Hệ thống pháp luật

Xử lý hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm và đe dọa người khác

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41105

Câu hỏi:

Kính gởi luật sư Em có vấn đề hơi bức xúc mà không biết hỏi ai, nên hỏi luật sư nhờ luật sư tư vấn giúp hướng giải quyết. Số là trong xóm em có mấy hộ nuôi gà thả rong cho tự kiếm ăn, nên gà ưa chạy qua nhà em kiếm ăn và phá phách. Do nhà em có trồng cây nên chúng ưa qua đào bới, và có nuôi chó nên chúng ưa qua ăn ké cơm chó. Vấn đề là chúng quá phá phách, chạy vào trong bếp nhảy đổ đồ đạc nên em bực mình xách cây đánh gà. Đánh được 2 lần thì lần nào cũng có chủ chạy qua chửi rủa đòi chém, đòi giết. Họ nói nuôi 10 con gà, đi chơi mấy ngày về còn 4 con vậy là em đã đánh chết 6 con, mà cầm cây quơ mấy cái còn không trúng thì làm sao chết được. Chó em nuôi nhốt trong nhà, nhưng gà qua ăn cơm chó thì bị chó cắn chết 2 con, đó là bản năng loài vật. Bình thường em đi làm suốt, chủ nhật ở nhà thấy mới đập. Mới tối chủ nhật hôm qua họ hăm dọa kêu em phải dọn đi nơi khác sống, chứ sống ở đó là không yên đâu, lấy đèn pin rọi vô mặt em, chỉ chỏ đòi đánh đòi chém. Chuyện con gà con chó không lẽ đi thưa công an, mà gà vô nhà phá chỉ có đứng ngó thôi sao, mà bản tính họ côn đồ lỡ mai mốt mất gà đổ thừa mình thì sao? Xin luật sư giúp cho em?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật hình sự 1999

– Nghị định 167/2013/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Theo như bạn trình bày thì nhà hàng xóm có hành vi chửi bới, đe dọa gia đình bạn và yêu cầu gia đình bạn chuyển đi nơi khác sinh sống nên trong trường hợp này bạn nên thu thập chứng cứ và trình bày cụ thể nội dung trong đơn để gửi đơn ra công an xã, phường, thị trấn nơi bạn đang cư trú để giải quyết.

Theo Điều 103 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội đe dọa giết người như sau:

“1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Đối với nhiều người;

b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

c) Đối với trẻ em;

d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

Trong trường hợp hành vi của nhà hàng xóm chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a, Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.”

Như vậy, tùy tính chất mức độ vi phạm và sự ảnh hưởng của nhà hàng xóm cho gia đình bạn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm khác nhau. 

Ngoài ra, theo như bạn trình bày thì gà nhà hàng xóm thường xuyên sang nhà bạn để phá phách, đào bới và ăn cơm của chó nhà bạn, nhà hàng xóm có 10 con gà và bị chết 6 con, nhà hàng xóm nói do nhà bạn giết 6 con, nhưng không có bằng chứng chứng minh gia đình nhà bạn có giết 6 con hay không, tuy nhiên con chó của nhà bạn có cắn chết 2 con gà của nhà hàng xóm nên theo Bộ luật dân sự 2005 thì gia đình nhà bạn có thể phải bồi thường thiệt hại 2 con gà cho nhà hàng xóm. Theo Điều 625 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:

“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.

2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;

4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

Vì gia đình bạn là chủ sở hữu của con chó, nên khi con chó gây thiệt hại cho gia đình nhà hàng xóm thì gia đình bạn có trách nhiệm bồi thường cho nhà hàng xóm tương ứng với mức thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại có thể do hai gia đình thỏa thuận hoặc căn cứ theo giá của thị trường. Tuy nhiên, vấn đề bồi thường thiệt hại còn phụ thuộc vào việc có căn cứ chính xác khẳng định con chó nhà bạn gây thiệt hại thì mới có cơ sở để yêu cầu bồi thường.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM