TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Bản án số: 42/2020/DS - PT Ngày 29 -10 -2020 V/v: Tranh chấp hợp đồng trồng rừng | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Hà Văn Chương
Các Thẩm phán: Bà Phạm Ngọc Hà Ông Ma Ngọc Trung
Thư ký phiên toà: Ông Lương Hữu San - Thư ký Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang: Bà Nguyễn Hữu Tình - Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Ngày 29 tháng 10 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 41/2020/TLPT- DS, ngày 01 tháng 10 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng trồng rừng”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 28/2020/DS - ST, ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Y bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 48/2020/QĐ-PT, ngày 08 tháng 10 năm 2020, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty lâm nghiệp P;
Địa chỉ: Thôn 20, xã N, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang;
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Xuân S - Chức vụ: Phó Giám đốc phụ trách Công ty lâm nghiệp P;
Tại cấp phúc thẩm người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn Ph - Chức vụ: Phó Giám đốc phụ trách Công ty lâm nghiệp P;
Người được ủy quyền: Ông Phạm Minh T - Chức vụ: Phó phòng Kế toán - Kỹ thuật Công ty lâm nghiệp P, theo văn bản ủy quyền số 177/GUQ, ngày 28/10/2020; có mặt.
Bị đơn: Ông Trần Văn C, sinh năm 1963;
Địa chỉ: Thôn K4, xã M, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang; có mặt.
Người kháng cáo: Bị đơn ông Trần Văn C.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Theo nội dung đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và lời khai tại phiên tòa sơ thẩm đại diện nguyên đơn là Công ty lâm nghiệp P trình bày:
Ngày 16 tháng 9 năm 2013, Công ty lâm nghiệp P được Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BN787093, tại xã M, huyện Y với diện tích 4.697.410m2 đất rừng sản xuất. Ngày 20 tháng 9 năm 2018, Công ty lâm nghiệp P đã ký Hợp đồng số 82/HĐTR với ông Trần Văn C với hình thức hợp đồng là khoán chu kỳ tại lô 2, khoảnh 23, diện tích giao khoán 2,2 ha (Công ty cung cấp cây giống, phân bón, hộ gia đình ông Trần Văn C trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng). Ngày 05 tháng 11 năm 2019, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 1238/QĐ-UBND, về việc thu hồi giao đất và cho thuê đất để thực hiện dự án khai thác mỏ đá phiến làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn K, xã M, huyện Y (giai đoạn 1).
Sau khi Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 1238/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 11 năm 2019, Công ty lâm nghiệp P đã thông báo đến hộ gia đình ông Trần Văn C và đề nghị thanh lý Hợp đồng số 82/HĐTR, ngày 20 tháng 9 năm 2018, tại lô 2, khoảnh 23, diện tích 2,2ha (rừng cây Keo trồng năm 2018). Mặc dù đã nhiều lần Công ty lâm nghiệp P, đại diện thôn K4 và các cấp chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, giải thích cho ông Trần Văn C thực hiện việc thanh lý hợp đồng giao khoán với Công ty để thu hồi đất giao cho Công ty TNHH Hoa Đạt CĐP thuê theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, nhưng ông Trần Văn C không nhất trí thanh lý hợp đồng vì cho rằng bồi thường chưa thỏa đáng. Uỷ ban nhân dân xã M đã 02 lần mời ông C đến để hòa giải nhưng ông C đều không có mặt. Do vậy, Công ty lâm nghiệp P đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chấm dứt hợp đồng trồng rừng giữa Công ty với ông Trần Văn C. Qúa trình giải quyết vụ án, Công ty lâm nghiệp P đã tự nguyện bồi thường cho gia đình ông Trần Văn C khoản tiền trị giá tài sản trên đất cả chu kỳ sinh trưởng của cây là 70.000.000 đồng, nhưng ông Trần Văn C vẫn không nhất trí.
Tại phiên tòa, Công ty lâm nghiệp P xác định nếu tính đến thời điểm xét xử thì Công ty phải thanh toán cho hộ ông C số tiền là 17.168.000 đồng (tính tròn 02 năm), sau khi nghiệm thu năm thứ nhất Công ty đã thanh toán tiền công trồng, chăm sóc cho hộ gia đình ông C số tiền là 9.900.000 đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, Công ty vẫn nhất trí thanh toán cho ông Trần Văn C số tiền được hưởng đối với cả chu kỳ là 70.000.000 đồng (xác định trên cơ sở giá trị tài sản trên đất là 2,2 ha cây Keo lai mô, mật độ 1.667 cây/1ha, tỷ lệ cây còn sống bằng 98%).
Bị đơn ông Trần Văn C trình bày:
Trước đây, gia đình ông đã ký hợp đồng giao khoán trồng rừng nguyên liệu giấy với Công ty lâm nghiệp P được 02 chu kỳ, hiện nay đang thực hiện chu kỳ thứ 3 theo hợp đồng ký kết vào ngày 20/9/2018, đất gia đình ông được giao khoán là 2,2 ha tại lô 2, khoảnh 23 tại thôn K4, xã M, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang. Sau khi ký hợp đồng, gia đình ông đã trồng toàn bộ cây Keo lai mô trên diện tích đất giao khoán với Công ty lâm nghiệp P. Đến khoảng tháng 5, tháng 6 năm 2019, Công ty lâm nghiệp P và chính quyền địa phương mời ông lên làm việc, thông báo diện tích đất gia đình ông đang thực hiện hợp đồng giao khoán với Công ty lâm nghiệp P
thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để cho Công ty TNHH Hoa Đạt CĐP thuê thực hiện dự án khai thác mỏ đá phiến làm vật liệu xây dựng thông thường. Công ty lâm nghiệp P đề nghị ông thanh lý, chấm dứt Hợp đồng số 82/HĐTR ngày 20 tháng 9 năm 2018 nhưng ông chưa nhất trí vì giữa ông và Công ty lâm nghiệp P chưa thống nhất được mức giá bồi thường.
Nay Công ty lâm nghiệp P khởi kiện ra Tòa án, ông nhất trí thanh lý, chấm dứt Hợp đồng giao khoán sử dụng đất trồng rừng nguyên liệu giấy ký kết năm 2018 để trả lại diện tích đất trên cho Công ty lâm nghiệp P theo Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Tuyên Quang và nhất trí với mức giá bồi thường giá trị tài sản trên đất là 70.000.000 đồng, nhưng yêu cầu Công ty phải bồi thường giá trị quyền sử dụng đất là 530.000.000 đồng, tổng cộng số tiền Công ty phải bồi thường là 600.000.000 đồng.
Vụ kiện trên đã được Toà án nhân dân huyện Y thụ lý, hoà giải nhưng không thành và đã đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 28/2020/DS - ST, ngày 28/7/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Tuyên Quang đã quyết định:
Căn cứ các Điều 26, Điều 147, 227, 228, 235, 266, 271, 273 Bộ luật tố
tụng dân sự; các Điều 419, 420, 422, 483, 493, 468 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện Công ty lâm nghiệp P về việc yêu cầu chấm dứt Hợp đồng khoán sử dụng đất trồng rừng nguyên liệu giấy với ông Trần Văn C.
Tuyên bố: Chấm dứt “Hợp đồng khoán sử dụng đất trồng rừng nguyên liệu” ngày 20/9/2018 giữa Công ty Lâm nghiệp P với ông Trần Văn C.
Ông Trần Văn C có nghĩa vụ trả lại diện tích 2,2 ha đất rừng sản xuất và tài sản trên đất là toàn bộ cây Keo lai mô tại lô 2, khoảnh 23 tại thôn K 4, xã M, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang cho Công ty lâm nghiệp P.
Công ty lâm nghiệp P được quyền khai thác, sử dụng toàn bộ cây Keo lai mô trên diện tích 2,2 ha tại lô 2, khoảnh 23 tại thôn K4, xã M, huyện Y và có trách nhiệm bồi thường tài sản trên đất cho ông Trần Văn C với số tiền là
70.000.000 đồng (Bảy mươi triệu đồng).
Khoản tiền phải thanh toán kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và ông Trần Văn C có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty lâm nghiệp P chậm trả thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
Về án phí:
Ông Trần Văn C phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Công ty lâm nghiệp P không phải chịu án phí và được trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai số 0002034, ngày 23/4/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y.
Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Trong các ngày 10/8/2020 và 26/8/2020, Tòa án nhận được đơn của bị đơn ông Trần Văn C kháng cáo Bản án dân sự sơ thẩm số 28/2020/DS - ST, ngày 28/7/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y với lý do Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá chứng cứ chưa thực sự khách quan vì 2,2ha đất liên doanh trồng rừng với Công ty lâm nghiệp P có nguồn gốc là do ông cha khai phá đất hoang để lại từ năm 1980, sau đó để lại cho gia đình ông sử dụng từ năm 2000. Do kém hiểu biết lại không biết chữ nên sau khi khai phá và sử dụng cũng như quá trình chuyển nhượng đã không làm Sổ đỏ để chứng minh quyền sở hữu đất. Đến năm 2005 đại diện Công ty lâm nghiệp P mới đến vận động gia đình ký hợp đồng liên doanh với lâm trường. Mặc dù ông không có giấy tờ gì chứng thực quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng hoàn toàn không thể phủ nhận quyền lợi của ông đối với diện tích đất này. Theo quyết định của kỳ họp lần thứ nhất tại nhà văn hóa thôn K4 vào tháng 7/2019 giữa đại diện Công ty TNHH Hoa Đạt CĐP và cán bộ xã M, cán bộ huyện Y, cựu Trưởng thôn K4 và các hộ dân có đất liên quan, đại diện Công ty TNHH Hoa Đạt CĐP đã có ý kiến “Các hộ dân có đất liên doanh với”. Ông đồng ý với mức chi trả cho phần tài sản trên đất, nhưng vẫn còn quyền lợi 80% giá trị quyền sử dụng đất chưa được bồi thường do đó không đồng ý với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét việc bồi thường về đất cho ông theo như nội dung đã thỏa thuận giữa các bên.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn ông Trần Văn C giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết buộc Công ty lâm nghiệp P phải trả cho ông 80% giá trị đất là 530.000.000 đồng.
Đại diện nguyên đơn Công ty lâm nghiệp P là ông Phạm Minh T đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm với lý do yêu cầu của ông C không đúng pháp luật, Công ty lâm nghiệp P không được Ủy ban nhân dân tỉnh bồi thường giá trị về đất nên không có tiền để bồi thường theo yêu cầu của ông C.
Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:
Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về phiên tòa phúc thẩm, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng quy định tại các Điều 70, 71,72 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo của ông Trần Văn C là hợp lệ trong hạn luật định. Nội dung kháng cáo nằm trong nội dung bản án sơ thẩm.
Về nội dung: Qua các tài liệu chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án thấy rằng việc bị đơn kháng cáo yêu cầu xem xét lại mức bồi thường về đất là không có căn cứ để chấp nhận, do đó đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn
C. Tuy nhiên khi xác định nghĩa vụ chịu án phí Tòa án cấp sơ thẩm đã không tuyên Công ty lâm nghiệp P phải chịu phần án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với nghĩa vụ thanh toán số tiền 70.000.000 đồng bồi thường về tài sản trên đất cho ông
Trần Văn C là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước do đó đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa phần án phí của bản án sơ thẩm theo hướng buộc Công ty lâm nghiệp P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với số tiền bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật. Do kháng cáo không được chấp nhận nên buộc ông Trần Văn C phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng:
Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm Tòa án đã tiến hành triệu tập hợp lệ ông Trần Văn C nhiều lần nhưng ông C vắng mặt không có lý do nên Tòa án nhân dân huyện Y xét xử vụ án vắng mặt bị đơn là đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Sau khi xét xử vụ án ông C đã được Tòa án tống đạt Bản án sơ thẩm hợp lệ. Ông C làm đơn kháng cáo và nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn luật định, do đó đơn kháng cáo của ông Trần Văn C là hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Về nội dung kháng cáo:
Bị đơn ông Trần Văn C kháng cáo yêu cầu được bồi thường 80% giá trị về đất vì cho rằng nguồn gốc đất trên là do ông cha khai phá đất hoang từ năm 1980, sau đó để lại cho gia đình ông Trần Văn C sử dụng từ năm 2000, năm 2005 đại diện Công ty lâm nghiệp P mới đến đề nghị gia đình ông C ký hợp đồng liên doanh để trồng rừng. Ông Trần Văn C xác định mình không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh mình có quyền sử dụng 2,2ha đất rừng sản xuất tại lô 2, khoảnh 23 tại thôn K4, xã M, huyện Y thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình ông mà chỉ xuất trình cho Tòa án một số lời chứng của một số hộ dân cho rằng diện tích đất này được cha mẹ đẻ ông C khai phá, sử dụng từ năm 1980 sau đó phân chia cho con cháu sử dụng vào năm 2000.
Qua các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án Hội đồng xét xử thấy rằng: Ngày 20/9/2018 giữa Công ty lâm nghiệp P (bên A) và ông Trần Văn C (bên B) ký Hợp đồng trồng rừng nguyên liệu giấy số 82 /HĐTR giữa Công ty lâm nghiệp P với ông Trần Văn C. Nội dung Hợp đồng ghi rõ “Bên B nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ” với diện tích 2,2ha thuộc lô 2, khoảng 23. Như vậy, trong Hợp đồng trên cả hai bên đều thừa nhận diện tích đất giao khoán trồng rừng là đất của Công ty lâm nghiệp P. Diện tích đất trên nằm trong tổng diện tích đất 4.697.410m2 mà Công ty lâm nghiệp P được UBND tỉnh Tuyên Quang cho thuê đất trả tiền hàng năm; Công ty cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ký hiệu số 787093, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT01544, ngày 16/9/2013 của UBND tỉnh Tuyên Quang.
Ông Trần Văn C cho rằng diện tích nguồn gốc đất trên là do ông cha khai phá từ năm 1980 sau đó để lại cho ông C sử dụng từ năm 2000, tuy nhiên ông C không xuất trình được bất kỳ một loại giấy tờ gì quy định tại Điều 50 Luật đất đai năm
2003 hoặc Điều 100 Luật đất đai năm 2013, ông C cũng không thực hiện kê khai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với diện tích đất trên, do đó việc ông C cho rằng mình có quyền sử dụng đối với diện tích đất này là không có căn cứ. Ông C đồng ý thanh lý hợp đồng giao khoán trồng rừng với Công ty lâm nghiệp P nhưng yêu cầu được đền bù 80% giá trị đất bị thu hồi theo như thỏa thuận giữa Công ty TNHH Hoa Đạt CĐP với cán bộ xã M, cán bộ huyện Y, cựu Trưởng thôn K4 và các hộ dân có đất liên quan vào tháng 7/2019. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện Công ty TNHH Hoa Đạt CĐP trình bày Công ty thuê 75.265,2m2 để sử dụng vào mục đích khai thác mỏ đá phiến tại thôn K4, xã M là căn cứ theo Quyết định 1238/QĐ-UBND, ngày 05/11/2019 của UBND tỉnh Tuyên Quang, quá trình thực hiện dự án Công ty đã tiến hành thỏa thuận, bồi thường, giải phóng mặt bằng, bồi thường tài sản trên đất đối với Công ty lâm nghiệp P, hai bên không có vướng mắc gì. Việc thanh lý, chấm dứt Hợp đồng trồng rừng với các hộ dân để thu hồi đất là trách nhiệm của Công ty lâm nghiệp P, Công ty TNHH Hoa Đạt CĐP không trực tiếp thỏa thuận bồi thường với các hộ dân mà chỉ nhận mặt bằng đất sau khi Công ty lâm nghiệp P đã giải quyết thanh lý, chấm dứt các hợp đồng trồng rừng. Do đó việc ông C yêu cầu được bồi thường 80% giá trị đất theo thỏa thuận với Công ty TNHH Hoa Đạt CĐP là không có căn cứ.
Tại khoản 3 Điều 7 của “Hợp đồng khoán sử dụng đất trồng rừng nguyên liệu giấy” ngày 20/9/2018 quy định về “Chấm dứt hợp đồng” có quy định: “KhiÔng Trần Văn C xác định Công ty lâm nghiệp P đã thông báo cho gia đình ông vào thời điểm khoảng tháng 5, tháng 6 năm 2019, đồng thời ông C cũng nhất trí với việc chấm dứt hợp đồng. Hội đồng xét xử thấy rằng mặc dù hợp đồng vẫn đang trong giai đoạn thực hiện, tuy nhiên do hoàn cảnh thay đổi do nguyên nhân khách quan nên Công ty lâm nghiệp P có yêu cầu chấm dứt hợp đồng để thu hồi đất giao mặt bằng cho Công ty TNHH Hoa Đạt CĐP thuê theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, ông Trần Văn C cũng nhất trí chấm dứt hợp đồng nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tuyên bố chấm dứt “Hợp” ngày 20/9/2018 giữa Công ty lâm nghiệp P với ông Trần Văn C là phù hợp với quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự. Khi thực hiện thủ tục chấm dứt Hợp đồng Công ty lâm nghiệp P đã chủ động giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn bằng việc bồi thường giá trị tài sản trên đất cả chu kỳ cây cho ông C với số tiền
70.000.000 đồng, ông C không có tranh chấp về khoản tiền bồi thường giá trị tài sản trên đất do đó Hội đồng xét xử không xem xét. Đối với diện tích đất giao khoán là tài sản do UBND tỉnh Tuyên Quang giao cho Công ty lâm nghiệp P thuê đất trả tiền hàng năm chứ không phải là đất của Công ty, cũng không phải là đất thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Trần Văn C, hơn nữa Công ty cũng đã trả lại diện tích đất đó cho nhà nước. Công ty lâm nghiệp P tiến hành thỏa thuận bồi thường cho bên nhận giao khoán thiệt hại đối với tài sản trên đất do việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn để trả lại đất mà Công ty lâm nghiệp P được thuê trước đó cho nhà nước, trường hợp này không phải là Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích
quốc gia, công cộng. Khoản 1 Điều 75 Luật đất đai năm 2013 quy định về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: “1. Hộ gia đình, cá nhân đang”. Do vậy Hội đồng xét xử thấy rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn C về việc yêu cầu được bồi thường 80% giá trị quyền sử dụng đất bị thanh lý hợp đồng trước thời hạn, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm là phù hợp pháp luật.
Về việc xác định nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm: Do chấp nhận yêu cầu khởi kiện tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn của nguyên đơn Công ty lâm nghiệp P nên việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn ông Trần Văn C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên cùng với việc chấm dứt hợp đồng, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên Công ty lâm nghiệp P có trách nhiệm bồi thường tài sản trên đất cho ông Trần Văn C với số tiền 70.000.000 đồng, nhưng lại không buộc Công ty lâm nghiệp P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là thiếu sót, xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, do đó Hội đồng xét xử thấy rằng cần sửa Bản án sơ thẩm, buộc Công ty lâm nghiệp P phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với số tiền bồi thường tài sản trên đất là 70.000.000 đồng x 5% = 3.500.000 đồng (Ba triệu).
Về án dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của ông Trần Văn C không được chấp nhận, nên ông C phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp.
Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, không có kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 308, Điều 147, 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều các 419, 420, 422, 483, 493, 357, 468 Bộ luật Dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn C. Giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm số 28/2020/DS - ST, ngày 28/7/2020 của Tòa án nhân
dân huyện Y, tỉnh Tuyên Quang về việc chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty lâm nghiệp P; sửa phần án phí của bản án sơ thẩm như sau:
Tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty lâm nghiệp P về việc yêu cầu chấm dứt Hợp đồng khoán sử dụng đất trồng rừng nguyên liệu giấy với ông Trần Văn C. Tuyên bố chấm dứt Hợp đồng khoán sử dụng đất trồng rừng nguyên liệu giấy số 82 /HĐTR, ngày 20/9/2018 giữa Công ty lâm nghiệp P với ông Trần Văn C.
Ông Trần Văn C có nghĩa vụ trả lại diện tích 2,2 ha đất rừng sản xuất và tài sản trên đất là toàn bộ cây Keo lai mô tại lô 2, khoảnh 23 tại thôn K4, xã M, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang cho Công ty lâm nghiệp P.
Công ty lâm nghiệp P được quyền khai thác, sử dụng toàn bộ cây Keo lai mô trên diện tích 2,2 ha tại lô 2, khoảnh 23 tại thôn K4, xã M, huyện Y và có trách nhiệm bồi thường tài sản trên đất cho ông Trần Văn C với số tiền là 70.000.000 đồng (Bảy mươi triệu đồng).
Khoản tiền phải bồi thường, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và ông Trần Văn C có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong, hàng tháng Công ty lâm nghiệp P còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
Về án phí: Công ty lâm nghiệp P phải chịu 3.500.000 đồng (Ba triệu) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch.
Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trần Văn C phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2019/0002211, ngày 11 tháng 9 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh Tuyên Quang, ông Trần Văn C đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.
Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 29/10/2020).
“Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyên thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7,7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”./
Nơi nhận:
| T.M HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚC THẨM Thẩm phán - Chủ tọa phiên to
Hà Văn Chương |
Bản án số 42/2020/DS-PT của TAND tỉnh Tuyên Quang về tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản
- Số bản án: 42/2020/DS-PT
- Quan hệ pháp luật: Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Ngày ban hành: 29/10/2020
- Loại vụ/việc: Dân sự
- Tòa án xét xử: TAND tỉnh Tuyên Quang
- Áp dụng án lệ: Đang cập nhật
- Đính chính: Đang cập nhật
- Thông tin về vụ/việc: Công ty lâm nghiệp P khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng giao khoán trồng rừng với ông Trần Văn C