Hệ thống pháp luật

Xếp mã ngạch và hưởng phụ cấp đối với giáo viên dạy nghề

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37282

Câu hỏi:

Kính thưa Công ty luật sư Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam! Trước hết cho tôi xin được lời kính chúc sức khỏe và thành đạt tới quý Công ty. Tôi có một câu hỏi xin được giải đáp. Năm 2010 Trung tâm Dạy nghề của một huyện có chỉ tiêu thi viên chức chức danh giáo viên và có nhiệm vụ dạy lý thuyết và thực hành nghề Tin học văn phòng trình độ sơ cấp. Đợt thi này được thi cùng với đợt thi viên chức huyện nên cách thức thi tuyển và yêu cầu về các bài thi viết đều giống nhau. Yêu cầu về bằng cấp được đưa ra là có bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Tin học hoặc bằng cao đẳng Tin học khác nhưng phải có chứng chỉ sư phạm, có chứng chỉ Tiếng Anh trình độ B. Xét thấy đủ điều kiện dự thi nên tôi đã tham gia và đã trúng tuyển. Tuy nhiên khi nhận Quyết định tuyển dụng đầu tiên của UBND huyện tôi bất ngờ vì ngạch tôi tạm đang hưởng là ngạch Kỹ thuật viên (Mã ngạch 13.096) và không được hưởng phần trăm đứng lớp. Tôi về làm việc tại Trung tâm Dạy nghề đã đăng ký và được phân công giảng dạy lý thuyết và thực hành nghề Tin học văn phòng theo đúng yêu cầu tuyển dụng. Và tất nhiên với ngạch đang hưởng lương thì tôi không có phụ cấp ưu đãi. Sau một thời gian dài đề nghị thì tôi đã được UBND huyện ra Quyết định hưởng 30% phụ cấp ưu đãi giáo viên dạy nghề trình độ sơ cấp. Tôi rất băn khoăn về ngạch mình đang được hưởng có đúng hay không? Trong khi tôi vẫn phải giảng dạy lý thuyết và thực hành của nghề Tin học văn phòng. Tôi xin được hỏi quý luật sư nếu đang ở ngạch Kỹ thuật viên tôi có được chuyển sang ngạch giáo viên hay không? Tôi phải làm những thủ tục gì? Nếu tôi có thể chuyển ngạch thì tôi sẽ được chuyển sang mã ngạch nào? Hiện tại tôi đã tốt nghiệp Đại học, có chứng chỉ sư phạm dạy nghê trình độ sơ cấp, có chứng chỉ Tiếng Anh A2 khung Châu Âu, có chứng chỉ kỹ năng dạy nghề. Theo yêu cầu thì giáo viên dạy nghề trình độ sơ cấp cần phải có thêm chứng chỉ Kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản. Tôi đã có bằng Kỹ sư công nghệ thông tin thì tôi có cần phải có chứng chỉ Kỹ năng công nghệ thông tin có bản nữa không? Tôi xin trân trọng cảm ơn quý Luật sư.?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV.

– Thông tư liên tịch 81/2005/TTLT-BNV-BTC.

2. Nội dung tư vấn

Đối với câu hỏi ngạch mình đang được hưởng có đúng không? Theo Điều 11 Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với ngạch kỹ thuật viên như sau:

a) Thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật, công nghệ thường xuyên, theo một quy trình cụ thể;

b) Thực hiện nhiệm vụ quản lý quy trình công nghệ trong phạm vi được giao theo sự hướng dẫn của chức danh công nghệ hạng cao hơn;

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm kỹ 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Nắm được những nội dung cơ bản về phương hướng, nhiệm vụ phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ của ngành và đơn vị;

b) Có kiến thức lý thuyết cơ sở về một chuyên ngành kỹ thuật, có khả năng thực hành thông thạo các nhiệm vụ kỹ thuật thông thường được đảm nhiệm;

c) Nắm được các quy trình, quy phạm kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động.”

Như vậy, nhiệm vụ đối với ngạch kỹ thuật viên là thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật, công nghệ thường xuyên, theo quy trình cụ thể… Theo đó, bạn có thể đối chiếu công việc bạn đang làm trên thực tế với những nhiệm vụ nêu trên để xác định việc xếp ngạch của bạn là chưa phù hợp khi công việc thường xuyên của bạn là đứng lớp dạy lý thuyết và thực hành.

Đối với việc bạn muốn được chuyển sang ngạch giáo viên và thủ tục. Theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 thì chức danh của nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay như sau;

"2. Nhà giáo trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp được gọi là giáo viên; nhà giáo trong trường cao đẳng được gọi là giảng viên." 

Bên cạnh đó tại điểm 2 Mục II của Thông tư liên tịch 81/2005/TTLT-BNV-BTC quy định: "Ngạch giáo viên trung học áp dụng chung đối với các ngạch giáo viên trung học phổ thông, giáo viên trung học chuyên nghiệp và giáo viên dạy nghề."  và ngạch giáo viên trung học được xếp chung vào mã ngạch  15.113.

Tuy nhiên không có quy chuẩn về ngạch viên chức là giáo viên dạy nghề sơ cấp như bạn đã nêu. Ngoài ra, theo quy định của Luật viên chức 2010 thì việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Viên chức được đăng ký thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu bạn đạt đủ tiêu chuẩn và điều kiện xét chuyển loại viên chức, bạn có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.

Bạn có thể tham khảo tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với giảng viên được quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên;

c) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Đối với giảng viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

d) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin."

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM