Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA
CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN
THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/BC-BCĐ389

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2020

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 1239/KH-BCĐ389 NGÀY 13/12/2017 CỦA BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA

Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, ngày 13 tháng 12 năm 2017, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký ban hành Kế hoạch số 1239/KH-BCĐ389 về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 1239).

Sau hai năm triển khai, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch số 1239 với những nội dung sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất. Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất độc có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp hóa học được dùng trong nông nghiệp để phòng, chống các đối tượng gây hại cho cây trồng và nông sản trên đồng ruộng, vườn tược, kho tàng... Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, có vai trò quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất, an ninh lương thực và đời sống của nhân dân. Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày một nhiều nên hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại nước ta ngày càng tăng cao, tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về nông nghiệp và trồng cây công nghiệp ở các khu vực như đồng bằng và trung du Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và khu vực Nam bộ. Mỗi năm, trung bình hàng chục triệu tấn phân bón (với hàng nghìn loại phân bón khác nhau) và hàng trăm nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật (với nhiều dạng, loại và đủ các nhóm như rất độc, độc, nguy hiểm và cẩn thận) được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ trên thị trường. Các cơ sở sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tập trung chủ yếu trong các khu công nghiệp tại các tỉnh thành phố phía Nam và phía Bắc. Hàng năm, hoạt động nhập khẩu, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân luôn biến động, thay đổi cả về địa điểm, số lượng, quy mô... Hệ thống các cửa hàng, đại lý cung ứng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng nhanh về số lượng, được phân bố rộng rãi trên đến khắp các thôn, xóm, bản, ấp... xen kẽ trong khu dân cư.

Trong năm 2018 và 2019, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra phức tạp trên hầu hết các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng đến nguồn nước, đất trồng trọt, chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại nặng nề đối với nền sản xuất nông nghiệp (ước tính các hoạt động trên gây thiệt hại trên 2 tỷ USD mỗi năm), người tiêu dùng, nông dân, các doanh nghiệp chân chính và đời sống, sức khỏe nhân dân, tác động xấu đến tình hình kinh tế xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nổi lên:

- Đối với phân bón: Hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ dán hoặc nhái nhãn hiệu gần giống nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi ở trong nước không đủ điều kiện theo quy định, tại địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình... (ở khu vực phía Bắc); Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng... (ở khu vực miền Trung), Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... (ở khu vực phía Nam).

- Đối với thuốc bảo vệ thực vật: Hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại thuốc bảo vệ thực vật dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi ở trong nước không đủ điều kiện theo quy định, tại địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... (ở khu vực phía Bắc); Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng... (ở khu vực miền Trung), Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... (ở khu vực phía Nam).

2. Về phương thức, thủ đoạn

- Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu chỉ đứng sau chỉ đạo tổ chức hoạt động bí mật, khép kín, chia nhỏ từng khâu từ sản xuất, mua bán, kinh doanh, vận chuyển, giao nhận đến tiêu thụ các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng...; thuê nhà để đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng trên thực tế không có cơ sở sản xuất, gây khó khăn trong việc truy tìm cơ sở sản xuất khi phát hiện các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả trên thị trường...

- Lợi dụng đăng ký sản xuất nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau để đề phòng trường hợp sản phẩm này bị phát hiện vi phạm thì sử dụng sản phẩm khác thay thế hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ để đề phòng trường hợp bị phát hiện vi phạm thì các cơ quan chức năng rất khó điều tra, truy tìm được cơ sở sản xuất.

- Thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất hoặc không tổ chức quy trình sản xuất tập trung tại một địa điểm nhất định mà phân tán ở nhiều địa điểm khác nhau, mỗi địa điểm thực hiện một khâu sản xuất, phân phối hàng hóa hoặc chỉ sản xuất một số hàng hóa theo thời vụ, vừa đủ theo yêu cầu đơn đặt hàng, không có hàng tồn nhằm tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, phát hiện, kiểm tra.

- Tổ chức làm giả nhãn, bao bì, giả tên thương phẩm của doanh nghiệp khác có thương hiệu hoặc giả tên thương phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang bán chạy trên thị trường hoặc sản xuất nhưng không có đăng ký công bố sản phẩm theo đúng quy định hoặc sản xuất hàng hóa với quy mô nhỏ, đơn lẻ tại địa phương này nhưng bán cho các cửa hàng, đại lý tại địa phương khác với giá rẻ, số lượng ít để tiêu thụ sản phẩm giả nhanh nhằm tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, phát hiện, kiểm tra.

- Lợi dụng quy định của pháp luật về hàm lượng, định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; trộn sản phẩm giá rẻ vào thực phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán ra thị trường; trộn thêm tạp chất để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón...; vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

- Lợi dụng sản xuất hàng nhái gần giống với các nhãn hiệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nổi tiếng, có uy tín trên thị trường, giả các thương hiệu chưa đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam hoặc sản xuất mà không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm theo quy định nhằm đề phòng trường hợp bị lực lượng chức năng phát hiện thì cũng chỉ xử lý hành chính, không thể xử lý hình sự.

- Đối tượng thường sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng với số lượng nhỏ, giá trị thấp, đưa tiêu thụ ngay để đề phòng trường hợp bị các lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra thì cũng chỉ xử lý hành chính, không thể xử lý hình sự.

- Lợi dụng vừa sản xuất vừa nhập khẩu để sản xuất, pha trộn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước lấy nhãn hiệu và thông tin của phân bón nhập khẩu đánh lừa người tiêu dùng và chuyển đi tiêu thụ ngay để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

- Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, ban đầu sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng tiêu chuẩn đăng ký, sau thời gian hoạt động có uy tín, thương hiệu thì sản xuất sản phẩm với hàm lượng, chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn đăng ký để thu lợi nhuận cao hơn.

- Quảng cáo trên bao bì sản phẩm là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sản xuất theo công nghệ Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... hoặc ghi nhãn phức tạp, không rõ ràng, ghi tên gần giống sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài và Việt Nam làm cho người tiêu dùng ngộ nhận, nhầm lẫn với sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, có uy tín.

- Lợi dụng nhận thức, trình độ dân trí thấp, tâm lý ham hàng hóa giá rẻ của đại đa số người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, vùng có nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn như khu vực đồng bang sông Cửu Long, khu vực đồng bằng Bắc bộ... đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn, chiết khấu tỷ lệ cao, cho trả chậm, trả trước một phần, mua một tặng một... tại những cửa hàng vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ, số lượng hạn chế ở khu vực nông thôn để tiêu thụ nhanh hàng giả, kém chất lượng, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác quán triệt, chỉ đạo triển khai

Căn cứ nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng và các đơn vị căn cứ tình hình thực tế tại từng địa bàn để xây dựng kế hoạch, chuyên đề, tổ chức tọa đàm, hội thảo về thực trạng tình hình và các phương án, giải pháp đấu tranh; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn; đến nay cơ bản đã đạt được kết quả tích cực, kiểm soát được thị trường; tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm từ cơ quan quản lý đến lực lượng chức năng; tuyên truyền sâu rộng đến tất cả người dân, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, nông dân và các doanh nghiệp chân chính.

a) Các bộ, ngành Trung ương

- Chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các loại phân bón trên toàn quốc; chấn chỉnh, xử lý những sai phạm; rà soát, đánh giá những bất cập, sơ hở, chồng chéo và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc bộ và các địa phương rà soát, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2019.

- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (sau đây gọi tắt là Văn phòng Thường trực) chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ đã được phân công trong Kế hoạch số 1239; chủ trì, phối hợp Cục Bảo vệ thực vật, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các buổi hội thảo “công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật - thực trạng và giải pháp” tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh An Giang; phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương thẩm tra, kết luận và trả lời đơn thư tố cáo, phản ánh của các tổ chức, cá nhân.

b) Các tỉnh, thành phố

Chỉ đạo các sở, ban, ngành và các lực lượng chức năng các cấp xây dựng kế hoạch, chuyên đề, tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng...; tham gia tọa đàm, hội thảo về thực trạng tình hình và các phương án, giải pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường kiểm tra việc thực hiện lấy mẫu khảo nghiệm, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức tuyên truyền sâu rộng, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người nông dân nhận thức, phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng không được kinh doanh, sử dụng...

2. Công tác thông tin, tuyên truyền

Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng các loại sản phẩm hàng hóa trong Kế hoạch số 1239 cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và người nông dân nhận thức, phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng được phép kinh doanh, sử dụng và hàng không được kinh doanh, sử dụng:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Quỹ chống hàng giả Việt Nam, Văn phòng Thường trực và các cơ quan báo chí, truyền thông đăng, phát hàng nghìn phóng sự, tin bài, tăng thời lượng, nội dung, khung giờ phát sóng tuyên truyền về phòng, chống hàng giả, hướng dẫn người tiêu dùng, bà con nông dân nhận thức, phân biệt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng thật, hàng giả, hàng được phép kinh doanh, sử dụng, hàng không được kinh doanh, sử dụng và những kinh nghiệm trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Văn phòng Thường trực, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hiệp hội phân bón Việt Nam, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đăng, phát hàng nghìn phóng sự, tin bài phản ánh về tình hình vi phạm, những kết quả, thành tích trong công tác phòng, chống sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng... kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý đơn thư tố cáo, phản ánh của các tổ chức, cá nhân...

3. Kết quả kiểm tra, rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với và các bộ, ngành chức năng liên quan chỉ đạo:

+ Thanh tra, kiểm tra, rà soát công tác cấp phép sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, chứng nhận chất lượng, công bố hợp quy, hợp chuẩn; kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, chứng nhận và giám định của các tổ chức tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

+ Kiểm tra, rà soát, đánh giá những bất cập, sơ hở, chồng chéo và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định pháp luật về quản lý về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về Quản lý phân bón thay thế Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/09/2017 của Chính phủ).

+ Rà soát, đánh giá, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/08/2019 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón (QCVN 01- 189:2019/BNNPTNT) và Thông tư số 12/2018/TT-BNNPTNT ngày 05/10/2018 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật (QCVN 01- 188:2018/BNNPTNT).

+ Kiểm tra, rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đối với lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: 82 tiêu chuẩn quốc gia (82 TCVN) lĩnh vực phân bón, 95 tiêu chuẩn quốc gia (95 TCVN) lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật.

- Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, công bố hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đối với lĩnh vực phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

4. Kết quả kiểm tra, rà soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

a) Đối với phân bón

- Hoạt động sản xuất phân bón: Hiện cả nước có 814 cơ sở sản xuất phân bón các loại.

- Hoạt động nhập khẩu phân bón: Mỗi năm các doanh nghiệp nhập khẩu khoảng từ 3,5 triệu đến 4,5 triệu tấn phân bón các loại.

- Hoạt động xuất khẩu phân bón: Mỗi năm các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng từ 600 nghìn đến 800 nghìn tấn phân bón các loại.

b) Đối với thuốc bảo vệ thực vật

- Hoạt động sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (Việt Nam chưa sản xuất được thuốc bảo vệ thực vật): Hiện cả nước có 85 doanh nghiệp (với 107 cơ sở) phối trộn, đóng gói, sản xuất thuốc thành phẩm từ các hoạt chất kỹ thuật nhập khẩu từ nước ngoài.

- Hoạt động nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật: Mỗi năm các doanh nghiệp nhập khẩu khoảng từ 70 nghìn đến 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại.

- Hoạt động xuất khẩu thuốc bảo vệ thực vật: Hàng năm, các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật về để xuất khẩu hoặc để gia công xuất khẩu với khoảng từ 30% đến 35% lượng thuốc bảo vệ thực vật đã nhập khẩu.

5. Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

a) Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chung

Trong hai năm (2018 và 2019), các bộ, ngành, địa phương tổ chức 15.490 lượt thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện, xử lý 12.356 vụ, 8.325 tổ chức, cá nhân vi phạm, với hàng chục nghìn tấn hàng hóa vi phạm (có giá trị hàng trăm tỷ đồng), xử lý vi phạm hành chính 12.339 vụ, 8.310 tổ chức, cá nhân vi phạm, phạt hành chính hơn 112.130.318.000 (một trăm mười hai tỷ, một trăm ba mươi triệu, ba trăm mười tám nghìn) đồng, xử lý hình sự (khởi tố) 17 vụ, 19 bị can.

- Vi phạm đối với phân bón: Thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng nghìn tổ chức, cá nhân vi phạm, hàng chục nghìn tấn phân bón vi phạm, có trị giá hàng trăm tỷ đồng, xử phạt hành chính hơn 82.634.320.000 (tám mươi hai tỷ, sáu trăm ba mươi bốn triệu, ba trăm hai mươi nghìn) đồng, xử lý hình sự (khởi tố) 10 vụ, 12 bị can.

- Vi phạm đối với thuốc bảo vệ thực vật: Thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng nghìn tổ chức, cá nhân vi phạm, hàng triệu lít, gói, chai, lọ, hộp, thùng thuốc bảo vệ thực vật vi phạm, có trị giá hàng trăm tỷ đồng, xử phạt hành chính hơn 24.195.998.000 (hai mươi bốn tỷ, một trăm chín mươi lăm triệu, chín trăm chín mươi tám nghìn) đồng, xử lý hình sự (khởi tố) 07 vụ, 07 bị can.

- Vi phạm trong quảng cáo đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng trăm cơ quan báo chí, truyền thông và doanh nghiệp vi phạm pháp luật quảng cáo, xử phạt hành chính 4.300.000.000 (bốn tỷ, ba trăm nghìn) đồng.

b) Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm cụ thể của các đơn vị

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật, Thanh tra Bộ) thanh tra, kiểm tra, phát hiện 255 tổ chức, cá nhân vi phạm về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp với công bố hợp quy, không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, không bảo đảm chất lượng nhập khẩu, vi phạm về nhãn, có hình ảnh, chữ viết không đúng với bản chất sản phẩm, không thực hiện đánh giá, kiểm nghiệm, phân tích, kiểm tra chất lượng trước khi đưa ra thị trường, không có trong danh mục được lưu hành, xử phạt hành chính 3.431.778.878 đồng, chuyển hồ sơ 02 vụ có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật.

* Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố) kiểm tra 5.441 trường hợp, phát hiện 2.766 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 5.169.187.840 đồng đối với các hành vi kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm về giá, sản xuất khi chưa có giấy phép, vi phạm quy định về hợp quy.

* Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế) kiểm tra, phát hiện 226 vụ, trị giá hàng hóa 33.893.000.000 đồng, xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế 18.592.000.000 đồng đối với các hành vi kinh doanh, vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, vi phạm về giá...

* Bộ Công an kiểm tra, phát hiện 451 vụ, 444 đối tượng (phân bón: 204 vụ/207 đối tượng, thuốc bảo vệ thực vật: 247 vụ/237 đối tượng), tạm giữ 1.300 tấn, 12.300 lít phân bón giả, kém chất lượng và 42.300 lít, gói, chai, lọ, thùng, 500 kg thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, xử lý vi phạm hành chính 414 vụ, 414 tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt hành chính 5.968.200.000 đồng, khởi tố 09 vụ, 09 bị can đối với các hành vi vận chuyển trái phép, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

* Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) kiểm tra, kiểm soát xuất khẩu 2.865.714 tấn phân bón, 42.262 lít, gói, chai, thùng thuốc bảo vệ thực vật các loại, nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia 47.673 tấn phân bón các loại; hoạt động mua bán, sử dụng tại địa bàn khu vực biên giới 2.812 tấn phân bón các loại và 89.260 lít, chai thuốc bảo vệ thực vật các loại; phát hiện 07 vụ, 08 tổ chức, cá nhân vi phạm, tạm giữ hơn 991 tấn phân bón các loại, 1.252 chai, hộp thuốc bảo vệ thực vật, xử phạt vi phạm hành chính, bán phát mại nộp ngân sách nhà nước 4.079.100.000 đồng đối với các hành vi mua bán, vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

* Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí (báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói) trong cả nước đăng, phát hàng nghìn phóng sự, tin bài tuyên truyền về pháp luật, tình hình vi phạm và kết quả phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phát hiện, xử lý các cơ quan báo chí, truyền thông và doanh nghiệp vi phạm pháp luật quảng cáo trong quảng cáo hàng hóa là vật tư nông nghiệp, xử phạt hành chính 4.300.000.000 đồng.

* Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra, phát hiện 9.080 vụ, đối với 4.617 tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (hàng giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm về giá, sản xuất khi chưa có giấy phép, vi phạm quy định về hợp quy...); tiến hành xử lý 8.649 vụ, 4.617 tổ chức, cá nhân vi phạm (xử lý hành chính 8.643 vụ, 4.613 tổ chức, cá nhân vi phạm, phạt hành chính hơn 67.000.000.000 đồng, khởi tố 06 vụ, 08 bị can).

- Đối với phân bón: Thanh tra, kiểm tra, phát hiện 5.112 vụ, 2.792 tổ chức, cá nhân, tiến hành xử lý 4.681 vụ, 2.792 tổ chức, cá nhân vi phạm (xử lý hành chính 4.678 vụ, 2.789 tổ chức, cá nhân vi phạm, phạt hành chính 46.000.000.000 động, khởi tố 03 vụ, 03 bị can).

- Đối với thuốc bảo vệ thực vật: Thanh tra, kiểm tra, phát hiện 3.968 vụ, 1.825 tổ chức, cá nhân, tiến hành xử lý 3.968 vụ, 1.825 tổ chức, cá nhân vi phạm (xử lý vi phạm hành chính 3.965 vụ, 1.820 tổ chức, cá nhân vi phạm, phạt hành chính 26.000.000.000 đồng, khởi tố 03 vụ, 05 bị can).

III. ĐÁNH GIÁ, NHẬN XÉT

1. Ưu điểm

- Các bộ, ngành, lực lượng chức năng và các địa phương đã quán triệt, chỉ đạo triển khai Kế hoạch số 1239 nghiêm túc, hiệu quả, với nhiều giải pháp đồng bộ, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn; kiểm soát được tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cả nước, góp phần lập lại trật tự quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định thay thế nghị định về quản lý phân bón; ban hành các thông tư quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật; ban hành mới hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác hướng dẫn, kiểm tra công tác cấp phép sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, chứng nhận chất lượng, công bố hợp quy, hợp chuẩn và giám định.

- Bộ Khoa học và Công nghệ công bố hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Tồn tại

- Một số đơn vị chậm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 1239, chưa thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung theo đôn đốc, hướng dẫn của Văn phòng Thường trực, chưa hoặc chậm gửi báo cáo quý, sơ kết 6 tháng, tổng kết Kế hoạch số 1239 về Văn phòng Thường trực.

- Nội dung báo cáo tổng kết Kế hoạch sổ 1239, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đúng theo hướng dẫn tổng kết Kế hoạch số 1239 (Công văn số 54/VPTT-TH ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Thường trực), đánh giá còn chung chung, chưa có số liệu cụ thể.

- Công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin, hiệp đồng phát hiện, bắt giữ giữa các đơn vị còn hạn chế, bất cập; đối với một số vụ việc vi phạm, các đơn vị không thống nhất phương án, biện pháp xử lý dẫn đến tình trạng để vụ việc bị kéo dài mà chưa được giải quyết.

- Công tác thông tin, tuyên truyền đôi lúc chưa kịp thời, chưa bám sát kịp tình tình thực tế, tác dụng tuyên truyền còn hạn chế.

3. Nguyên nhân của những tồn tại

- Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên địa bàn cả nước nói riêng tuy về cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tùy theo tình hình, ở từng thời điểm khác nhau, trên các địa bàn khác nhau, các đối tượng hoạt động ngày một tinh vi hơn, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, phát hiện, bắt giữ.

- Một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 1239, chưa xác định trách nhiệm người đứng đầu khi để hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng diễn ra phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

- Lực lượng thực thi công vụ còn thiếu, năng lực, trình độ chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ và kinh nghiệm còn hạn chế.

- Hầu hết các vụ việc trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thường dừng lại ở khâu kiểm tra về điều kiện kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn, chứng từ... và được xử lý vi phạm hành chính, chưa tập trung kiểm tra, xác định về chất lượng hàng hóa, xác minh, điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật để có căn cứ xử lý hình sự.

- Các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên các địa bàn chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm phân tán, các cơ sở vi phạm hoạt động lén lút, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và địa phương còn thiếu thống nhất, hình thức, chưa thực chất (nhất là việc trao đổi, chia sẻ thông tin về hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí).

- Kinh phí giám định, kiểm tra, thuê kho bãi, xử lý tiêu hủy tang vật vi phạm trong những vụ việc còn rất hạn chế và khó khăn; trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

IV. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

1. Các địa phương thiếu thông tin về trường hợp thẩm định điều kiện để được cấp giấy phép và thông báo đã cấp giấy phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc sau khi được cấp giấy phép thiểu sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền cấp phép với cơ quan chức năng địa phương trong kiểm tra, hậu kiểm để kiên quyết xử lý những cơ sở không chấp hành duy trì những điều kiện trong sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Kết quả thử nghiệm về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức kiểm nghiệm không giống nhau, gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, chưa tạo được lòng tin cho người kinh doanh chân chính. Trong kết quả kiểm nghiệm, các tổ chức kiểm nghiệm không có đánh giá, kết luận về mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên khó khăn cho công tác đánh giá, kết luận và xử lý vi phạm của cơ quan kiểm tra.

3. Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đăng ký hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại một địa điểm nhưng lại tổ chức sản xuất, kinh doanh tại một hoặc nhiều địa điểm khác hoặc thay đổi người đại diện theo pháp luật nhưng không thông báo nên gây khó khăn cho công tác quản lý địa bàn cũng như việc phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm.

4. Trường hợp đối tượng lợi dụng nhận thức hạn chế, tâm lý ham hàng giá rẻ... của nông dân, người tiêu dùng để tiêu thụ các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng... gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình điều toa, xác minh truy nguồn gốc, nơi sản xuất, nơi cung cấp, tiêu thụ các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng...

5. Đối tượng sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhái gần giống thương hiệu nổi tiếng, giả các thương hiệu chưa đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam hoặc sản xuất mà không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm theo quy định hoặc thường sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng với số lượng nhỏ, giá trị thấp, đưa tiêu thụ ngay nhằm đề phòng trường hợp bị lực lượng chức năng phát hiện thì cũng chỉ xử lý hành chính, không thể xử lý hình sự.

6. Cơ quan kiểm tra rất khó khăn trong việc tạm giữ, bảo quản tang vật (vì không có kho đủ điều kiện, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người), phải đi thuê ngoài, chi phí thuê kho lớn (phải xây dựng dự toán từ cuối năm trước), khi phát sinh các khoản này không có chi phí để thực hiện; kinh phí tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật lớn; thực tế Ban Chỉ đạo 389 Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ đặt hàng cơ quan báo chí thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng chưa có kinh phí thực hiện.

7. Các cơ sở kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn nông thôn chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm phân tán nên khó khăn cho cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát.

8. Các doanh nghiệp (chủ sở hữu thương hiệu) phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chân chính lo ngại, sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, giảm doanh thu nên không chủ động hợp tác thu hồi, xử lý sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Khi mua hàng, người nông dân thường ghi nợ và thanh toán sau thu hoạch nếu phát hiện là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng thì thường chấp nhận, không khiếu nại, tố cáo nên các cơ quan chức năng rất khó phát hiện và xử lý kịp thời.

V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Một số giải pháp

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quy định về xử lý, tiêu hủy tang vật thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tiễn hiện nay; nghiên cứu, phân cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và có cơ chế phối hợp giữa Trung ương với địa phương về cấp giấy phép, phân vùng quy hoạch môi trường, các điều kiện sản xuất trước khi cấp giấy phép sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương định hướng các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm đủ về số lượng, đa dạng về sản phẩm, có chất lượng cao, có giá thành phù hợp nhằm đáp ứng tình hình và yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới; rà soát, làm rõ trách nhiệm (đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các tổ chức), chấn chỉnh, xử lý tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm đánh giá sự phù hợp, chứng nhận hợp quy, cấp phép các sản phẩm hàng hóa.

3. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tăng cường công tác năm tình hình, phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình, những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của đối tượng để chủ động, kịp thời đề ra giải pháp phù hợp và tổ chức phối hợp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

4. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng và địa phương tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan báo chí, truyền thông ở Trung ương và địa phương thường xuyên, kịp thời đưa tin, đăng bài công khai về các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, những tiêu cực trong công tác quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

5. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, các hiệp hội liên quan và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động các đối tượng trong xã hội tham gia phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; trao đổi, cung cấp thông tin, hỗ trợ các đơn vị, lực lượng chức năng ở Trung ương và địa phương phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trong công tác quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trong sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, mua bán, vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Các bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo 389 các cấp, dựa trên những đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách tiếp tục thực hiện các nội dung được phân công trong Kế hoạch số 1239. Trước mắt, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật, nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch chuyên đề của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đối với vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật chưa phù hợp thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

3. Làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, điều tra cơ bản địa bàn, lĩnh vực quản lý, phụ trách; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

4. Tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại địa bàn trọng điểm, phức tạp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là tại các địa bàn trọng điểm ở nội địa, khu vực biên giới, cửa khẩu, vùng biển... kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và vi phạm sở hữu trí tuệ.

5. Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trao đổi thông tin có dấu hiệu hoặc nghi vấn liên quan hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, mua bán, vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ trên các địa bàn; chủ động phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, nhân dân nhận thức về tác hại, ảnh hưởng của hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đối với môi trường, kinh tế, ngành nông nghiệp, nông dân và người tiêu dùng.

6. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tinh thần và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; rà soát, xác định, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các tổ chức) để xảy ra những sai phạm phức tạp, kéo dài nhằm kịp thời chấn chỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, điển hình trong công tác phòng, chống hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Văn phòng Thường trực theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch số 1239 để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trong thời gian tới./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ;
- Đ/c Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng BCĐ389QG (để báo cáo);
- Các đ/c Phó Trưởng ban, Ủy viên BCĐ389QG;
- Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội nông dân Việt Nam;
- UBND, BCĐ389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Thường trực BCĐ389QG;
- Các cơ quan, đơn vị: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng), Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an);
- Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Quỹ chống hàng giả Việt Nam;
- Các Vụ: V.I, NN, Cổng TTĐT Chính phủ (VPCP);
- Lưu: VT, VPTT (ĐVP-03b).

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC




BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Đinh Tiến Dũng

 

PHỤ LỤC

THỐNG KÊ VỤ VIỆC LĨNH VỰC PHÂN BÓN, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐÃ KIỂM TRA, BẮT GIỮ, XỬ LÝ
(Kèm theo Báo cáo số 10/BC-BCĐ389 ngày 11 tháng 9 năm 2020)

TT

Đơn vị

Kiểm tra

Vụ

Đối tượng

Xử lý

Tang vật

Tiền phạt

Hình sự

(V/ĐT)

Hành chính

(V/ĐT)

1

Các bộ, ngành

6.410

3.707

3.708

11/11

(PB: 07/09, TBVTV: 04/02)

3.696/3.697

- 2.291 tấn, 12.300 lít phân bón giả, nhái, kém chất lượng...

- 43.552 lít, gói, chai, lọ, hộp, thùng và 500 kg thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái, kém chất lượng...

45.130.318.000 đồng

(PB: 36.634.320.000 đồng, TBVTV: 8.495.998.000 đồng)

2

Các tỉnh, thành

9.080

8.649

4.617

06/08

(PB: 03/03, TBVTV: 03/05)

8.643/4.613

- Hàng nghìn tấn phân bón giả, nhái, kém chất lượng...

- Hàng triệu lít, gói, chai, lọ, hộp, thùng thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái, kém chất lượng...

67.000.000.000 đồng

(PB: 46.000.000.000 đồng, TBVTV: 20.000.000.000 đồng)

Tổng cộng

15.490

12.356

8.325

17/19

(PB: 10/12, TBVTV: 07/07)

12.339/8.310

- Hàng chục nghìn tấn phân bón giả, nhái, kém chất lượng...

- Hàng triệu lít, gói, chai, lọ, hộp, thùng và 500 kg thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái, kém chất lượng...

112.130.318.000 đồng

(phân bón: 82.634.320.000 đồng, thuốc bảo vệ thực vật: 28.495.998.000 đồng)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 10/BC-BCĐ389 năm 2020 về tổng kết, đánh giá thực hiện Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 do Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành

  • Số hiệu: 10/BC-BCĐ389
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/09/2020
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
  • Người ký: Đinh Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản
File đang được cập nhật