Hệ thống pháp luật

Xử phạt hành chính đối với hành vi bạo lực gia đình

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32567

Câu hỏi:

Kính thưa Luật sư, con có thắc mắc muốn hỏi ạ. Đối với hành vi đánh vợ bằng tay không và bị vợ kiện lên Xã, người chồng đã bị phạt 1 triệu đồng thì có điều khoản nào về việc giảm nhẹ mức phạt không ạ? Ba con là một người hiền lành và con chưa bao giờ thấy ba con đánh mẹ. Mẹ con thường xuyên lăng mạ, chì chiết ba nhưng ba con đều nhịn nhục. Chiều hôm qua do mâu thuẫn làm ăn nên 2 người lớn tiếng, tức giận, ba con đánh mẹ con vào mặt và đầu. Ba con được một bác phụ làm can ra, mẹ con sau khi bị đánh thì cầm dao chĩa về ba con. Ba con vùng ra tìm cầm gạch thì mẹ con chạy mất. Sau đó mẹ con kiện lên Xã, hai bác phụ mẹ con làm được mời lên Xã làm chứng lấy lời khai và khai ba con có cầm dao đánh mẹ con. Nhưng sự thật ba con không có làm vậy. Con cũng có mặt tại đó nhưng Xã không cho gọi con lên lấy lời khai. Con năm nay 19 tuổi ạ. Vậy con lên Xã xin được lấy lời khai thì con có thể giúp ba giảm mức phạt không ạ? Có điều khoản nào quy định về việc giảm mức phạt cho hành vi đánh vợ không ạ? Con mong được Luật Sư trả lời. Con xin cảm ơn ạ.?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 

– Nghị định 167/2013/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Về vấn đề này, Điều 46 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống tệ nạn gia đình quy định:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”

Tuy nhiên, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng đối với một số trường hợp như sau:

"Điều 9. Tình tiết giảm nhẹ.

Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:

1. Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;

3. Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

4. Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

5. Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

6. Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

7. Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;

8. Những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định.

Điều 10. Tình tiết tăng nặng.

1. Những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng:

a) Vi phạm hành chính có tổ chức;

b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;

c) Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

d) Sử dụng người biết rõ là đang bị tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi để vi phạm hành chính;

đ) Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm hành chính có tính chất côn đồ;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm hành chính;

g) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm hành chính;

h) Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính;

i) Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

k) Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính;

l) Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn;

m) Vi phạm hành chính đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai.

2. Tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng." 

Qua những thông tin bạn cung cấp thì việc ba bạn đánh mẹ bạn là có thật và như vậy thì việc xử phạt hành vi của ba bạn là hoàn toàn đúng luật. Căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ hành chính theo Điều 9 nêu trên thì ba bạn không thuộc các trường hợp được giảm nhẹ hành chính. Hơn nữa, mức phạt 1 triệu đồng cũng là mức phạt thấp nhật được quy định trong Điều 46 nêu trên, do đó việc giảm mức phạt tiền với ba bạn trong trường hợp này là không hợp lý.

Vì việc giảm mức phạt tiền là không hợp lý nên việc bạn có đến Ủy ban nhân dân xã để cung cấp lời khai về vụ việc là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu không thỏa mãn với nội dung quyết định xử phạt – cho rằng ba bạn dùng dao đuổi mẹ bạn là không đúng sự thật – thì bạn có thể khiếu nại quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM