TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TẠI ĐÀ NẴNG Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bản án số: 65/2023/HS-PT Ngày: 24-3-2023
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
- Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Phạm Việt Cường
Các Thẩm phán: Ông Nguyễn Chí Công
Ông Trần Đức Kiên.
Thư ký phiên tòa: Bà Dương Thị Tuyết Trinh - Thư ký Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng: Ông Nguyễn Nam- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Ngày 24-3-2023, từ điểm cầu Trung tâm tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng nối với điểm cầu Thành phần tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng Nẵng xét xử phúc thẩm công khai theo hình thức trực tuyến vụ án hình sự thụ lý số 575/2022/TLPT-HS ngày 19-12-2022 đối với bị cáo Nguyễn Bá N. Do có kháng cáo của bị cáo và kháng cáo của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 112/2022/HS-ST ngày 17-11-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Bị cáo kháng cáo và bị kháng cáo:
Nguyễn Bá N, sinh năm 1991 tại Đắk Lắk; nơi đăng ký NKTT và chỗ ở: Thôn 5, xã E, huyện C1, tỉnh Đắk Lắk; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ văn hoá: 10/12; nghề nghiệp: Làm nông; con ông Nguyễn Bá D và bà Hồ Thị V; vợ là Vũ Ngọc Phương C (đã ly hôn) và có 01 con; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị bắt ngày 24-02-2022, hiện đang giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk, có mặt tại điểm cầu Thành phần.
Bị hại kháng cáo:
Chị Vũ Ngọc Phương C, sinh năm 1996; địa chỉ cư trú: Thôn 5, xã E, huyện C1, tỉnh Đắk Lắk, có mặt tại điểm cầu Thành phần.
Những người tham gia tố tụng có liên quan đến kháng cáo: Người bào chữa cho bị cáo:
Luật sư Trần Thị Ch - Công ty Luật TNHH MTV T, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh
Đắk Lắk; địa chỉ trụ sở: Số 111 đường L, phường T1, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt tại điểm cầu Thành phần.
Người đại diện theo ủy quyền của bị hại: Ông Vũ Hoàng Ch; địa chỉ cư trú: Thôn 5, xã E, huyện C1, tỉnh Đắk Lắk, có mặt tại điểm cầu Thành phần.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại:
Luật sư Mai Thị Ngọc A - Văn phòng Luật sư T2, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ trụ sở: Số 27 đường T3, phường T1, thành phố B, tỉnh ĐắkLắk, vắng mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Ông Nguyễn Bá D, sinh năm 1955; địa chỉ cư trú: Thôn 5, xã E, huyện C1, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, n i dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 15 giờ ngày 30-01-2022, sau khi đi ăn tiệc tất niên, Nguyễn Bá N đến nhà chị Vũ Ngọc Phương C ở thôn 5, xã E, huyện C1, tỉnh Đắk Lắk (là vợ đã ly hôn của Ngọ) để thăm cháu Nguyễn Vũ Trà M (là con chung của N và chị C). Đến nơi, N đi vào trong phòng ngủ của chị C, lúc này trong phòng ngủ có chị C và cháu Trà M, do N có hành vi sàm sỡ nên chị C bỏ xuống quét dọn nhà bếp, còn N vẫn ở tại phòng ngủ chơi với cháu Trà M. Khoảng hơn 20 phút sau, khi N đi vệ sinh ngang phòng bếp thì thấy chị C đang cầm điện thoại, nên tiếp tục trêu đùa (ôm chị C), chị C không đồng ý và lấy điện thoại ra gọi. Bực tức vì bị chị C đẩy ra, N giật lấy điện thoại của chị C ném xuống nền nhà, khi chị C nhặt điện thoại lên, N tiếp tục giật lấy điện thoại ném xuống nền nhà, làm điện thoại bị hư hỏng hoàn toàn. Cùng lúc, N dùng tay đấm và tát vào mặt chị C, chị C dùng chổi quét nhà đánh và đẩy N ra, thì N lấy con dao (bằng kim loại màu đen, dài 39,5 cm) để trên kệ gần bồn rửa chén, chém 01 nhát từ trên xuống trúng vào vùng đầu (thái dương bên trái) và chém tiếp 01 nhát trúng vào vùng cổ tay trái của chị C. Nghe ồn ào trong phòng bếp, ông Vũ Hoàng C3 (là bố chị C) chạy vào can ngăn, đẩy N ra rồi ông C3 đi ra ngoài sân hô hoán kêu cứu. Lúc này, N và chị C vẫn ở trong phòng bếp, N tiếp tục lấy con dao khác (01 con dao bằng kim loại màu trắng, dài 36,5 cm) cũng đang để trên kệ gần bồn rửa chén, chém nhiều nhát vào người chị C. Ông Vũ Hoàng C3 từ sân chạy vào tiếp tục can ngăn, thì N bỏ về nhà, còn chị C được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TH.
Tại Bản kết lu¾n giám định pháp y về thương tích số 181/TgT-TTPY ngày 18-02- 2022, Trung tâm pháp y tỉnh Ðắk Lắk kết lu¾n thương tích của chị Vũ Ngọc Phương C:
Dấu hiệu chính qua giám định:
Phần mềm: Vết thương để lại sẹo hình cung mở xuống dưới gò má thái dương trái chia làm 2 phần: Phần gò má thái dương, kích thước (5 x 0,2) cm, phần thái dương kích thước (13 x 0,2) cm; vết thương để lại sẹo đỉnh giữa sau, cách xoáy tóc 2
cm, kích thước (8 x 0,1) cm; vết thương để lại sẹo nằm ngang chẩm trái, cách tai trái 8 cm, cách chân tóc gáy 7 cm, kích thước (1,5 x 0,1) cm; vết thương để lại sẹo cổ bàn tay trái, kích thước (10 x 0,1) cm; vết thương để lại sẹo mặt ngoài cánh tay trái, hơi cong mở xuống dưới, kích thước (7 x 3) cm; vết thương để lại sẹo nằm dọc gối phải, kích thước (4 x 0,2) cm; vết thương để lại sẹo nông mờ hình cung sau vai cánh tay phải, mở xuống dưới, kích thước (24 x 0,2) cm (không có trong hồ sơ); há miệng được 4 cm.
Xương: Mẻ bản ngoài xương thái dương, tổn thương đi qua cung tiếp trái (có mảnh rời), gãy hở xương thuyền, thang, thê, nền xương bàn III tay trái.
Các bộ phận cơ thể khác: Đứt gân gấp sâu ngón III, IV, gân duỗi chung riêng ngón II, gân duỗi ngắn dài ngón I, gân gấp cổ tay quay dài, gân dạng ngón I, dập đứt nhánh động mạch quay đi vào hõm lào tay trái đã được phẫu thuật, đứt một phần gân cơ tứ đầu đùi phải đã được phẫu thuật.
Tỷ lệ tổn thương cơ thể do từng thương tích gây nên hiện tại là:
Phần mềm: Vết thương để lại sẹo hình cung mở xuống dưới gò má thái dương trái chia làm 2 phần: Phần gò má thái dương, kích thước (5 x 0,2) cm, tỷ lệ: 3%; phần thái dương kích thước (13 x 0,2) cm, tỷ lệ: 2%; vết thương để lại sẹo đỉnh giữa sau, kích thước (8 x 0,1) cm, tỷ lệ: 2%; vết thương để lại sẹo nằm ngang chẩm trái, kích thước (1,5 x 0,1) cm, tỷ lệ: 1%; vết thương để lại sẹo cổ bàn tay trái, kích thước (10 x 0,1) cm, tỷ lệ: 2%; vết thương để lại sẹo mặt ngoài cánh tay trái, hơi cong mở xuống dưới, kích thước (7 x 3) cm, tỷ lệ: 3%; vết thương để lại sẹo nằm dọc gối phải, kích thước (4 x 0,2) cm, tỷ lệ: 1%.
Xương: Mẻ bản ngoài xương thái dương trái, tỷ lệ: 5%; gãy xương cung tiếp trái (có mảnh rời), tỷ lệ: 9%; gãy xương thuyền, thang, thê tay trái, tỷ lệ: 7%; gãy nền xương bàn III bàn tay trái, tỷ lệ: 8%.
Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên:
Sau khi tổng hợp (cộng) các tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do từng thương tích theo phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương quy định tại Điều 4 Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28-8-2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể trong giám định pháp y hiện tại là: 36%.
Vật tác động: Vật sắc.
Cơ chế hình thành thương tích:
Vết thương để lại sẹo hình cung mở xuống dưới gò má thái dương trái, mẻ bản ngoài xương thái dương, tổn thương đi qua cung tiếp trái (có mảnh rời), do vật sắc tác động trực tiếp gây nên có chiều hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ trái qua phải.
Vết thương để lại sẹo giữa đỉnh giữa sau, do vật sắc tác động trực tiếp gây nên có chiều hướng từ trên xuống dưới, từ sau ra trước.
Vết thương để lại sẹo nằm ngang chẩm trái, do vật sắc tác động trực tiếp gây nên có chiều hướng từ trên xuống dưới, từ sau ra trước.
Vết thương để lại sẹo cổ bàn tay trái, gãy hở xương thuyền, thang, thê, nền xương bàn III, do vật sắc tác động trực tiếp gây nên có chiều hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ phải qua trái.
Vết thương để lại sẹo mặt ngoài cánh tay trái, do vật sắc tác động trực tiếp gây nên có chiều hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ trái qua phải.
Vết thương để lại sẹo nằm dọc gối phải do vật sắc tác động trực tiếp gây nên có chiều hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ trái qua phải.
Tại Bản kết luận giám định pháp y thương tích bổ sung số 489/TgT-TTPY ngày 01-6-2022, Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận thương tích của chị Vũ Ngọc Phương C:
Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 36%; vật tác động: Vật sắc.
Tại Bản kết lu¾n định giá tài sản số 07/KLÐG-HÐÐGTS ngày 11-3-2022, H i đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện C1, tỉnh Ðắk Lắk kết lu¾n:
Giá trị thiệt hại của điện thoại di động nhãn hiệu Oppo là 2.400.000 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 112/2022/HS-ST ngày 17-11-2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk:
Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; khoản 1 Điều 178; các điểm b, s (thêm điểm h đối với tội “Huỷ hoại tài sản”) khoản 1 Điều 51; Điều 15; khoản 1 Điều 55; khoản 1 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
Nguyễn Bá N 15 (mười lăm) năm tù về tội “Giết người” và 06 (sáu) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 15 (mười lăm) năm 06 (sáu) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 24-02-2022.
Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự; các Điều 584, 585, 589 và 590 của Bộ luật Dân sự.
Buộc bị cáo Nguyễn Bá N bồi thường cho chị Vũ Ngọc Phương C số tiền 249.497.000 đồng (được trừ 59.500.000 đồng đã bồi thường). Bị cáo còn phải bồi thường tiếp 189.997.000 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 28-11-2022, bị cáo Nguyễn Bá N kháng cáo xin giảm hình phạt.
Ngày 29-11-2022, bị hại Vũ Ngọc Phương C kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo và tăng phần bồi thường thiệt hại đối với mình là 1.254.913 đồng.
Trên cơ sở n i dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1]. Ngày 28-11-2022, bị cáo Nguyễn Bá N kháng cáo xin giảm hình phạt; ngày 29-11-2022, bị hại Vũ Ngọc Phương C kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo và buộc bị cáo bồi thường cho chị 1.254.913.000 đồng. Đơn kháng cáo của bị
cáo và của bị hại là trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên kháng cáo, đề nghị giảm hình phạt; bị hại và người đại diện theo ủy quyền của bị hại thay đổi kháng cáo, đề nghị giảm hình phạt đối với bị cáo về tội “Hủy hoại tài sản” và tăng mức bồi thường thiệt hại đối với bị hại là 1.254.913.000 đồng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự:
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và kháng cáo của bị hại; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư bào chữa cho bị cáo và bị cáo tranh luận công khai; nói lời sau cùng, bị cáo xin giảm hình phạt.
[2]. Xét kháng cáo của bị cáo:
[2.1]. Về tội danh:
Sau khi đi nhậu về, Nguyễn Bá N đến nhà chị Vũ Ngọc Phương C (là vợ cũ của Ngọ) để thăm con gái. Tại đây, N có hành vi sàm sỡ chị C, nên hai người có lời qua tiếng lại. Do bực tức, N ném điện thoại (trị giá 2.400.000 đồng) của chị C xuống nền nhà làm hư hỏng hoàn toàn rồi dùng tay đấm, tát vào mặt chị C. Sau đó, Nguyễn Bá N dùng dao chém 02 nhát trúng vào vùng đầu, cổ tay của chị C; mặc dù, được ông Vũ Hoàng C3 (là bố bị hại) can ngăn, nhưng N tiếp tục lấy 01 con dao khác chém liên tiếp vào người của chị C; hậu quả, chị C bị thương tích, với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 36%.
Hành vi nêu trên của Nguyễn Bá N đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, với lỗi cố ý gián tiếp và tội “Hủy hoại tài sản”. Toà án cấp sơ thẩm áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123 và khoản 1 Điều 178 của Bộ luật Hình sự kết án bị cáo về hai tội danh nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2.2]. Về hình phạt:
Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, biết rõ tính mạng của con người được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng của người khác sẽ bị xử lý nghiêm khắc, nhưng chỉ do bị hại phản đối hành vi sàm sỡ của mình, ngay lập tức bị cáo đã dùng dao (hung khí nguy hiểm) chém liên tiếp vào vùng đầu (vùng trọng yếu) trên cơ thể của bị hại, việc bị hại không chết mà chỉ bị thương tích, với tỷ lệ tổn thương cơ thể 36% là ngoài ý thức chủ quan của bị cáo; ngoài ra, trước khi thực hiện hành vi chém bị hại, bị cáo còn đập phá làm hư hỏng hoàn toàn điện thoại của bị hại. Hành vi của bị cáo không những xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản của bị hại, mà còn ảnh hưởng đến trật tự, trị an địa phương, gây dư luận xấu trong nhân dân, nên cần phải xử phạt bị cáo một hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, do bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; cùng gia đình khắc phục một phần hậu quả (bồi thường 59.500.000 đồng); phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt; tài sản huỷ hoại có giá trị không lớn. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 15 (mười lăm) năm 06 (sáu)
tháng tù về hai tội là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo.
Bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt, nhưng tại phiên toà phúc thẩm bị cáo không cung cấp được chứng cứ để chứng minh có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; đồng thời, hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; cùng lúc phạm liền hai tội; do đó, cần phải áp dụng mức hình phạt thật nghiêm khắc, việc cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài là điều cần thiết. Có như vậy, mới đủ tác dụng để cải tạo, giáo dục đối với bị cáo, cũng như ngăn chặn và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không giảm hình phạt cho bị cáo.
[3]. Xét kháng cáo của bị hại:
[3.1]. Về hình phạt:
Tại phiên tòa phúc thẩm bị hại và người đại diện theo ủy quyền thay đổi nội dung kháng cáo, đề nghị giảm hình phạt đối với bị cáo về tội “Hủy hoại tài sản”. Xét thấy, chỉ do bị hại phản đối hành vi sàm sỡ của mình, bị cáo đã giật điện thoại của bị hại rồi đập phá làm hư hỏng hoàn toàn và liền ngay sau đó bị cáo tiếp tục phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm hại đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác, nên cần phải xử phạt bị cáo hình phạt nghiêm khắc. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận nội dung thay đổi kháng cáo này của bị hại.
[3.2]. Về trách nhiệm dân sự:
Bị hại kháng cáo yêu cầu bị cáo phải bồi thường tổng số tiền là 1.254.913.000 đồng, gồm các khoản: Công người chăm sóc trong thời gian chị điều trị là
54.000.000 đồng; tiền cấp dưỡng nuôi con là 216.000.000 đồng; thiệt hại về sức khoẻ và thu nhập thực tế bị mất là 432.000.000 đồng; chi phí ăn học cho con trong thời gian 36 tháng chị không lao động được là 108.000.000 đồng; chi phí cho người thường xuyên chăm sóc 144.000.000 đồng; tổn thất tinh thần cho chị và người thân trong gia đình chị là 200.000.000 đồng và giá trị chiếc điện thoại 6.000.000 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét để chấp nhận yêu cầu bồi thường của bị hại các khoản như sau:
Tiền thuốc và tiền viện phí điều trị, tái khám tại bệnh viện Đa khoa TH, Phòng khám Bác sỹ Tâm; Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa An Phú, tỉnh Bình Dương có hóa đơn là: 52.197.955 đồng.
Tiền xe đưa đi cấp cứu, tái khám từ huyện C1 - Bệnh viện TH; từ huyện C1 - Phòng khám Bác sỹ Tâm bao gồm lượt đi, về (06 lần): 500.000 đồng x 6 = 3.000.000 đồng.
Tiền xe đi khám và điều trị từ huyện C1 đến Bệnh viện Đa khoa An Phú, tỉnh Bình Dương bao gồm lượt đi, về: 2.500.000 đồng.
Tiền xe đi khám và điều trị từ huyện C1 đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm lượt đi, về: 2.500.000 đồng.
Tiền thu nhập bị mất trong thời gian điều trị tại Bệnh viện (từ ngày 30-01- 2022 đến ngày 16-7-2022): 166 ngày x 200.000 đồng/ngày = 33.200.000 đồng.
Tiền thu nhập bị mất của bị hại trong thời gian hồi phục sức khỏe: 06 tháng x
200.000 đồng/ngày = 36.000.000 đồng.
Khoản tiền thu nhập bị mất của 01 người chăm sóc trong thời gian điều trị: 166 ngày x 200.000 đồng/ngày = 33.200.000 đồng.
Tiền bồi dưỡng sức khỏe: 10.000.000 đồng.
Tiền bồi thường tổn thất tinh thần: 50 tháng lương cơ sở x 1.490.000 đồng =
74.500.000 đồng.
- Giá trị còn lại của chiếc điện thoại di động mà bị cáo N đã hủy hoại theo kết luận định giá: 2.400.000 đồng.
Tổng cộng, bị cáo phải bồi thường cho bị hại là 249.497.000 đồng (làm tròn) và được khấu trừ số tiền 59.500.000 đồng đã bồi thường trước, bị cáo tiếp tục phải bồi thường 189.997.000 đồng.
Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng việc tính toán để chấp nhận các khoản chi phí nêu trên của Toà án cấp sơ thẩm là đúng quy định tại các Điều 589 và 590 của Bộ luật Dân sự; riêng đối với khoản tiền thu nhập bị mất của bị hại trong thời gian điều trị tại Bệnh viện và tiền thu nhập bị mất của bị hại trong thời gian hồi phục sức khỏe, thì Toà án cấp sơ thẩm tính thu nhập 01 ngày/200.000 đồng là chưa phù hợp với thực tế thu nhập của bị hại trước khi sức khoẻ bị xâm phạm.
Tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06-9-2022 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: “… b) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nh¾p không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra…”.
Theo Bảng kê tiền lương của chị Vũ Ngọc Phương C, thì thu nhập lương của 03 tháng trước khi sức khoẻ bị xâm phạm là tháng 10-2021 (8.545.986 đồng), tháng 11- 2021 (17.891.032 đồng) và tháng 12-2021 (20.731.848 đồng), do đó tiền thu nhập 01 ngày trung bình của 03 tháng là: 524.098 đồng.
Như vậy, khoản tiền thu nhập bị mất của bị hại trong thời gian điều trị tại Bệnh viện và tiền thu nhập bị mất của bị hại trong thời gian hồi phục sức khỏe được tính lại là: 181.337.908 đồng. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc bị cáo bồi thường cho bị hại tổng số tiền là 302.134.908 đồng (làm tròn 302.134.000 đồng).
Như vậy, kháng cáo tăng mức bồi thường thiệt hại của chị Vũ Ngọc Phương C đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét và có cơ sở để chấp nhận.
[4]. Về yêu cầu của người đại diện theo uỷ quyền của bị hại:
Trong quá trình giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm, người đại diện theo uỷ quyền của bị hại là anh Vũ Hoàng Ch có Đơn yêu cầu khởi tố vụ án, nội dung đơn đề nghị là xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo và trách nhiệm dân sự đối với bị hại. Tuy nhiên, các vấn đề nêu trong đơn của ông Trung giống như nội dung kháng cáo của bị hại và đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, do đó không đề cập giải quyết.
[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.
[6]. Về án phí:
[6.1]. Về án phí dân sự:
Do sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự, nên bị cáo Nguyễn Bá N phải chịu 15.106.700 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
[4.2.]. Về án phí hình sự phúc thẩm:
- Do kháng cáo không được chấp nhận, nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ các điểm a, b khoản 1 Điều 355; Điều 356 và điểm b khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Không chấp nhận kháng cáo đề nghị giảm hình phạt của bị cáo Nguyễn Bá N.
Chấp nhận kháng cáo của bị hại Vũ Thị Phương C về Phần Trách nhiệm dân
sự.
Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 112/2022/HS-ST ngày 17-11-2022 của Tòa án
nhân dân tỉnh Đắk Lắk về phần Trách nhiệm dân sự đối với bị cáo Nguyễn Bá N.
Về trách nhiệm hình sự:
Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; các điểm b, s (thêm điểm h đối với tội “Huỷ hoại tài sản”) khoản 1 Điều 51; Điều 15; khoản 1 Điều 55; khoản 1 và khoản 3 Điều 57 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
Nguyễn Bá N 15 (mười lăm) năm tù về tội “Giết người” và 06 (sáu) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai tội là 15 (mười lăm) năm 06 (sáu) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 24-02-2022.
2.2. Về Trách nhiệm dân sự:
Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự; các Điều 584, 585, 589 và 590 của Bộ luật Dân sự.
Buộc bị cáo Nguyễn Bá N phải bồi thường cho bị hại Vũ Ngọc Phương C 302.134.000 đồng (được trừ 59.500.000 đồng đã bồi thường). Bị cáo còn phải bồi thường tiếp 242.634.000 đồng (hai trăm bốn mươi hai triệu sáu trăm ba mươi tư nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền nêu trên, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Ðiều 357 và Ðiều 468 của B lu¾t Dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian ch¾m trả tại thời điểm thanh toán.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Về án phí:
Căn cứ Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 23; điểm b khoản 1 Điều 24 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Án phí dân sự sơ thẩm:
- Bị cáo Nguyễn Bá N phải chịu 15.106.000 đồng (mười lăm triệu một trăm lẻ sáu nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Án phí hình sự phúc thẩm:
Bị cáo Nguyễn Bá N phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Nơi nhận:
| TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM THẨM PHÁN - CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
(Ðã ký)
Phạm Việt Cường |
Bản án số 65/2023/HS-PT ngày 24/03/2023 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng
- Số bản án: 65/2023/HS-PT
- Quan hệ pháp luật:
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Ngày ban hành: 24/03/2023
- Loại vụ/việc: Hình sự
- Tòa án xét xử: TAND cấp cao tại Đà Nẵng
- Áp dụng án lệ: Đang cập nhật
- Đính chính: Đang cập nhật
- Thông tin về vụ/việc: - Không chấp nhận kháng cáo đề nghị giảm hình phạt của bị cáo Nguyễn Bá N. - Chấp nhận kháng cáo của bị hại Vũ Thị Phương C về Phần Trách nhiệm dân sự. - Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 112/2022/HS-ST ngày 17-11-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về phần Trách nhiệm dân sự đối với bị cáo Nguyễn Bá N.