Hệ thống pháp luật

Vụ xe cấp cứu bỏ mặc người tai nạn có dấu hiệu hình sự?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: GT39

Câu hỏi:

Liên quan đến vụ xe cứu thương bỏ mặc nạn nhân bị tai nạn trên cầu vượt. Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến hỏi về quy định của pháp luật để xử lý hai đối tượng vừa bị khởi tố như thế nào?

Như thông tin báo chí đã đăng tải, khoảng hơn 22h ngày 8/11, tài xế xe cấp cứu của Bệnh viện GTVT chở kíp trực đưa một bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện GTVT Trung ương sang Bệnh viện Bạch Mai, sau đó quay trở lại Bệnh viện GTVT. Khi trở về BV GTVT, chiếc xe trên không chở thêm một bệnh nhân nào khác, chỉ có kíp trực đã đi cùng lúc trước. Điều đáng bàn là thông tin người dân bức xúc về việc chiếc xe cứu thương trên đi qua nơi xảy ra tai nạn mà không dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu. Theo anh T một nhân chứng ở hiện trường cho hay, khoảng 5 phút sau khi anh gọi điện cấp cứu, một chiếc xe cấp cứu chạy từ phố Chùa Bộc hướng ra Thái Hà. Tuy nhiên, nhiều người giơ tay vẫy nhưng chiếc xe cứu thương trên vẫn hú còi, cố vượt qua đám đông rồi đi thẳng ra phố Thái Hà.

Còn theo giải thích của kíp trực trên xe cấp cứu thì khi qua khu vực này lái xe nhìn thấy có nhiều người đứng dưới lòng đường, nhưng không có ai ra tín hiệu yêu cầu hỗ trợ. Lái xe đã tiếp tục đưa kíp trực về bệnh viện làm nhiệm vụ. Khi đó ở bệnh viện đang có nhiều người bệnh nặng cần được cấp cứu.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng?

Bộ luật hình sự có quy định về một tội danh mà theo đó, một người khi có điều kiện để cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng không thực hiện việc cứu giúp thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi của người mà khi biết được người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm có thể bị chết, mặc dù có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc tình trạng đó làm cho nạn nhân bị chết. Tội phạm gián tiếp xâm phạm đến quyền sống của con người. Đồng thời tội phạm xâm phạm trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghề nghiệp trước tính mạng của người khác. Tội phạm được thực hiện bằng không hành động. “Có điều kiện cứu” không chỉ là có khả năng mà phải là có điều kiện hoàn toàn có thể cứu người được. Ngoài ra, phải xảy ra hậu quả chết người và hậu quả chết người là do bị bỏ mặc không cứu giúp thì “người có điều kiện mà không cứu giúp” đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tức là phải có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người xảy ra trong trường hợp này trên thực tế.

Đối với vụ việc nêu trên, hành vi của kíp trực họ là những người có điều kiện về chuyên môn để cứu giúp những người bị cấp cứu, bản thân họ cũng có điều kiện trực tiếp bởi trên xe hiện tại không có người cần cấp cứu. Nhưng trong trường hợp này, những bác sĩ, y tá chỉ có thể thỏa mãn dấu hiệu của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu chứng minh được bản thân họ thấy rõ việc xảy ra tai nạn, thấy rõ được hậu quả trên thực tế xảy ra đối với những người đang bị tai nạn. Việc đám đông tụ tập không phải là dấu hiệu rõ ràng của việc này.

Trong vụ việc này lời kể của các bên có nhiều mâu thuẫn, bên bác sĩ cấp cứu và kíp trực cho rằng họ không nhận thấy dấu hiệu của việc cần cứu giúp, không biết đấy là một vụ tai nạn. Còn phía những người dân có mặt tại hiện trường cho rằng họ đã hết sức ra hiệu cho xe cấp cứu dừng lại nhưng chiếc xe này không dừng. Sự mâu thuẫn này cần phải được làm rõ bởi đây là căn cứ rất quan trọng trong việc xác định có hay không việc nhận biết người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng để thực hiện việc cứu giúp hay không. Đối với tội phạm này, việc người có hành vi không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng phải nhận thức được tình trạng nguy hiểm của nạn nhân thì mới phạm tội này hoặc nếu người đó nhận thức nạn nhân chưa phải trong tình trang nguy hiểm đến tính mạng hoặc hoàn cảnh khách quan thể hiện điều đó, nhưng hậu quả nạn nhân vẫn chết thì không phạm tội.

Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Việc không cứu giúp người bị nạn về mặt đạo đức là hành vi thể hiện sự vô cảm và cần phải lên án, tuy nhiên để xem xét họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể bởi trách nhiệm hình sự của người phạm tội này thì cần rất thận trọng trong việc xem xét vì liên quan đến nhiều yếu tố trên thực tế.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM