Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO

******

Số: 26/2003/LPQT

 

 

Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2003

 

Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xu-Đăng có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2003./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ




Trần Duy Thi

 

BẢN GHI NHỚ

VỀ HỢP TÁC GIỮA BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CỘNG HÒA XU-ĐĂNG

Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xu-Đăng (dưới đây gọi là "hai Bên"),

Nhận thức sâu sắc về quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước,

Trên tinh thần của Hiệp định khung về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật, Thương mại và Trao đổi Văn hóa giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Xu-Đăng đã được ký trong chuyến thăm Việt Nam năm 1995 của Ngài Omer Hassan Ahmed El-bashir, Tổng thống Cộng hòa Xu-Đăng,

Quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực,

Mong muốn ngày càng phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

Với mong muốn thúc đẩy thực hiện các vấn đề hai Bên cùng quan tâm, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xu-Đăng cam kết tiến hành các cuộc trao đổi và phối hợp thường xuyên về:

Phát triển quan hệ song phương và triển khai thực hiện các hiệp định hợp tác giữa hai nước.

Các vấn đề quốc tế và khu vực hai Bên cùng quan tâm.

Các cuộc họp tham khảo ý kiến sẽ được tiến hành ở cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng hoặc tương đương và cấp Vụ trưởng của hai Bên cũng như giữa các phái đoàn ngoại giao của hai nước.

Điều 2

Hai Bên sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau trên cơ sở các nội dung của Điều 1 nhằm thực hiện các vấn đề hai Bên cùng quan tâm tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết cũng như tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế khác.

Điều 3

Hai Bên sẽ có trách nhiệm hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, giới doanh nghiệp và các tổ chức chính trị, xã hội của hai nước.

Điều 4

Hai Bên sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả những thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước và tích cực tìm kiếm các khả năng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm.

Điều 5

Hai Bên sẽ thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc đào tạo cán bộ ngoại giao và ở một mức độ có thể sẽ trao đổi các sách báo và bài viết về quan hệ quốc tế và ngoại giao.

Điều 6

Các cuộc họp tham khảo ý kiến trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ này sẽ được tổ chức luân phiên mỗi năm một lần ở cấp Thứ trưởng hoặc tương đương tại Khartoum và Hà Nội.

Thời gian, địa điểm, chương trình nghị sự và các vấn đề liên quan khác của các cuộc họp sẽ được thu xếp thông qua đường ngoại giao. Bên cử đoàn chịu chi phí vé máy bay đi, về. Bên đón chịu chi phí ăn, ở, phương tiện đi lại tại chỗ.

Điều 7

Bản Ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký và sẽ tiếp tục có hiệu lực cho tới khi một trong hai Bên thông báo cho Bên kia bằng văn bản về ý định muốn chấm dứt Bản Ghi nhớ này 6 tháng trước khi Bản Ghi nhớ hết hiệu lực.

Làm tại Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2003 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng A-rập và tiếng Anh. Các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự hiểu khác nhau giữa các văn bản thì văn bản tiếng Anh được lấy làm cơ sở để giải thích.

 

THAY MẶT BỘ NGOẠI GIAO
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Phú Bình

THAY MẶT BỘ NGOẠI GIAO
NƯỚC CỘNG HÒA XU-ĐĂNG
THỨ TRƯỞNG




Muttrip Siddig

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Bản ghi nhớ số 26/2003/LPQT về việc hợp tác giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xu-Đăng

  • Số hiệu: 26/2003/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 15/05/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại giao
  • Người ký: Trần Duy Thi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 113
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản