Hệ thống pháp luật

Tranh chấp về quyền sở hữu đối với tác phẩm nghiên cứu ?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: SHTT68

Câu hỏi:

Kính gửi Quý văn phòng. Tôi là một cán bộ khoa học. Hiện tôi đang bị một người lấy mất bản quyền nghiên cứu của mình. Tôi rất mong được luật sư tư vấn giúp đỡ. Sự việc như sau: Năm 2013, tôi đang vừa công tác vừa là học viên cao học. Khi thực hiện viết luận án, tôi đã xin phép sử dụng các kết quả nghiên cứu của Phòng nghiên cứu tôi đang làm việc (có công sức nghiên cứu của tôi) và được phòng xác nhận bằng văn bản cho phép. Tuy nhiên phòng đã yêu cầu tôi cam kết chỉ sử dụng cho luận án mà không được cung cấp hay công bố ở bất cứ hình thức nào khác. Sau đó tôi đã nhờ một thầy hướng dẫn (cùng cơ quan đứng tên về mặt thủ tục). Vì kết quả đã có sẵn để bảo vệ luận án vào tháng 4 năm 2014. Tại hội đồng bảo vệ, thầy hướng dẫn đã công khai tuyên bố trước hội đồng đây là nghiên cứu của riêng tôi, thầy không tham gia. Bẵng đi 2 năm, cách đây một tuần tôi phát hiện thầy hướng dẫn cũ đã copy kết quả nghiên cứu (tất cả số liệu, hình vẽ) và chuyển ngôn ngữ sang tiếng Anh để gửi đăng bài trên 1 tạp chí nước ngòai mà không hề hỏi ý kiến tôi. Tuy nhiên trong bản thảo bài báo gửi đi, thầy có đề tên tôi như đồng tác giả mặc dù tôi không biết. Do đó, ban biên tập tạp chí đã viết email đến tôi và hỏi tôi có đồng ý cho đăng bài báo này không. Tôi đã lên gặp thầy hướng dẫn phản đối việc này vì tác quyền của nghiên cứu không phải của thầy mà thuộc về tôi và các đồng nghiệp trực tiếp nghiên cứu. Thầy hướng dẫn cũ trả lời rằng do ông ấy là thầy nên có chung tác quyền và có quyền gửi đăng không cần hỏi ý kiến bất kỳ ai. Tôi đã viết thư cho ban biên tập tạp chí để từ chối cho đăng bài. Hiện nay bài báo đã bị loại khỏi danh sách đăng. Tuy nhiên thầy hướng dẫn lại đe dọa tôi vì tôi từ chối. Tôi và các đồng nghiệp muốn kiện việc này ra tòa.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009

Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH hợp nhất Bộ luật Tố tụng Dân sự

Nội dung phân tích:

Theo như bạn nói thì bài nghiên cứu là do bạn đã xin phép sử dụng các kết quả nghiên cứu của Phòng nghiên cứu tạo ra do đó chỉ có bạn với Phòng nghiên cứu là đồng tác giả. Thầy hướng dẫn của bạn không cùng nghiên cứu với bạn và đã thừa nhận tại hội đồng bảo vệ là "thầy không tham gia" thì thầy của bạn sẽ không có quyền đối với tác phẩm này. Trong trường hợp này rõ ràng thầy cũ của bạn đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo vệ:

Theo khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ quy định:

"Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ

1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất l­ượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký..."

Như vậy, có thể thấy rằng quyền tác giả sẽ phát sinh kể từ khi tác phẩm của bạn được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định.

Trong trường hợp này, thầy cũ của bạn đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:

"Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả

1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Mạo danh tác giả.

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

12. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

13. Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả."

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi Tòa án, cụ thể Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:

"Điều 198. Quyền tự bảo vệ

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a) áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.."

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM