Hệ thống pháp luật

Tư vấn tình huống sao chép bài viết trên báo mạng

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: SHTT81

Câu hỏi:

Mong Luật sư tư vấn cho tình huống chúng tôi như sau:

Trang báo mạng A của chúng tôi chuyên đưa tin về các sự kiện showbiz kèm theo các bình luận khá sâu sắc. Vì thế, một ngày chúng tôi có rất nhiều lượng truy cập, cũng như nhiều công ty tìm đến để đăng ký quảng cáo.Tuy nhiên, gần đây xuất hiện 1 web X khác cũng hay đưa bài gần giống, thậm chí có những bài giống hệt của chúng tôi, làm lượng người xem mỗi ngày giảm đi đáng kể.

Vì vậy tôi muốn hỏi là hành vi đó có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không ? Tôi có thể kiện trang web đó được không ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Điểm c Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 ( sửa đổi bổ sung 2009 ) quy định:

" Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

...

c) Tác phẩm báo chí;

...."

Điều 11 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định: " Tác phẩm báo chí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm các thể loại: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác."

Báo điện tử cũng là một trong các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả !

Điều 15 Luật sở hữu trí tuệ 2005 ( sửa đổi bổ sung 2009 ) quy định:

" Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả

1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.

2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.

3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu."

2. Áp dụng tình huống:

Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định 100/2006/NĐ-CP thì các thông tin báo chí hằng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo sẽ không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Có thể thấy “ thuần túy đưa tin ” ở đây được hiểu là những tin tức thời sự cần được chuyển đến công chúng nhanh nhất, chỉ đơn giản là những bản tin, số liệu sự thật như: dịch bệnh, tại nạn, tin tức xã hội hàng hàng ngày. Còn các tin tức thời sự có kèm theo lời bình luận, phân tích, nhận xét, thể hiện sự sáng tạo về trí tuệ của tác giả thì vẫn được bảo hộ quyền tác giả.

Có thể thấy theo thông tin bạn cung cấp, thì các bài báo của bạn còn có thêm bình luận của các phóng viên, như vậy tức là nó có tính sáng tạo, là phẩm báo chí tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 ( sửa đổi bổ sung 2009 ), là một trong các đối tượng quyền tác giả được nhà nước bảo hộ. Theo Điều 23 Nghị định 47/2009/NĐ-CP quy định hành vi sao chép tác phẩm trái phép có thể bị phạt hành chính lên tới 500 triệu đồng, nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm này thuộc về cơ quan nhà nước. Vì vậy, bạn có thể kiện trang báo X kia.

Tuy nhiên, vụ việc các báo kiện nhau là vụ việc dân sự, nếu muốn được bồi thường thì bạn có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của mình và được Tòa án chấp nhận. Như vậy, trong trường hợp này, bạn nên thỏa thuận với trang báo X kia để cả hai đều đạt được những kết quả tốt nhất, có lợi cho đôi bên.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM