Hệ thống pháp luật

Tội xâm phạm thư tín? Xử lý hành vi xem trộm thư, tin nhắn facebook?

Ngày gửi: 09/05/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL42062

Câu hỏi:

Tôi hiện tại đã ly hôn (có quyết định của Tòa Án). Nhưng trong thời gian tôi nộp đơn xin ly hôn chờ Tòa Án mời lên làm việc, tôi rời khỏi nhà chồng tôi và tôi có liên lạc lại với người yêu cũ của tôi. Chúng tôi gặp lại nhau và sai lầm là khi tôi và anh ấy có quan hệ với nhau. Sau đó chúng tôi có trao đổi tin nhắn trên Facebook và Skype. Bên chồng tôi đã tìm cách vào Facebook của tôi để xem những tin nhắn và cả việc truy cập vào tài khoản skype để chụp lại những tin nhắn đó. Bây giờ khi đã có quyết định ly hôn thì bên nhà chồng tôi đòi đem những bằng chứng đã chụp lại trên facebook và skype của tôi để kiện chúng tôi ngoại tình. Tôi muốn hỏi việc truy cập vào facebook và skype của chồng cũ tôi có phạm pháp không? Những bằng chứng tin nhắn trên mạng có phải là bằng chứng ngoại tình được pháp luật công nhận?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Thứ nhất, quyền riêng tư của mỗi cá nhân được pháp luật công nhận và được quy định trong các văn bản pháp luật cụ thể như sau:

Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.  

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Điều 38 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

“Điều 38. Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Điều 125 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi 2009 quy định:

“Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác 

1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”. 

Hành vi truy cập tài khoản facebook và Skype và đọc trộm, chụp lại tin nhắn của chồng cũ của bạn mà chưa được sự đồng ý của bạn đó là hành vi xâm phạm bí mật đời tư.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:024.6294.9155

Thứ hai, Điều 83 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định về xác định chứng cứ như sau:

“Điều 83. Xác định chứng cứ

1. Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

2. Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

3. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.

…..

8. Kết quả định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định hoặc văn bản do chuyên gia về giá cả cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

Như vậy, ảnh chụp tin nhắn facebook và skype có thể được xem là chứng cứ ngoại tình. Tuy nhiên, chỉ có ảnh chụp từ facebook và skype có thể chưa chứng minh được việc bạn ngoại tình. Nều chồng cũ của bạn chứng minh được việc bạn ngoại tình trong thời gian hai người còn đang trong thời kì hôn nhân, bạn có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì bạn có thể bị xử phạt từ 1000000 đồng đến 3000000 đồng.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM