Hệ thống pháp luật

Tu nghiệp sinh về nước trước hạn thì bồi thường như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL37480

Câu hỏi:

Xin chào luật sư, em hiện là tu nghiệp sinh hiện đang làm việc tại Nhật, trước đó em có đăng ký đi xuất khẩu lao động của công ty TNHH Nhật Huy Khang ở TP.HCM với giá đi là 5.000 đô la mỹ trong đó có tiền đặt cọc là 1.000 đô. Theo như hợp đồng đã được ký kết và các tư vấn viên nói là nếu hoàn thành đủ 3 năm về thì em sẽ lấy lại được 1.000 đô đó, còn không hoàn thành đủ thì sẽ bị mất 1.000 đô đó. Và trong phụ lục hợp đồng còn ghi rõ là sẽ bị truy thu tiền dịch vụ tính từ ngày về nước trước thời hạn đến hết hợp đồng. Số tiền dịch vụ/1 năm = 1 tháng lương cơ bản trong 1 năm. Nay em muốn về vì mẹ em bị bệnh nặng nhưng được phía công ty nói là phải đền bù cả tiền phí dịch vụ và bị mất luôn số tiền 1.000 đô đó trong khi em đã đi được 1.5 năm. Xin luật sư cho em biết liệu có đúng là em phải bị mất 2 loại tiền đó đúng không ạ? Theo như thông tư em tìm hiểu và ý hiểu của em là nếu về trước thời hạn thì công ty Nhật Huy Khang sẽ lấy số tiền cọc của em ra đền bù cho phía công ty Nhật chứ em không thể vừa bị mất tiền cọc lại còn bị mất thêm phí dịch vụ như thế Xin chân thành cám ơn luật sư và chờ đợi sự tư vấn của luật sư…?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Điều 17 Điều 21, Điều 23, Điều 27 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006

– Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH

– Mục III Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC

2. Nội dung tư vấn

Hiện tại, người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài thì phải lựa chọn một trong các hình thức sau đây:

Hình thức 1: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Hình thức 2: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Hình thức 3: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề;

Hình thức 4: Hợp đồng cá nhân

Trường hợp của bạn là ký hợp đồng với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung bạn đang cần hỏi liên quan đến tiền dịch vụ và tiền đặt cọc. Căn cứ theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 tiền dịch vụ là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp dịch vụ để thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong trường hợp người lao động đã nộp tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với tiền đặt cọc là tiền ký quỹ của bạn, bạn trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp dịch vụ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng được doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại để giữ tiền ký quỹ. Đối với khoản tiền này theo quy định Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp; khi sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung, nếu còn thừa thì phải trả lại cho người lao động.

Như vậy, bạn cần kiểm tra lại hợp đồng mà bạn đã ký có những quy định như thế nào về các trường hợp về nước trước hạn mà không vi phạm, xác định lỗi vi phạm thuộc về bên nào và khi chấm dứt hợp đồng bạn có được chấp thuận từ phía công ty tiếp nhận lao động hay không. Bạn cần phải kiểm tra chính xác "lỗi" ở đây là có hay không thì bạn mới phải chịu trách nhiệm bồi thường. Cụ thể:

Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài;

Trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật nước đến làm việc mà phải về nước trước hạn hoặc tự ý bỏ hợp đồng ở lại bất hợp pháp thì doanh nghiệp được thu tiền dịch vụ của người lao động theo thời hạn hợp đồng đã ký.

>>> Luật sư tư vấn việc bồi thường khi tu nghiệp sinh về nước trước hạn: 024.6294.9155

 Trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp.

Như vậy, hai khoản phí nêu trên có thể trừ toàn bộ nếu bạn có vi phạm hợp đồng và gây ra thiệt hại, trường hợp bạn không vi phạm và không gây thiệt hại thì bạn không phải mất số tiền bạn đang trình bày.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM