Hệ thống pháp luật

BẢN GHI NHỚ

GIỮA BỘ TƯ PHÁP CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BỘ TƯ PHÁP VÀ BÌNH ĐẲNG AI-LEN VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH PHÁP LUẬT VÀ TƯ PHÁP

Bộ Tư pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp và Bình đẳng Ai-len (sau đây gọi là "hai Bên"),

Với mong muốn củng cố, mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp giữa hai Bên;

Tin tưởng rằng hợp tác trong lĩnh vực này giữa các Bên sẽ làm nền tảng quan trọng và động lực thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác song phương trong những lĩnh vực khác mà hai nước cùng quan tâm;

Thỏa thuận như sau:

Điều I

Nguyên tắc hợp tác

Hai bên thực hiện các hoạt động hợp tác về cải cách pháp luật và tư pháp trên cơ sở Bản ghi nhớ này, trong khuôn khổ pháp luật của mỗi nước, phù hợp với các cam kết quốc tế của mỗi nước và trong phạm vi thẩm quyền của mỗi Bên.

Điều II

Nội dung hợp tác

Hai Bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực sau đây:

1. Trao đổi kinh nghiệm về cải cách pháp luật và tư pháp.

2. Trao đổi kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và các thiết chế thi hành pháp luật.

3. Trao đổi kinh nghiệm trong cải cách công tác quản lý thi hành án phạt tù, tư pháp vị thành niên, hệ thống tòa án.

4. Trao đổi kinh nghiệm trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tư pháp.

Điều III

Hình thức hợp tác

Các Bên sẽ tiến hành hợp tác dưới các hình thức sau đây:

1. Trao đổi các chuyến thăm và làm việc của Đoàn cấp Lãnh đạo Bộ.

2. Trao đổi các đoàn cán bộ và chuyên gia sang nghiên cứu, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm công tác về các nội dung hợp tác được nêu tại Điều II.

3. Trao đổi tài liệu và ấn phẩm trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp khi mỗi Bên có yêu cầu.

4. Các hình thức hợp tác khác mà các Bên thống nhất.

Điều IV

Cơ quan đầu mối

1. Hai Bên giao cho các đơn vị trực thuộc sau đây làm cơ quan đầu mối liên lạc trực tiếp trong quá trình thực hiện Bản ghi nhớ:

Phía Bộ Tư pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Vụ Hợp tác quốc tế,

Phía Bộ Tư pháp và Bình đẳng Ai-len: Văn phòng Tổng Thư ký.

2. Các cơ quan đầu mối chủ trì việc thảo luận và xây dựng chương trình hợp tác hàng năm giữa hai Bên nhằm thực hiện Bản ghi nhớ này.

3. Các cơ quan đầu mối chủ trì việc thực hiện và đánh giá việc thực hiện các hoạt động hợp tác giữa hai Bên, đưa ra các giải pháp nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác.

Điều V

Chế độ thông tin

1. Mỗi Bên đảm bảo bí mật thông tin, tài liệu và dữ liệu nhận được từ Bên kia trong quá trình thực hiện Bản Ghi nhớ này.

2. Thông tin và các tài liệu nhận được trên cơ sở Bản ghi nhớ này, nếu không có sự đồng ý của Bên cung cấp, sẽ không được sử dụng vào mục đích khác so với mục đích đã yêu cầu.

Điều VI

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ sử dụng khi tiến hành hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này là tiếng Việt và tiếng Anh, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.

Điều VII

Sự tham gia của Bên thứ ba

Mỗi Bên có thể mời Bên thứ ba tham gia các hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ này, sau khi có sự đồng ý của Bên kia. Khi thực hiện các hoạt động chung, các Bên sẽ bảo đảm rằng Bên thứ ba sẽ tuân thủ các quy định của Bản Ghi nhớ này.

Điều VIII

Tài chính

1. Chi phí để thực hiện các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ này do các Bên cùng quyết định trên cơ sở từng hoạt động cụ thể và dựa vào khả năng nguồn lực và tài chính của mỗi Bên.

2. Hai Bên khuyến khích tìm kiếm các nguồn kinh phí từ nguồn thứ ba cho các hoạt động trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này.

Điều IX

Đánh giá việc thực hiện

Thời gian và cách thức đánh giá thực hiện Bản ghi nhớ sẽ do Cơ quan đầu mối của hai Bên thống nhất. Trong suốt quá trình đánh giá, hai Bên sẽ tìm kiếm giải pháp để tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác.

Điều X

Tham vấn

Mọi bất đồng liên quan đến việc thực hiện, giải thích, hoặc áp dụng bất kỳ điều khoản nào của Bản ghi nhớ này sẽ được giải quyết một cách thiện chí thông qua tham vấn giữa hai Bên.

Điều XI

Sửa đổi và bổ sung

Bản ghi nhớ này có thể được sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận bằng văn bản của hai Bên. Văn bản sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực với cùng các điều kiện tương tự như Bản ghi nhớ này. Văn bản sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực kể từ ngày các Bên thống nhất về việc sửa đổi, bổ sung.

Điều XII

Hoãn thực hiện

Mỗi Bên đều có quyền, vì lý do an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, trật tự công cộng và sức khỏa cộng đồng, để hoãn tạm thời, một phần hoặc toàn bộ, việc thực hiện Bản Ghi nhớ này. Việc hoãn thực hiện sẽ có hiệu lực ngay sau khi gửi thông báo bằng văn bản cho Bên kia.

Điều XIII

Hiệu lực

1. Bản ghi nhớ này không phải đăng ký theo quy định tại Điều 102 Hiến chương Liên hợp quốc về đăng ký lưu chiểu điều ước quốc tế.

2. Bản ghi nhớ này có hiệu lực trong năm (05) năm kể từ ngày ký và được mặc nhiên gia hạn mỗi lần năm (05) năm nếu hai Bên không có thông báo ý định chấm dứt hiệu lực bằng văn bản.

3. Mỗi Bên có thể chấm dứt hiệu lực của Bản ghi nhớ này vào bất kỳ thời điểm nào bằng cách thông báo bằng văn bản cho Bên kia. Việc chấm dứt hiệu lực sẽ bắt đầu sau sáu (06) tháng kể từ ngày Bên kia nhận được thông báo bằng văn bản.

4. Việc chấm dứt hiệu lực của Bản ghi nhớ này sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác của hai Bên đã được bắt đầu trước đó cho đến khi các hoạt động này kết thúc theo thỏa thuận ban đầu.

Làm tại Dublin, ngày 24 tháng 9 năm 2012 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị pháp lý như nhau.

 

TM. BỘ TƯ PHÁP
CHXHCN VIỆT NAM




Hà Hùng Cường
Bộ trưởng

TM. BỘ TƯ PHÁP VÀ BÌNH ĐẲNG
AI-LEN




Alan Shatter
Bộ trưởng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam - Ai-len

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 24/09/2012
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Ai-len
  • Người ký: Hà Hùng Cường, Alan Shatter
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản