Hệ thống pháp luật

Trách nhiệm chi trả chi phí khám chữa bệnh khi bị tai nạn lao động ?

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12

Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com

Mã số: LD142

Câu hỏi:

Chào anh chị. Tôi tên Q là công nhân của công ty trụ sở KCN VL huyện BC Thành phố HCM. Tôi ký hợp đồng với công ty ngày 29/11/2015 loại hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 12/12/2015 tôi bị tai nạn lao động tại công ty là bị máy sản xuất dập vào chân và bác sỹ chụp X quang chẩn đoán tôi bị dập phần cơ gót chân và bàn chân, chỉ định tôi nghỉ liên tục 07 ngày. Chi phí chữa bệnh thuốc men tôi đều chịu hết. + Sau khi đi làm tôi liên lạc nhân sự công ty và nhân sự thông báo là tôi mới ký hợp đồng không xác định thời hạn với công ty nên chưa đăng ký Bảo hiểm xã hội nên không được nhận trợ cấp từ BHXH và công ty cũng không đồng ý chi trả 1 phần chi phí khám chữa bệnh. Ngoài ra nghỉ việc 07 ngày thì công ty trừ lương + chuyên cần và chế độ khác.... Rất mong anh chị xem xét trả lời giúp tôi trường hợp trên tôi phải làm thế nào? Tôi xin Cảm ơn .

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Bộ luật lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động như sau:
Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 44/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 5. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động trong hợp đồng lao động với người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người sử dụng lao động và tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động bị tai nạn lao động hoặc được xác định bị bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tình trạng sức khoẻ của người lao động cho những người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại biết.

2. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động theo hợp đồng lao động với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động, người sử dụng lao động đó có trách nhiệm:

a) Thanh toán chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 144 của Bộ luật lao động;

b) Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị;

c) Bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 145 của Bộ luật lao động;

d) Thông báo bằng văn bản cho những người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại biết về tình trạng sức khoẻ của người lao động.

3. Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian điều trị, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 của Bộ luật lao động.

Khi sức khoẻ của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào quy định nêu trên, có thể thấy được công ty bạn phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các chi phí từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho bạn. Việc bộ phận nhân sự trả lời bạn rằng thời gian nghỉ việc để điều trị sẽ bị trừ lương và điểm chuyên cần là trái pháp luật. Toàn bộ thời gian bạn nghỉ việc để điều trị thì phía công ty phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho bạn.
Bên cạnh đó, căn cứ vào Điều 145 Bộ luật lao động như sau:
Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.
Trong trường hợp của bạn, bạn đã kí hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty, nên bạn thuộc nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội. Căn cứ vào quy định tại điều 145 trên, thì trường hợp công ty chưa đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho bạn thì công ty phải có trách nhiệm chi trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của luật bảo hiểm xã hội. Ngoài ra còn được thanh toán phần chi phí y tế và được trả đủ lương trong thời gian nghỉ việc để điều trị theo quy định.
Vậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khiếu nại đến lãnh đạo công ty, nếu không được thì có thể giải quyết vụ việc thông qua hòa giải viên lao động hoặc tiến hành khởi kiện ra Tòa lao động để giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM