trưng thu
"trưng thu" được hiểu như sau:
Biện pháp pháp luật được thực hiện bởi Nhà nước hay một cơ quan nhà nước trưng thu tài sản của công dân, tổ chức, cơ quan để sử dụng vào việc công hoặc trưng thu tài sản bị pháp luật coi là tồn tại không hợp pháp, vô chủ...Trong hai cuộc cải cách tư bản tư nhân ở miền Bắc (sau năm 1954) và miền Nam (sau năm 1975), Nhà nước đã trưng thu công xưởng, nhà máy, tài sản của tư sản mại bản, thực hiện chương trình quốc hữu hoá thành sở hữu toàn dân.Thuật ngữ "trưng thu" được sử dụng rõ nét thông qua các quy định của Luật cải cách ruộng đất năm 1953. Theo quy định của Luật này, “trưng thu" là biện pháp pháp luật nhưng không phải là biện pháp tịch thu hay trưng mua.Trưng thu là biện pháp pháp luật được áp dụng đối với phần ruộng đất, tài sản của thực dân, địa chủ phản động, cường hào ngoài những phần đã bị tịch thu. Ví dụ: trưng thu ruộng đất của địa chủ không rõ tung tích; trưng thu ruộng đất của địa chủ bỏ hoang bất cứ vì lí do gì; trưng thu công điền, công thổ, ruộng phe, ruộng giáp, ruộng xóm, ruộng họ... ruộng đất của đoàn thể, ruộng đất tôn giáo. Đối với ruộng đất không phải của địa chủ nhưng bỏ hoang quá hai năm không có lý do chính đáng thì Nhà nước cũng áp dụng biện pháp trưng thu.Như vậy, cần phân biệt về mặt bản chất giữa hai biện pháp cưỡng chế hành chính tịch thu và trưng thu. Nếu như tịch thu áp dụng đối với tài sản của người phạm tội, vi phạm pháp luật hoặc là tài sản bất hợp pháp, hàng lậu do kẻ buôn lậu bị bắt quả tang... thì biện pháp trưng thu được áp dụng đối với các đối tượng tài sản sau đây; 1) Những tài sản vô chủ, những tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mà không biết rõ người quản lý, sử dụng, đã thông báo theo luật định song vẫn không có người đến nhận; 2) Những tài sản, tài nguyên, vật quý hiếm do những người không phải là chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp tìm thấy, đào thấy hoặc khai quật, khai thác được...Nhìn chung, các tài sản bị Nhà nước áp dụng biện pháp trưng thu không đơn thuần là những tài sản bất hợp pháp, mà có những điều kiện nhất định như chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản đó bỏ trốn, không thừa nhận tài sản hoặc tài sản vô chủ; sự tồn tại của tài sản không phù hợp pháp luật.Ngày nay, thuật ngữ "trưng thu" không còn được sử dụng phổ biến trong các văn bản pháp luật và sách báo pháp lý. Biện pháp cưỡng chế hành chính chủ yếu được áp dụng là tịch thu tài sản.