Hệ thống pháp luật

Xác nhận xóa tiền sự khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL33330

Câu hỏi:

Xin chào luật sư! Tôi muốn hỏi: tôi bị xử phạt hành chính vì lỗi thải chất thải làm ô nhiễm môi trường mùng 7/7/2015 đến nay tôi không vi phạm gì thì tôi đã được xoá án tiền sự chưa? bây giờ tôi đi làm giấy xác nhận về tiền án tiền sự để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan liệu có ảnh hưởng gì không? có phải xin giấy ở Phường để nộp không? Xin cảm ơn Luật sư!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

* Cơ sở pháp luật:

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012;

– Luật lý lịch tư pháp 2009;

Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

– Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ nhất, cần phải phân biệt hai khái niệm về tiền án và tiền sự như sau:

– Tiền án là từ dùng để chỉ người đã bị kết án và thi hành hình phạt nhưng chưa được xóa án tích.

– Tiền sự là từ dùng để chỉ người đã bị kỷ luật hành chính, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm chưa đến mức xử lý hình sự, mà chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.

Theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:

Điều 7. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.”

Như vậy, trường hợp bạn kể từ ngày bị xử phạt hành chính từ ngày 7/7/2015 thì trong thời hạn 06 tháng hoặc 01 năm mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt hành chính.

Thứ hai, về việc xin giấy xác nhận không có tiền sự.

Bạn muốn xin xác nhận không có tiền sự thì bạn phải làm xin giấy cấp phiếu lý lịch tư pháp theo Luật lý lịch tư pháp 2009.

“Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh chá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.”

Theo Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp:

“1. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

a) Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;

b) Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

2. Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

a) Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;

b) Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;

c) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

3. Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp hoặc người được ủy quyền ký Phiếu lý lịch tư pháp và chịu trách nhiệm về nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp.

Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

4. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải được ghi vào sổ cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.”

Vì trường hợp của bạn là người đã từng có tiền sự nên cần phải làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 theo Điều 46 Luật lý lịch tư pháp 2009 như sau:

“1. Cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì gửi văn bản yêu cầu đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Văn bản yêu cầu phải ghi rõ thông tin về cá nhân đó theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này.

Trong trường hợp khẩn cấp, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng có thể yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua điện thoại, fax hoặc bằng các hình thức khác và có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 45 của Luật này; trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.”

Theo đó, khoản 1 và 2 Điều 45 quy định như sau:

“1. Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây:

a) Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

b) Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Cá nhân nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và các giấy tờ kèm theo tại các cơ quan sau đây:

a) Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;

b) Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.”

Không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp cá nhân đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian ở nước ngoài, người nước ngoài thì xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì không quá 20 ngày.

Do vậy, bạn làm hồ sơ như trên rồi gửi tại Sở tư pháp nơi thường trú.

Thứ ba, điều kiện cá nhân đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài theo Điều 42 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. như sau:

Các mức xử phạt vi phạm trong xuất khẩu lao động ra nước ngoài

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Người lao động muốn sang nước ngoài làm việc thì phải có năng lực hành vi dân sự, tức là phải làm chủ được hành vi của mình, có thể tham gia các giao dịch dân sự thì mới có thể tham gia làm việc ở nước ngoài.

Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài. Việc giao kêt hợp đồng xuất phát từ sự tự nguyện của các bên thì hợp đồng mới có giá trị về mặt pháp lý, nếu người tham gia giao kết hợp đồng mà bị ép buộc thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu. Mặt khác, ở đây là việc đi làm việc ở nước ngoài chính vì vậy càng yêu cầu sự tự nguyện từ phía người lao động.

– Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt. Người lao động phải có ý thức chấp hành pháp luật thì việc hoàn thành công việc mới được đảm bảo và có lợi cho cả hai bên người lao động và doanh nghiệp.

– Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động.

– Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động. Đối với những công việc yêu cầu về ngoại ngữ thì người lao động cũng phải đáp ứng những điều kiện này, mặt khác cũng yêu cầu người lao động nhanh, nhạy bén với công việc và chuyên môn kỹ thuật. được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

– không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định tại Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam:

"1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.”

Như vậy việc bạn được xóa tiền sự và có giấy xác nhận không có tiền sự thì sẽ không còn thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt nam nên việc bạn đi xuất lao động ở nước ngoài sẽ không bị ảnh hưởng. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM