Hệ thống pháp luật

Thừa kế có yếu tố nước ngoài thời Covid-19

Ngày đăng: 17/03/2021 lúc 11:57:59

Tình huống pháp lý:

Cha tôi là người Việt đã thôi quốc tịch Việt Nam và có quốc tịch Mỹ. Ngày 15/02/2020, cha tôi chết tại bang Texas vì mắc bệnh Covid 19. Trong tin nhắn gửi qua điện thoại, cha tôi để lại cho tôi căn nhà tại TP. Hạ Long (sổ đỏ đứng cả tên của cha và mẹ tôi, mẹ tôi đã chết từ năm 2006, nhà có trước khi cha tôi có quốc tịch Mỹ), đồng thời dặn tôi có trách nhiệm thanh toán nợ cho hai người bạn của bố tôi tại Việt Nam, số tiền không nhiều so với giá trị tài sản.  Nhà tôi có 4 anh em, 3 người còn lại khi biết nội dung tin nhắn, các anh chị đều không đồng ý. Xin Hệ thống pháp luật cho tôi lời khuyên.

Thừa kế có yếu tố nước ngoài thời Covid-19

Trả lời:

Trường hợp cha  bạn đã thôi quốc tịch Việt Nam thì cha bạn không còn là công dân Việt Nam nữa và có thể coi là người nước ngoài. Khi trở thành công dân nước ngoài, việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài được quy định tại Điều 161, Luật nhà ở 2014 như sau:

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 159 của Luật này được thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 10 của Luật này; trường hợp xây dựng nhà ở trên đất thuê thì chỉ được quyền cho thuê nhà ở.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá hai trăm năm mươi căn nhà.”

Pháp luật Việt Nam hạn chế việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, cha bạn đã đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước thời điểm thôi quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định về việc tước quyền của cha bạn với tài sản đó nên cha bạn vẫn còn quyền sở hữu đối với tài sản nhà ở sau khi xin thôi quốc tịch Việt Nam.

Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.”

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, di sản là căn nhà tại T.P Hạ Long. Do vậy, quan hệ thừa kế được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam, cụ thể là Bộ luật Dân sự 2015.

1. Xét về nội dung di chúc

Theo thông tin bạn cung cấp, sổ đỏ của căn nhà tại TP. Hạ Long do cả cha và mẹ bạn cùng đứng tên, như vậy, đây là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Cha và mẹ bạn đồng sở hữu khối tài sản này nên mỗi người có quyền định đoạt ½ giá trị của khối tài sản đó. Vì vậy, việc bố bạn định đoạt toàn bộ khối tài sản là không phù hợp theo quy định của pháp luật.

2. Xét về hình thức và năng lực chủ thể

Trước khi mất, bố bạn có gửi tin nhắn qua điện thoại để lại cho bạn căn nhà tại TP. Hạ Long, đồng thời dặn bạn có trách nhiệm thanh toán nợ cho hai người bạn. Đây có thể coi là một di chúc của bố để lại một phần tài sản của mình cho bạn thừa kế.

Đối với việc thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài Điều 681 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“1. Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.

2. Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:

a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.”

Về  năng lực chủ thể: bố bạn có quốc tịch Mỹ nên sẽ áp dụng pháp luật Mỹ. Tại Mỹ, mỗi tiểu bang có quy định về di chúc riêng. Cụ thể, theo Sec 251.001, Texas  Estate Code 2019 tại bang Texas, Hoa Kỳ quy định người có quyền lập di chúc nếu tại thời điểm lập di chúc người đó:

(1) is 18 years of age or older;

         (2) is or has been married; or

(3)is a member of the armed forces of the United States, an auxiliary of the armed forces of the United States, or the United States Maritime Service.”

Tức là:

“(1) từ 18 tuổi trở lên;

 (2) đã hoặc đang kết hôn; hoặc là

(3) là một thành viên của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, một lực lượng phụ trợ của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, hoặc Cơ quan Hàng hải Hoa Kỳ.”

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, xét về năng lực chủ thể, bố bạn đã phù hợp với quy định pháp luật tại bang Texas.

Về hình thức di chúc: để giải quyết xung đột pháp luật, Việt Nam áp dụng nguyên tắc Luật của nước nơi có bất động sản. Nếu công dân nước ngoài có di sản là bất động sản ở Việt Nam thì bắt buộc phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức di chúc.

Tại Việt Nam, di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản bao gồm:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

–  Di chúc bằng văn bản có công chứng;

– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Thừa kế có yếu tố nước ngoài thời Covid-19

Di chúc viết tay không có người làm chứng

Trường hợp của bạn, có thể coi tin nhắn mà bố bạn để lại là di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 633 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 633. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này.”

Như vậy, xét về hình thức di chúc của bố bạn không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, mẹ bạn không để lại di chúc.

Do đó, khối tài sản bố mẹ để lại được chia theo pháp luật. Căn cứ quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 615: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” và theo thứ tự ưu tiên thanh toán tại Điều 658 Bộ luật dân sự 2015, trước khi phân chia di sản phải thanh toán toàn bộ nghĩa vụ tài sản của người chết để lại. Sau đó thực hiện chia đều di sản của người chết cho những người thừa kế.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam