Hệ thống pháp luật

Yêu cầu thanh toán lương thử việc. Tham gia thử việc tại Công ty hơn 01 tháng, người lao động xin nghỉ có được hưởng lương thử việc?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD59

Câu hỏi:

Em là sinh viên mới ra trường, thấy thông tin tuyển dụng của công ty TNHH MTV Kỹ thuật thương mại và dịch vụ A, em đến phỏng vấn và đã được công ty tuyển dụng. Trong thời gian thử việc là 2 tháng, em cảm thấy công việc không phù hợp nên đã nộp đơn xin thôi việc và được chị quản lý trực tiếp của em - là vợ của giám đốc đồng ý cho nghỉ ngay ngày hôm đó và bảo đến ngày 15 thì e tới công ty nhận lương. Nhưng đến tối về, anh giám đốc có gọi điện cho em, lấy lý do là em nghỉ đột xuất, không báo trước cho công ty trước 1 tháng theo quy định của công ty (trong khi em mới làm được có hơn 1 tháng) nên công ty sẽ không trả lương. E đã tham khảo Điều 32 của Bộ Luật Lao động: 'Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.' Vậy em muốn hỏi là trong trường hợp này em có quyền đòi lương không? Mà công ty lại không hề cho nhân viên ký hợp đồng thử việc?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Đối với việc bạn đưa ra quy định tại Điều 32 Bộ Luật Lao động: “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.". Điều này được quy định trong Bộ luật Lao động 1994. Nay Bộ luật Lao động 1994 đã hết hiệu lực, văn bản hiện hành đang được áp dụng là Bộ Luật Lao động 2012. Và quy định này hiện nay được quy định tại khoản 2 Điều 29 Bộ Luật Lao động 2012. Bạn có thể yêu cầu công ty trả lương cho bạn trong trường hợp này:

Điều 26 Bộ Luật Lao động có quy định về vấn đề thử việc như sau:

“1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.”

Như vậy, ở đây điều luật quy định các bên “có thể” giao kết hợp đồng nếu có thỏa thuận về việc làm thử. Có thể thấy việc công ty có kí hợp đồng thử việc với bạn hay không không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bạn.

Về vấn đề kết thúc thời gian thử việc thì tại khoản 2 Điều 29 Bộ Luật Lao động có quy định như sau: “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.”

Theo quy định trên thì bạn hoàn toàn có thể hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước như theo lý do của công ty đưa ra là cần phải báo trước 1 tháng theo quy định của công ty. Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu công ty trả tiền lương thử việc đối với thời gian thử việc mà bạn đã thực hiện. Tiền lương thử việc của bạn ở đây có thể theo thỏa thuận giữ bạn và công ty, tuy nhiên phải đáp ứng được mức lương thử việc được quy định tại Điều 28 Bộ Luật Lao động 2012 như sau: “Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”

Khi công ty cố tình không trả tiền lương cho bạn, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn có thể gửi đơn đến Phòng Lao động – Thương binh và xã hội nơi công ty có trụ sở yêu cầu cử Hòa giải viên lao động, Thanh tra lao động can thiệp thanh toán tiền lương cho bạn.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM