Hệ thống pháp luật

Yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại khi làm thất thu tài sản của công ty

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37495

Câu hỏi:

Thưa quý công ty. Tôi có thắc mắc này xin được trợ giúp của Công ty luật Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam! Công ty chúng tôi có bị một nhân viên phòng kinh doanh làm thất thu của công ty với số tiền là 450 triệu đồng. Tôi có bằng chứng về việc đó. Công ty đã xa thải nhân viên này. Tôi muốn hỏi về chuyện bồi thường số tiền 450 triệu đó phải giải quyết như thế nào? có thể khởi tố hình sự được không? Cảm ơn quý công ty!?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

–  Bộ luật Lao động 2012

– Bộ luật hình sự sửa đổi 2009

2. Nội dung tư vấn

Thứ nhất, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất trong quan hệ lao động, Điều 130 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường”.

Theo những thông tin bạn cung cấp thì một nhân viên ở công ty bạn gây ra thiệt hại cho công ty một số tiền là 450 triệu đồng. Vấn đề bồi thường trong trường hợp này sẽ được giải quyết theo một trong hai phương thức sau:

Theo hợp đồng lao động: nếu hợp đồng lao động giữa công ty bạn và người nhân viên kia có quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động thì những quy định đó sẽ được áp dụng. 

Trường hợp người lao động làm mất tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo giá thị trường, còn trường hợp giữa người lao động và người sử dụng lao động có hợp đồng trách nhiệm thì sẽ bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm. 

Theo quy định của pháp luật dân sự:  nếu hợp đồng lao động không quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra thì việc giải quyết sẽ được thực hiện theo quy định có liên quan. Cụ thể, những vấn đề chung nhất về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này được quy định tại các điều 604, 605, 606 và 607 Bộ luật dân sự 2005.

“Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.

Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Điều 606. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Điều 607. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.”

Như vậy, trường hợp của bạn được coi là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do vậy, hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường. Việc bồi thường phải được thực hiện kịp thời và toàn bộ.

Thứ hai, vì những thông tin bạn đưa ra không đầy đủ nên chưa đủ căn cứ để đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự với người nhân viên làm công ty bạn thất thu 450 triệu đồng. Tuy nhiên, bạn có thể đối chiếu các hành vi của nhân viên công ty để xem xét nhân viên đó có thể cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 như sau:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản".

Xem xét hành vi trong tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản như sau : Việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng có thể miệng, văn bản hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản. Sau khi nhận được tài sản từ người bị hại thì người này sẽ có một trong hai hành vi :

Dùng  thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý; về thủ gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như đối với thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;

Sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

Trường hợp này cần xem xét người nhân viên công ty có hành vi lợi dụng sự tin tưởng của công ty, do tin tưởng nên giao tài sản cho nhân viên. Sau đó, bổ trốn để chiếm đoạt tài sản khi đó nhân viên công ty đã lợi dụng niềm tin của công ty để chiếm đoạt tài sản. 

Hoặc cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 như sau:

"Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

Để cấu thành tội phạm thì người phạm tội phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể:

– Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … (ví dụ: kẻ phạm tội nói là mượn xe đi chợ nhưng sau khi lấy được xe đem bán lấy tiền tiêu xài không trả xe cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản

– Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp, người lao động

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ ddoanj gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quan lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho người phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận. Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. 

Từ đó, bạn có thể đối chiếu, xem xét các hành vi làm thất thu 450 triệu của nhân viên công ty có hành vi gian dối hay lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản hay không thì tùy vào mức độ sẽ cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM