị tham gia vận hành hệ thống quản lý cán bộ công chức. Hệ thống đã được triển khai cho tất cả các Sở ngành, UBND các quận, huyện, trong năm 2014, Sở TTTT sẽ tiếp tục triển khai cho các đơn vị nhà nước còn lại trên địa bàn thành phố.

6. Hệ thống đất đai xây dựng:

Đã hoàn thiện mô hình tổng thể hệ thống đất đai xây dựng cho toàn thành phố, xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện nhằm triển khai hoàn chỉnh hệ thống thông tin đất đai xây dựng toàn thành phố, kết nối từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây Dựng, Ủy ban nhân dân các quận huyện, tích hợp và cung cấp dịch vụ công lên cổng thông tin của thành phố.

Ngày 10/5/2012 Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hành Thông báo số 24/TB-STTTT về Kế hoạch triển khai Hệ thống thông tin đất đai - xây dựng theo mô hình chung tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo việc triển khai hoàn thiện mô hình hệ thống thông tin đất đai - xây dựng và hoàn chỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai cho toàn thành phố.

UBND TP đã ban hành Quyết định số 6233/QĐ-UBND về Mô hình hệ thống thông tin đất đai - xây dựng tại TPHCM nhằm thống nhất mô hình triển khai đất đai - xây dựng cho toàn thành phố. Trong năm 2012, thành phố đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý đất đai - xây dựng theo mô hình Mô hình hệ thống thông tin đất đai - xây dựng đợt 1 tại 9 Quận (2, 3, 4, 6, 7, 8, 12, Thủ Đức, Tân Bình). Sở Thông tin và Truyền thông đã đánh giá tổng kết để tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai hệ thống thông tin đất đai - xây dựng trong năm 2013.

Trong 3 tháng đầu năm 2014, thành phố đã đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng về quản lý đất đai - xây dựng tại thành phố làm nền tảng cho việc triển khai các phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực quản lý đô thị, cụ thể:

- Triển khai công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai do Sở Tài nguyên môi trường làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 78,513 tỉ tại Quyết định số 5946/2009/QĐ-UBND. Đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường đã hoàn thành 75% khối lượng công việc thực hiện. Nhằm hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn tất nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 273/STTTT-CNTT ngày 6/3/2014 hướng dẫn các Quận/Huyện triển khai các giải pháp kỹ thuật để hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai trước tháng 6/2014.

- Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình dân dụng cao tầng và công trình công cộng tập trung đông người trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay đã tạo lập dữ liệu số hoá về 596/1200 công trình dân dụng cao tầng và công trình công cộng tập trung đông người tại thành phố.

- Dự án “Ứng dụng công nghệ LIDAR xây dựng mô hình 3 chiều phục vụ quản lý đô thị tại TP.Hồ Chí Minh” do Trung tâm ứng dụng GIS - Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư. Kết quả của dự án đã tạo lập dữ liệu số (gọi là dữ liệu LIDAR) về toàn bộ diện tích của thành phố. Bộ dữ liệu tạo lập từ dự án sẵn sàng ứng dụng phục vụ công tác quản lý đô thị như: cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa hình, xây dựng cốt san nền của thành phố, xây dựng mô hình 3 chiều đô thị, quy hoạch vùng đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quản lý cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, lưới điện,...) mô phỏng và dự báo ngập lụt,...Ủy ban nhân dân đã chỉ đạo giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì quản lý và khai thác dữ liệu LIDAR phục vụ công tác quản lý Nhà nước và các nhiệm vụ khác tại công văn số 6932/UBND-CNN ngày 25/12/2013 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông đang xây dựng thông báo hướng dẫn các đơn vị tiếp cận, khai thác và sử dụng dữ liệu LIDAR; ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng dự thảo Quy chế quản lý và khai thác dữ liệu LIDAR trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

- Sở Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện Chương trình tổng thể ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý đô thị theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

7. Hệ thống định danh thành phố:

Đây là hệ thống quản lý người dùng tập trung của thành phố với mục tiêu nâng cao khả năng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các hệ thống tại các đơn vị và các hệ thống dùng chung của thành phố. Ngoài ra, hệ thống định danh còn phục vụ cho việc chuẩn hóa, đồng bộ tên người dùng hướng đến việc sử dụng duy nhất 1 tài khoản để đăng nhập vào tất cả hệ thống, dịch vụ trong tương lai: cổng thông tin, hệ thống thư điện tử, hệ thống chứng thực, quản lý văn bản và HSCV, và các ứng dụng dùng chung khác...

Sở Thông tin và Truyền thông đang hoàn chỉnh mô hình và giải pháp kỹ thuật công nghệ nhằm triển khai hệ thống định danh trên nền mã nguồn mở cho các đơn vị.

8. Xây dựng hạ tầng mạng công nghệ thông tin:

- Trung tâm điều hành hệ thống mạng băng thông rộng thành phố (NOC): Hệ thống đang được vận hành và giám sát tại QTSC. Hiện tại, hệ thống hoạt động giám sát hạ tầng tốt, phát hiện được các sự cố mất kết nối và giải quyết kịp thời. Hệ thống Một cửa điện tử, Hệ thống quản lý cán bộ công chức, Hệ thống thư điện tử Thành phố, Hệ thống định danh (AD) và Cổng thông tin điện tử Thành phố (CityWeb) đang triển khai dựa trên hạ tầng quản lý của hệ thống NOC. Hiện nay, Trung tâm điều hành hệ thống mạng NOC đang là điểm kết nối, liên thông giữa mạng MetroNet thành phố và mạng Truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và nhà nước.

Nhằm đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và đang hoàn chỉnh Quy định về quản lý, vận hành và sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh để trình UBND TP trong quý I/2014.

- Hệ thống Thư điện tử thành phố: Hệ thống thư điện tử đang hoạt động ổn định và được các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ công chức, viên chức sử dụng thông dụng hơn trước. Hệ thống đã cấp tổng số 11.628 hộp thư điện tử, tỷ lệ số hộp thư điện tử sử dụng trong công việc là 81,78%.

- Hệ thống mạng đô thị băng thông rộng thành phố (MetroNet): Hiện nay, hệ thống mạng Metronet đã được triển khai tổng cộng 578 điểm kết nối các sở - ban - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn và các đơn vị trực thuộc khác phục vụ hiệu quả việc vận hành, liên thông hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành các cấp.

9. Xây dựng các hệ thống thông tin của Thành phố:

Các hệ thống thông tin cơ bản đã triển khai trong thời gian qua:

- Hệ thống thông tin Văn hóa - Xã hội: Cơ sở dữ liệu (CSDL) Hộ tịch; CSDL Cán bộ công chức; CSDL Nhân khẩu - Hộ khẩu; CSDL Giáo dục, CSDL Bảo hiểm xã hội.

- Hệ thống thông tin Kinh tế: CSDL Doanh nghiệp, CSDL số liệu xuất nhập khẩu, đầu tư...

- Hệ thống thông tin Quản lý đô thị: CSDL Đất đai - Xây dựng; CSDL Môi trường, CSDL Quy hoạch.

- Hệ thống thông tin Khoa học công nghệ: CSDL đề tài nghiên cứu khoa học, CSDL chuyên gia đầu ngành...

- Hệ thống thông tin Văn hóa - Du lịch: quản lý hiện vật tại các bảo tàng tại Thành phố; hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại Thành phố; Tổng đài thông tin du lịch 1087 và trạm thông tin du lịch.

Đang triển khai dự án chuẩn hóa dữ liệu hệ thống thông tin thông tin - truyền thông nhằm chuẩn hóa dữ liệu chuyên ngành của Sở Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai nghiên cứu xây dựng kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin cho toàn Thành phố, làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai hoàn chỉnh các hệ thống thông tin của Thành phố.

10. Xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến:

- Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: 0 dịch vụ;

- Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: 2.172 dịch vụ;

- Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: 39 dịch vụ;

- Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: 4 dịch vụ (Cấp phép Họp báo; cấp phép Hội thảo - Hội nghị có yếu tố nước ngoài; cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, cấp phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet).

Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với dịch vụ công trực tuyến. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 và trình Ủy ban nhân dân thành phố.

Ngày 12/12/2013, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định 6555/QĐ-UBND về phê duyệt “Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Sở Thông tin và Truyền thông đang hoàn chỉnh mô hình và giải pháp kỹ thuật công nghệ Cổng dịch vụ công trực tuyến trên nền điện toán đám mây để thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo Kế hoạch đã được phê duyệt nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

11. Triển khai ứng dụng trên nền tảng đám mây nguồn mở:

Thực hiện Quyết định số 5867/QĐ-UBND ngày 16/11/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt chương trình Phát triển ứng dụng CNTT trên công nghệ nguồn mở giai đoạn 2013 - 2015, trong năm 2013 thành phố tập trung triển khai các ứng dụng nguồn mở cho các cơ quan nhà nước trên nền tảng đám mây (tập trung tại Trung tâm dữ liệu của thành phố) nhằm thay thế dần các ứng dụng nguồn đóng mà thành phố đã triển khai cho các đơn vị trong giai đoạn 2005 - 2011.

12. Quy hoạch công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025:

Ngày 15/5/2013, UBND TP đã ban hành Quyết định số 2475/QĐ-UBND về phê duyệt Đề cương Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Ngày 24/6/2013, UBND TP đã ban hành Quyết định số 3325/QĐ-UBND về phê duyệt dự toán dự án lập Quy hoạch công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Sở Thông tin và Truyền thông đã lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch theo Quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư số 319/QĐ-SKHĐT ngày 04/12/2013 của Sở kế hoạch và Đầu tư.

13. Tình hình thực hiện các chương trình ứng dụng CNTT:

- Chương trình xây dựng Hệ thống thông tin chuyên ngành: các Sở, ngành đang tiến hành lập thuyết minh hạng mục:

+ Đã phê duyệt hạng mục “Xây dựng Hệ thống thông tin Doanh nghiệp” do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện với mức kinh phí 790.989.850 đồng. Trước mắt, các đơn vị sẽ hoàn chỉnh các hệ thống thông tin hiện có tại đơn vị, xác định các nhu cầu thông tin cần các đơn vị khác cung cấp, đồng thời phối hợp với các sở - ngành liên quan khai thác dữ liệu hiện có phục vụ công tác chỉ đạo điều hành chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

+ Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế TP.HCM giai đoạn 2012-2015: đang hoàn tất thuyết minh dự án Phát triển mạng y tế phục vụ chẩn đoán, chữa bệnh từ xa (giai đoạn 2), sẽ trình trong tháng 3/2014.

+ Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục đào tạo TP.HCM giai đoạn 2013 -2015: đang hoàn tất thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo, sẽ trình trong quý II/2014.

- Chương trình phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trên công nghệ nguồn mở giai đoạn 2012-2015: Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực triển khai các phần mềm mới trên công nghệ nguồn mở và cuốn chiếu dần các phần mềm đã xây dựng trên nguồn đóng trước đây sang công nghệ mã nguồn mở trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây. Trong năm 2014, tiến hành triển hành triển khai các dự án, hạng mục đã được phê duyệt trong năm 2013.

- Xây dựng Kiến trúc khung chính quyền điện tử TP.HCM (e-gov tramework): đã nghiên cứu các phương pháp luận xây dựng kiến trúc tổng thể như khung kiến trúc nhóm mở (TOGAF), khung kiến trúc tổng thể liên bang (FEAF), khung Zachman... đồng thời tham khảo khung kiến trúc tổng thể của Thành phố Đà Nẵng, của Tổng Cục Thống kê để định hướng lựa chọn phương pháp triển khai phù hợp với Chính quyền điện tử của Thành phố. Hiện đang trong giai đoạn lập và hoàn thiện thuyết minh.

- Chương trình xây dựng và triển khai an toàn, an ninh thông tin trong cơ quan quản lý nhà nước giai đoạn 2012-2015:

+ Sở TTTT đang phối hợp với Chi hội An toàn thông tin phía Nam xây dựng mô hình tổng thể về an toàn thông tin và tham mưu UBND TP ban hành các chính sách về đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn TPHCM. Chuẩn hóa hạ tầng và tiếp tục triển khai các dự án an toàn thông tin cho các Sở, Ban, ngành; Quận, Huyện, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống chứng thực điện tử chuyên dụng, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và pháp lý, triển khai nhân rộng cho tất cả các đơn vị;

+ Trong năm 2014, giai đoạn 1, Sở TTTT sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá về an toàn thông tin cho các cơ quan, đơn vị nhà nước trọng yếu trên địa bàn TPHCM.

- Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp nhà nước Thành phố giai đoạn 2012 - 2015: ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các Tổng công ty Nhà nước. Hiện Sở đang trong giai đoạn xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn và tiến hành xây dựng đề án khung cho 17 Tổng công ty, Công ty mẹ - con. Đây là các đơn vị có quy mô rất lớn và ứng dụng rất phức tạp. Ngoài ra để đảm bảo tính tổng thể, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Kiến trúc tổng thể (EA), đồng thời là xây dựng kiến trúc tổng thể về ứng dụng CNTT với tầm nhìn vĩ mô, để từ đó xác định lộ trình và các bước thực hiện trong năm tới. Trên cơ sở những thành công và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn sẽ xây dựng khung kiến trúc tổng thể, mô hình khung ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp làm cơ sở đánh giá thi đua hàng năm cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Sở cũng đã tham mưu cho UBND TP tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ xây dựng Doanh nghiệp điện tử cho doanh nghiệp nhà nước vào ngày 20/12/2013.

- Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong nông thôn mới TP.HCM giai đoạn 2013 -2015: Đã trình UBND TP theo hướng phê duyệt đề cương đề án. Sở Thông tin và Truyền thông đang hiệu chỉnh lại theo hướng chương trình để trình UBND TP xem xét.

- Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin ngành văn hóa, du lịch TP.HCM giai đoạn 2013 - 2015: Sở Thông tin và Truyền thông đã trình UBND TP Tờ trình số 04/TTr-STTTT ngày 05/3/2014 về phê duyệt Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin ngành văn hóa, du lịch TP.HCM giai đoạn 2014 -2015 và định hướng đến năm 2020.

- Các chương trình xây dựng Hệ thống thông tin chuyên ngành Tài nguyên môi trường và Hệ thống thông tin chuyên ngành xây dựng: Sở Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng xây dựng dự thảo các Chương trình xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành Tài nguyên môi trường và xây dựng và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về các Chương trình trên. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang hoàn chỉnh dự thảo Chương trình để trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

- Nhằm thực hiện việc Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ 6 chương trình đột phá của Đảng bộ Thành phố trong giai đoạn 2011 - 2015, Sở Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các cơ quan, đơn vị chủ trì một số nội dung trong 6 chương trình đột phá và đã tiến hành ghi vốn chuẩn bị đầu tư cho các nội dung công việc thuộc các chương trình:

+ Về Giảm ngập nước giai đoạn 2011 -2015: Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảm ngập nước, tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng mô hình dự báo ngập và bản đồ ngập úng của Thành phố; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chống ngập (CSDL các công trình chống ngập (trạm bơm, cửa cống), CSDL mạng lưới thoát nước, CSDL lấn chiếm kênh rạch,...)

+ Về Giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 - 2015: Đã phê duyệt Chương trình ứng dụng Khoa học công nghệ trong giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến 2020; Đang thẩm định dự án Triển khai thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh; ứng dụng GIS trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố; Đã phê duyệt dự án Ứng dụng phần mềm mô phỏng trong thiết kế và quản lý giao thông đô thị do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 330.563.195 đồng. Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp Sở Giao thông Vận tải triển khai kế hoạch ứng dụng dụng Công nghệ thông tin trong ngành giao thông vận tải năm 2014 theo Kế hoạch liên tịch số 1685/KHLT-STTTT-SGTVT ngày 30/9/2013 giữa Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Giao thông Vận tải về phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Sở Giao thông Vận tải giai đoạn 2013 -2016.

+ Về Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015: triển khai thí điểm thiết bị cảm biến cảnh báo ô nhiễm; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý môi trường.

+ Về Cải cách hành chính: UBND TP đã phê duyệt Chương trình Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục tại Quyết định số 3326/QĐ-UBND ngày 24/6/2013. Sở Thông tin và Truyền thông đã trình UBND TP Tờ trình số 04/TTr-STTTT ngày 05/3/2014 về phê duyệt Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin ngành văn hóa, du lịch TP.HCM giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Sở Nội vụ;
- Giám đốc;
- Lưu: VT, P. CNTT (MT.4).

GIÁM ĐỐC




Lê Thái Hỷ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 12/BC-STTTT về công tác cải cách hành chính quý I năm 2014 do Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 12/BC-STTTT
  • Loại văn bản: Báo cáo
  • Ngày ban hành: 12/03/2014
  • Nơi ban hành: Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thái Hỷ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản