Hệ thống pháp luật

Trường hợp bị cấm xuất cảnh theo quy định hiện hành

Ngày gửi: 06/08/2015 lúc 10:33:36

Mã số: HTPL32688

Câu hỏi:

Xin chào các luật sư. Em có trường hợp này cần mọi người tư vấn giúp. Bạn em công tác tại trường đại học Tiền Giang ( trường này thuộc quản lý của Tỉnh, không thuộc quản lý của bộ GDDT). Bạn em làm việc theo hợp đồng không phải biên chế. Tháng 8/2015 bạn em xin được học bổng toàn phần nghiên cứu sinh Tiến Sĩ ở Đài Loan của Chính phủ Đài Loan cấp. Lúc làm thủ tục đi Đài Loan thì có nhờ trường đứng tên để làm thủ tục. Có ký hợp đồng với trường. Sau đó thang 11/2015 bạn em xin nghỉ bên Đài Loan không học nữa,và trường bên Đài Loan đồng ý. Tháng 01/2016 bạn em xin được học bổng toàn phần ở Newzeland (NZ) do chính phủ NZ cấp. Khi đi NZ thi bạn em không có làm hợp đồng với trường ĐH Tiền Giang. Sau khi qua NZ bạn em viết đơn xin nghi ở ĐH Tiền Giang. Trường chấp nhận cho nghỉ, nhưng bên Tỉnh không cho, bắt bạn em phải về. Cuối năm nay bạn em muốn về nước chơi, nhưng sợ về rồi bị bắt lại không cho xuất cảnh. Xin các luật sư tư vấn giúp. Trường hợp này bạn em phải làm sao? Nếu về nước có bị cấm xuất cảnh không? Làm sao để xin nghỉ bên Tỉnh Cám ơn các luật sư?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

* Cơ sở pháp luật:

Thông tư 21/2011/TT-BCA quy định về trình tự thủ tục thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh.

Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

2. Nội dung tư vấn

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 21/2011/TT-BCA có giải thích: “Chưa được xuất cảnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định không cho phép công dân Việt Nam xuất cảnh.”

“1. Thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh :

a) Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Nghị định này.

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 4 Điều 21  Nghị định này.

c) Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này.

d) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 6 Điều 21 Nghị định này.

đ) Thủ trưởng cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 7 Điều 21 Nghị định này.

2. Các cơ quan có thẩm quyền nêu tại các điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều này khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện. Khi hủy bỏ quyết định đó cũng phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an để thực hiện.

3. Cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh.

4. Người quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.”

Theo Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

“Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.”

Vì thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên việc Tỉnh không cho phép bạn của bạn xuất cảnh là vì lý do vì sao nên không biết chính xác việc Tỉnh ra quyết định như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không? Và cơ quan nào ra quyết định chưa cho phép bạn của bạn xuất cảnh?.

Theo bạn trình bày thì bạn của bạn không làm hợp đồng với trường Đại học Tiền Giang nhưng nếu trong trường hợp bạn của bạn có làm hợp đồng giảng dạy với Tỉnh thì còn phải xem xét trong nội dung hợp đồng bạn của bạn và bên Tỉnh thỏa thuận như thế nào khi giao kết hợp đồng, thì hai bên sẽ phải thực hiện đúng theo hợp đồng đã giao kết. Trong trường hợp bạn của bạn vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dẫn đến việc xảy ra tranh chấp dân sự giữa bạn của bạn và bên Tỉnh thì lý do phía bên Tỉnh không cho phép bạn của bạn xuất cảnh là hoàn toàn hợp lý. Ngược lại, nếu trong trường hợp giữa bạn của bạn và bên Tỉnh không giao kết hợp đồng hoặc có giao kết hợp đồng với bên Tỉnh nhưng không vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng và không thuộc các trường hợp không được xuất cảnh theo quy định tại Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP như trên thì bạn của bạn có thể được xuất cảnh khi trở về Việt Nam. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM