Vietjet Air hoãn chuyến bay 5 lần có phải bồi thường?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Câu hỏi:
Liên quan đến vụ việc hãng hàng không VietJet Air hoãn chuyến bay của một khách hàng tới 5 lần đang gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc hỏi về quy định bồi thường về việc hoãn chuyến bay như thế nào?
Theo thông tin báo chí phản ánh, một khách hàng đặt vé chuyến bay của hãng hàng không VietJet Air từ Đà Nẵng về TP.HCM khởi hành lúc 20g45 ngày 25-10. Sau đó VietJet Air đã nhắn tin thông báo (lúc 11g15 ngày 20-10): “Vì lý do khai thác, hành khách L.T.T.H., N.Q.T. chuyển sang chuyến bay lúc 21g25 ngày 25-10”.
Tuy nhiên liên tục sau đó hãng hàng không này còn nhắn tin thông báo về việc chậm chuyến tới khách hàng đến 4 lần nữa, và đến 1g sáng 26-10 máy bay mới cất cánh rời sân bay Đà Nẵng. Khách hàng này phản đối vì hãng hàng không này không quan tâm hành khách của mình sẽ ra sao, ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống, công việc làm ăn của họ.
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Bồi thường trong trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2015/TT-BGTVT về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thì : “Việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không tại Việt Nam đối với trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng bị từ chối vận chuyển hoặc chuyến bay bị hủy hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài do lỗi của người vận chuyển.”
Tại khoản 4 điều 2 Thông tư này giải thích: “Chuyến bay bị chậm kéo dài” là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế (tính từ thời điểm rút chèn tàu bay) muộn hơn 4 giờ so với thời gian dự kiến cất cánh theo lịch bay của người vận chuyển được công bố cập nhật đến 15 giờ của ngày hôm trước ngày chuyến bay dự kiến khai thác.”
Như vậy, mọi trường hợp chậm chuyến kéo dài phải được thông báo cập nhật đến trước 15 giờ của ngày hôm trước ngày chuyến bay dự kiến khai thác thì mới được xem là hợp lệ. Trường hợp này của VietJet Air, việc chậm chuyến đã được thông báo đến khách hàng trước 15 giờ của ngày hôm trước thì được xem như hợp lệ về mặt thủ tục. Nhưng phải xem về lý do chậm chuyến.
Lý do miễn trừ nghĩa vụ bồi thường
Theo quy định tại Điều 82 Luật hàng không dân dụng hiện hành về điều kiện cấp phép bay
“1. Việc cấp phép bay cho các chuyến bay phải đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không; trật tự và lợi ích công cộng; phù hợp với khả năng đáp ứng của hệ thống bảo đảm hoạt động bay, các cảng hàng không, sân bay.”
Như vậy có rất nhiều lý do giải thích cho việc chậm chuyến, đó có thể là vì lý do “tại ông trời” – thời tiết, hoặc là vì công tác kiểm tra điều kiện kỹ thuật và khai thác cho máy bay, mật độ khai thác cao tại sân bay, tình trạng kỹ thuật của máy bay… có thể ảnh hưởng, làm thay đổi thời gian cất, hạ cánh…
Doanh nghiệp khai thác vận chuyển hàng không chỉ được miễn trừ nghĩa vụ do hủy chuyến hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài trong các trường hợp quy định tại điều 6 Thông tư 14/2015/TT-BGTVT
“Người vận chuyển được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài vì một trong các lý do sau đây:
1. Điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay.
2. Nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay.
3. Chuyến bay không thể thực hiện hoặc bị chậm kéo dài theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Do những vấn đề về y tế của hành khách (bị ốm nặng hoặc chết sau khi đã lên tàu bay).
5. Tàu bay theo lịch dự kiến để khai thác chuyến bay bị phá hoại hoặc đội tàu bay bị phá hoại.
6. Do xung đột vũ trang, mất ổn định chính trị, đình công làm ảnh hưởng đến chuyến bay.
7. Trong trường hợp kết cấu hạ tầng hàng không, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay không đảm bảo cho việc thực hiện chuyến bay.
8. Sự cố kỹ thuật xảy ra trong quá trình khai thác tàu bay, tính từ thời điểm người chỉ huy tàu bay ký tiếp nhận tàu bay sẵn sàng thực hiện chuyến bay cho đến khi kết thúc chuyến bay.
9. Hành khách được bố trí hành trình tới điểm đến theo kế hoạch bằng chuyến bay khác với thời gian đến không quá 4 giờ so với thời gian đến dự kiến của chuyến bay đã được xác nhận chỗ.
10. Hành khách được bố trí tới điểm đến của hành trình với thời gian đến không quá 6 giờ so với thời gian đến dự kiến của chuyến bay nối chuyến trong trường hợp điểm đến theo kế hoạch của chuyến bay là điểm nối chuyến trong hành trình của hành khách.
11. Các trường hợp bất khả kháng khác.”
Như vậy, các hãng hàng không có rất nhiều lý do để được miễn trừ cho việc chậm chuyến bay mà thiệt hại thực tế từ việc chậm chuyến bay đối với khách hàng là điều không thể đo đếm hết được. Để chứng minh trường hợp nào là bất khả kháng, trường hợp nào là do lỗi của người vận chuyển thì rất khó bởi ngoài việc gửi đơn khiếu nại, yêu cầu làm rõ tới Cục hàng không dân dụng, doanh nghiệp khai thác hàng không thì hành khách cũng không còn bất cứ biện pháp nào khác ngoài việc ngồi chờ chậm chuyến và ngồi chờ được giải thích với điệp khúc: “Xin cáo lỗi và cảm ơn.”
Được bồi thường do chậm chuyến
Trường hợp được bồi thường ứng trước không hoàn thì theo quy định tại Điều 8 Thông tư này, mức bồi thường ứng trước không hoàn lại cực kỳ thấp so với giá dịch vụ hàng không, tối đa chỉ 400.000 đồng cho chuyến bay nội địa và 150 USD cho chuyến bay quốc tế. Điều này rõ ràng không tương xứng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác hàng không bỏ lửng trách nhiệm, không quan tâm kỹ đến việc chậm chuyến bởi mức bồi thường ứng trước không đáng là bao nhiêu, lý do để được miễn trừ thì nhiều vô kể, còn để xác minh trách nhiệm trong trường hợp không rõ ràng thì lại vô cùng khó khăn và phức tạp.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý với hành khách khác, nếu chứng minh được việc chậm chuyến, hủy chuyến không vì bất cứ lý do bất khả kháng nào nêu trên và doanh nghiệp không thực hiện việc thông báo kịp thời thì ngoài mức bồi thường ứng trước, hành khách có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trên thực tế từ việc hủy chuyến gây ra đối với mình theo quy định tại Điều 164 Luật hàng không dân dụng về bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm
“1. Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm, trừ trường hợp chứng minh được mình, nhân viên và đại lý của mình không thể áp dụng hoặc đã áp dụng mọi biện pháp để tránh thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn xảy ra.
2. Việc bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm không vượt quá mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 166 của Luật này.”
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691