Thực hiện hợp đồng mua bán và tách sổ của lô đất
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:12
Tên đầy đủ:
Số điện thoại: xxx
Email: *****@gmail.com
Câu hỏi:
Tôi có câu hỏi mong nhận được sự tư vấn của luật sư.Tôi đang định mua lô đất tại quận Thủ Đức. Lô đất này rộng 200m2, tôi mua 100m2 và 1 người khác mua 1 lô. Tôi đang băn khoăn về việc thực hiện hợp đồng mua bán và tách sổ của lô đất này, bởi vì: người chủ của lô đất không hiểu vì lý do gì đã đưa người anh em đứng tên lô đất. Người này đã làm ủy quyền toàn bộ tài sản lại cho chủ đất (tôi chưa thấy ủy quyền đó) và tất nhiên người chủ đất có quyền bán cho tôi.
Vậy Luật Sư cho tôi hỏi là khi mua lô đất này tôi sẽ gặp rủi ro gì và thủ tục thực hiện mua bán này như thế nào? Tôi phải cần làm gì để giảm rủi ro cho mình? Trường hợp này thì việc tách sổ có bị ảnh hưởng gì ko? Việc nhận tiền đặt cọc hay thanh toán tiền cho ai?
2. Căn nhà trên đất diện tích sử dụng 80 m2 liệu có thể nằm trên mảnh đất khác (có thể do chia/tách thửa đất số 12.1 hoặc từ thửa đất tổng là 12 chia thành thửa 12.1, 12.2,...) hay không? Liệu có rủi ro nào trong tình huống này? Trân trọng cảm ơn!
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì người chủ lô đất không đứng tên mà nhà đất do người anh em của anh này đứng tên, sau đó người anh em này lại thực hiện việc ủy quyền toàn bộ tài sản cho chủ lô đất. Như vậy, trong trường hợp này bạn phải kiểm tra các giấy tờ liên quan đến việc ủy quyền toàn bộ tài sản này xem trong hợp đồng ủy quyền này người anh em này có đồng ý cho người chủ này bán lô đất này hay đã chuyển quyền sử dụng đất của người anh em kia cho người chủ này hay chưa. Nếu như trong hợp đồng đã đồng ý cho bán hoặc đã chuyển quyền sử dụng đất cho người chủ này rồi thì đương nhiên người chủ này được quyền bán lô đất này cho bạn.
Về các rủi ro mà bạn có thể gặp phải trong giao dịch này :
- Về vấn đề ủy quyền: hợp đồng ủy quyền có thể vô hiệu nếu không đáp ứng các điều kiện và qui định về hợp đồng ủy quyền trong Bộ luật Dân sự như: bên ủy quyền không có năng lực hành vi dân sự, hoặc bị ép buộc phải tiến hành ủy quyền ...
-Về tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà gắn liền với đất: có thể các tài sản này không thuộc sở hữu hoặc không được phép giao dịch...vì thế bạn phải kiểm tra kĩ lưỡng tình trạng pháp lí của các loại tài sản này.
- Về hợp đồng công chứng: có thể vô hiệu nếu như hợp đồng công chứng này không được lập theo đúng qui định pháp luật: có sự lừa dối, đe dọa đối với các bên trong giao dịch, công chứng không đúng thẩm quyền theo lãnh thổ.
Như vậy, trong trường hợp này để hạn chế rủi ro bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng pháp lý cũng như những thông tin liên quan đến lô đất mà bạn định mua.
Đối với thủ tục tách sổ, sẽ được thực hiện như sau:
Căn cứ Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai và khoản 11 Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính.
Hồ sơ bao gồm:
Đơn đề nghị tách thửa (Mẫu số 11/ĐK);
Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp;
Sơ đồ kỹ thuật về thửa đất (nếu có yêu cầu);
Trong trường hợp tách thửa do chuyển nhượng, cần thêm:
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; (Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chuứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền xử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của xã, phường, thị trấn nơi có đất);
Chứng minh thư, hộ khẩu của hai bên chuyển nhượng, tặng cho (có công chứng).
Nơi nộp hồ sơ: phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
về vấn đề cấp sổ đỏ:
Cần xem xét việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có phù hợp với các qui định tại điều 188 Luật Đất đai 2013 hay không:
"1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính."
Nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên và các điều kiện để giao dịch có hiệu lực pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 thì bạn có thể tiến hành nộp hồ sơ yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi chủ sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.
Về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất được qui định tại điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
"Điều 79. Trình tự, thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
a) Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
b) Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã."
Việc nhận tiền đặt cọc và thanh toán tiền đặt cọc sẽ được thanh toán cho người đứng tên lô đất.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691