Vước mắc trong quá trình cấp GCN đất của anh em trong gia đình ?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Câu hỏi:
Em chào anh chị, Em tên K em ở phường P .Gia đình em có hai việc liên quan đến đất đai mong được công ty luật Minh Khuê tư vấn ạ. Ông bà nội em có 5 người con, 3 con trai và 2 con gái, 1 bác trai là liệt sĩ gia đình em được ủy quyền thờ cúng, bố em là con thứ 4, năm 1992 gia đình em được cấp một mảnh đất giãn dân, nhà em ở đến nay đã hơn 20 năm và trên sổ mục kê của phường là tên bố em từ năm 1992. Ông nội em mất năm 2004, bà nội em mất năm 2012, khi bà nội em còn sống đã có đơn gửi xã Xuân Phương cũ với nội dung để lại mảnh đất cho gia đình em mảnh đất này, nhưng bên xã đã trả lời là sổ mục kê tên của bố em nên bà em không có liên quan gì đến thửa đất. Hiện nay gia đình em đang làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quỳên sử dụng đất của mảnh đất này thì bác trai em có đơn gửi lên phường yêu cầu được cùng đứng tên chủ sở hữu mảnh đất với lý do mảnh đất chia cho hộ gia đình, vì vậy việc làm thủ tục để được cấp sổ của nhà em đang gặp vướng mắc đó.
Việc thứ 2 là : Hiện nay bác trai em đang ở mảnh đất của ông bà em để lại, ông bà em không để lại di chúc, tuy nhiên thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quỳên sử dụng đất cho bác trai em, nhà em vẫn có giấy tờ liên quan đến thửa đất như sổ mục kê người đứng tên là ông nội em. Vậy bố em có được hưởng một phần thừa kế mảnh đất đó không ạ? Em mong công ty luật Minh Khuê tư vấn giúp gia đình em hai việc trên và em. Em xin chân thành cảm ơn!Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Đất giãn dân là đất do chính quyền cấp cho các hộ gia đình ở địa phương nhà đông người , hoàn cảnh khó khăn không mua được đất ở hoặc không có, không đủ chỗ để ở. Theo thông tin bạn cung cấp mảnh đất giãn dân trên được cấp cho gia đình bạn và trên mục kê của phường ghi tên bố bạn ngay từ khi cấp mảnh đất vào năm 1992 theo đó có thể xác định được rằng mảnh đất này được cấp cho bố bạn (căn cứ theo khoản 2 Điều 20 thông tư 24/2014/TT-BTNMT sổ mục kê thể hiện thông tin người sử dụng đất được giao quản lý đất), chứ không phải là cho hộ gia đình bao gồm ông bà và các bác của bạn do đó đây không phải là tài sản chung của hộ gia đình nên các bác bạn không có quyền đứng tên chung trên mảnh đất này.
"Điều 20. Lập bản đồ địa chính và sổ mục kê đất đai
2. Sổ mục kê đất đai là sản phẩm của việc điều tra, đo đạc địa chính, để tổng hợp các thông tin thuộc tính của thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất gồm: Số hiệu tờ bản đồ, số hiệu thửa đất, diện tích, loại đất, tên người sử dụng đất và người được giao quản lý đất để phục vụ yêu cầu quản lý đất đai."
Thứ hai về mảnh đất của ông bà bạn mà bác bạn đang ở.
Theo thông tin bạn cung cấp mảnh đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bác bạn, vậy để được cấp GCN như vậy bác bạn phải được sự đồng ý của ông bà bạn là người sở hữu quyền sử dụng đất trước đó thông qua giao dịch chuyển nhượng hoặc tặng cho đất. Do thông tin bạn cung cấp chưa được cụ thể nên chúng tôi xin đưa ra hai hướng phân tích sau :
TH1 : Mảnh đất được sang tên trước khi ông bà bạn mất.
Nếu mảnh đất được sang tên trước khi ông bà bạn mất thì bắt buộc phải có sự đồng ý của ông bà bạn mới có thể sang tên được. Theo pháp luật về thừa kế bố bạn không thuộc một trong số những người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc theo Điều 669 LDS 2005, như vậy nếu mảnh đất trên được sang tên cho bác bác theo ý chí của ông bà bạn kể cả không để lại di chúc thì bố bạn cũng không được hưởng một phần thừa kế trên mảnh đất đó.
"Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động."
TH2 : Mảnh đất được sang tên sau khi ông bà bạn mất
Nếu sau khi ông bà bạn mất không để lại di chúc hợp pháp mà thành viên trong gia đình không tự phân chia được di sản thì có thể yêu cầu tòa án phân chia di sản thừa kế, trường hợp này di sản thừa kế sẽ được chia theo điểm a khoản 1 Điều 676 LDS bố bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng một phần di sản bằng những người còn lại trong hàng thừa kế này.
Điều 676, khoản 1, điểm a Bộ luật dân sự 2005 quy định:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết"
Vậy để được sang tên mảnh đất này sau khi ông bà bạn mất bác bạn cần có sự đồng ý của tất cả những người được hưởng thừa kế còn lại theo pháp luật, theo đó nếu bác bạn sang tên sổ đỏ mà không có sự đồng ý của bố bạn thì bố bạn có thể nộp đơn khiếu nại tại UBND xã hoặc khởi kiện ra TAND huyện yêu cầu phân chia di sản thừa kế.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691