Hệ thống pháp luật

Trách nhiệm của bên mời thầu khi thực hiện hồ sơ đề xuất

Ngày gửi: 11/04/2017 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL42425

Câu hỏi:

Khi mở hồ sơ đề xuất trong chào hàng cạnh tranh có cần sự tham dự của các nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất hay không? Đơn vị có cần lập hội đồng đánh giá hồ sơ đề xuất hay không? Hay dùng bộ máy quản lý của bên mời thầu? Xin nhận được câu giải đáp sớm nhất, chân thành cám ơn Luật sư.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Nghị định 63/2014/NĐ-CP;

Luật đấu thầu 2013;

2. Nội dung tư vấn:

Điểm d) Khoản 2 Điều 58 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định:

"d) Bên mời thầu chịu trách nhiệm bảo mật các thông tin trong hồ sơ đề xuất của từng nhà thầu. Ngay sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu tiến hành mở các hồ sơ đề xuất và lập biên bản mở thầu bao gồm các nội dung: Tên nhà thầu; giá chào; thời gian có hiệu lực của hồ sơ đề xuất; giá trị, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu; thời gian thực hiện hợp đồng và gửi văn bản này đến các nhà thầu đã nộp hồ sơ đề xuất."

Theo quy định trên, biên bản mở thầu sẽ được đọc công khai tại lễ mở thầu. Đối với những nhà thầu đã nộp hồ sơ đề xuất, vì bất kì lý do gì mà không tham dự được thì bên mời thầu sẽ gửi biên bản mở thầu đến những nhà thầu ấy. Như vậy, tại thời điểm mở hồ sơ đề xuất trong chào hàng cạnh tranh, nhà thầu không nhất định phải có mặt tại lễ mở thầu.

Điều 75 Luật đấu thầu 2013 quy định về trách nhiệm của bên mời thầu đối với từng trường hợp đấu thầu thuộc dự án hoặc đấu thầu theo các hình thức lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thường xuyên như sau:

– Đối với lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án, bên mời thầu có trách nhiệm:

Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

Ra quyết định thành lập tổ chuyên gia;

Thực hiện yêu cầu nhà thầu làm rõ hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong quá trình đánh giá hồ sơ;

Trình duyệt kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu;

Thực hiện thương thảo, hoàn thiện hợp đồng với nhà thầu;

Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho các bên liên quan nếu thiệt hại đó do lỗi của mình gây ra;

Bảo mật các tài liệu trong quá trình lựa chọn nhà thầu;

Bảo đảm trung thực, khách quan, công bằng trong quá trình lựa chọn nhà thầu;

Phải cung cấp các thông tin cho Báo đấu thầu và hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại khoản này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu;

Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về quá trình lựa chọn nhà thầu.

– Đối với lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thường xuyên, ngoài quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 75 Luật Đấu thầu 2013, bên mời thầu còn phải thực hiện trách nhiệm sau đây:

Phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

Tiến hành ký kết và quản lý việc thực hiện hợp đồng với nhà thầu;

Quyết định xử lý tình huống;

Giải quyết kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu;

Hủy thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu 2013;

Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu;

Phải lưu trữ các thông tin liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của Chính phủ;

Phải cung cấp các thông tin cho Báo đấu thầu và hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại khoản này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu;

Tiến hành báo cáo công tác đấu thầu hàng năm.

Bên mời thầu sẽ có trách nhiệm đánh giá hồ sơ đề xuất thông qua tổ chuyên gia. Tổ chuyên gia gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm được bên mời thầu hoặc đơn vị tư vấn đầu thầu thành lập để đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Như vậy, bên dự thầu không cần lập hội đồng đánh giá hồ sơ đề xuất. Việc đánh giá hồ sơ đề xuất sẽ do bên mời thầu hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu tiến hành.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM