Hệ thống pháp luật

Tự ý mang xe người khác đi cầm cố có phạm tội không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41343

Câu hỏi:

Tôi cho anh N mượn xe ô tô. Sau đó anh Ngọc đi mua hàng của anh L và đặt xe ở đó làm tin. Khi tôi (chủ sở hữu) gặp anh L đòi lại chiếc xe anh không trả, Tôi làm đơn nhờ công an giải quyết. Sau đó anh L đã giao xe lại cho công an sau hơn 1 tháng giữ xe. Xin hỏi anh N và anh L có pham tội không? Hiện công an vẫn đang điều tra. Tôi đã làm đơn gửi để xin lại xe nhưng phía công an không đồng ý, xe đã nộp về hơn 10 ngày. Vậy tôi phải làm thế nào để xin xe ra trước?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

* Cơ sở pháp lý:

Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009

Bộ luật dân sự 2005

Bộ luật tố tụng hình sự 2003

2. Nội dung tư vấn

1. Xét hành vi của anh N

Thứ nhất là tội lừa đảo chiểm đoạt tài sản, căn cứ vào Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Trong trường hợp này nếu trước khi anh N mượn xe bạn anh N đã có ý định dùng chiếc xe đó để lại chỗ anh L để đảm bảo thanh toán mà chỉ báo với bạn rằng anh N mượn xe để đi chở hàng và trị giá chiếc xe của bạn từ hai triệu đồng trở lên thì hành vi của anh N sẽ cấu thành tội lừa dối chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản căn cứ vào Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định như sau:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây  chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưnggây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

  a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

  b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó  vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Trong trường hợp khi anh N mượn xe bạn với mục đích là mượn xe để chở hàng tuy nhiên khi anh N đến chỗ anh L lấy hàng thì anh N nảy sinh ý định dùng chiếc xe làm tài sản đảm bảo nghĩa vụ của mình đối với anh L; sau đó anh N dùng thủ đoạn gian dối như giả tạo việc mất tài sản hoặc bỏ trốn thì hành vi của anh N cấu thành tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

2. Xét hành vi của anh L

Trong trường hợp này, bạn cho anh N mượn xe để đi chở hàng nên anh N có quyền sử dụng chiếc xe để thực hiện mục đích chở hàng mà không có quyền giao chiếc xe cho anh L để đảm bảo nghĩa vụ trả tiền nên thoả thuận cầm cố chiếc xe là trái với quy định của pháp luật nhưng anh L là người chiếm hữu ngay tình do khi được anh N giao xe thì anh L không biết về hành vi phạm tội của anh N.

Điều 256. Quyền đòi lại tài sản

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này. Trong trường hợp tài sản đang thuộc sự chiếm hữu của người chiếm hữu ngay tình thì áp dụng Điều 257 và Điều 258 của Bộ luật này.

Điều 258. Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình

Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Tức là trong trường hợp này, anh L là người chiếm hữu chiếc xe ngay tình nhưng chiếc xe là động sản có đăng ký quyền sở hữu mang tên bạn nên anh L buộc phải trả lại chiếc xe cho bạn. Đây là vấn đề dân sự mà không liên quan đến hình sự nên anh L không phạm tội căn cứ vào các quy định về tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trong Bộ luật hình sự 1999 cũng như Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

Căn cứ vào Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về việc xử lý vật chứng như sau:

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;

b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;

c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;

đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.

4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Căn cứ vào quy định trên thì trong trường hợp của bạn, chiếc xe ô tô thuộc sở hữu hợp pháp của bạn nên bạn có quyền yêu cầu cơ quan điều tra có thẩm quyền trả lại chiếc xe ô tô đó cho bạn.Trong trường hợp cơ quan điều tra xét thấy việc trả lại chiếc xe không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án thì bạn sẽ nhận được chiếc xe thuộc sở hữu của bạn.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM