Hệ thống pháp luật

Xử lý hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32732

Câu hỏi:

Ngày 01/3/2016, bà X mua nước giải khát do ông A sản xuất về tiêu dùng bị ngộ độc, phải đi viện điều trị hết 10.000.000đ, bà X làm đơn khiếu kiện đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, xử lý đối với ông A và yêu cầu ông A phải bồi thường tiền viện phí theo quy định vì sản xuất nước giải khát không an toàn. Ngày 10/3/2016, đoàn thanh tra có thẩm quyền đã kiểm cơ sở sản xuất của ông A và kết luận cơ sở sản xuất nước giải khát của ông A đã sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất nước giải khát và là nguyên nhân làm cho bà X bị ngộ độc. Đoàn thanh tra lập biên về hành vi vi phạm của ông A và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định hiện hành. Hãy cho biết trường hợp trên ông A có thể phải chịu những loại trách nhiệm pháp lý nào? Tại sao? Mong luật sư giải đáp giúp. Cảm ơn luật sư.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Nghị định 178/2013/NĐ-CP

Bộ luật hình sự 1999

2. Nội dung tư vấn

Theo như bạn trình bày ông A đã sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất nước giải khát, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 6 Nghị định 178/2013/NĐ-CP như sau: 

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại.

7. Phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 6 Điều này thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 02 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.

Với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất nước giải khát của ông A sẽ bị "Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng." Ngoài ra, ông A sẽ bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến từ 02 tháng đến 03 tháng.

Ngoài ra, ông A có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 244 Bộ luật hình sự 1999 như sau:

"1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm  năm.

2.  Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến  mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công  việc nhất định từ một  năm đến năm năm."

Như vậy, ngoài việc xử phạt hành chính, ông A còn có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tùy từng mức độ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM