Hệ thống pháp luật

Tranh chấp đất đai về con đường đi chung sau khi mua đất phải làm như thế nào?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: DD7

Câu hỏi:

Xin chào luật sư. Rất mong luật sư tư vấn và giải đáp cho tình huống tranh chấp đất đai như sau: 

Tôi có mua 1 mảnh đất và con đường đi vào cách đây 5 tháng. Mảnh đất và con đường đi vào này là phần đất thừa kế thuộc quyền sở hữu của 10 người (có sổ đỏ) . Sau khi thỏa thuận, tôi đã mua với giá 2,6 tỷ. 10 người đồng sở hữu kia đã ký và giấy tờ chuyển nhượng sử dụng đất đã được công chứng. Tôi cũng đã đưa đủ 2,6 tỷ cho bên bán. Nhưng trong quá trình chuyển sang tên tôi, thì có 1 tờ đơn kiện của bà Hoa đang ở, sinh sống sát phần đất của con đường đi vào. Vì trước đó bà Hoa và 10 người sở hữu kia đã kí 1 văn bản thỏa thuận dưới sự hòa giải của UBND xã. Trong bản thỏa thuận thì: con đường này là con đường đi chung, không là của ai. Và bà Hoa đưa đơn kiện với lý do là: con đường đi chung, không là của ai thì sao lại nằm trong sổ quyền sử dụng của tôi. Nên bà Hoa đòi tách con đường này ra khỏi sổ của tôi, và con đường đi này sẽ thuộc vào 1 sổ quyền sử dụng đất đứng tên tôi và bà Hoa. Tôi không đồng ý. Nhưng vẫn đồng ý cho Bà Hoa đi chung con đường đó. Nhưng không chịu tách sổ. trong sổ đỏ thì gồm mảnh đất và con đường. Giấy tờ đàng hoàng, hợp pháp. Và từ trước đến nay khi đóng thuế, chủ sở hữu trước (10 người thừa kế trên) đã đóng thuế cho cả đất đường đi vào. Bà Hoa không hề đóng góp gì. Và khi vượt đất bên trong và con đường, bà Hoa cũng không đóng góp gì. (Thật ra, bà Hoa từ trước đến nay không đi con đường đó, bà gây khó khăn cho tôi vì muốn đòi tiền. Nhưng tôi không đồng ý vì bà đòi 700 trăm triệu) Giờ xin luật sư tư vấn, giải đáp giúp tôi trường hợp này. Giờ tôi nên làm gì. Rất mong luật sư giúp đỡ. Cảm ơn luật sư.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật dân sự năm 2005

2. Nội dung tư vấn

Bộ luật dân sự năm 2005 quy định như sau:

Điều 273. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề.

Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 275. Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề

1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

Như vậy trong trường hợp này nếu con đường đang tranh chấp thuộc sở hữu của bạn, được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như trong bản hồ sơ địa chính xã, thì bạn hoàn toàn có quyền sử dung đối với phần đất này để tiếp tục sử dụng.

Còn nếu con đường đang tranh chấp là phần đất công cộng được sử dụng làm lối đi chung bà Hoa hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác trên đất.

Về phần thủ tục, trước hết bạn phải tự hòa giải. Trường hợp không hòa giải được bạn có thể gửi đơn yêu cầu hòa giải lên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Nếu hòa giải không thành, thì bạn phải gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận/huyện nơi có thửa đất để yêu cầu giải quyết, đồng thời kèm theo các giấy tờ liên quan để chứng minh về quyên sử dụng đất của bạn.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM