Hệ thống pháp luật

Thử việc quá thời hạn, không trả lương trong thời gian thử việc

Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13

Mã số: LD206

Câu hỏi:

Ngày 12/11/2015 tôi có xin vào khách san kaya để làm việc, trong khi thỏa thuận là thử việc trong 3 tháng có quy định trong hợp đồng thử việc như sau: trong 3 tháng tôi thử việc không đạt thì giám đốc cho tôi nghỉ, và ngược lại nếu xong 3 tháng tôi cảm thấycông việc và môi trường không thích hơp thì tôi có quyền nghỉ. Xong 3 tháng thử việc tôi cảm thấy công việc ngày làm hơn 8 tiếng, tôi muốn hưởng hỗ trợ khi làm 2 đến 3 tiếng mỗi ngày ở các bộ phận bếp, nhà hàng, buồng phòng không tính tiền. Ngày 29/2/2016 sau thử việc 3 tháng công ty không ký hợp đồng với tôi, tôi làm đơn xin thôi việc nộp và nghỉ trong ngày, công ty không trả lương cho tôi có đúng không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ Điều 27 Bộ luật lao động 2012 quy định về thời gian thử việc như sau:

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Như thế, thời gian thử việc tối đa trong trường hợp này là 60 ngày. Trong khi thời gian thử việc của bạn là 3 tháng (90 ngày) quá thời gian thử việc mà pháp luật quy định. Như thế, thời gian thử việc trong trường hợp này là trái với quy định của pháp luật. Vì bạn không nói rõ công việc của bạn là gì, cần trình độ như thế nào, nên trường hợp này chúng tôi sẽ lấy thời gian thử việc là 60 ngày. Các trường hợp khác thì cách làm tương tự.

Căn cứ Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì thời gian thông báo kết quả làm thử như sau:

- Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.

- Khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.

Do đó, trước 3 ngày trước khi hết thời hạn thử việc công ty không có đánh giá gì về việc đạt hay chưa đạt đối với công việc của bạn thì coi như thử việc của bạn đạt yêu cầu.

Khi hết thời hạn thử việc mà đạt yêu cầu công ty phải ký hợp đồng lao động với bạn. Nhưng công ty đã không ký trong trường hợp này. Tuy nhiên, dù công ty không ký nhưng bạn vẫn làm việc cho công ty sau đó nên vẫn tồn tại quan hệ lao động. Hợp đồng lao động trong trường hợp này được coi là hợp đồng được giao kết bằng miệng. Thời điểm bắt đầu hợp đồng lao động tính từ ngày 12/1/2016 - 29/2/2016.

Do đó, việc thực hiện các hành vi chấm dứt hợp đồng phải tuân theo các quy định về chấm dứt trong Bộ luật Lao động 2012.

Với hành vi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng: Để việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp thì bạn phải căn cứ vào các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 và tuân thủ thời hạn thông báo tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012. Trường hợp này bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng do bạn làm quá thời gian 8 tiếng (không có thỏa thuận) nhưng không đề nghị tăng lương. Bạn đã nộp đơn xin thôi việc và nghỉ ngay trong ngày đó. Cho nên chưa cần xét đến căn cứ chấm dứt mà riêng về thủ tục thông báo để chấm dứt bạn đã vi phạm quy định. Do đó, trường hợp này được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Nghĩa vụ của bạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật theo Điều 43 Bộ luật Lao động 2012 như sau:

- Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước. Do hai bên không ký hợp đồng lao động nên cũng không xác định hợp đồng lao động. Việc xác định loại hợp đồng lao động trong trường hợp này chỉ có thể dựa vào tính chất của công việc.

Người lao động phải báo trước ba ngày: Người lao động sẽ phải bồi thường nửa tháng tiền lương tiền lương 3 ngày làm việc. Trong khi bạn làm việc từ 12/1/2016 - 29/2/2016 tức là được 1 tháng 18 ngày. Nếu bạn không nghỉ lần nào, không có tăng ca thì trừ đi nửa tháng tiền lương và tiền lương ba ngày làm việc thì bạn vẫn còn được nhận 1 tháng tiền lương.

Người lao động phải báo trước 30 ngày: Theo cách tính như trên thì bạn vẫn còn 18 ngày hưởng lương.

Người lao động phải báo trước 45 ngày: Theo cách tính như trên thì bạn vẫn còn 3 ngày hưởng lương.

Do đó, nếu như thỏa mãn các điều kiện trên mà công ty không trả lương cho bạn thì hành vi này của công ty là sai.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM