Xử phạt hành khách sàm sỡ nữ tiếp viên VietJet Air được không?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Câu hỏi:
Liên quan đến vụ việc một giám đốc sàm sỡ 4 nữ tiếp viên trên cùng chuyến bay của Hãng hàng không Vietjet Air đang gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc có gửi thắc mắc đến hỏi về quy định của pháp luật xử lý hành vi vi phạm trên tàu bay này như thế nào?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo như thông tin báo chí đã đăng tải, một nam hành khách gần 60 tuổi đã có hành động sàm xỡ cả 4 tiếp viên tổ bay trên một chuyến bay từ Vinh vào TP.HCM của Hãng hàng không Vietjet Air. Theo tường trình, trong lúc bay, hành khách này đề nghị sử dụng phòng vệ sinh.
Do cả hai phòng vệ sinh đều có người nên tiếp viên thông báo chưa thể sử dụng. Hành khách này lớn tiếng và có hành động dùng điện thoại đánh vào mông tiếp viên. Trong suốt thời gian còn lại, ông này tiếp tục dùng điện thoại đánh vào vị trí nhạy cảm của 3 tiếp viên khác, trong đó có cả một tiếp viên người nước ngoài.
Cảng vụ hàng không miền Nam lập biên bản hành khách này do vi phạm gây rối trật tự trên chuyến bay. Tuy nhiên, hành khách này không chịu hợp tác, không ký vào biên bản và bỏ về.Có căn cứ xử phạt về hành vi làm mất an ninh, trật tự trên tàu bay.
Căn cứ pháp lý để xử phạt trong trường hợp này dựa theo mục 7 chương 2 Nghị định 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo đó, hành vi của vị hành khách này có thể được xem xét dưới góc độ “Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay”.
Đây là một khái niệm rất rộng. Những hành vi nào bị coi là “vi phạm trật tự, kỷ luật” phụ thuộc chủ yếu vào quy định của ngành hàng không cũng như các hãng hàng không thông qua việc cảnh báo, nhắc nhở đối với hành khách trước và trong chuyến bay.
Trên thực tế, có rất nhiều hành vi có thể bị coi là “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay” ví dụ như không trở về chỗ ngồi khi không cần thiết; không thắt dây an toàn; không dựng thẳng ghế; không mở cửa sổ; sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu phát sóng FM.
Một số hãng hàng không còn đặt ra các quy định về an ninh trật tự trong các chuyến bay của mình. Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay ngoài việc uy hiếp đến anh ninh hàng không, còn có thể là hành vi gây ảnh hưởng tới cá nhân những người đang có mặt trên chuyến bay đó.
Hành vi của người hành khách này ngoài việc lớn tiếng gây ảnh hưởng đến trật tự của chuyến bay, còn xâm phạm đến thân thể người khác khi có những hành động khiếm nhã tác động vào người nữ tiếp viên. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động công việc bình thường của các tiếp viên trên chuyến bay.
Căn cứ để xử phạt tùy mức độ vi phạm của hành vi,có thể dựa vào hai căn cứ sau đây: Thứ nhất, có thể xác định đây là hành vi vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay theo điều 24 Nghị định 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm quy định về an ninh hàng không đối với cảng hàng không, sân bay, chuyến bay, quản lý hoạt động bay, mức xử phạt cao nhất theo điểm d khoản 4 điều 24 có thể lên tới 5.000.000 đồng. “4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi sau đây: d) Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay;”
Thứ hai, cũng có thể xem đây là một hành vi gây rối làm mất an ninh, trật tự trên tàu bày theo quy định tại điểm d khoản 5 điều 24 Nghị định này, mức xử phạt cao nhất đối với hành vi này có thể lên tới 10.000.000 đồng. “5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi sau đây: d) Gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự trên tàu bay;”.
Bởi vậy, căn cứ vào điều 27 Nghị định 147/2013/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt của Cảng vụ hàng không thì Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không có quyền: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 10.000.000 đồng, Như vậy trong trường hợp này Cảng vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất có quyền lập quyết định vi phạm hành chính và áp dụng chế tài xử phạt theo các quy định trên để tránh những hành vi như thế này tái diễn trong tương lai, ảnh hưởng đến hình ảnh của chuyến bay cũng như an ninh, trật tự của mỗi chuyến bay.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691