năm ngân sách
"năm ngân sách" được hiểu như sau:
Khoảng thời gian khép kín một chu kỳ ngân sách do pháp luật quy định để thực hiện dự toán ngân sách nhà nước của một quốc gia.Năm ngân sách nhà nước còn gọi là tài khóa quốc gia. Trong lịch sử (ở nước Anh vào đầu thế kỷ XVII), thời kỳ bắt đầu áp dụng chế độ chi tiêu quốc gia có sự kiểm soát của cơ quan dân cử, khoảng thời gian thực hiện dự toán ngân sách nhà nước không xác định cụ thể (2 hay 3 năm). Với sự suy yếu quyền lực của chế độ vương quyền, để tăng cường vai trò kiểm soát việc chi tiêu của vua, chúa, từ cuối thế kỷ XVII, lần lượt các nước châu Âu áp dụng chế độ thực hiện dự toán ngân sách là 1 năm. Phần lớn các nước áp dụng năm ngân sách nhà nước trùng với năm dương lịch như Trung Quốc, Pháp, Bỉ, Hà Lan... ở một số nước, năm ngân sách nhà nước là 12 tháng, nhưng thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc không trùng với năm dương lịch (Anh, Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức năm ngân sách bắt đầu từ ngày 01.4 năm trước đến ngày 31.3 năm sau. Ở Canada, Thụy Điển, Nauy, Ôxtrâylia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... năm ngân sách bắt đầu từ ngày 01.7 năm trước và kết thúc vào ngày 30.6 năm sau. Ở Hoa Kỳ, năm ngân sách từ ngày 01.10 năm trước và kết thúc vào ngày 30.6 năm sau).Dù ngân sách nhà nước được xác định khác nhau giữa các quốc gia, giữa các giai đoạn lịch sử nhưng việc xác định đều tuân theo một số nguyên tắc cơ bản như: thống nhất giữa các thời kỳ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với thời kỳ quyết toán ngân sách; đáp ứng tốt nhất yêu cầu quản lý; thích ứng với đặc điểm và chu kỳ hoạt động kinh tế; phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt có liên quan đến chu kỳ ngân sách; bảo đảm tính ổn định tương đối và bảo đảm tính so sánh được của các chỉ tiêu ngân sách.Ở Việt Nam, Luật ngân sách nhà nước quy định, năm ngân sách bắt đầu từ ngày 01.01 và kết thúc vào ngày 31.12 năm dương lịch. Hàng năm, Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm sau trước ngày 15.11 năm trước.